Địa danh luôn gắn liền cuộc sống. Quê tôi tên Thường Đức. Hễ ai nhắc đến tên Thường Đức, ký ức tràn về trong tôi, có thể nói, ào ào như thác lũ. Có thể, giới trẻ quê hương tôi cảm thấy lạ lẫm với hai từ Thường Đức. Thậm chí mấy bác (tôi không gọi là mấy chú) bộ đội miền Bắc khắc hai chữ Thượng Đức, không làm cho giới trẻ thắc mắc là sai, trên tượng đài ghi nhớ gần 1000 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chiếm quận lỵ Thường Đức năm 1974.
Địa danh qua các niên đại, qua các thời kỳ, qua các triều đại, không thay đổi, chứng tỏ xứ sở mang địa danh đó có một chiều sâu văn hóa. Ở Hà Nội, tên Nhổn rất ngô nghê, chưa thấy phổ thông trong từ điển tiếng Việt, nhưng rất oai phong như trong tên gọi Trung tâm thể dục thể thao quốc gia Nhổn.
Tại sao không sửa lại hay đặt lại một tên gọi “hoành tráng” hơn? Không. Vì Nhổn là tên gọi của lịch sử. Nó có từ lâu đời. Nó thân yêu như “cái lớn, cái bé”, như “thằng cu, con hĩm.
Người Việt, nói trắng ra, người Việt theo chủ nghĩa cộng sản, rất khoái thay đổi địa danh. Từ hồi Việt Minh, họ đã thực hiện việc thay đổi địa danh. Chẳng hạn: Quảng Nam có tên gọi là Hoàng Diệu. Huế có tên là Nguyễn Tri Phương. Sau đó, hai cái tên ấy lặn lờ theo biến cố lịch sử.
Quê tôi có tên (tính trong xã Lộc Bình): Đại Mỹ, Thạnh Đại, Thái Sơn (Đoài Sơn), Mậu Lâm, Trung Đạo, Trước Hà (không phải Trúc Hà), Chấn Sơn (Non Tiên), Hoằng Phước Bắc, Hà Tân, Đại An, Hội Khách, Tân Đợi, Hà Dục Tây, Tịnh Đông, Hà Dục Đông.
Ông Việt Minh đổi lại, cho dễ nhớ, bình dân, có tính quần chúng: Thôn 1, thôn 2, thôn 3…cho chí thôn 15. Và sau đó, không biết có thằng hay ông nào hoài cổ, hay am hiểu văn hóa, lại gọi đúng cái tên trước thời kỳ Việt Minh. Rồi cách mạng vùng lên, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các thôn làng của xã tôi (Lộc Bình thành Đại Lãnh) trở lại các tên bình dân dễ nhớ dễ hiểu: Thôn 1 cho chí thôn 15.
Rồi một hôm, một tháng, hay một năm đẹp trời nào đó, mấy cái thôn làng mang tên các con số khô khan ấy bỗng trở về tên xưa thật thân ái: Đại Mỹ, Thái Sơn,Hà Dục Đông…
Ôi, có thể gọi là “châu về hiệp phố “. Đổi rồi thay, thay rồi đổi, để việc thay đổi ấy phù hợp với trào lưu cách mạng. Chỉ tội cho người dân, nay tên này, mai tên nọ trong các loại giấy tờ chứng minh. Lộc Bình, Thường Đức, Quảng Nam phải đổi thành Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày nay, quê quán tôi phải sửa thành Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam.
Tôi chưa tới 100 năm tuổi nhưng địa danh, nơi tôi sinh ra và lớn lên, thay đổi biết bao lần! Quý vị đồng hương chớ vội lên án tôi “nói xấu quê hương”. Vì không có dịp đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều nguồn địa danh, tôi đành lấy chỗ mình biết chắc, để nói lên một điều: Sự thay đổi địa danh có mang lại lợi ích gì không? Và ai, cấp thẩm quyền nào, có quyền thay đổi địa danh? Sự thay đổi ấy có làm xáo trộn lịch sử hay không, khi Hoàng Diệu là tên của tỉnh Quảng Nam? Lịch sử dễ hiểu khi địa danh dễ hiểu, nghĩa là, sông Hát giang (thực ra Hát giang hay sông Hát là đủ nghĩa) hai ngàn năm trước hay hai ngàn năm sau vẫn không thay đổi. Chúng ta biết chắc đoạn sông nào là nơi Trưng Trắc, Trưng Nhị gieo mình tuẫn tiết. Lịch sử gắn chặt với địa danh thì lịch sử ấy mới có tính kế thừa và liên tục.
Người Nga dưới thời cộng sản thay tên thành phố Petersburg thành Leningrad, để tưởng nhớ vị thiên tài cộng sản V.I. Lenin. Xui rủi cho Liên Bang Xô Viết, xuất hiện mông xừ Gorbachev “phản chủ “, liên bang một thời thách thức thế giới, thách thức đế quốc Mỹ, sụm bà chè chớp nhoáng. Leningrad một sáng tối trời trở thành Peterburg. Ôi, dâu bể đổi dời. Địa danh Peterburg chứ không phải Leningrad đời đời sống mãi trong sự nghiệp nước Nga (không phải nước Nga của Putin đâu hỷ).
Ce rendre à Ceasar ce qui partient à Ceasar. Hãy trả cho Xê-da cái gì của Xê-da. Thay đổi địa danh hãy sờ trán mà suy nghĩ: Có nên không? Tôi xin lấy ví dụ từ quê tôi. Xin nói lần nữa: Lấy việc biết chắc để làm ví dụ không phải là mang quê mình ra để “bêu riếu”. Tôi đoan chắc “ở đâu cũng rứa”.
