Sunday, December 31, 2023

ĐI XIA

“Hà Nam danh giá nhất ông cò

Trông thấy ai ai chẳng dám ho”.

...

“Ngớ ngẩn đi xia may vớ được

Phen này ắt hẳn kiếm ăn to”.

Đây là 4 câu thơ trích của cụ Tú Xương châm biếm ông cò (cảnh sát) ở Hà Nam thời Pháp thuộc. Đi xia là đi ỉa. Ỉa bậy sẽ bị phạt, cụ bảo thằng tây này "kiếm ăn to" là "ăn tiền phạt", cũng ngụ ý "ăn...phân". Thực ra, Tú Xương ghét Tây nên không thấy đi xia là đáng lên án.

Tô Hoài kể ở Hà Nội trước 1945, các đường phố đều có cẩm Tây ( cảnh sát) đi lại, lăm lăm quan sát, ai vứt rác, đái bậy, ỉa bậy sẽ bị hốt về đồn xử phạt tức thì.

Có thể nhờ 1 phần như thế mà Hà Nội xưa được tiếng là thanh lịch? Hồi ấy, dân quê  ra phố kiếm kế sinh nhai, Ít nhiều họ cũng mang theo chốn kinh kỳ thói quen tự do ị đồng "truyền thống". (Tục ngữ: Nhất quận công, nhì ỉa đồng). Như vậy, tụi tây thực dân này thật "ác ghê"; chúng phá hoại “truyền thống” phóng uế tự do bao đời của dân tộc ta!

Bây giờ ở thành phố, chỗ nào có bảng "cấm đái" thì chỗ đó hôi rùm. Chỗ nào "cấm đổ rác" thì chỗ đó rác cao thành núi.

Dân Việt chúng ta không kỷ luật? Không ý thức? Hay do xã hội bây giờ...nó thế? Tôi không tin. Những Việt kiều ở nước ngoài cũng văn minh ra phết. Ở miền Bắc bao cấp tôi thấy người ta sắp hàng mua đồ phân phối. Nay, ở sân bay, người ta cũng trật tự xếp hàng.

Đi chơi bên Sing, chúng ta cũng răm rắp lên tàu điện mà, vào những quán lớn cũng thấy xếp hàng lịch sự. Như vậy, bản chất người Việt không hẳn thiếu kỷ luật,  thiếu ý thức, mà có lẽ thiếu môi trường, thiếu chế tài để hành xử lịch sự, văn minh.

Singapore sạch sẽ nhất thế giới bây giờ vẫn còn có những bảng gắn trên tàu điện của họ: ăn trong tàu phạt 200 đô Sing (khoản 1 triệu tư), hút thuốc phạt 500 (7 triệu rưỡi), mang chất gây cháy phạt 1000 (17 triệu). Một công dân Mỹ trước đây bị phạt đánh đòn bằng gậy, do xịt sơn lên xe (thì phải) tổng thống Mỹ can thiệp xin tha cũng không được. Kẹo cao su bị cấm tiệt tại đây, ai ăn hay mang qua sẽ bị phạt rất nặng.

Để có được một xứ sở sạch sẽ, văn minh, người Sing không hẳn chỉ giáo dục công dân, họ còn chế tài thật nghiêm khắc.

Chúng ta là đất nước quá tự do: hát karaoke thả giàn, bất kể ngày đêm. Các dàn loa khắp đường phố mở hết công suất. Các bảng quảng cáo chắn cả phố phường. Chạy xe máy leo cả lên lề gây thêm nạn kẹt xe. Nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng trên các vỉa hè. Những lỗ thoát nước lề đường bị bít vì sợ rác tụ lại do nước rút trước mặt tiền nhà. Đâu đâu  cũng thấy bán bia, thuốc lá, rượu (vô số không rõ nguồn gốc).

Xã hội nhếch nhác không hẳn chỉ thiếu giáo dục nền tảng; chính là thiếu những chế tài nghiêm khắc.

“Ông cò" thực dân mà cụ Tú Xương châm biếm có nên cho chúng ta một bài học được không, về vệ sinh và trật tự đô thị?

Hay vì nó...Tây, nên ta không theo nó?

Hay là dân ta được "tuyên truyền giác ngộ" mấy chục năm nay đã dư thừa ý thức? Càng học tập noi gương lại càng hư, càng hỏng?

(Bài đăng 7 năm trước).

LỢI ÍCH CỦA VIỆC UỐNG BIA (với vợ).

- Không bị ép uống vì tửu lượng nam nữ khác nhau. Hơn nữa, chồng thường ép vợ chứ vợ không ép chồng.

- Lỡ có quá lời khi tửu nhập ngôn xuất, chồng cũng không bị bắt bẻ như uống với bạn bè hay cấp nhớn.

- Ít tốn tiền bia vì vợ tiết kiệm, và quan trọng nhất là “bả” giữ túi tiền.

- Không thể uống quá nhiều khi vợ luôn luôn nhắc: uống nhiều sẽ hại sức khỏe “của ông”.

- Khi nhậu xong với vợ, chồng không bao giờ bị sa ngã, ví dụ, ngả vào chỗ “nhạy cảm” nào đó.

