“Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho”.
...
“Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Phen này ắt hẳn kiếm ăn to”.
Đây là 4 câu thơ trích của cụ Tú Xương châm biếm ông cò (cảnh sát) ở Hà Nam thời Pháp thuộc. Đi xia là đi ỉa. Ỉa bậy sẽ bị phạt, cụ bảo thằng tây này "kiếm ăn to" là "ăn tiền phạt", cũng ngụ ý "ăn...phân". Thực ra, Tú Xương ghét Tây nên không thấy đi xia là đáng lên án.
Tô Hoài kể ở Hà Nội trước 1945, các đường phố đều có cẩm Tây ( cảnh sát) đi lại, lăm lăm quan sát, ai vứt rác, đái bậy, ỉa bậy sẽ bị hốt về đồn xử phạt tức thì.
Có thể nhờ 1 phần như thế mà Hà Nội xưa được tiếng là thanh lịch? Hồi ấy, dân quê ra phố kiếm kế sinh nhai, Ít nhiều họ cũng mang theo chốn kinh kỳ thói quen tự do ị đồng "truyền thống". (Tục ngữ: Nhất quận công, nhì ỉa đồng). Như vậy, tụi tây thực dân này thật "ác ghê"; chúng phá hoại “truyền thống” phóng uế tự do bao đời của dân tộc ta!
Bây giờ ở thành phố, chỗ nào có bảng "cấm đái" thì chỗ đó hôi rùm. Chỗ nào "cấm đổ rác" thì chỗ đó rác cao thành núi.
Dân Việt chúng ta không kỷ luật? Không ý thức? Hay do xã hội bây giờ...nó thế? Tôi không tin. Những Việt kiều ở nước ngoài cũng văn minh ra phết. Ở miền Bắc bao cấp tôi thấy người ta sắp hàng mua đồ phân phối. Nay, ở sân bay, người ta cũng trật tự xếp hàng.
Đi chơi bên Sing, chúng ta cũng răm rắp lên tàu điện mà, vào những quán lớn cũng thấy xếp hàng lịch sự. Như vậy, bản chất người Việt không hẳn thiếu kỷ luật, thiếu ý thức, mà có lẽ thiếu môi trường, thiếu chế tài để hành xử lịch sự, văn minh.
Singapore sạch sẽ nhất thế giới bây giờ vẫn còn có những bảng gắn trên tàu điện của họ: ăn trong tàu phạt 200 đô Sing (khoản 1 triệu tư), hút thuốc phạt 500 (7 triệu rưỡi), mang chất gây cháy phạt 1000 (17 triệu). Một công dân Mỹ trước đây bị phạt đánh đòn bằng gậy, do xịt sơn lên xe (thì phải) tổng thống Mỹ can thiệp xin tha cũng không được. Kẹo cao su bị cấm tiệt tại đây, ai ăn hay mang qua sẽ bị phạt rất nặng.
Để có được một xứ sở sạch sẽ, văn minh, người Sing không hẳn chỉ giáo dục công dân, họ còn chế tài thật nghiêm khắc.
Chúng ta là đất nước quá tự do: hát karaoke thả giàn, bất kể ngày đêm. Các dàn loa khắp đường phố mở hết công suất. Các bảng quảng cáo chắn cả phố phường. Chạy xe máy leo cả lên lề gây thêm nạn kẹt xe. Nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng trên các vỉa hè. Những lỗ thoát nước lề đường bị bít vì sợ rác tụ lại do nước rút trước mặt tiền nhà. Đâu đâu cũng thấy bán bia, thuốc lá, rượu (vô số không rõ nguồn gốc).
Xã hội nhếch nhác không hẳn chỉ thiếu giáo dục nền tảng; chính là thiếu những chế tài nghiêm khắc.
“Ông cò" thực dân mà cụ Tú Xương châm biếm có nên cho chúng ta một bài học được không, về vệ sinh và trật tự đô thị?
Hay vì nó...Tây, nên ta không theo nó?
Hay là dân ta được "tuyên truyền giác ngộ" mấy chục năm nay đã dư thừa ý thức? Càng học tập noi gương lại càng hư, càng hỏng?
(Bài đăng 7 năm trước).