Sunday, December 31, 2023

NHÀ THỜ THÁNH PHÊ-RÔ, VATICAN, một kiến trúc kỳ vĩ.

Khi đặt tên tông đồ mình là Peter, Jesus muốn người chăn chiên kế tục ngài đầu tiên là tảng đá.

Và đúng là đá. Hơn 2 ngàn năm, đàn chiên của ngài không ngừng phát triển và bền vững. Đền thờ thánh Phê-rô là chứng nhân cho niềm tin đá tảng.

Mặt trước nhà thờ thánh Phê Rô

Khi kiến trúc và nghệ thuật lên tiếng, đền thánh không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo. Nó là niềm hãnh diện của nước Ý. Và cũng là niềm hãnh diện của loài người.

Chưa có dịp đi nhiều nơi, chẳng hạn như Mỹ, tôi không hình dung, hơn năm trăm năm trước, phương tiện còn thô sơ, làm sao con người có thể xây dựng một thánh đường mà cột, kèo, đòn tay, rui mè…không thấy, nhưng lại có những mái vòm cao vút, phải ngửa mặt lên mới nhìn được những chạm trổ, hoa văn,  bích họa, phù điêu…đầy hình dạng, màu sắc, kích cỡ. Hình ảnh sinh động của những tác phẩm nghệ thuật như mới hoàn tất gần đây dù vẫn biết chúng hình thành hàng mấy trăm năm trước.

Mọi bức tường, mọi khung cửa, mọi giá kệ trong nhà thờ đều thiết kế, trang hoàng hoặc bằng tranh, bằng tượng, bằng vật liệu trang trí tôn giáo. Không gian nhà thờ rộng lớn, có thể nói là mênh mông, chia làm ba phần, hai bên nhỏ hơn ở giữa, sảnh đường dẫn vào bàn thờ hành lễ. Hai sảnh hông cứ khoảng 20 mét lại có một sảnh khác, thẳng góc với sảnh chính, tạo nên một cái nhà thờ con, cũng có ghế ngồi chia làm hai dãy hướng về bàn thờ lễ, tại nơi đây, có tổ chức một thánh lễ riêng, và rất nhiều nhà thờ con tương tự như thế trong nhà thờ chính. Có thể nói nhà thờ Phêrô chứa hàng chục nhà thờ con trong bụng của mình. Đương nhiên, trang trí tranh, tượng (không hẳn tất cả là tượng thánh) không khác nhà thờ chính nhưng quy mô nhỏ hơn và không kém phần nghệ thuật.

Ánh sáng trong nhà thờ luôn luôn mờ ảo. Có lẽ ánh sáng chói chang dễ làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật. Sự lung linh của ánh sáng phát ra từ nhiều màu sắc của các tác phẩm trang hoàng khiến nhà thờ kỳ vĩ này càng lung linh ảo diệu hơn.

Quý vị sẽ đắm mình trong không khí thiêng liêng khi bước chân vào đây, lòng ngưỡng mộ, tâm hồn choáng ngợp, vì sắc màu kỳ bí, pha lẫn giữa cái đẹp của nghệ thuật và sự huyền bí từ các vị thánh ở những bức tranh, hay các tượng thánh tôn giáo, dù bạn không phải là tín đồ như tôi.

Tôi không bao giờ quên ấn tượng duy nhất về người phương Tây ở điểm này: Từ các nhà thờ ở Phần Lan, Pháp, Đức rồi đến Ý, chưa bao giờ tôi trải nghiệm không gian yên tĩnh trong mọi nơi thờ phượng khi có hàng trăm khách tham quan, không phải là tín đồ. Có lẽ tâm trí chú trọng hết mức vào việc chiêm ngưỡng các tác phẩm danh tiếng của những họa sĩ, điêu khắc gia bậc thầy thế giới nên họ cần tĩnh lặng chăng (trừ trẻ con) trong khi, với tôi, việc thăm thú các kiến trúc kỳ vĩ như thế này chỉ để thỏa mãn sự tò mò về văn hóa và văn minh phương Tây “nó ra làm sao”.

