Tôi có thói quen đọc báo Việt mỗi sáng (tờ VNExpress) để biết những gì xảy ra tại VN, ngoài vài tờ tiếng Anh.
Mấy hôm nay, đề tài thu hút nhất, hay gọi là ‘hot’ nhất, chính là việc ‘ngôi sao’ Ngọc Trinh bị bắt. Có một tin đau lòng nhưng ít ai để ý: “Thiếu niên bỏ độc vào sữa khiến cha và bà tử vong”.
Một em trai 14 tuổi ở Tiền Giang bỏ thuốc độc vào lon sữa do tức giận bị cha mắng vì khuyên ông bớt uống rượu. Cha bỏ mẹ lúc em 6 tuổi. Mẹ và em về quê ngoại ở tỉnh khác sinh sống. Gần đây, em về sinh sống trong gia đình có cha và bà nội.
Nhiều lần khuyên cha bớt uống rượu nhưng thường xuyên bị la mắng. Em gặp một người có sử dụng bả thuốc chó. Em nói dối lý do để đem loại thuốc cực độc này lén bỏ vào lon sữa và kết cục là cha em ngộ độc chết. Trong đám tang, em người mất bèn lấy sữa pha cho mẹ và bà cũng chết một vài giờ sau đó. Gia đình cứ nghĩ hai cái chết gần nhau là do bạo bệnh; họ không báo chính quyền. Cho đến khi thêm con trai của người chết- tức anh của người chết trước đó - đi cấp cứu sau khi uống cùng loại sữa thì nhà chức trách vào cuộc và sự việc tỏ tường. Hai người chết, một người suýt chết là do ngộ độc sữa.
Qua câu chuyện thương tâm trên, tôi thấy:
- Giáo dục: Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong nhận thức con người. Đứa trẻ 14 tuổi không hình dung được việc giết người không dễ gì qua mắt nhà chức trách. Cháu cũng không hiểu giết người - chưa nói là giết cha - là một tội ác. Cái quan trọng hơn, vì bỏ học, sống trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, em đem lòng căm thù cha. Lý do bị la rầy khi khuyên cha nên em dùng thuốc độc giết cha mình là phần nổi của tảng băng.
Giáo dục cần bắt buộc ở độ tuổi nào đó. Nhà chức trách cần phải thấy việc khai dân trí là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải “bảo vệ chế độ”. Trẻ cần tạo điều kiện để đến trường ở giai đoạn nào đó. Đất nước hùng mạnh nhờ chính quyền đầu tư giáo dục cho mọi con dân. Trẻ không đến trường không những là trách nhiệm của gia đình mà là trách nhiệm của nhà nước. Trừ những trẻ thiểu năng hay tật bệnh không thể tới trường.
- Gia đình: Tình yêu gia đình hình thành nhân cách của các thành viên. Nếu em bé 14 tuổi ấy được cha mẹ yêu thương và đùm bọc từ nhỏ, chắc chắn em sẽ không đem lòng oán hận cha ruột của mình sâu xa như thế. Mà gia đình yêu thương là gia đình có giáo dục. Không cứ cha mẹ là những kỹ sư, bác sĩ, hay những người có bằng đại học. Họ phải được giáo dục từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành: bằng nền giáo dục nhân bản.
- Xã hội: Ở câu chuyện đau lòng trên, xã hội có phần trách nhiệm lớn. Bất lực trước việc thức ăn hằng ngày chứa những chất không ai kiểm soát nổi, xã hội không lẽ bất lực trước vấn đề chất độc? Bả chó -thuốc cực độc, không mùi, không vị nên mũi thính như chó cũng không nhận ra - tại sao người dân có được? Không lẽ họ ‘chế ra’ hay ‘nhập lậu'? Tiệm nào bán thuốc này? Bán ở đâu? Nghiêm cấm việc sở hữu, mua, bán bả chó và tất cả những thứ độc hại khác – được không? Chắc chắn là được. Thuốc rầy, thuốc chuột, thuốc trừ cỏ…những thứ được sử dụng để tự tử không nguy hiểm bằng bả thuốc chó vì có mùi hôi. Nếu bỏ vào thức ăn, chúng sẽ dễ dàng bị phát hiện.
- Nhận thức: Cuộc sống ở VN ngày nay rất ‘đa đoan’; không phải trong thời đại@ của khoa học và kỹ thuật, chỉ có nhìn vài hình đăng lên của người mẫu Ngọc Trinh người ta cũng phát hiện cô ấy phạm luật. Cuộc sống đa đoan khi một em bé 14 tuổi đầu độc cha mình, bác mình, bà nội mình lại không thu hút sự quan tâm của xã hội bằng một người mẫu biểu diễn xe với những tư thế khêu gợi. Hình ảnh phụ nữ gợi cảm dễ thu hút hơn hình ảnh đau thương của một gia đình hai người chết vì người thân yêu đầu độc? Xin quan tâm những hoàn cảnh thương tâm.
(Ảnh minh họa lấy từ báo VNExpress).