Đặt hai địa danh gần nhau, một ngôi làng quê và một chốn kinh thành, tôi sắp kể câu chuyện duyên nợ của cả hai: mộc Kim Bồng (1) và mỹ thuật gỗ Huế.
Nhiều người nghĩ rằng, Huế đi trước Kim Bồng về mọi cái chứ không chỉ là nghề mộc. Mỹ thuật cố đô khác một trời một vực với nghề thợ mộc làng quê. Nhưng sự đời tréo ngoe không như người ta nghĩ. Nghề mộc làng Kim Bồng có trước mỹ thuật gỗ của kinh thành Huế.
Kim Bồng là một làng của tỉnh Quảng Nam. Nghề mộc không xuất phát từ Huế. Cũng như mọi nghề thủ công khác, nghề mộc Quảng Nam xuất phát từ một tỉnh nào đó của miền Bắc, có thể là Thanh Hoá hay Nghệ An gì đó, hai địa phương có nhiều người theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Trong mọi gia phả (tôi không nói hầu hết) dòng họ ở Quảng Nam, những người đầu tiên có mặt trong vùng Thuận Quảng đều phát xuất từ “đàng Ngoài”. Nghề mộc, do đó, cũng theo chân người Việt vô Nam.
Ảnh: Tay nghề thợ Kim Bồng.
Trước khi Gia Long thống nhất sơn hà, nhà Nguyễn đã bắt đầu xây dựng các kiến trúc của họ ở nơi sau này gọi là Phú Xuân rồi kinh đô Huế. Trịnh Nguyễn phân tranh, các thợ chạm trổ, điêu khắc gỗ cho cung điện ở Huế không thể tuyển từ địa phương của “địch” vì lý do chiến tranh. Ngôi làng mộc Kim Bồng nằm trên một “hòn đảo” bao quanh bởi cuối con sông Thu Bồn là nguồn cung cấp những nghệ nhân nghề mộc đầu tiên cho Huế. Lý do: “Thủ đô” không thể hội tụ những những anh chàng “thợ mộc”; nó là nơi dành cho giới áo mão cân đai. Giới “chân lấm tay bùn” khó mà chen vai thích cánh chốn “triều ca”.
Nhưng vì sao mỹ thuật gỗ Huế nổi tiếng hơn nghề mộc Kim Bồng? Dễ hiểu thôi. Nông dân làm sao mà so đọ với quan viên. Ông tổ nghề mộc Huế của làng Mỹ Xuyên là một vị quan lại. Ông trực tiếp chỉ huy việc xây dựng phần mộc của cung điện Huế. Thấy tài hoa tay nghề những người thợ Kim Bồng, ông mon men tìm hiểu và học hỏi.
Nhờ có óc quan sát nhạy bén và hai bàn tay tinh tế, khi cáo quan về dân, ông tổ chức cho dân làng cái nghề mà sau này đóng góp rất nhiều cho cung điện hoàng gia. Tất nhiên, những nghệ nhân trai trẻ Kim Bồng, “ thấy cô gái Huế, chân theo không rời”, là những người giúp vị quan này phát triển nghề mộc, để làng Mỹ Xuyên nổi tiếng ngày nay.
Vì sao tôi cả quyết nghề mộc Huế “di cư “ từ Quảng Nam? Không phải là “nghe kể”. Tác phẩm tiêu biểu cho xây dựng gỗ (không bằng bê tông, cốt thép như ngày nay) là nhà rường cổ Quảng Nam. Hiện nay, huyện Tiên Phước còn sót năm bảy cái có tuổi thọ hàng mấy trăm năm tuổi. (Ngô Đình Khôi, anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, lúc tại chức từng hỏi mua một ngôi nhà tại đây nhưng không mua được).
Một cái tủ thờ bằng gỗ quý có tuổi thọ hơn 200 năm (ảnh), hiện còn để nơi chính điện của nhà thờ tộc Huỳnh, làng Cẩm Kim, Hội An, tức xưa kia là làng Kim Bồng. Lúc có mặt tại đây năm 1652, họ Huỳnh bắt đầu lập một cái nhà thờ tộc thô sơ. Và mấy chục năm sau, một ngôi nhà thờ tộc “kiên cố” được dựng lên, chiếc tủ thờ xuất hiện thời đó.
Ảnh: Tủ thờ hơn 200 năm.
Những năm chiến tranh ác liệt, họ Huỳnh chuyển nơi thờ tự qua Ngọc Thành, ngoại ô của phố Hội An cho “an ninh” hơn. Nhờ thế, chiếc tủ thờ mới không cháy theo binh lửa. Nay, nó nằm trang trọng trong ngôi nhà thờ có những cây gỗ quý cả một người ôm. Ngôi nhà thờ này hiện nay là một trong những điểm tham quan hấp dẫn cho người nước ngoài quan tâm đến điêu khắc, chạm trổ hay kiến trúc gỗ.
Ngôi nhà thờ tộc nổi tiếng về mỹ thuật ở Hội An này là “tác phẩm” của nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri (ảnh), truyền nhân của làng mộc Kim Bồng. Khi vào thắp nhang ở đây, tôi nhận ra, “nhà rường Quảng Nam” là tính cách của người dân xứ Quảng thể hiện qua sự bài trí xây dựng và trang trí nội thất trong ngôi nhà thờ này. Một ví dụ nhỏ về điêu khắc. Cũng là đầu rồng , nhưng con rồng Quảng khác xa con rồng Huế. Gương mặt con rồng Quảng hiền hòa, giản dị, gần gũi, khác xa gương mặt rồng Huế, uy nghi, phức tạp và cao sang.
