Tôi không rõ mấy hai từ này. Nhưng khi lo công việc chi đó không phải của mình, vợ tôi hay nhận xét “ông lo chuyện bao đồng “. Tôi hiểu lờ mờ, hay là “bả” nói tôi “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ”?
Thấy có mấy cái quảng cáo vu vơ trên trang Facebook của mình, ná bắn chim, thuốc diệt cây, tôi giật mình.
Xem cái ná bắn chim hiện đại mà sảng sốt. Đạn bằng sắt. Dây ná mạnh gấp ba lần dây ná cao su thông thường. Sức “sát thương”, nghĩa là sự giết chết chính xác vật nhắm- tức là chim muông- một trăm phần trăm. Clip minh họa cho thấy con chim đổ lông rớt khỏi cành chỉ sau một tiếng tách nhỏ của chiếc na tối tân. Theo tôi, chiếc ná này còn nguy hiểm hơn nở thần Trọng Thuỷ phỉnh Mỵ Châu đđể Triệu Đà đánh bại An Dương Vương.
Còn nữa, thuốc diệt cây, không chỉ diệt cỏ. Chỉ cần 50 ngàn đồng, một cây to như cây đa Tân Trào, hay bụi tre rậm như tre làng thời trước, cây hay tre cũng tiêu, nghĩa là tàn héo, theo quảng cáo từ năm đến bảy ngày. Xem nguồn gốc, nghe đâu từ Thụy Sĩ. Có in hình nhà bác học hay kỹ sư chi đó là người sáng chế thuốc diệt sinh học này.
Tôi tuy già nhưng mắt không đến nỗi bèo. Trên thân chiếc ná, như nòng súng, và trên gói thuốc diệt thực vật, không thấy tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ thấy chữ Tàu.
Hai loại “vũ khí “ có vẻ vô hại. Diệt cây vì khỏi phải chặt công khổ. Tre, cây lớn, có lẽ cổ thụ, chỉ cần 1 gói thuốc bột màu trắng, bụi tre mất hẳn màu xanh. Tre khô như gặp phải thuốc khai quang của Mỹ. Còn chim chết thức thì sau cái bóp cò như gió thoảng.
Tôi phải thở ra khi viết tới đây. Cây ở VN đâu còn nhiều mà phải cần tới thuốc diệt sinh học? Không lẽ, ghét hàng xóm có cây xoài, cây mít, bóng che qua vườn nhà mình, chỉ cần 50k/ gói thuốc, “ân oán “ phân minh? Trồng một cái cây là trồng một hy vọng. Trồng một bóng mát cuộc đời. Thuốc diệt cây để làm gì? Khó nghĩ quá.
Chim muông nhiều là môi trường giàu sức sống. Tôi về quê, và đi nhiều quê khác, chim là thứ ít thấy. Chúng vào lồng cho phóng sinh. Chúng nằm trên bàn cho quán nhậu. Chúng chết dần vì ăn phải cào cào, châu chấu vừa dính thuốc trừ sâu trên đồng lúa. Chim còn đâu?
Vậy mà có ná tối tân như súng xuất hiện ở VN, xứ của chim muông vắng bóng. Trước đây thì súng bắn chim. Nay bị cấm hay không có vì vắng chim, ná bắn chim đời mới tối tân thay thế.
Tứ bề thọ tiễn.
Có nên cấm ná giết chim, hoá chất diệt cây? Không. Không thể cấm nổi. Nhưng chúng cần được kiểm soát.
Chính quyền cách mạng CS trong quá khứ chứng tỏ họ rất mạnh. Nhưng ngày nay, tôi có cảm giác họ dễ dãi quá? Cái gì cũng thoải mái.
Trước đây, nếu họ khắt khe với chiếc cưa máy, gọi là cưa lốc gì đó, thì biết đâu, rừng VN có khai thác, bây giờ vẫn còn cây. Lâm trường có cưa máy, người dân có cưa máy. Chỉ cần 1 cái cưa máy, 10 phút, cây cổ thụ 100 năm trên rừng nằm lăn ra đất, chết ngay. Những cây to mấy người ôm, nếu không có cưa máy, đố ai hạ ngã nó? Năm 1976, cây rừng ở quê tôi- cũng như mọi quê có rừng khác- nếu không có cưa máy, chắc gì bây giờ chỉ toàn rừng tràm bông vàng làm giấy.
Ngày xưa, người Việt khai thác rừng nhẹ nhàng không mãnh liệt như sau ngày “giải phóng “. Với chiếc rìu, con rựa, một cây hai người ôm trên rừng, đốn hạ bao lâu thì hoàn tất? Rất khó. Với cái cưa líu, cưa đợi (truyền thống) cây to, chưa nói cổ thụ, đại thụ, không dễ gì bị tuyệt diệt khi cưa máy xuất hiện. Người VN làm ra cưa máy? Không. Phải nhập. Ai là người cho nhập? Rất dễ trả lời. Có cưa máy, có lòng tham, có sự tù mù, có tiếp tay của lâm tặc, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chỉ còn là rừng nghèo rừng kiệt.
Đã không sáng suốt với cưa máy, xin quý vị hãy sáng suốt với thuốc diệt cây, ná diệt chim. Lịch sử sẽ trông chờ . Xin quý vị dè dặt và lưu tâm.