Ngày xưa, mỗi lần đón Tết, dân làng tổ chức chơi bài chòi. Bài là quân bài (32 con) và chòi là chỗ ngồi người chơi. Có thể gọi: đánh bài chòi, hát bài chòi, hô bài chòi và chơi bài chòi.
Chòi có sàn cao hơn đầu người và bậc thang leo để ngồi; chòi làm bằng tre lợp tranh (mỗi mái 2 tấm) chia thành 2 dãy, mỗi dãy 5 cái. Chính giữa là chòi hiệu (chòi tổng), nơi đặt trống và một cây tre, cao quá đầu, trên cùng là ống chứa 32 thẻ tre dan hình 32 quân bài, có tên như học trò, nọc thược, bạch tuyết, thái tử…Mỗi chòi có một hay hai người chơi (hùn tiền mua).
Mỗi người mua một cây bài là một thẻ tre to có dán 3 con bài, tương ứng với 3 trong 32 con của chòi tổng. Mỗi lần hô, sau một tiếng trống, người chạy hiệu, tay cầm lá cờ và một con bài mang đến cho ai có bài trùng tên. Ba con liên tục trùng tên với thẻ mình đang có, người chơi sẽ thắng (gọi là tới). Bài do vậy còn có tên “bài trùng”. Một hồi trống vang lên thật dài, thật to, trong tiếng reo vui của người vừa “tới”. Tiền thưởng bằng số tiền 10 chòi mua trích lại 1/10, 100 đồng sẽ để lại 10 đồng cho chòi tổng, tức người tổ chức.
Cái hay của bài chòi không nằm ở chỗ thắng thua. Nó hay ở chỗ “hô” bài chòi. Người hô thuộc rất nhiều bài thơ, bài ve, điệu hát. Trước khi công bố tên con bài sẽ có một bài như thế xướng lên. Người chơi nhiều, chơi quen, sẽ hiểu bài ấy ám chỉ một tên của quân bài trùng. Người ngồi trên chòi sẽ gõ tiếng mõ để anh hiệu biết, đến kiểm tra trước khi trao cờ.
Tiếng hô bài chòi rất to và lảnh lót, nhưng cũng có lúc trầm bổng, có lúc du dương, có khi khoan, có khi nhặt… Khi thấy các chòi ở tình trạng sắp có kẻ tới, tức ai cũng “thủ” 2 chiếc cờ, người hô sẽ từ tốn, đĩnh đạc, tìm một bài hát hay bài thơ dài, một cách ’câu giờ’ trong bóng đá, để bàn thắng thêm hồi hộp, thót tim, và hấp dẫn.
Tiếng còi của trọng tài vang lên dứt khoát không khác chi câu cuối của bài hát cho biết chiếc cờ thứ ba, tức cúp vàng sẽ về chòi nào. Tiếng trống chòi tổng giục lên liên hồi trước khi vang một hồi dài chấm dứt. Tiếng mõ ở chòi thắng vẫn còn nghe gõ đều, như tỏ bày niềm vui không muốn dứt.
Một anh hiệu trang phục như lính triều đình sẽ mang đến người “tới” số tiền trong một chiếc khay cẩn xà cừ, bên cạnh là mấy miếng trầu trong đĩa cho người thắng là bà, hoặc một ve rượu với chiếc ly cho người thắng là ông. Số tiền thắng sẽ để lại một hai đồng cho ban tổ chức. Nhà quê chưa hẳn quê, họ đâu thua người Mỹ, cho tiền tip như ai. Đương nhiên ông bà cao tuổi rất thích tham gia chơi bài chòi, sẵn sàng thưởng cho người hô bài chòi tài năng với 1,2 đồng khi mình may mắn.
Dù ván chơi kéo dài có khi nửa tiếng chưa có ai tới, cụ ông cụ bà vẫn thích, thích nghe “hô” bài chòi. Ông ‘tổng’ nào có tài ứng tác trong khi hô bài chòi luôn luôn là thần tượng của dân làng, không hẳn dân chơi bài chòi. Mà có cả trẻ con chúng tôi, hồi ấy, rất "nghèo" trò chơi Tết, ngoài đánh bi, đánh sấp ngửa (quay đồng xu) ăn “dây thun” (cột túi ni lông ngày nay) trong mấy ngày Xuân.
Làm chòi là công sức của cả dân làng, có khi cả tuần mới xong nhưng thời gian chơi bài chòi chỉ giới hạn trong ba ngày Tết. Chơi lấy vui, lấy hên, lấy lộc đầu năm. Chẳng hạn tới cờ có con “mỏ đỏ”, người chơi sung sướng như lên tiên, cả năm sẽ đỏ. Hay có con thái tử, người chơi sẽ mong con cháu họ trong năm sinh đặng con trai nối dõi tông đường.
Nhưng nghe hô bài chòi là chính, nhất là những bài ứng tác hay xuất khẩu thành thơ, thơ bài chòi. Ứng khẩu theo hứng khởi tạo cái hay đồng thời tạo bất ngờ, không ai đoán con bài gì sẽ ra.
Ngày nay, bài chòi có người già chơi không, như ở Hội An tổ chức mỗi tối trong mùa du lịch? Khách du lịch tham gia bài chòi theo kiểu ’chơi cho biết ‘, trải nghiệm cái gọi là văn hoá dân gian của người Quảng Nam. Chòi cũng làm bằng tre nhưng rất công kỹ, mái, sàn, trang trí đẹp đẽ với nhiều màu sắc của ánh đèn màu rực rỡ.
Các bài hát, bài thơ (hầu hết là lục bát hay song thất lục bát); nếu để ý, quý vị sẽ thấy không bài nào được ứng tác theo tình huống của trò chơi, tạo kết quả bất ngờ không ai đoán được, dù ý nghĩa của các bài hát chòi đa dạng, vui, tươi, giễu, nhại…đủ cả. Bài chòi theo một mô-tip nhất định. Khán giả chỉ tò mò tham gia, tò mò nghe người Quảng hát giọng Quảng. Họ không còn hứng thú như ông bà chúng tôi, mong cho mau đến Tết, để “chơi “ bài chòi, để nghe “hô” bài chòi. Có lẽ đó là lý do bài chòi trở thành trò chơi nhiều hơn là trải nghiệm văn hoá dân gian. Không tin, quý vị hãy quan sát Tây... chơi bài chòi. Họ biết con bài ra, người hiệu giương một cái bảng to tướng, nhờ trùng với con bài họ đang giữ, và mấy âm giọng Mỹ “en- ếch-wai- en-ji- ếch-i-âu” (nhi ngheo- nhì nghèo). Đố ông Tây bà đầm nào hiểu các bài thơ bài hát chỉ dấu cho con bài nào.
Người Việt ra sao? Toàn là giới trẻ, thi thoảng có vài bác có tuổi. Và người chơi rất ít. Tò mò là chính. Và tôi chưa thấy ai “bo” các anh hiệu hay cô hát bài chòi vì quà thưởng là hiện vật tượng trưng. Điều đó không buồn. Điều đáng buồn là, bài chòi ít người tham gia, có lẽ nó chưa làm tròn trách nhiệm truyền bá văn hóa dân gian: chí ít là giọng nói, giọng hát phải “quê một cục “ như Trường Giang hay Hoài Linh. Các bài hát nên chú trọng nhiều tính văn học truyền thống mở nước ngày xưa ở "Quảng Nam quốc". Phần giễu cợt, trêu ghẹo nên cân đối với phần văn chương chính thống xứ Quảng, xứ của hò, vè, xứ của không biết cơ man nào “thi sĩ, nhà thơ”.