Sunday, December 31, 2023

ĐỜI BẤT CÔNG

Tuy không rành hội họa, tôi rất thích xem tranh. Ở bảo tàng Louvre, Paris, tha hồ ngắm, thật mãn nhãn. Đừng nghĩ là tôi thích tranh vẽ khoả thân. Kẻo mang tội “già không nên nết”.

Chân dung tự họa của Monet.

Pháp mang tiếng “chôm” bức tranh Mona Lisa nổi tiếng của của Leonardo Da Vinci. Nhưng họ cũng vang danh có Claude Monet, nổi tiếng không kém, với bức tranh vẽ đống rơm có giá 110 triệu đô la (chừng 275 tỷ đồng VN).

Tranh Đống rơm của Monet.

Pháp giỏi xâm lược nhưng cũng giỏi kinh doanh. Ngôi nhà không lấy gì làm sang trọng, thửa vườn không lấy gì làm đặc sắc, cộng với cái ao bông súng cũng không lấy gì làm nổi bật của Monet, lại trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều khách trong nước và quốc tế. Hôm tôi đi tham quan, cả ngàn người đến xem, con tôi tìm chỗ đỗ xe tháo mồ hôi hột, gần nửa giờ mới có, dù đây là làng du lịch ở nông thôn, cách Paris hơn một giờ chạy xe.

Góc vườn nhà Monet.

Hoa trong vườn, cảnh ngôi nhà, bông súng trên ao thật sự còn thua xa hoa Đà Lạt, nhà Hội An, ao sen Huế, nhưng tại sao lại nhiều du khách đến thăm như thế? Đó là tại Monet vẽ đống rơm bất hủ.

Một hoạ sĩ nổi tiếng ở một đất nước nổi tiếng với nền văn học cũng nổi tiếng thì cái chi của họ cũng nổi tiếng. Và thế là các thứ khác “ăn theo” nổi tiếng: nào chén, bát, ly, tách, ấm trà cho đến áo thun, quần đùi, kể cả xà bông, kem đánh răng, bên những thứ “cao cấp “ hơn như dây chuyền bạc, đồng hồ, tranh trên gạch sứ tất tần tật đều in tên hay in chữ ký của Monet.

Phòng chứa tranh của Monet.

Đi du lịch nước Pháp, mua một món quà có tên danh họa vẽ rơm bán bạc tỷ, ai mà không thích, ai mà không hãnh diện cơ chứ. Lão già này cũng bóp bụng mua một viên gạch để dao muỗng ở bếp, in hình vườn hoa và đôi trai gái, có chữ ký Monet, giá gần một tuần lương hưu. Và hàng trăm người chen nhau vào nhà bán đồ lưu niệm mua hàng không thua gì vào siêu thị. Nhân viên tính tiền bận rộn không kém ở Vincom plaza.

Mọi hoạt động du lịch hái ra tiền chỉ dựa vào một con người chẳng hề biết làm du lịch, ông hoạ sĩ già, sinh tiền sống lặng lẽ ở một làng quê hẻo lánh của nước Pháp. Khi không còn trên đời, ông chẳng biết người ta hái ra tiền nhờ cái tên của ông. “Người ta” ở đây sao khôn ngoan thế?

Pháp hùng mạnh, một thời xâm lược nhiều nước khác, phải ngậm ngùi nhận xét, nhờ họ có cái đầu vĩ đại dẫn dắt đất nước. Không còn đất thực dân, họ còn đất Pháp, con người Pháp, kinh doanh du lịch Pháp.

Ở Việt Nam ta, không có hoạ sĩ nào nổi tiếng, tài năng như Monet sao, tôi muốn nói  với phạm vi một nước? Mai Trung Thứ có thể là đại diện (còn Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí…tôi chưa nói tới. Trớ trêu thay nhân tài ta nhờ thực dân Pháp đào tạo!).

Tranh Thiếu nữ của Mai Trung Thứ.

Chúng ta là dân tộc không có truyền thống hội họa nhưng chúng ta có nhiều họa sĩ danh tiếng. Không thấy có sản phẩm du lịch nào liên quan đến họ, đó là điều đáng buồn cho tầm mức thưởng ngoạn của người Việt Nam.

Chúng ta kiêu hãnh vì đánh Tàu, đánh Pháp, đánh Mỹ nhưng chẳng có danh nhân văn hóa nào (như về hội họa) để kiêu hãnh? Chúng ta chỉ kiêu hãnh nhờ danh nhân giết giặc?

Và tôi chưa thấy kinh doanh du lịch nào dựa vào danh nhân văn hóa. Là người Việt, tôi cũng muốn “ăn theo” Monet. Trong khi Mai Trung Thứ có bức tranh Chân Dung Cô Huệ, giá 3,1 triệu đô (7,7 tỷ) tôi không biết nơi nào ông ở để tham quan, mua một vật kỷ niệm có in chữ ký của danh họa này.

Và nói thật, “cho” tôi bức Đống Rơm tôi sẽ không thích. Nhưng chỉ nhìn Cô Huệ thôi, tôi cũng hạnh phúc rồi. Và buồn thay, giai nhân của tôi giá chưa bằng 1/30 đống rơm, thật, đời quá bất công.