- Chỉ vợ với chồng, nhậu sẽ không to tiếng. Chồng muốn cao giọng cũng phải dè dặt. Mất lòng vợ sẽ dẫn đến chấm dứt uống bia khi chồng muốn “lì một lam” nữa khi bia quá ngon.

- Bia vào lời ra, hứng lên, lỡ chửi bới  nhà nước, chẳng sợ ai nghe ngoài vợ, nên được tiếng không mất lập trường, nghĩ sai quan điểm.

- Uống với vợ lỡ có say cũng được chở về bằng taxi; phụ nữ không thể dìu người say là đàn ông.

- Và điều quan trọng nhất, chỗ bia ngon, mắc tiền, chồng tha hồ uống, vì vợ là người chi tiền. Hầu bao sẽ không lưng bằng uống với bạn bè.

- Và điều quan trọng nữa: Tôi muốn xiển dương phụ nữ bình quyền. Tui nhậu bà cũng nhậu.

- Uống bia với vợ sẽ có nhiều sức khỏe, không phải: One beer a day keeps doctor away. Mỗi ngày một ly bia, bác sĩ cũng phải đi hia. Huống hồ nhiều ly.

- Phụ nữ rất dễ bị dụ dỗ. Uống ngà ngà xong, chồng dễ dàng dụ dỗ hơn, chẳng hạn “em có nhớ lúc cưới nhau, mình uống rượu giao bôi không?”.

Rượu giao bôi sao bằng bia giao bôi. Nhớ chớ. Ở nhà làm sao bằng khách sạn ngoại, bia ngoại, và nhứt là bà ngoại. Xin ngưng, nói thêm dễ sinh chuyện lắm.

Bia vỉa hè ở Tallinn, Estonia.

NHỚ RỪNG

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.

Câu nói này tưởng chỉ diễn tả nỗi khổ nhọc của con người sống dựa vào rừng núi. Gánh lúa ở đồng bằng làm trĩu nặng đôi vai người làm ruộng chẳng thấm tháp gì so với gánh than củi của người làm núi. Cây đổ, cây đè, ngã hố, ngã khe, rơi xuống vực sâu…rình rập mạng sống con người mà cuộc đời của họ gắn vào rừng núi. Nước mắt rưng rưng còn ở chỗ khác.

Ấy là, rừng “vàng” nguyên sinh teo tóp, chỉ còn đôi chỗ thoi thóp trước cuồng vọng của con người  từng lớn giọng “bắt núi phải quỳ, bắt sông phải lạy”. Rừng vẫn còn nhưng là “rừng” tràm “rừng” cao su. Tràm bông vàng tràn ngập những chỗ trước đây là lim, sến, dỗi, gõ, kiền kiền, dầu, sao… Cao su, ca phê, hàng hàng lớp lớp cũng ào lên vùng cao tàn phá đại ngàn hùng vĩ Tây Nguyên.

Người ta nghĩ các loại cây công nghiệp là "cứu cánh" cho kinh tế cất cánh ở những chỗ thiên nhiên ban tặng cho mình: núi rừng bạt ngàn của dãy Trường Sơn. Rừng từng che bộ đội từng vây quân thù nay còn che còn vây nổi không?

Rừng đúng nghĩa (cao su không thể gọi là rừng) thu hẹp dần. Đời sống của đồng bào cả ngàn năm coi rừng là mẹ ngày nay ra sao? Nay mẹ đang mòn mỏi héo hon. Đời sống ở rừng của họ thay đổi đưa đến điều nghịch lý: kẻ nhìn rừng thấy gỗ (lời Nguyên Ngọc) lại giàu, người coi rừng là Mẹ (cũng lời NN) đang ngày càng “mồ côi”.

Nhưng tôi không nói thêm về cuộc sống con người. Tôi muốn nói đến cuộc sống thiên nhiên khác: thú rừng và chim muông. Không khác tôi, nhiều người cảm nhận một điều: xứ sở của hàng trăm loài thú, hàng vạn loài chim, bây giờ có loài không còn để đếm (tê giác, cọp, beo…). Thú quý hoặc trở thành thuốc được cho là thần dược (mật gấu, cao ban long, cao hổ cốt) hoặc chui vào bụng của những ai ham ăn đặc sản. Con người phá hoại thiên nhiên bằng cách phá hoại môi trường sống của sinh vật, nghĩa là đang phá hủy cuộc sống của chính mình.

Hơn 60 năm trước, quê tôi còn rất nhiều thú rừng trên núi, chim chóc ở đồng bằng, những cánh đồng xen kẽ những bờ tre, con sông, bát ngát. Cha tôi thỉnh thoảng gặp dấu chân cọp trong rừng không sâu mấy. Lâu lâu, dân làng còn rủ nhau đi xẻ thịt…voi miễn phí. Có ai đó bắn voi lấy ngà, thịt không cần.

Có buổi sáng tinh mơ, mùa hè, tôi theo chị lội qua sông, vào rừng bứt đót, một loại cây có bông làm chổi quét nhà. Ở bìa rừng không xa lắm, tôi thấy một vài con mễn  (mang) đang nhảnh nha ăn trên bãi cỏ non xanh mướt. Chúng hiền lành như những chú cún ở nhà qua lớp lông màu vàng thắm. Khi chúng tôi giơ cao cán rựa giả làm súng, miệng la to: đùng đùng. Một chú mển ngẩng đầu lên, ngó chúng tôi một lúc rồi thong dong bước đi. Có lẽ chúng nghĩ tôi và chị mình “chỉ là con nít “ thích giỡn đùa. Hình như chúng không sợ vì chưa hề nghe tiếng súng thật, huống hồ là súng giả của chúng tôi.

