Saturday, December 2, 2023

GIÀ MÀ NGU

(Tâm tình cùng một bạn trẻ)

Bọn trẻ hay giễu mấy người già “sung sức” là Yamaha, già mà ham. Đúng ra cần ngợi khen họ, “còn ham” là còn sức khỏe. Cách nhận xét người già của người trẻ cũng có chuyện để nói hôm nay.

Thế nào là già? Thật khó định ở tuổi nào mới gọi là già. Người ta đang nới rộng tuổi của người trẻ về hưu để họ “có điều kiện” đóng góp cho xã hội nhiều hơn. 50 tuổi là già khi so sánh các cầu thủ đá banh ngoài 30 được gọi “lão tướng”. Mà cũng thiệt. Nguyễn Công Trứ: “Mười lăm trẻ năm mươi già không kể. Thoạt sinh ra thời đà khóc chóe”.

Một nhạc sĩ thời danh VNCH thì có bài “60 năm cuộc đời”. (Nay, các cụ chỉnh lại: “Em ơi, 80 năm cuộc đời… Sung sướng không bao lâu. Nên ta yêu nhau thì yêu cho trọn đời”, trọn đời có lẽ 100 tuổi).

Lúc HCM gần chết, cụ cũng trích dẫn thơ Đỗ Phủ trong di chúc, nguyên từ 2 câu : “Tửu trải tầm thường hành xứ hữu. Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nhưng cũng có người cho rằng, “cổ lai hy” xuất phát từ tâm sự của Khổng Tử trả lời người hỏi về cuộc đời của ông: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất ngoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập cổ lai hy” (Nho Phan Rang, không phải Nho Tàu, hỉ: Lập thân vào tuổi 30, ổn định lúc 40, sáng suốt nhất lúc 50, nghe sao cũng phải (thuận, chống chi cũng OK) lúc 60, và 70 (như thế) xưa nay hiếm). Bảy mươi thì đúng là xưa nay hiếm đối với người tài ba xuất chúng chứ sống làng nhàng như tôi đây trên 70 tuổi hiện nay có mà đầy.

Tạm thời, già ta định nghĩa là không còn trẻ, cho nó chắc, chứ dựa theo tuổi tác rắc rối quá, vì nhiều người 80, 90 (thủ tướng Mã Lai) vẫn trẻ vì còn phụng sự đất nước, họ có già mô.

Người già trong cựu ước kitô giáo rất được quý trọng: tóc bạc là “mão triều thiên” Chúa ban. Ở các bộ lạc, hay dân tộc thiểu số, người trọng vọng, được tin tưởng nhất là “già làng”, không có “trẻ làng”.

Xưa ở VN, người già ra đình làng cũng được dành cho chỗ ngồi trước. “Triều đình nhượng ư tước. Hương đảng nhượng ư xỉ”. (Chốn triều ca chức tước phải ngồi trên. Nơi làng xã, người già cho ngồi trước).

Trong xã hội phong kiến (bây giờ còn không?), ta hay nghe câu “kính lão đắc thọ”. Bây giờ tuổi thọ cao, không rõ người ta có nhờ “kính lão” hay không chứ mấy ông già coi bộ không được “kính” như xưa nữa.

Già mà mất nết. Già mà dê. Già mà không an phận. Già hai thứ tóc trên đầu mà còn…ngu (tôi may mắn có một thứ tóc là tóc bạc). Già mất nết, già dê xồm…thì hãn hữu nhưng không phải không có: cụ cựu giám đốc ngân hàng nào đó mò mẫm bậy bạ trẻ nít, ra tòa còn vênh váo, lớn tiếng nói nếu bị kết tội, ông thề sẽ đốt thẻ đảng. Phải chi ổng tự đốt mình “thể hiện khí tiết” chứ cái thẻ chỉ là mảnh giấy vô can, mắc chi đốt nó. Có báo đăng ông…hiếp dâm cháu. Ông hẳn bị tâm thần, người tỉnh táo không ai làm thế. Thôi, bệnh thì phải thể tất. Già mất nết và già dê xồm chỉ là cá biệt. Các vị già như tôi (trở lên) cũng không áy náy làm chi.

