Tôi xin nói về chiếc áo dài, nhân câu chuyện đăng báo, một học sinh tự vẫn không thành vì “bận” nó không kín đáo, bị cô giáo chủ nhiệm kiểm điểm, phê phán trước đám đông học sinh khác. Phê phán trước trụ cờ cần nên bỏ hẳn. Hình thức này về cơ bản không khác gì “đấu tố” thời trước. Bước vào cấp 3, học sinh ở lứa tuổi bỡ ngỡ nửa người lớn, nửa trẻ con. Hành xử thiếu hiểu biết tâm lý giới tính dễ dẫn đến những hối tiếc không đáng có, cho bản thân các em, cho phụ huynh, cho thầy cô và nhà trường.
Mặc đồng phục áo dài trắng không phải bây giờ mới có. Ở miền Nam trước 1975, hầu như học sinh nữ bắt đầu lớp đệ thất (lớp 6) đều mặc đồng phục áo dài trắng khi đi học. Học sinh nam thì mặc sơ mi áo trắng (ngắn hoặc dài tay) và quần dài màu xanh. Học sinh nghèo (như tôi hồi đó) không mua được vải quần tẹc-gan, đơ-min xanh thì có thể mua vải ca ky vàng cũ của lính, nhuộm lại thành màu xanh. Tuy nhiên, ở Hội An nơi tôi theo học, có trường như Lễ Nghĩa (của người Hoa), học sinh nam, nữ lại có đồng phục không giống trường công, nam tôi không nhớ nhưng nữ thì áo trắng dài tay và váy ngắn màu xanh. Học sinh nữ có thể chơi bóng rổ trong trường nhờ mặc váy ngắn.
Bộ áo dài giúp người mặc nó tha thướt, có phần yểu điệu. “Tà áo trắng bay bay” là hình ảnh đi vào “thơ ca” của các anh chàng học sinh mới lớn bắt đầu yêu. Mặc áo dài cho “đồng phục” có làm cho nữ học sinh thoải mái không? Tôi e là không. Nếu là lớp 6 trở lên, áo dài hạn chế các em vui chơi sau giờ học. Nếu là lớp 10 đến lớp 12, áo dài làm các học sinh nữ trở thành những người lớn…lãng mạn hơn, tuổi chớm yêu hay đang yêu hay đã yêu.
Trẻ em cấp 2 cần chỗ rộng trong sân trường để chơi đùa sau các tiết học mệt nhọc sẽ thế nào nếu em nào cũng thướt tha, lướt thướt, tù túng trong chiếc áo dài? Áo dài trắng dễ dính đất bẩn, lấm bụi dơ khi các em tung tăng chạy nhảy. Vậy là học sinh nữ ngồi tụm ba, tụm bảy, móc smartphone ra, tranh thủ lướt web trước khi vào lớp cho áo dài sạch sẽ ?
Đối với các nữ sinh tuổi dậy thì, bắt đầu lúng luyến đôi mắt ướt trước các đôi mắt sáng ngời thanh xuân của các chàng nam sinh, chiếc áo dài sẽ làm các cô nhìn yêu kiều hơn, thục nữ hơn, và chắc là sẽ lãng mạn hơn. Nhưng đó là những cô có thân hình đẹp, phù hợp với chiếc áo dài Việt Nam. Nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy chiếc áo dài rất sexy chứ không phải thanh tao, “đứng đắn”. Ngực, vai, eo và mông của thân thể phụ nữ cân đối ba vòng chắc chắn tôn lên qua chiếc áo dài có lớp vải mịn màng như da thịt bó sát. Làm đẹp là khuynh hướng chung, tự nhiên, của người phụ nữ. Học sinh nữ bận áo dài đi học chắc chắn phải “làm đẹp”. Tôi để ý các cụ bà trên 80 vẫn có người chú trọng đến… màu sắc áo quần, dáng vẻ của mái tóc, thậm chí kiểu dáng đôi guốc, đôi dép, dù họ ở tuổi “gần đất xa trời”. Làm đẹp là bản năng trời cho của phụ nữ, kể cả “phụ nữ chưa lớn” như nữ sinh.
Nếu không nhờ vạt áo dài che trước, che sau, người phụ nữ có thân hình đẹp bận áo dài, chắc chắn sẽ không được phép ra đường nếu họ ở một nước theo Hồi Giáo. Vạc áo dài tưởng che giấu “một tòa thiên nhiên” (Nguyễn Du: Ràng ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên) nhưng lại vô tình làm người đối diện – nhất là cánh mày râu – tưởng tượng nhiều hơn về cái “dày dày”, cái “trong ngọc trắng ngà” ấy, vì tâm lý đàn ông đối với phụ nữ (có cả tôi đâu): “nửa kín, nửa hở” hấp dẫn hàng vạn lần hở hang, “huỵch toẹt”.
Bận áo dài làm gì khi người bận, có thể vô tình hay hữu ý, muốn phô diễn cái “tòa thiên nhiên” của mình ở tuổi sắp sửa thanh tân, các em học sinh nữ, nhất là gái 17 “bẻ gãy sừng trâu”? Có em học sinh bị nhà trường bắt làm kiểm điểm vì mặc áo ngực, quần lót có màu sắc tương phản với áo dài màu trắng, nhất là hiện nay có nhiều loại vải “mỏng hơn lụa” và có thể “trong hơn kính”. Chiếc áo dài đồng phục tôn lên vẻ thùy mị đoan trang đâu không thấy lại thấy tôn lên trên chốn “nghị trường” Facebook hàng triệu cặp mắt ngó dòm, săm soi.