Rồi chiến sự xảy ra. Bom đạn ác liệt. Chất khai quang tàn sát cỏ cây. Nhưng núi rừng quê tôi dường như chẳng ảnh hưởng nhiều, dù là nơi xảy ra những trận đánh ác liệt nhất.

Thầy hiệu trưởng trường TQC của tôi, ông Nguyễn Như Thọ, 90 tuổi, đang ở Mỹ, kể lại chuyện thấy cọp lúc ông ở trại cải tạo A. Đ. Ông và một vài tù nhân phụ trách nuôi bò, sau 30 tháng 4 năm 1975. Mỗi tối, cán bộ quản giáo phải ra bắn một đôi phát súng CKC, loại vũ khí có tiếng nổ chát chúa, âm thanh rung chuyển núi rừng. Để đuổi cọp. Người ta giải thích. Cọp rất thích bắt chó, nhứt là những con màu vàng; không ai giải thích vì sao. Bò màu vàng là con mồi béo bổ hấp dẫn với cọp hay sao mà chúng hay rình rập gần chuồng bò rào thô sơ cây rừng vào những đêm tối trời.

Nếu có dịp thăm khu du lịch Cổng Trời, đi theo quốc lộ 14, quý vị sẽ thấy khu vực có cọp rất gần nơi ở của con người. Đó là năm 1975, 1976. Ngày nay, rừng nguyên sinh biến thành “rừng” tràm từ đông sang tây, từ đồng bằng đến hóc, thung. Chỉ còn chút đỉnh đầu nguồn, gần khu vực quản lý của lực lượng công an. Các vùng ở các tỉnh khác thì thế nào?

Cọp ngày nay thật ra cũng còn sống. Không biết vui hay buồn khi chúng sống trong câu chuyện kể của những người lớn tuổi. Lớp này chết đi, nếu nghe chuyện ngày xưa quê tôi có cọp, trẻ con sẽ bĩu môi không tin là thật. Ngày nay, rắn, trăn, mển, nai, chồn, cheo…chưa nghe ai nói thấy chúng khi vô “rừng”.  Chim dồng dộc, loài chim rất nhiều, làm tổ rất tinh anh, nay biến mất. Nhiều loài chim khác nữa. Hoạ chăng, một cánh rừng dài còn một hai con chim chào mào, có lẽ là những con cuối cùng người ta đang ra sức bẫy về để có thêm những lồng chim tham gia thi tiếng hót trong những câu lạc bộ chim cảnh ở các thành phố lớn.

Hôm qua, tôi và các con, cháu kéo nhau vào rừng, bắt chước dân Tây thưởng thức những ngày hè ấm áp hiếm hoi ở cái xứ “quanh năm mùa đông”. Và may mắn thay, 60 năm cuộc đời, tôi gặp lại cái cảnh mà khi chín mười tuổi tôi chứng kiến như vừa kể ở giữa bài: không gặp mển mà nai, một nai con trên đường chúng tôi đi tắm hồ, lội rừng trở về. Khác con mễn của tôi năm xưa, ở khá xa, chú nai con hiền lành ngoan ngoãn như chó con: nếu được phép, tôi có thể ẵm nó về để nuôi. Nai chẳng sợ người. Tôi không hiểu vì sao.

Ảnh: Tôi có thể ôm lấy chú nai con này và mang về nhà.

Lấy que cây nhỏ tôi ẩy ẩy vào đuôi để nó đứng lên, trở vào chỗ có cha hoặc mẹ nó đang chờ. Ham chơi, chú nai con này đi lạc bố mẹ mình hay sao.

Rừng quốc gia Phần Lan không nhiều đồi dốc, cao ngút như rừng VN, chỉ toàn là thông, tùng và bạch dương. Rừng họ không đa dạng chủng loại cây cối như rừng chúng ta. So về sinh thái, rừng họ nghèo nàn hơn rừng chúng ta rất nhiều. Chúng ta có rừng vàng cho nên không cần trân quý? Vàng nhiều quá, nay “bạc” mất rồi. Rừng (thật) còn in ít, cọp thì tiêu vong; thôi thì ngâm một câu thơ cảm thán gọi là an ủi: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”. (Nhớ Rừng- Thế Lữ).

NGỒI LÂU, NGỒI NHIỀU LÀ NGUYÊN DO CHẾT SỚM

Tạp chí Biên Niên Nội Khoa (Annals of Internal Medicines) thuộc đại học Thầy thuốc Mỹ (American College of Physicians)- một tạp chí được trích dẫn nhiều nhất, ảnh hưởng nhất thế giới - có đăng một nghiên cứu do Keith Diaz dẫn đầu, cho biết một kết quả như đã nêu ở đầu bài viết.

Nghiên cứu thực hiện trong 4 năm với gần 8000 người tham gia có độ tuổi từ 45 trở lên, và số tử vong trong đó là 340 người.

