Thursday, December 7, 2023

Phiếm luận về KÍNH ĐEN

Người Bắc gọi kính, người Nam gọi kiếng, kính đen, kiếng đen. Thực ra, kính (làm)mát (mắt) thường gọi là kính đen, dù kính có nhiều màu: đen, nâu, xanh lơ, xanh lá cây, xanh nước biển, có cả tím nhạt, vàng…Kính để ngăn bớt ánh sáng chói vào mắt khi ra ngoài, nhất là ngày nắng to, nắng gắt, nắng chói chang.

Kính mát có loại là kính độ, nhất là kính cận thị. Người đeo vừa che mát vừa giúp mắt nhìn tỏ. Có câu chuyện “cười ra nước mắt “ về kính vừa mát vừa (có) độ (cận).

Sau 30/4/75, bạn tôi đi trình diện cải tạo vì nó là sĩ quan. Nó đang ở Mỹ (diện HO)nhớ lại:

- Tên anh là gì? Binh chủng và chức vụ?

-Dạ, thưa đồng chí, tôi tên Châu Văn Ân, thiếu uý, sĩ quan tâm lý chiến.

Một tiếng quát to:

- Ai là đồng chí của anh?

Bạn tôi xẻn lẻn; hắn tưởng gọi đồng chí là kính trọng. Cán bộ nạt hắn là đúng.

- Anh vô đây mà còn đeo kiếng đen hả?

- Dạ, thưa ông- bạn tôi rụt rè thay cách xưng hô, hồi đó chưa quen “thưa cán bộ”. Không đeo thì không thấy đường.

- Vô lý. Không ai lấy kính đen ra mà không thấy đường.

- Tôi không thấy đường thật nếu không đeo kính. Tôi cận thị nặng.

- Anh đừng có mà qua mặt tôi. Ngu.y không bao giờ sử dụng người không thấy đường để đi lính, huống hồ anh là sĩ quan.

Những năm 1970, nhiều người miền Nam chưa hẳn rõ hết có loại vừa kính độ vừa kính mát. Vị cán bộ này có lý của mình. Ông ở rừng ra không rõ là phải.

Thế là bạn tôi buộc phải gỡ kính cầm trên tay. Dù mắt nhiều độ hắn vẫn lờ mờ thấy đường. Vì là cận, nhìn gần rất rõ, hắn ký rất chỉn chu và ghi nắn nót họ tên, rất rõ ràng. Thấy vậy, vị cán bộ cười khẩy: đúng là tâm lý chiến hết thời. Lừa ai chứ lừa được tôi à: Không đeo kính đen là không thấy đường.

Câu chuyện của bạn tôi, buồn cười, lại làm cho tôi rất yêu kính đen- kính mát. Trong các vật dụng yêu thích: đồng hồ, bút máy, kính mát là cái tôi thích nhất.  Người thân biết vậy nên có ai đi du lịch nước ngoài hay ở nước ngoài về, nếu yêu mến tôi, họ thường mua cho tôi kính mát. Và tôi rất quý chúng. Có thể bỏ quên đồng hồ hay vật dụng quý giá khác, tôi không bao giờ bỏ quên hay làm mất kính mát. Có lần vừa chạy xe, vừa đeo kính, sơ ý rơi kính, và rất xót xa, chiếc xe chạy sau cán nát chiếc kính, tôi có cảm giác nghe rõ tiếng kính, gọng vỡ vụn dưới bánh xe oan nghiệt. Từ đó, tôi không bao giờ vừa chạy xe vừa đeo kính.

Có lẽ mọi người nghĩ tác dụng của kính mát là làm dịu mắt, ngăn ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím. Kính mát còn tô điểm gương mặt người đeo. Không vậy thì các ca sĩ sẽ không đeo trong lúc trình diễn ngay cả ban đêm. Ai từng mê phim cao bồi Mỹ đều nhớ hình ảnh oai hùng của diễn viên đẹp trai cưỡi ngựa lưng lặc lè khẩu ru lô, đầu đội mũ cao bồi. Hàng trăm bức ảnh của minh tinh điện ảnh hay ca sĩ nổi tiếng thế giới thường xuất hiện trên các trang báo ảnh hay trước rạp hát, xinh đẹp càng xinh đẹp nhờ đeo kính đen.