"Chiếc áo không làm nên thầy tu" nhưng chiếc áo có thể khiến người ta không thể vô chùa đi tu: những chiếc áo dài bó sát thân thể của những em học sinh tuổi đang yêu, tràn đầy sức sống. Thầy giáo trẻ có “ngó lơ” các em học sinh phơi phới xuân tình trước tuổi, học lớp 12 hay không? Tôi e là không.
Nhưng đâu có phải chiếc áo dài nào cũng đẹp với cơ thể người mặc? Có học sinh nữ thân mình “mỏng như tờ giấy”, “trên dưới thẳng hàng” thì sao? Để che giấu mặc cảm chiếc lá mùa thu, chắc các em phải cậy đến “hiệu ứng điện ảnh” bằng…những vật gì, cho nó như có “gò bồng đảo” - là ông già tóc bạc, tôi không tiện nói ra, nói nhiều e sẽ quá hớp.
Đi học đã mệt mà còn phải mang hàng giả cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm, những học sinh nữ có “dáng lá mùa thu” ấy liệu có tự tin trong học tập? Chiếc áo dài khi đó sẽ là nỗi đau khổ cho những em học sinh không may trời bắt “quá mỏng”.
Và những em có thân hình ngược lại lá mùa thu – chẳng hạn mỡ màng núc ních, như những khối tròn từ trên xuống dưới; chiếc áo dài đối với các em có thoải mái không? Chẳng lẽ các em phải mặc rộng thùng thình như những bà xơ ở nhà thờ hay các ni cô trong nhà chùa? Mặc áo dài bó sát thì khối khổng lồ cất giấu làm sao? Áo dài đồng phục của các cô có thân hình đẫy đà cũng sẽ là nỗi oan khiên kéo dài cho tới năm cuối lớp 12, thời cơ để “vĩnh biệt” thời trung học?
Có thân hình đẹp, chiếc áo dài sẽ tôn thêm vẻ đẹp. Có thân hình không ưng ý, chiếc áo dài khiến người bận thêm mặc cảm, băn khoăn. Học sinh cần tâm thế vô tư, trong sáng, trong mái trường học tập lại phải băn khoăn với mỗi ngày đến trường với chiếc áo dài “áo đi đằng áo, người đi đằng người”? Đâu phải sinh ra mọi phụ nữ, ở đây là học sinh mới lớn, đều có thân hình “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”?
Áo dài đồng phục giúp họ học tập tốt hơn không nếu họ bận đồng phục mà không phải là áo dài? Áo dài đồng phục có làm cho các học sinh ở tuổi hiếu động bị hạn chế trong sinh hoạt hay không? Và nếu đồng phục nhưng không phải là áo dài có được phép tồn tại hay không? Hay phải đồng phục là áo dài trắng cho học sinh đượm chất nữ tính, khi tương lai học sinh nữ sẽ là phụ nữ Việt Nam đoan trang nhờ áo dài?
Và câu hỏi cuối, ai là người nghĩ ra và buộc áp dụng toàn nước từ trước và sau năm 1975 cho tất cả học sinh nữ khi bước vào năm đầu bậc trung học?Tại sao họ không nghĩ ra chuyện đồng phục cho học sinh nữ không phải là áo dài?
Đồng phục nhưng phải đồng phục áo dài trắng cho các em nữ, ngoài lý do bất tiện như tôi nêu ở trên, còn một lý do sâu xa nữa: đàn ông luôn có tư tưởng trọng nam khi nữ. Trong khi nam học sinh không bắt bận áo dài (và khăn đóng cho trọn bộ phong kiến) thì tại sao nữ học sinh “các ông” buộc họ phải mặc áo dài đồng phục khi đi học?
Hết cái thời “cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” (*) rồi ! (có thể hiểu rộng ra “cho vừa lòng ông”). Tôi phải thẳng thừng chê trách thi sĩ lãng mạn nhất VN viết cái câu quá…lạc hậu như thế nếu cứ áp dụng cho đến ngày hôm nay - thế giới của “@” của “.com”.
Khi đồng phục cho các em học sinh nữ không buộc phải là áo “dài trắng” thì bộ giáo dục sẽ không còn lo lắng có học sinh phải tự tử vì bận áo dài gợi dục trong học đường bị “đấu tố”.
Và lúc đó, cái ý muốn “gia trưởng” buộc người khác phái của quý ông phải “tha thướt” trong tà áo dài trắng, trong khi các ông thì không bận áo dài, sẽ không còn nữa. Học sinh nữ - là phụ nữ tương lai - sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho phân nửa nhân loại này trong đó có mấy mấy ông ở VN nếu họ tự do không lấy áo dài trắng làm đồng phục khi còn ở tuổi tự do tung tăng như cánh bướm mùa xuân. Áo dài sẽ đẹp nếu người mặc tự do muốn mà không bị bắt buộc phải “đồng phục “ ngay trong học đường.
(*) Nguyễn Bính.