Một kết quả có được như sau: Người ngồi một mạch 90 phút, thời gian ngồi tổng cộng cả ngày trên 13 giờ có tỉ lệ tử vong sớm hơn người ngồi dưới 90 phút tổng cộng thời gian ngồi dưới 11 giờ là 200 %.Người ngồi 1 mạch dưới 30 phút có tỉ lệ tử vong chỉ 55% so với người ngồi trên 30 phút.

Thường thì càng già người ta ngồi càng nhiều và các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, ngồi nhiều làm cơ thể ít tiêu hao năng lượng (calori) và cơ thể ít "kích hoạt insulin"; (chất insulin có liên quan mật thiết đến nguyên do của  bệnh tiểu đường). Ngồi nhiều còn ảnh hưởng đến lưu thông máu huyết và ảnh hưởng đến tim mạch.

Có câu hỏi là đối với những người làm việc bàn giấy hay công việc cần phải ngồi thì có thể đứng, hoặc chế loại bàn đứng để làm việc được hay không, Keith Diaz  trả lời: rất ít cơ sở chứng minh việc đứng một chỗ để làm việc thì tốt hơn ngồi.

Ngồi liên tục quá 30 phút một lần thì rất là có hại. Ngay cả hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng ra một khẩu hiệu " Sit less, move more". (Hãy ngồi ít, mà đi nhiều)

Việc ngồi một chỗ quá lâu, theo nghiên cứu, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người, không kể tuổi tác, chủng tộc, chỉ số cân đối cơ thể (BMI, body mass index), và ngay cả người hằng ngày có tập thể dục cũng bị.

Lời khuyên sau cùng của nhóm nghiên cứu: Cứ mỗi 30 phút hãy đứng lên đi lại thật nhanh hoặc di chuyển chừng 5 phút, nguy cơ chết sớm sẽ không đáng kể. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay".(Nguyễn Du). Không "qua cầu" mà biết "đoạn trường" mới là “trang anh kiệt”.

Nghiên cứu trên có lẽ giới trẻ IT Việt Nam ngày nay nên tham khảo. Có sức khỏe là có tất cả.

Ghi chú: Tư liệu lấy từ bài báo trên CNN có tựa đề " Yes, sitting too long can kill you, even if you exercise" của tác giả Susan Scutti.

NHÀ THỜ THÁNH PHÊ-RÔ, VATICAN, một kiến trúc kỳ vĩ.

Khi đặt tên tông đồ mình là Peter, Jesus muốn người chăn chiên kế tục ngài đầu tiên là tảng đá.

Và đúng là đá. Hơn 2 ngàn năm, đàn chiên của ngài không ngừng phát triển và bền vững. Đền thờ thánh Phê-rô là chứng nhân cho niềm tin đá tảng.

Mặt trước nhà thờ thánh Phê Rô

Khi kiến trúc và nghệ thuật lên tiếng, đền thánh không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo. Nó là niềm hãnh diện của nước Ý. Và cũng là niềm hãnh diện của loài người.

Chưa có dịp đi nhiều nơi, chẳng hạn như Mỹ, tôi không hình dung, hơn năm trăm năm trước, phương tiện còn thô sơ, làm sao con người có thể xây dựng một thánh đường mà cột, kèo, đòn tay, rui mè…không thấy, nhưng lại có những mái vòm cao vút, phải ngửa mặt lên mới nhìn được những chạm trổ, hoa văn,  bích họa, phù điêu…đầy hình dạng, màu sắc, kích cỡ. Hình ảnh sinh động của những tác phẩm nghệ thuật như mới hoàn tất gần đây dù vẫn biết chúng hình thành hàng mấy trăm năm trước.

Mọi bức tường, mọi khung cửa, mọi giá kệ trong nhà thờ đều thiết kế, trang hoàng hoặc bằng tranh, bằng tượng, bằng vật liệu trang trí tôn giáo. Không gian nhà thờ rộng lớn, có thể nói là mênh mông, chia làm ba phần, hai bên nhỏ hơn ở giữa, sảnh đường dẫn vào bàn thờ hành lễ. Hai sảnh hông cứ khoảng 20 mét lại có một sảnh khác, thẳng góc với sảnh chính, tạo nên một cái nhà thờ con, cũng có ghế ngồi chia làm hai dãy hướng về bàn thờ lễ, tại nơi đây, có tổ chức một thánh lễ riêng, và rất nhiều nhà thờ con tương tự như thế trong nhà thờ chính. Có thể nói nhà thờ Phêrô chứa hàng chục nhà thờ con trong bụng của mình. Đương nhiên, trang trí tranh, tượng (không hẳn tất cả là tượng thánh) không khác nhà thờ chính nhưng quy mô nhỏ hơn và không kém phần nghệ thuật.

Ánh sáng trong nhà thờ luôn luôn mờ ảo. Có lẽ ánh sáng chói chang dễ làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật. Sự lung linh của ánh sáng phát ra từ nhiều màu sắc của các tác phẩm trang hoàng khiến nhà thờ kỳ vĩ này càng lung linh ảo diệu hơn.