Già mà không an phận? (Lão giả an chi). Người nói câu này hẳn nghĩ người già thì rúc vào chỗ trú ẩn là gia đình be bé của mình, có con, có cháu, ngày ngày uống trà, thưởng nguyệt xem hoa, có khiếu thì làm thơ đối ẩm với bạn già…đăng đàn nêu ý kiến phản biện chi cho bị chúng mắng câu đó.

An phận: người già đừng có tham gia xuống đường đả đảo bọn bành trướng, xâm lấn biển đảo, việc ấy đã có đảng và nhà nước lo. Không nên tổ chức in ấn những tác phẩm trí tuệ nhân loại, đa phần rất “nhạy cảm”, không phù hợp xu thế chính trị hiện nay. Không nên phát biểu những gì trái tai, gai mắt, đối với những quan chức đang quản trị đất nước. Không nên lên gân la lối mình yêu nước, ỷ lại, công thần. “Bộ chỉ có mấy ông yêu nước thôi sao?”. Không nên lên facebook đăng lời chỉ trích thói hư tật xấu của xã hội, của người khác, nhất là không được “lợi dụng quyền tự do dân chủ” làm phương hại danh dự các vị đang điều hành guồng máy quốc gia, “xuyên tạc, bôi nhọ”… “

“Ngứa miệng quá”, (hay như cụ Hồ “dân chủ là mở mồm cho dân nói”) những người già như thế tham gia vào hội người cao tuổi, ở đó mà tha hồ phát biểu, nhưng cẩn thận phải “đúng lề phải”, có khi nhận giấy khen tì tì.

Ở cái mạng “thằng” Mark (không phải ông Marx) mở lên là nghe chửi từ trên xuống dưới, điếc đầu điếc óc, giọng chửi rè rè như hụt hơi từ các cụ không phải là “ một thành phần không nhỏ”.

Các cụ cũng nên an phận thủ thường chứ tôi thấy tội nghiệp cho các cụ quá (trong đó có tôi) khi viết bài hay comment mà “không có định hướng” thường bị những người “có định hướng” nhảy vô chì chiết: già mà nói bậy, già mà phản động; có đứa mạnh miệng hơn “già mà ngu”.

Các trường đại học VN có rất nhiều khoa nhưng “lão khoa” không phổ biến mấy, không được chú trọng, ít thấy sinh viên đăng ký học khoa này, dù VN đang nguy cơ “già hóa”, do đó, kiến thức của người trẻ (tôi nói một số) không đầy đủ để hiểu người già. Cho người già - trước mắt là cha mẹ, ông bà - có cuộc sống thỏa mãn vật chất, người trẻ đã thấy đầy đủ bổn phận của mình. Khi đi xa về, con cái được ba mẹ mua quà chứ ông bà ít được quan tâm ý để. Đó là lẽ thường tình "nước chảy xuôi", nhưng nếu cha mẹ, ông bà, được tặng một món quà nho nhỏ không bằng cháu họ, con cái đã đem lại hạnh phúc rất lớn cho người già.

Nếu mỗi gia đình có những người trẻ quan tâm người già như thế, khi ra xã hội, họ sẽ cư xử lễ phép, đúng đắn với người lớn nhiều hơn. Và nếu có những ý kiến trao đổi qua lại trên mạng xã hội giữa người trẻ với người già, không cùng quan điểm, không cùng tư tưởng, thậm chí không cùng lập trường chính trị – dù quy luật nó vốn mâu thuẫn như thế - người trẻ có nên “mắng” người già đáng tuổi cha, tuổi ông của mình “già mà ngu”?

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật. Trẻ rồi cũng già. Cha mẹ ông bà của người trẻ cũng già. Già không phải là cái tội. Nay các bạn đang trẻ, mai các bạn sẽ già. Có thằng “trẻ” nào đó nói đúng câu bạn đang nói bây giờ, bạn thấy thế nào?

Kiến thức có thể tiếp thu. Đạo đức thì tự bản chất. Đạo đức không truyền dạy từ người này sang người khác dù gương đạo đức là gương luôn chiếu sáng. Đạo ở tâm.

Có bạn trẻ tranh luận với tôi đuối lời liền tức giận chửi “già mà ngu”; tôi mỉm cười và tự hỏi, tâm bạn ấy thế nào nhỉ.