Saturday, December 9, 2023

LIU ĐIU

Là một loại rắn rất hiền lành, sống dưới nước, thường ẩn mình trong bùn khi ao đìa tát cạn. Chúng ăn cá nên có vẻ bụ bẫm, thân tròn, dài chừng 5 tấc, ngang nhỉnh hơn ngón tay cái. Dân quê ngày xưa thỉnh thoảng bắt nó ăn thịt. Phong trào “con gì cũng ăn” thời xưa ở quê tôi không có. Họa hoằn lắm, liu dìu mới trở thành thức nhắm rượu (nay gọi là mồi nhậu).

Liu điu nổi tiếng không vì là thức ăn đặc sản. Nó nổi tiếng nhờ mấy câu thơ của Lê Quý Đôn:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo

Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba

Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Mỗi câu thơ có gọi tên một loại rắn- trừ câu thứ 7. Liu điu, hổ lửa (rắn học trò?), mai gầm, rắn ráo (rắn lãi ?), hổ mang: những cái tên đứng vào “sách đỏ”, nghĩa là gần như bị xoá sổ. Liu điu là loài rắn không còn ai thấy nữa. Tôi hỏi rất nhiều người và câu trả lời: tiệt chủng.

Từ khi chiến tranh chấm dứt, số phận của các loài sinh vật hoang dã như voi, cọp, beo, gấu, heo rừng, trăn nước, nai, mang (mển) cheo, chồn ngày càng ảm đạm theo sự phát triển kinh tế và lòng tham của con người. Chúng chỉ còn lại trong những câu chuyện kể. Thiên nhiên bị con người khuất phục “ta sống, mày phải chết”. Một quy luật tàn nhẫn.

Ở một nước nhỏ vùng Bắc Âu thời gian non 3 tháng, tôi có nhận xét, con người ở đây không hề có ý niệm ăn thịt rừng, đương nhiên kể cả chim chóc. Ở VN, ăn thịt rừng là một đặc ân. Một đẳng cấp. Khi núi rừng phát triển phong phú và giàu sản vật, con người không đông đúc, ăn thịt thú rừng không làm cho núi rừng nghèo đi sinh vật: phương tiện lùng bắt thú thô sơ. Giáo, bẫy, hầm, chó săn…chẳng khi nào làm giảm số lượng thú khi sinh nhiều hơn tử.

Ấy là rừng núi. Còn ruộng đồng thì sao? Cùng chung số phận. Vì cái đói rồi đến cái ăn, bát cơm là số một. Con người nhiều lên khi ruộng đồng thu hẹp (vì cần đất cho xây dựng, nhà ở chiếm đa phần).

Tăng năng suất bằng mọi giá là nguyên do đẩy ruộng đồng vào môi trường huỷ diệt thiên nhiên. Vì tham lam và thiếu tầm nhìn, con người biến ruộng một mùa, hai mùa lên ba mùa mỗi năm và chỉ tiêu thi đua: năm sau cao hơn năm trước. Quan chức sẽ thăng tiến khi thành tích của họ ngày càng lên cao- có thể là lên đỉnh của biểu đồ parabol. Các loại thuốc tiêu diệt sâu rầy được áp dụng triệt để. Tôi có biết một thời thuốc DDT- chất cấm trên thế giới- vẫn còn sử dụng ở nông thôn một số năm sau “giải phóng”. Thuốc 666 diệt sâu đục thân (không rõ của nước nào) được sử dụng rộng rãi dù người dân được khuyến cáo phụ nữ có thai cần phải tránh xa. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra: người ta uống 666 để tự tử.

Và thế là bùn đất ruộng đồng- chỗ sinh sống của con liu điu trong bài thơ- trở thành tử địa. Rắn nước bắt nhái bén, cá nhét vàng ươm (giống cá kèo nhưng đẫy hơn, ngon hơn), ốc. lươn, cua… biến mất vì thuốc bảo vệ thực vật, mà không có gì bảo vệ động vật. Ngay cả con đỉa, một loại vật có sức sống mãnh liệt (dai như đỉa) nay hầu như không còn. Tất cả chết đi để cây lúa còn sống.

Mâu thuẫn giữa cái ăn (lúa gạo) với sinh vật không có chỗ dung hòa?

Không hẳn. Tôi có dịp đi hái dâu Tây ở các đồng dâu Phần Lan. Trái dâu chín nằm khuất dưới các lớp lá xanh ngát. Xen lẫn cây dâu là một loại cỏ, ban đầu tôi không nghĩ là cỏ trồng. Đó là loại cỏ “đuổi sâu bướm “. Mùi hoặc màu của chúng ngăn cản các loại sâu chuyên phá hại trái dâu? Nếu dâu phun thuốc thì không chủ vườn nào dám để khách ăn tự do, không mất tiền khi hái dâu “ trải nghiệm”.

Tây làm được thì thì ta cũng làm được. Không thể trồng loại cây đuổi sâu rầy, chúng ta có thể tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm cho các sinh vật hữu ích được không? Chắc chắn là được.

Hôm qua, khi lội qua các bờ ngăn những đám ruộng rất xa chỗ dân cư dẫn vào vài vị mộ tổ tiên tôi có ý định cùng tộc họ di dời lên nơi cao ráo, tôi gặp vài con rắn nước. Biết chúng hiền lành nhưng tôi vẫn sợ. Dẫm lên chúng. Có con rất bụ bẫm. Có con khá dài so với sự hiểu biết của mình. Rắn sống được thì các sinh vật khác có thể sống được. Như nhái hay ếch con- thức ăn của chúng. Ếch nhái có thì chắc cá cua sẽ có.

Biết đâu con liu điu một ngày nào đó sẽ không phải chỉ có tên trong văn học? Mà có thực ngoài ruộng đồng- ngoài đời.

Để trả lại thiên nhiên những gì con người huỷ hoại, chúng ta cần hành động. Bởi thiên nhiên đa dạng sinh vật thi con người sẽ đa dạng cuộc sống. Mìn đánh cá, kích điện dí chết cá, trùn trên đất, keo dính chim, thuốc sâu rầy nguy hại…cần coi như hàng quốc cấm. Quan chức nếu có tâm tốt, có tầm nhìn xa thì hãy quyết liệt bảo vệ sinh vật ruộng đồng- cấm tiệt các thứ vừa nói- trong đó có con liu điu yêu quý của tôi. Con cháu đời sau sẽ tri ân quý vị.