Quý vị sẽ đắm mình trong không khí thiêng liêng khi bước chân vào đây, lòng ngưỡng mộ, tâm hồn choáng ngợp, vì sắc màu kỳ bí, pha lẫn giữa cái đẹp của nghệ thuật và sự huyền bí từ các vị thánh ở những bức tranh, hay các tượng thánh tôn giáo, dù bạn không phải là tín đồ như tôi.

Tôi không bao giờ quên ấn tượng duy nhất về người phương Tây ở điểm này: Từ các nhà thờ ở Phần Lan, Pháp, Đức rồi đến Ý, chưa bao giờ tôi trải nghiệm không gian yên tĩnh trong mọi nơi thờ phượng khi có hàng trăm khách tham quan, không phải là tín đồ. Có lẽ tâm trí chú trọng hết mức vào việc chiêm ngưỡng các tác phẩm danh tiếng của những họa sĩ, điêu khắc gia bậc thầy thế giới nên họ cần tĩnh lặng chăng (trừ trẻ con) trong khi, với tôi, việc thăm thú các kiến trúc kỳ vĩ như thế này chỉ để thỏa mãn sự tò mò về văn hóa và văn minh phương Tây “nó ra làm sao”.

Nếu có vài chục người châu Á như tôi, ngôi đền thánh Phê-rô hùng vĩ yên bình này chắc chắn sẽ náo nhiệt lên bởi những câu hỏi, những bình phẩm, những so sánh Ta- Tây chăng. Lạc vào đám đông trật tự, không một tiếng nói cười, tôi có cảm giác mình “văn minh” hơn lên.

ĐỜI BẤT CÔNG

Tuy không rành hội họa, tôi rất thích xem tranh. Ở bảo tàng Louvre, Paris, tha hồ ngắm, thật mãn nhãn. Đừng nghĩ là tôi thích tranh vẽ khoả thân. Kẻo mang tội “già không nên nết”.

Chân dung tự họa của Monet.

Pháp mang tiếng “chôm” bức tranh Mona Lisa nổi tiếng của của Leonardo Da Vinci. Nhưng họ cũng vang danh có Claude Monet, nổi tiếng không kém, với bức tranh vẽ đống rơm có giá 110 triệu đô la (chừng 275 tỷ đồng VN).

ĐI LẠI (Ở Phần Lan)

Tại thủ đô Helsinki, việc đi lại không lấy gì làm nhộn nhịp. Ngay tại trung tâm – ga xe lửa với tám đường ray – số hành khách rất là thưa thớt. Thời tiết giá lạnh, tháng 4 buổi chiều vẫn còn 3, 4 độ, khiến người Phần Lan ngại ra ngoài? Hay là tại diện tích trên 333 ngàn km2 (xấp xỉ VN) quá lớn so với số dân (chưa tới 5,6 triệu người)? Theo ước lượng bằng mắt, số xe hơi lưu thông tại thủ đô có thể bằng 1 phần 100 của Sài Gòn chúng ta, nghĩa là rất “lèo tèo”.

Nhưng các ngã tư thì khá là nhiều và đều có đèn hiệu, chuyển rất nhanh từ đỏ sang xanh, chừng 2, 3 phút, làn xe di chuyển diễn ra rập rang, gọn ghẽ, không thấy xe nào cố vượt khi đèn chuyển vàng. Điều ngộ nghĩnh là, thỉnh thoảng có bảng to bằng 2 bàn tay gắn ở các ngã tư có hai chữ WC (tức cầu tiêu, mũi tên chỉ hướng đi và cung độ).

Ngoài xe buýt, xe hơi còn có tàu điện dài gấp đôi xe buýt chạy trên đường ray trên mặt đường. Người đi bộ, đi xe đạp thấy cùng tham gia giao thông nhưng có vẻ ít hơn. Có bãi cho mướn xe đạp điện. Ai muốn đi thì tải một app về điện thoại, trả tiền qua tài khoản, sẽ nhận một mật mã, và nhập nó để chọn bất kỳ xe nào mình muốn. Và cũng thấy ít người sử dụng. Đa phần khách bộ hành đi thăm thú các phố trung tâm.

Tôi có đi Singapore và thán phục sự sạch sẽ của họ. Nhưng tôi càng thán phục hơn sự sạch sẽ ở Helsinki. Có lẽ ít người hơn chăng?

Nhờ sát biển, thủ đô có âm thanh của những loài chim biển bay từng bầy, át hẳn tiếng xe cộ đi lại. Điều buồn cười, cả ba tiếng đồng hồ đi lang thang trên các phố chính, tôi không hề nghe dù là một tiếng còi xe. Hay là quen tĩnh lặng, không thích bon chen, dân Phần Lan chẳng vội vã nhấn còi xin đường, đi trước? Cảnh va quẹt xe máy, rồi quát tháo nhau do chen lấn không thể xảy ra vì lưu lượng xe cộ đi lại quá nhảnh nha và thưa thớt? Bất giác, tôi bỗng thấy nhớ quê nhà, không khí lúc nào cũng đượm mùi xăng dầu, và không gian đầy ắp tiếng còi, tiếng xe, tiếng nhạc, tiếng rao hàng, tiếng quảng cáo bằng loa, cả tiếng loa phường.