Quý vị hãy chú ý khi có dịp quan sát hai con rồng ở hai nơi ấy và sẽ không cho là tôi nói khoác. Những chi tiết khác trong các tác phẩm điêu khắc ở các ngôi nhà cổ Quảng Nam và cung điện Huế đều thể hiện sự khác nhau giữa tính cách con người cách nhau qua cái đèo Hải Vân ngất cao và hùng vĩ. Cái chất nghề mộc nông dân trở thành cái chất Mỹ thuật vương giả. Tất cả nhờ sự giao lưu. Đương nhiên, ngày nay nghề mộc Huế nổi tiếng hơn mộc Kim Bồng. Nhưng nguồn gốc thì phải nói cái nghề tổ tiên truyền lại ấy xuất phát từ Quảng Nam, mà làng Kim Bồng trở nên một từ ngữ "thương hiệu" Mộc Kim Bồng.
Có thể là họ tộc bên vợ nên tôi ca ngợi cái nghề ấy chăng? Cũng có thể. Và cũng không hẳn.
Làng mộc Kim Bồng có nghệ nhân Huỳnh Ri. Là dân quê nhưng ông được mời đi khắp nơi trong nước và thế giới để truyền đạt cái tài hoa mỹ thuật gỗ VN trong những hội thảo nghề mộc cổ truyền. Con trai ông, hai người, học hành bài bản hơn cha. Một từng là “kiến trúc sư” trưởng của khu du lịch Tuần Châu (Hải Phòng), khu du lịch Vinpearland Hội An. Một là kiến trúc sư Huỳnh Sướng (2), tác giả bức tượng Phật gỗ lim cao 5 mét tại chùa Thiên Trúc, Sài Gòn. Anh nhỏ thó như cha, từng khiến các nghệ nhân Brazil ngạc nhiên đón tiếp tận phi trường, với chiếc xe “hoành tráng”, tưởng người Việt rất to con, vì đánh thắng Mỹ. Không ngờ ông chỉ cao một mét rưỡi. Dù thấp nhưng nghệ nhân gỗ quốc tế đều ngước mặt nhìn ông, một nghệ nhân gỗ VN, tuần sau (lúc tôi gặp ông) là đi Lion, Pháp, theo lời mời của hiệp hội nghề mộc Pháp.
Vì sao “thợ mộc Huế” không ai được mời đi hội thảo nghề mộc quốc tế, mà thợ mộc Kim Bồng lại có vinh dự đó? Tôi xin nhường lời cho quý vị.
Ảnh: Nhà thờ tộc Huỳnh (Hoàng) Cẩm Kim, Hội An.
Nghề mộc có mai một không? Không. Tôi vào thăm chùa Viên Giác, Hội An, vị trụ trì tại đây đang cho người tu sửa nội thất. Có hai “dòng” thợ điêu khắc: một số từ Huế và một số từ Kim Bồng. Vì sao như thế. Sư đáp, cần kết hợp tinh hoa nghề mộc “nông thôn chất phác” và sự tinh tế tài hoa chốn kinh thành. Nghệ thuật giúp con người “hoà quyện” nhau để cho ra đời những tác phẩm “có một không hai “. Vì sao không sử dụng máy móc trong điêu khắc? Vị sư thầy trí thức ấy đáp: Làm bằng thủ công, nghệ nhân “thổi hồn “ vào tác phẩm. Máy móc tinh vi nhưng vô hồn. Nhà chùa muốn duy trì cái hồn dân tộc. Tôi ra về và suy nghĩ mãi: Đúng. Dẫu cho công nghệ năm bảy chấm (4.0- 5.0 hay gì gì đi nữa), hồn Mỹ thuật gỗ, nôm na Nghề mộc, sẽ trường tồn cùng dân tộc. Nếu có dịp tham quan ngôi chùa này, nhìn những tác phẩm điêu khắc, quý vị sẽ không cho tôi thiên vị, khi đề cao cái nghề mộc Quảng Nam mà cụ thể là nghề mộc Kim Bồng.
Ghi chú:
(1) Nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng Châu Ký, nhà nghiên cứu văn hóa; Huỳnh Sơn Phước, cựu phó chủ nhiệm báo Tuổi Trẻ; Trương Quang Được, cựu phó chủ tịch quốc hội; Trương Quang Nghĩa, cựu bí thư Đà Nẵng và nhiều người nổi tiếng nữa mà tôi không biết hết.
(2) Tác giả bức tượng Phật bằng gốc lim cao nhất nước (5 mét, tính luôn bệ) lấy từ vùng rừng núi Quảng Nam. Tôi hỏi làm tượng điểm khó nhất ở đâu?. Ông Huỳnh Sướng đáp: Điểm nhãn. Tượng có hồn hay vô hồn là ở đôi mắt tượng hình người. Điều kỳ diệu xảy ra khi đặt tượng vào bệ. Cần cẩu đang kéo tượng lên để đặt vào bệ thì đứt dây cáp. Trọng lượng của bức tượng ước gần 3 tấn rơi đúng ngay đế bệ, chỉ lệch chưa tới 1 tấc. Nếu khối tượng gỗ lim rơi ra ngoài bệ hay vỡ bệ thì người đứng cạnh chứng kiến lễ thỉnh tượng sẽ chết hoặc bị thương, không dưới chục. Sự việc xảy ra khiến bức tượng càng thêm linh ứng. Vị trụ trì này, hơn 30 năm trước, đã về quê mình là Đại Mỹ (xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) để đặt làm bức tượng Phật bằng gốc gỗ khổng lồ này. Đây là rừng núi quê tôi, ngày xưa nổi tiếng nhiều cây lim cổ thụ, có thể là nhất nước.