Uống cà phê vỉa hè ở những chỗ quen có mấy cái tiện: giá bình dân, cà phê ngon, và nói chuyện thả giàn, không e dè phát ngôn to nhỏ hay ngó trước dòm sau như trong cafe máy lạnh. Câu chuyện hấp dẫn với nhân vật lịch sử chiến tranh, “người thật việc thật”.
Thiếu tá hải quân VNCH Lê Tự Hưng (ảnh) là bạn chí thân của thiếu tá Ngụy Văn Thà. Chiến hạm của vị anh hùng này chiến đấu anh dũng với hai chiến hạm hải quân Trung cộng. Và thiếu tá Lê Tự Hưng trực tiếp theo dõi trận hải chiến qua liên lạc bộ đàm. Các chiến sĩ đang tuần tra ở ngoài khơi Đà Nẵng trên chiến hạm do ông chỉ huy đề nghị cho họ tham gia trận đánh nhưng ông buồn bã trả lời “không có lệnh” của cấp trên.
Vài phút trước khi tàu bị đánh chìm hẳn, hạm trưởng Ngụy Văn Thà, qua máy thu phát nội bộ của hạm trưởng Lê Tự Hưng, ra lệnh cho số binh sĩ còn sống thả phao cứu sinh. Nghe đến đây, vị sĩ quan này đập tay vào ngực “Trời ơi, thằng Thà nguy rồi”.
Theo truyền thống bất thành văn trong quân đội VNCH, sĩ quan chỉ huy bị thất trận, muốn cứu sinh mạng thuộc cấp, ra lịnh họ buông súng thì ông ta phải tự vẫn. Cũng có người không theo truyền thống anh hùng mã thượng như câu thề của mọi chiến sĩ: Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm. Ngụy Văn Thà không nằm trong số người đó. Theo lời ông Hưng, tàu chìm, hạm trưởng là người cuối cùng không bao giờ rời khỏi chiến hạm của mình. Khi nghe Ngụy Văn Thà ra lệnh binh sĩ “thả phao cứu sinh”, Lê Tự Hưng biết chắc bạn mình sẽ chết theo tàu chìm. Và đúng như thế thật. Binh sĩ sống và vị chỉ huy phải chết- vì danh dự một sĩ quan Hải quân. Chúng ta xem phim Titanic; hình ảnh thuyền trưởng chìm dần theo chiếc tàu, nét mặt đăm đăm đầy trách nhiệm. Ngụy Văn Thà cũng thế. Chỉ khác một bên là phim ảnh, một bên là sự thật.
Lê Tự Hưng không theo chiến hạm của mình ra biển vượt biên khi thủ đô Sài Gòn đầu hàng sau trận chiến Hoàng Sa , hơn một năm sau đó. Lý do: không có mẹ, vợ và hai con trên chiến hạm của mình. Ông trao quyền chỉ huy chiến hạm cho vị sĩ quan khác và lên bờ tìm gia đình.
Trong khi đồng ngũ của ông an vị ở Mỹ thì ông sống vật vưỡng từ trại tù này đến trại tù khác ở núi rừng heo hút xa tít tắp ngoài miền Bắc sau 30.4.1975. Hơn 6 năm “cải tạo “, cũng như lần trước, ông từ chối cơ hội đi Mỹ theo diện HO- tù cải tạo trên 3 năm, cũng vì gia đình: không thể bỏ lại người Mẹ già yếu một mình ở VN.
Là sĩ quan hải quân, mỗi lần chuẩn bị lên chức là mỗi lần phải đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Làm hạm trưởng một chiến hạm tối tân thời đó không thể đào tạo lơ mơ mà được. Chính cái nghề này, lần thứ ba, Lê Tự Hưng không muốn lợi dụng nó để đi vượt biên qua Mỹ.
Một chủ buôn hàng hải tầm cỡ ở Đà Nẵng lén lút đóng mới một chiếc tàu vượt biên. Vị cựu hạm trưởng được mời cả gia đình đi theo với điều kiện ông giúp họ trong cuộc hải hành vạn dặm trên biển khơi. Ông cảm ơn và từ chối với lý lẽ: “tôi có nhiều cơ hội đi Mỹ mà tôi không đi. Nay lén lút vượt biên lỡ bị bắt, ở tù, con cái tôi ai nuôi?”.
Nhưng con ông hai đứa đầu đi Mỹ không bằng đường biển mà bằng đường hàng không: du học tự túc sau những năm đổi mới. Ông có một tiệm thuốc Tây lập ngay thời mở cửa kinh tế, tên H.Đ., trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Tiệm thuốc Tây ngày nay rất bề thế. Hai người con sinh sau 1975, một là dược sĩ ở cùng ông; một là bác sĩ ở Sài Gòn. Tất cả con cái ông đều thành đạt.
Ông vui tính và ăn nói rất nho nhã, nụ cười luôn luôn nở trên môi. Một điều rất lạ, trong những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, không bao giờ ông nhắc đến những kỷ niệm gợi nhớ cảnh đắng cay lúc ở tù cải tạo, khốn khổ và hà khắc. Ông luôn luôn giữ nụ cười trên môi. Chỉ khi nhắc đến người bạn Ngụy Văn Thà, ông mới thở dài buồn bã. Ông sống mà bạn ông đã chết. Cái chết lặng lẽ dù phải hy sinh mạng sống đến giờ phút cuối cùng chiến đấu chống quân xâm lược ở Hoàng Sa.
Ông vừa qua đời năm ngoái trong nỗi tiếc thương của một vài đồng đội già nua, bệnh tật, ốm yếu, hanh hao. Chẳng mấy người.
Cà phê vừa hết thì câu chuyện chấm dứt. Chưa từng gặp ông và gia đình ông, tôi đem lòng ngưỡng mộ vị sĩ quan luôn trọng danh dự như liệt sĩ Ngụy Văn Thà, người bạn thân thiết của Lê Tự Hưng. Một nén nhang cho người đã khuất. Nghiêng mình chào ông, một người con đất Quảng.