Biết đâu sự ồn ã và dày đặc xe cộ lưu thông ở quê nhà lại là dấu hiệu cho đất nước tiến lên? Tiến lên sá gì lá phổi, lỗ tai!

Ấn tượng đi lại ở Phần Lan không phải ở điều tôi vừa mới nói. Đó là ưu tiên giao thông ở những thành phố không hề có đèn đường dù có ngã tư, ngã ba.  Xe đang ở vòng xoay sẽ hưởng ưu tiên hơn xe đang trên đường dẫn vào vòng xoay. Qua đường, ngã ba, ngã tư, ở các thành phố không phải thủ đô, tôi không hề thấy có đèn đường. Và ưu tiên theo thứ tự: người đi bộ, người đi xe đạp, người đi xe hơi kể cả xe buýt, xe chuyên dụng (tôi không rõ xe cứu hỏa, xe cứu thương thế nào).

Khi thấy bạn đứng bên lề hay sắp đến lề có vạch trắng (zebra), xe sẽ dừng lại sau khi chạy chầm chậm và bật đèn xi nhan bên trái. Những lần qua đường đầu tiên, tôi rất ngại ngùng khi thấy xe hơi dừng lại để chờ mình. Có lần thấy xe chạy chầm chậm tôi đứng yên, cố ý đợi xe qua hẳn, mình sẽ qua đường. Nhưng không, xe dừng hẳn và đèn nháy bác tài kiên nhẫn chờ tôi, không hề có tiếng kèn “nhắc nhở” hay “cho phép”. Khi qua đường, tôi rất áy náy. Mình đã làm trễ một đôi phút chiếc xe kia chăng?

Tôi có đem chuyện này ra kể với đứa con trai (sắm xe hơi khi đến Phần Lan). Nó nói việc tuân thủ luật đi đường là điều đương nhiên ở đây. Và người Phần Lan không hề  cảm thấy “bực dọc” khi phải chờ rất lâu một người đi bộ, dắt con nít, đẩy xe nôi, hay đi xe đạp băng qua đường, qua giao lộ.

CHUYỆN CŨ

*Giáo sư Lê Hữu Mục.

Tôi không hân hạnh được học với giáo sư vì theo ngành Anh văn. Lần đầu tiên, tôi thấy giáo sư ở một buổi thuyết trình tác phẩm Ngựa chứng trong sân trường, tác giả nhà văn Duyên Anh có đến dự bằng xe hơi cáu cạnh, do khoa Việt-Hán trường sư phạm tổ chức, trong một hội trường lớn, dùng chung cho trường đại học sư phạm và đại học khoa học.

Giáo sư trông rất đường bệ như một quan chức chính phủ cấp cao chứ không phải là một học giả. Trong phần tranh luận, diễn giả là giáo viên cấp 3 (theo ngôn ngữ bây giờ) Huỳnh Phan Anh (?) đả kích nhà văn nổi tiếng, có sách bán chạy nhiều nhất thời ấy, “không cho thằng cùi vào đất thiêng”, ngầm ý phê phán Duyên Anh “bôi bác” học đường qua tác phẩm của mình. Vì tức giận diễn giả, nhà văn điên tiết, “các anh tưởng các anh ngon à, đại học Văn khoa chứ gì. Tôi cho đó là cái đống rác”.

Không khí phản bác nhau sôi nổi giữa một giáo viên và một nhà văn trước sự có mặt của mấy trăm sinh viên, giáo sư Lê Hữu Mục điềm đạm đứng lên, vừa sửa đôi mục kỉnh, vừa ôn tồn phát biểu giảng hòa, bằng giọng nói chắc nịch, phân tích sắc bén, diễn giải mạch lạc mâu thuẫn hai bên. Không khí sôi bỏng xém vượt khỏi tranh luận học thuật trở nên dịu lại: ai cũng nể nang bởi đây là phân giải của một học giả.

Một lần khác, sinh viên tất cả các khoa đi điền dã Suối Tiên, hồi đó còn rất nguyên sơ, lúc tụ tập ca hát, thấy thầy ngồi bất động một chỗ xa xa. Lát sau quay lại, thầy bảo thầy vừa sáng tác 1 bản nhạc ngắn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, cho sinh viên của 3 khoa, và tập chúng tôi hát theo, bài hát vui tươi, giòn giã tiếng cười.

Ấn tượng nhất về thầy là sau mấy ngày “giải phóng”, trông thầy luôn luôn tư lự. Ngày nào, sinh viên trường sư phạm cũng được “quán triệt” chủ trương cách mạng, kể cả các giáo sư, trên sân trường nhiều cây cổ thụ trồng đâu thời tây. Lúc giải lao, mấy bạn sinh viên Việt-Hán than phiền với thầy: nhạc cách mạng nghe sao “chói tai” quá. Thầy cười hiền hòa đáp: rồi các em sẽ quen dần, có khi lại thấy…thích là đằng khác. Thầy cười ý nhị: nghe mãi sẽ thấy quen, khó gì đâu; cái gì dù không ưa, lặp đi lặp lại mãi, cũng trở thành như…tự nhiên, dù ban đầu các em không muốn.

Quả đúng lời thầy nói.

Nghe đâu, sau này thầy phải vượt biên, không thành, ở tù mấy bận, sau được con bảo lãnh qua Canada và mất ở đó.