Làng Thái Sơn ( có tên là Đoài Sơn, đẹp như non Đoài) và làng Chấn Sơn (còn gọi là làng Non Tiên, núi có tiên giáng), có chủ trương, hợp nhất thành một vì dân số, dù hai làng nằm theo bờ sông nhưng cách nhau rất xa (có 3 làng chen ở giữa nhưng những làng này nằm bên kia bờ sông).
Tên mới cho ngôi làng hợp nhất này là gì? Rất rắc rối và phức tạp. Cả hai làng đều không chấp nhận lấy tên của làng kia làm tên làng mới. Giải pháp đưa ra: Chấn Thái Sơn, cái tên nghe rất hay, rất kêu, nhưng vô cùng lạ lẫm. Chấn Thái Sơn có ý nghĩa gì trong tiếng Việt? Chấp nhận “chủ trương của trên” nhưng dân làng Chấn Sơn vẫn ghi phía sau bảng hiệu mới Chấn Thái Sơn là làng Chấn Sơn cũ, để không quên cái ký ức mấy trăm năm tên làng xuất hiện.
Câu chuyện nhỏ của quê tôi có là câu chuyện của đất nước này? Tách rồi nhập, nhập rồi tách, giờ lại tách chuyển thành nhập. Nghe người ta phản ứng dữ dội tách nhập- nhập tách gì đó 2 quận ở Hà Nội, một trong những cái tên lịch sử lâu đời sắp bị xoá sổ, nhà chức trách bèn vội vã trấn an sẽ giữ nguyên tên gọi cũ của 2 địa danh. Vì là hai địa danh thủ đô nên có biệt đãi không xóa tên để nhập địa giới hành chánh mới. Vậy, các nơi khác khi nhập thành đơn vị hành chánh lớn hơn, liệu có được “chiếu cố “ như hai cái quận gì đó ở Hà Nội không ? Chắc là không.
Sẽ có những địa danh mới cho những đơn vị hành chánh mới. Người ta dựa vào lý lẽ: Càng tiến hóa nhân loại càng thay đổi. Địa danh dẫu có là Hát giang lịch sử thì có sá gì. Cần thì đổi ngay.
Viết đến đây tôi mới sực nhớ nước Mỹ. Đúng là một quốc gia kém thay đổi. Washington D.C. ( District of Columbia, quận Columbia) là thành phố “oắt con” so với các thành phố lớn của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ mà lại là thủ đô nước Mỹ- một cường quốc hàng đầu thế giới. Nếu Biden còn sáng suốt như người Việt Nam, ông ta phải lấy New York, thành phố lớn nhất nước để biến nó thành thủ đô USA hùng vỹ.
Nhưng không. Người Mỹ quá chậm tiến. Họ không chịu thay đổi theo sự lớn mạnh của thế giới. Ngay cả cái hiến pháp cổ lỗ sĩ, hồi Bảo Đại chưa sinh, vẫn giữ nguyên một chữ không thay. Người Mỹ còn bày đặt đưa ra cái gọi là “ Tu chính án” tầm phào gì đó để bổ sung cho hiến pháp xưa như trái đất. Nếu chẳng may làm tổng thống Mỹ, a lê hấp, tôi họp chi bộ, ý lộn, họp quốc hội lưỡng viện, một hiến pháp mới sẽ gấp rút ra đời. Nghị sĩ hay hạ nghị sĩ nào không thò bút ký, tôi sẽ đưa vào tù năm phút sau với tội “cố ý làm trái “ hoặc nhận quà trên mức tình cảm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không phải muốn thay đổi - ở đây là địa danh, chứ không phải hiến pháp- là được: Vouloir, c’est pouvoir. Muốn là được. Tôi thấy ở quê Quảng Nam tôi, nay một phần là Đà Nẵng, người ta rất có chiều sâu văn hóa: Không thay đổi tên đường bằng nhiều tên cho khớp với nhiều con đường xây mới trong một đô thị luôn luôn thay mới.
Có địa phương nào một tên nhưng chỉ mấy chục con đường nhưng người ta không bao giờ nhầm lẫn? Chỉ có Đà Nẵng. 32 con đường mang tên Hoà Phú nhưng đâu đó rõ ràng: Hoà Phú 1 cho đến Hoà Phú 32. Tôi không rõ có Hoà Phú 33 trở lên hay không. Hoà Phú là địa danh. Người ta muốn có nhiều đường nhưng không muốn mất địa danh. Con số làm cứu cánh. Hòa Phú thuộc Hoà Khánh, trước đây thuộc Hòa Vang…Người Quảng Nam hôm nay luôn tôn trọng quá khứ- nhất là các địa danh. Đại Lộc quê tôi có nào là: Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Hoà, Đại An…hàng mấy xã bắt đầu bằng chữ Đại, Đại Lộc, có từ lúc Bảo Đại chưa ra đời.
Chạy xe trên đường thấy tên Hoà Phú 32, tôi ngẫu hứng viết status này và mong ước các nhà hoạch định chính sách quốc gia, làm sao giảm bớt việc thay đổi địa danh khi nghĩ đến việc tách hay nhập địa giới hành chính. Nhỏ như Washington D.C., người Mỹ của thủ đô vẫn điều hành trôi tròn 50 bang khổng lồ. Đâu cứ đơn vị hành chánh càng to thì guồng máy hành chính càng mạnh. Tôi nghĩ, guồng máy càng nhỏ thì sự quản trị đất nước sẽ càng vững mạnh. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Thay đổi địa danh cho phù hợp với quy mô địa giới hành chánh sẽ gây xáo trộn đời sống người dân cả nước. Họ còn phải bươn chải để lo cho đời sống còn chật vật của mình. Mọi thay đổi không phải là tốt cả. An cư mới lạc nghiệp, ông bà ta có nói.