Nếu có vài chục người châu Á như tôi, ngôi đền thánh Phê-rô hùng vĩ yên bình này chắc chắn sẽ náo nhiệt lên bởi những câu hỏi, những bình phẩm, những so sánh Ta- Tây chăng. Lạc vào đám đông trật tự, không một tiếng nói cười, tôi có cảm giác mình “văn minh” hơn lên.

Lính canh tòa thánh; tất cả đều tuyển người Thụy Sĩ.

Ước ao tận mắt nhìn thấy tác phẩm của điêu khắc gia danh họa thế giới của mọi thời đại, như Michelangelo của tôi đã thành sự thật. Cả đời chỉ biết họ qua sách báo. Kiệt tác của họ trên đầu tôi, bên dưới cung thánh, sáng như in trong ký ức. Tôi có cảm giác như sờ vào tác phẩm. Họ bỏ ra công sức và thời gian bao lâu để sáng tác ra hàng loạt bức tranh, tác phẩm điêu khắc lừng danh kia? Và tôi không thể hạnh phúc hơn khi chỉ bỏ ra chưa đầy nửa tiếng để ngắm nhìn tác phẩm tâm huyết cả cuộc đời những nghệ sĩ tài hoa.

Tác phẩm điêu khắc đá của Michelangelo

Ánh sáng nhà thờ, hay ánh sáng của Chúa, hay ánh sáng từ nét cọ của họa sĩ, đã làm cho tác phẩm lung linh và thiêng liêng như của thánh thần từ trời mang xuống trần gian?

Khi ra Hà Nội hay vào Huế, tôi thăm nhiều kiến trúc tôn giáo, văn hoá, lịch sử, và chưa bao giờ tôi cảm thấy choáng ngợp như khi đi vào nhà thờ chính của Roma, chính xác là của Vatican này. Phải bỏ ra một ngày mới có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu ý nghĩa của từng tác phẩm trong nhà thờ. Tất cả đều có ghi chú tiếng Anh bên tiếng Ý.

Tầm vóc con người trong quá khứ, tôi không nói trong tương lai, thể hiện qua các kiến trúc. Trung Hoa có Tử Cấm Thành, Pháp có Louvre, thì Ý có đền thánh Phê-rô (Tôi không nhắc đến đấu trường La Mã cổ đại). Tôi muốn so sánh sơ sài như thế. Thời gian xây dựng hẳn phải dài. Công sức bỏ ra hẳn phải  lớn. Nghệ thuật trang hoàng hẳn phải tuyệt mỹ. Và cuối cùng, thái độ con người đối với tác phẩm của đồng loại: trân trọng sự kế thừa.

Không vì lý tưởng “cách mạng” mà phá hủy thành quả của các thế hệ những người đi trước kể cả giới cầm quyền. Phá hủy đền đài, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, nhà nguyện, là phá hủy nghệ thuật, phá hủy công sức của tiền nhân, phá hủy chiều sâu văn hoá dân tộc.

Nhà thờ “con” trong nhà thờ lớn.

Chỉ cần một nắm rơm làm mồi lửa cách mạng như 1789 của Pháp, tôi và hàng triệu triệu người trên thế giới làm sao biết được một trong những đỉnh điểm kiến trúc và nghệ thuật của con người nằm trong tòa thánh Phê-rô này? Nhìn người, tôi nghĩ đến ta. VN qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sự bảo tồn bảo tàng xảy ra rất ít. Ông cha ta không có kiến trúc nào nổi bật hay sao?

Mô hình đức giáo hoàng Gioan XXIII

Xin lưu ý: Tất cả tượng trong toà thánh đều điêu khắc từ đá. Tranh vẽ có niên đại hàng mấy trăm năm. Hôm tôi vào thăm, nhà thờ không mở lối xuống thăm mộ thánh Phêrô, tông đồ của chúa Jesus, tên của nhà thờ này.