** Giáo sư Trần Văn Tấn.

Thầy từng là chủ tịch hội đồng văn hóa giáo dục quốc gia, thỉnh thoảng vào dinh tổng thống để họp hành, viện trưởng viện đại học Sài Gòn (gồm nhiều trường đại học), kiem hiệu trưởng trường đại học sư phạm, lấy bằng tiến sĩ cấp quốc gia về toán tại Pháp (ngành này nghe nói lấy tiến sĩ rất khó). Thầy cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, luôn vận áo vest đen, thắt cravate, sơ mi trắng, đi giày đánh bóng, nhưng lại độc thân, tuổi có lẽ tầm 40.

Khi còn là viện trưởng, thầy thỉnh thoảng có ghé trường đôi lần mỗi tuần, có tài xế đưa đón, trong một chiếc xe hơi màu đen bóng lộn, loại xe tòa đại sứ Mỹ hay sử dụng, tôi không nhớ hiệu gì. Sau ngày “giải phóng”, thầy đến trường bằng xe đạp mini,  áo sơ mi trắng, vẫn bỏ vào quần, vẫn giày đánh bóng, trong khi vị hiệu trưởng “mới” ăn bận lè phè, áo bỏ ngoài quần, mang dép nhựa “rọ” màu nâu.

Thấy thầy trở nên “bình dân”, chúng tôi mon men hỏi, sao thầy không đi Mỹ như một số giáo sư của trường đào tạo ở ngoại quốc ra đi trước 30.4 khá sớm. Thầy cười trả lời: tôi từng ở nước ngoài hơn 20 năm. Tôi không muốn đi, tôi muốn ở lại quê hương, tiếp tục thiên chức dạy học của mình. Tôi không rõ, với chức vụ “lớn” như thế, thầy có được đi cải tạo để thành người “giác ngộ cách mạng” hay không. Thấy thầy đạp xe đến trường mỗi ngày, cùng chúng tôi “học tập” chính trị, tôi tự nhiên suy nghĩ: những năm về sau, thầy có thỏa nguyện ước muốn của mình hay không.

Trí thức nặng lòng với đất nước, một số vị quyết định không đi Mỹ để ở lại Việt Nam như thầy, có toại nguyện theo ý muốn, hay đã hối hận vì ở lại quê hương”?

*** Nhà thơ Xuân Diệu

Chắc các bạn ngạc nhiên tại sao tôi lại nhắc đến một thi sĩ cách mạng trong các mẩu chuyện này.

Sau 30.4. 1975, có lẽ biết học sinh, sinh viên miền Nam đều yêu quý những văn sĩ, thi sĩ thời tiền chiến, trong chiến tranh, một số họ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định tổ chức những buổi nói chuyện, các thành phần trí thức tiền chiến có tên tuổi còn sống ngoài đó vào làm diễn giả. Trường sư phạm và trường khoa học tổ chức chung cho sinh viên tập trung trong một hội trường khá lớn để dự một buổi nói chuyện như thế.

Trời tháng 5 oi bức, hội trường cả ngàn sinh viên chen chúc, các cánh quạt trần quay tít, vù vù, vẫn không làm không khí dịu đi sức nóng hừng hực, nhưng ai cũng háo hức được nhìn tận mắt một thi sĩ mệnh danh “ông Hoàng tình yêu”, chẳng ai than nóng nực.

“Bữa ấy, riêng hai dưới nắng đào

Nhìn tôi, em muốn hỏi vì sao

Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp

Một thoáng cười duyên thỏa khát khao”.

Hay là nỗi quay quắt nhớ nhung của một chàng trai:

“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời”…

Đối với một số học sinh, sinh viên miền Nam, 2 cuốn Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, xuất bản ở Sài Gòn, là hai tác phẩm "gối đầu giường" cho những người đang lứa tuổi yêu đương, đầy ắp những bài thơ tình, mỗi thanh niên đều thấy tâm trạng của mình qua từng bài thơ, có bài thơ nói hộ tiếng lòng của một người đang yêu hay thất vọng vì yêu…

“Nói chi nữa tiếng buồn ghê gớm ấy

Để lòng ta sung sướng muốn tiêu tan”.

Hình ảnh về một nhà thơ có mái tóc quăn nghệ sĩ, bồng bềnh, đôi mắt sáng, vầng trán thông minh, người có những bài thơ tình “thanh tân, rạo rực, khát khao” như Hoài Thanh, Hoài Chân ca ngợi, luôn hiện ra trong tâm trí chúng tôi những chàng trai trẻ, những cô gái thanh xuân, dù lúc đó đất nước còn chiến tranh chia cắt.

Vì vậy, sau khi nghe 2 tiếng Xuân Diệu được xướng lên trang trọng, “người trong mộng tưởng” của chúng tôi bước lên khán đài hội trường, trong tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài mấy phút, của cả ngàn khán giả, sinh viên và giáo sư.

Chúng tôi thấy mái tóc nhà thơ vẫn quăn nhưng không được bềnh bồng như trong bức ảnh. Trán vẫn cao, tuy có vẻ vướng đôi nếp nhăn kín đáo. Ông nở một nụ cười thật rộng, thật lâu, và yên lặng chừng đôi ba phút sau khi tiếng vỗ tay chấm dứt.

