Sunday, December 3, 2023

TINH THẦN TỰ CHỦ

Nhân ngoại giao cây tre, phiếm luận :

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Ai cũng muốn tự chủ nhưng đâu có dễ. Sinh ra đã phụ thuộc nhiều, con người khó mà tự chủ nếu không được hun đúc từ nhỏ, tập tành từ bé .

Trẻ con phương Tây được giáo dục tự chủ sớm. Ta thấy cách trả lời hay nói chuyện của trẻ con xứ họ trước đám đông rất tự tin, rất đĩnh đạc. Chúng ta xem “trẻ em là búp trên cành”, rất mỏng manh. Con cái các cặp vợ chồng trẻ có học bây giờ được giáo dục phương pháp tự chủ sớm ngay khi trẻ nhận biết, không giống thế hệ chúng ta, ông bà cha mẹ luôn bên mình, luôn đưa tay ra cầm chặt và dẫn dắt, có khi cả cuộc đời.

Những bà nội bà ngoại, rồi những bà mẹ, cầm chén cháo chạy bám theo con, dỗ dành mớm đút, mong cho trẻ vui mà ăn, không được…tự do cầm muỗng xúc ăn, vấy đổ dơ dáy khắp  bàn. Trẻ em 5, 6 tuổi luôn được ông bà, bố mẹ đi theo, cầm hộ, mang hộ, những vật dụng của chúng, chẳng hề để chúng tự cầm, tự mang mỗi khi đi đâu.

Có lần tôi lên cầu thang bộ cùng 1 trẻ cỡ 4 tuổi người nước ngoài; cháu đang khệ nệ với cái  ba lô trên tay. Tôi bảo để  mang phụ cho thì nghe mẹ nó đã ở đầu cầu thang nói xuống: cám ơn, ông cứ để cháu tự mang". Cháu đi cùng mẹ nhưng vì ba lô nặng nên đi chậm hơn.

Tính tự chủ không dễ có nếu không được giáo dục từ nhỏ. Trẻ con chúng ta có được dạy dỗ từ nhỏ như đứa trẻ  này không? Tất cả những việc như mang dép, lấy áo quần, tìm mũ đội, cả cặp sách, đều được ông bà cha mẹ lãnh làm tất cho cháu cho con. Tính tự chủ đâu có được khuyến khích.

Tự chủ ở trẻ con cần gắn liền với tự chịu trách nhiệm. Ta từng chứng kiến trẻ con ngã té khóc thét, được người lớn dỗ dành bằng cách chỉ và đập tay xuống đất, không giải thích cho trẻ hiểu tự nó bất cẩn, chớ cái nền nhà không thể "lãnh tội” thay. Chưa kể luân lý Á đông từ Trung Hoa, cả mấy ngàn năm, vẫn còn  là dòng máu đang chảy trong huyết quản, “truyền nhân” là người Việt…chúng ta.  Tự chủ sao được khi trẻ mới mấy tuổi đã khép vô khuôn. Để trẻ tỏ ra lễ phép, ta bắt chúng vòng tay cúi đầu chào người lớn. Thậm chí còn bảo thấy ai lớn tuổi phải chào hỏi, khiến những trẻ bối rối ngẩn tò te khi bất ngờ gặp đám đông người lớn tuổi. Những bậc cha mẹ thậm chí còn phạt quì gối quay mặt vô tường khi con cái sai phạm.

Họ còn khoe khoang con mình rất "ngoan ngoãn", bảo im thì im, bảo nói thì nói, rất “lễ phép”. Trong lớp học rất hiếm hoặc không bao giờ trẻ được chất vấn hay bắt bẻ thầy cô, trong khi việc đó phải là động lực cần khuyến khích để trẻ làm quen phản biện, làm quen sự hoài nghi, một trong động lực giúp khả năng sáng tạo phát triển.”Biết vâng lời" thầy cô…là tiêu chí hàng đầu. Cãi là vô lễ, dù cãi đúng.

Người lớn, cha mẹ, thầy cô…luôn luôn là hình mẫu mà con cái, học sinh phải noi theo nếu muốn…thành công, thành người. Ông Hồ Ngọc Đại bị chửi bới không tiếc lời vì nói rằng cha mẹ không nên là hình mẫu cho con cái noi theo. Hình mẫu đẹp thì không sao nhưng hình mẫu không đẹp thì sao? Ông ta có lý: Cha mẹ, bề trên, càng không nên bao trùm con cái, che khuất bề dưới; tự chủ đi liền với tự do.

Tính tự chủ không hề có được khi cá nhân chỉ là một sinh vật bé mọn trong một tập thể hoành tráng. Tập thể mạnh khi cá nhân mạnh. Nhưng tập thể đã quay lại…hạn chế cá nhân, xem cá nhân chỉ là… “bộ phận cỏn con ” của tập thể. Vai trò cá nhân không được đề cao, làm sao cá nhân có được tự chủ khi cá nhân không có quyền tự khẳng định mình? Tập thể luôn được coi là sức mạnh trong khi cái cấu tạo tập thể đó là cá nhân thường  bị xem mờ nhạt. Chính cá nhân không được đề cao nên có những sai phạm tày trời xảy ra mà không định được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Vinashin, Vinaline gì đó trong quá khứ là thí dụ rõ ràng nhất. Không thể có tinh thần tự chủ khi cá nhân không đóng vai trò quyết định. Không có tinh thần tự chủ khi không có trách nhiệm cá nhân.Không có tinh thần tự chủ khi cá nhân không suy nghĩ tự do, không hành động độc lập.

Chúng ta có thể thay đổi được hiện tại, có thể thay đổi được tương lai nhưng chắc chắn không thể thay đổi được quá khứ, nhất là “quá khứ huy hoàng", bị "đánh đồng" với lịch sử, với truyền thống, với văn hóa, ngấm sâu trong dòng máu con người chúng ta, không thể một sớm một chiều mà gột rửa những cái thứ quá khứ đã và đang kiềm hãm tương lai của chính chúng ta.

Yêu cầu tự chủ chỉ là một ước vọng, và nói cho chí tình, ước vọng cũng như giấc mơ, êm đềm và không hề có thực. Nhưng bi quan như vậy, chúng ta không thể bắt đầu, ngay từ bây giờ, xây dựng cho bản thân, chứ chưa cầu mong người khác, tinh thần tự chủ có tên là Việt Nam hay sao?