Có một tác dụng khác rất quan trọng của kính đen (kính mát) là giấu đôi mắt người đeo. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tôi không nói tâm hồn của các vệ sĩ lăm lăm nhìn qua các cặp kính đen, nhất là vệ sĩ của các tổng thống Mỹ.

Ở VN, chỗ đông người tôi ít đeo hoặc không đeo kính đen. Lý do: tránh người khác suy nghĩ “ông già lập dị”. Việc ngắm hay quan sát người đối diện, nhất là phái nữ, không khiến các bà, các cô khó chịu, dù ánh mắt của một số quý ông (đương nhiên không có tui) bén như dao có thể làm rách áo, rách quần.

Nhưng khi ra nước ngoài du lịch- các nước văn minh- tôi luôn luôn đeo kính. Làm chi? Thành thật khai báo: để giấu đôi mắt. Tâm hồn tôi như một cửa sổ “hơi tối” do đó tôi cần đeo kính đen, để che nó đi. Quan sát người nước ngoài - nhất là phụ nữ phương Tây- để có cái nhìn thật về một giống nòi da trắng như tuyết, mũi cao như núi, mắt xanh như nước hồ thu. Đương nhiên, kính đen giúp tôi quan sát họ mà không vướng vào cái tội “quấy rối tình dục qua ánh nhìn sòng sọc “ như ở xứ ta, mỗi khi diện kiến một giai nhân sắc nước hương trời. Tất nhiên, tôi còn có thể quan sát đàn ông phương Tây để đánh giá xem vì sao họ lại văn minh và từng nhiều thế kỷ mang quân đi chinh phục các nước khác, ta hay gọi là xâm lược hay thực dân (cũ, mới).

Đàn ông họ (chỉ một số nước tôi may mắn đi qua: Thụy Điển, Đức, Pháp, Ý, Estonia, Phần Lan) đa phần cao to và lịch sự. Tất cả có vẻ hiếu khách, thân thiện (tất nhiên tôi không chính xác) trừ người Đức. Họ có gương mặt vuông, to, trán đứng, mũi khá cao, và cặp mắt, rất đặc biệt, khá sâu dưới đôi chân mày rậm. Qua kính đen, quan sát kỹ, tôi thấy họ có vẻ rất nghiêm, cái nghiêm pha chút dữ tợn. Hay là tôi không ưa Hitler và Karl Marx mà nhận xét sai lầm đàn ông Đức (gặp rất nhiều trên xe lửa, tàu điện, xe buýt)? Cái nhìn của họ rất sắc. Tôi liên tưởng đến nhân vật trong “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche chăng? Đôi mắt đàn ông Đức rất sắc có lẽ ví như đôi mắt ó. Không có gì có thể giấu dưới ánh mắt ấy. Vì thế, Đức sản sinh ra những những triết gia lỗi lạc cho thế giới? Hay là tại tôi mang kính đen, cái nhìn của họ vào tôi quá chăm chú khiến tôi nhận định họ một cách sai lầm?

Dù sao, kính đen giúp tôi che ánh mắt quan sát trước những người phương Tây, để có cái mục sở thị cụ thể hơn so với khi quan sát người Tây du lịch qua VN.

Tất nhiên, nhờ ở lâu, nhất là nhờ kính đen, tôi có nhận xét: về hình dáng người phụ nữ Phần Lan, ngoài nước da rất đẹp, đôi mắt hiền lành, chiếc mũi cao, nói chung họ không hoàn hảo mấy: Mông khá to (do đi bộ nhiều?) nhưng ngực không tương ứng kiểu “ngực tấn công, mông phòng thủ “; có lẽ xứ lạnh, phần ngực không phát triển nhiều, hay vì băng giá, bộ áo mùa đông khiến tôi “trông gà hóa cuốc”? Hay là tại mờ mắt vì kính đen? Hoang mang quá.