“Nghe không bằng thấy”, ông duyên dáng mở đầu buổi diễn thuyết: “Lần đầu tiên tôi thấy các ‘đồng chí’ và cũng lần đầu tiên các “đồng chí’ thấy tôi”.

“Đồng chí” có lẽ thành thói quen khi nói chuyện ở miền Bắc, nghe ông gọi danh xưng ấy, chúng tôi cảm thấy hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm. Ở miền Nam chúng tôi hay nghe “quý vị” trong cách xưng hô trong các buổi diễn thuyết hay nói chuyện; tôi chưa bao giờ quen với hai từ đồng chí; trong các tổ chức đảng phái ở miền Nam, tiếng ấy có được sử dụng hay không, tôi không rõ mấy.

Cách dẫn chuyện của ông hết sức thu hút, hầu hết nội dung nói về thơ ca, nhất là những đoạn nói về kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”. Ông cho biết, ở miền Bắc ông đi khắp nơi để bình thơ, từ hợp tác xã cho đến nông trường, nhà máy, xí nghiệp, kể cả các đơn vị chiến đấu. Ông bảo có làm thơ tình nhưng chưa tiện công bố vì đất nước còn chiến tranh, Huy Cận rất quý mến ông, và có lần, ông được gọi vào phủ chủ tịch để bình thơ cho cụ Hồ nghe, khi cụ không còn tham gia việc nước. Sau Tố Hữu, người ông ca ngợi nhất là Trần Đăng Khoa, ông gọi một thần đồng thơ. Ông trích đọc nhiều đoạn thơ ca ngợi thôn quê miền Bắc, ca ngợi hợp tác xã, ca ngợi cuộc kháng chiến "chống Mỹ cứu nước".

Có mấy câu ông trích dẫn tôi cho rất hay, giờ vẫn còn nhớ, khi tả về cây dừa “Đứng canh trời đất bao la. Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”. Khi nói về trăng, nhà thơ cười, tôi tả trăng đã hay: “Trăng vú mộng suốt muôn đời thi sĩ. Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”, vừa nói ông vừa đưa hai tay lên cao như xoa xoa ý nhị, rồi cười thật tươi: “Thằng” Khoa tả trăng còn sinh động hơn tôi. “Em đi trăng theo bước. Như muốn cùng đi chơi” hay “Trăng bay như quả bóng. Đứa nào đá lên trời”.

Ông say sưa diễn đạt, trôi chảy, có lúc hùng biện, có lúc dí dỏm, có lúc như phẫn nộ, có lúc như khoan hòa…Chúng tôi thấy ông có tài của một nhà diễn thuyết tài ba, ngoài một nhà thơ nổi tiếng.

Từ 8 giờ sáng cho đến quá trưa, chúng tôi vẫn thấy thời gian trôi quá nhanh, dù không khí trong hội trường càng lúc càng hầm hập. Nhà thơ vừa nói, vừa cầm một cái quạt giấy mang theo sẵn, phe phẩy liên hồi, mồ hôi tươm đầy mặt, thỉnh thoảng ông lấy khăn mui-soa ra lau, dù gần ông cũng đặt một cái quạt máy.

Không hiểu lúc đó có ai gợi ý hay chỉ là tình cờ, để “giải khát” cho nhà thơ, một chai la-de con cọp (bia 65 cl) và một ly đá mang ra chỗ diễn giả. Nét mặt nhà thơ bỗng nhiên rạng rỡ. Ông khoan khoái rót bia vào ly, bưng lên tu một hơi dài, sảng khoái. Tiện tay ông rót tiếp, chưa uống liền, ngẩng nhìn khán giả cười giải thích: "Ở Hà Nội, mỗi lần tôi ra hồ Tây uống bia Trúc Bạch, ai thấy tôi, họ cũng đều vui vẻ “mời” bia (có lẽ là “bao” cho nhà thơ). Khi nói thêm độ nửa giờ, một vài chai bia ướp đá mang ra. Lần này, nhà thơ không phải rót ra ly, ông uống như ta thấy Obama uống lúc qua Việt Nam, cầm chai tu, khỏi ly, gật gù, không quên khen bia miền Nam ngon quá.

Đến bây giờ, tôi mới để ý cách trang phục của nhà thơ. Ông mặc áo hơi cũ màu vàng úa, ngắn tay, bỏ ra ngoài quần, quần nâu sẫm, chân mang dép nhựa có quai (ở miền Nam gọi là dép rọ, bao lấy bàn chân, có nhiều khe hở).

Thấy cách thưởng thức bia và cách ăn mặc của nhà thơ, tôi nghĩ, nếu ông ở Sài Gòn thay vì Hà Nội, tiền tác quyền in sẽ khổng lồ,  không biết bao nhiêu lần tái bản Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Phấn thông vàng (văn xuôi)…dư sức để ông mua xe hơi như Duyên Anh và uống rượu tây, nghĩa gì mấy chai la de, người miền Nam uống mỗi lần cả két.

Tôi thấy thương cho thi sĩ có rất nhiều bài thơ tôi thuộc nằm lòng từ hồi còn trẻ. Và tôi cũng thấy thương cho hai thầy tôi những ngày sau “giải phóng".