(Nhân phát hiện một sắc phong của vua Quang Trung).
Người dân 3 miền Trung, Nam, Bắc cùng một đất nước nhưng có đặc điểm không giống nhau, tôi muốn nói về tinh thần giữ gìn di sản quá khứ. Tinh thần bảo tồn quá khứ có phần nổi trội hơn ở người miền Bắc.
Vì sao? Qua nhiều biến động chính trị khắc nghiệt của lịch sử, chùa chiền đình đền miếu mạo ở các làng mạc còn duy trì nhiều hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhận xét của tôi có thể hạn hẹp nhưng điều chắc chắn chiến tranh tác động rất lớn ở miền Nam nhất là miền Trung hơn ở miền Bắc. Việc bảo tồn di sản do đó rất khó khăn.
Một loại di sản có sức sống nhưng lại tiềm ẩn, gần “vô danh” trong dân: các sắc phong của nhà vua qua các thời đại. Ở một ngôi làng nhỏ của vùng Chu Lai, tôi tình cờ phát hiện một sắc phong của Nguyễn Huệ cho ông Ngô Hào Hy, chánh lãnh hầu của vua Quang Trung.
Sắc phong dịch Việt ngữ
Chỉ hơn 230 năm, bản sắc phong đã ở trong tình trạng hư hỏng, có chỗ bị mối ăn. Với con dấu của vua Quang Trung, bản di chỉ này mang nhiều giá trị lịch sử không chỉ trong dòng họ của gia đình họ Ngô ở làng Phú Quý (nay thuộc Tam Mỹ Đông, Núi Thành, Quảng Nam).
Chánh lãnh hầu là chức quan rất lớn chỉ huy một đơn vị quân đội vốn hùng mạnh dưới triều vua Quang Trung. Như vậy, những ngôi làng khác hình thành khi châu Ô và châu Rí là lãnh thổ của Việt Nam, liệu có còn những chứng tích lịch sử như sắc phong giống trong một ngôi nhà tuềnh toàng mà tôi vừa phát hiện sáng nay? Chắc chắn còn rất nhiều. Sắc phong của vì vua nổi tiếng có tài thao lược hàng đầu trong lịch sử cận đại có giá trị gấp chục lần những bằng khen của các vị vua ngày nay vì sự hiếm hoi và mang đậm dấu ấn lịch sử.
Bảo tồn của nhân dân có lẽ rất phong phú và đa dạng không hẳn chỉ mỗi sắc phong. Chẳng hạn: Ở chính ngôi làng vùng đồng bằng (Phu Quý) này có một cánh rừng khoảng 10 hectare duy trì cho đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Làng Đa Phú (cũ) ở cạnh cũng có cánh rừng cùng diện tích.
Cứ mỗi 5 năm, dân làng đứng ra cắt những cây nhỏ bán làm củi đốt lấy tiền sung quỹ. Dân làng có quyền lấy cây cành khô về đun, không được chặt cây sống. Đó là cách bảo tồn thiên nhiên của cha ông chúng ta. Bảo tồn thiên nhiên chấm dứt sau 1975 với những quy hoạch trồng rừng. Cây cổ thụ hàng mấy trăm năm như mít nài, cồng, cầy, cốc, sao…trở thành tài sản gỗ cây của nhóm người chức quyền hay giàu có.
Sắc phong của vua Quang Trung. Ảnh tác giả.
Khi qua Đức tôi mới ngạc nhiên, giữa thủ đô Berlin là cả những cánh rừng nguyên sinh. Đô thị hóa không làm cho người Đức đánh mất thiên nhiên. Và tôi cũng ngạc nhiên, hàng trăm năm trước, tiền bối người VN cũng có ý thức bảo tồn thiên nhiên không khác mấy người dân châu Âu.
Từ một bức sắc phong của vua ban cho một vị chỉ huy quân sự ở một ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam, tôi mong muốn, người Việt, trước hết là “người Việt lãnh đạo” hãy có cái tâm với nước nhà. Trước một công trình hãy nghĩ đến thiên nhiên. Có thể phá rồi xây lại một ngôi nhà cao 5 tầng trong 1 tháng nhưng không thể chặt rồi trồng một cây khác cao như ngôi nhà, vì phải mất hàng mấy trăm năm.
Con người văn hóa là con người vừa biết bảo trọng quá khứ vừa biết phát triển tương lai. Cánh rừng ở hai làng trên chỉ còn trong ký ức nhưng bức sắc vua phong vẫn còn ở chỗ trân quý trên ban thờ của người dân. Nhân dân chính là người bảo tồn tốt nhất. Chứ chưa hẳn người quản lý nhân dân.