(Nói về một ngôi chùa đẹp nơi thôn dã).
Người ta hay gọi lập chùa là khai sơn. Vị trụ trì đầu tiên là thầy khai sơn, người đầu tiên dựng chùa. Dựng chùa xuất phát từ tâm của kẻ tu hành. Ban đầu có thể là một cái cốc hay am, nho nhỏ, đơn sơ, bằng tranh bằng tre, có khi là vách đất. Chùa ngày xưa thường lập trên núi, “thâm sơn, cùng cốc”. Vì thế, dựng chùa có tên là khai sơn?
Chùa Phú Sơn, xã Tam Mỹ, Chu Lai, Quảng Nam là ngôi chùa như thế.
Toạ lạc trên đồi cao, gọi là đồi 34 (cao hơn mặt biển 34 mét), trước đây là cái chùa nhỏ xây bằng đá ong và vôi vữa (vôi trộn mật đường, một thứ xi- măng cổ). Sân sau ngôi chùa là một đồn Mỹ, vì thế, chùa không bị bom đạn của chiến tranh.
Chùa trên đồi cao, cách xa chỗ dân cư nên rất yên tĩnh. Càng yên tĩnh hơn khi quanh đồi dốc có các lối đi ngoằn ngoèo bậc thang hai bên là hai hàng cau. Vườn chùa ban đầu là 1,5 hectare; sau, dân chúng hiến cúng thêm, diện tích thành 3 hectare. Trong vườn trồng cây cho trái, nhiều nhất là cau, kế đến là nhãn và xoài. Bên hông trái ngôi chùa có cây khế cổ thụ, ước tính 100 năm tuổi. Chùa lập từ năm 1930 trên nền một cái cốc không có người ở, vị sư khai sơn là Thích Hành Giải, đã viên tịch; vị trụ trì tiếp theo, 78 tuổi, cũng vừa mới mất cách đây 1 năm. Trụ trì đời thứ 3 năm nay 52 tuổi (bằng số năm hạ lạp- thời gian tu tập- của sư phụ)
Cơ ngơi ngôi chùa xây dựng như hiện nay bắt đầu từ năm 1991. Chùa không nằm trong hệ thống điều hành của Giáo hội Việt Nam. Chính vì thế, sự hình thành, việc quy hoạch, xây dựng, trồng cây lâu năm, cây cảnh, bài thiết, hoàn toàn do bàn tay của phật tử thiện lành và rộng mở mà không có ai “lãnh đạo”. Và vị trụ trì là người “khai sơn” như của tất cả ngôi chùa truyền thống xa xưa ở VN.
Chùa chỉ đông tín hữu những ngày lễ trọng đại. Ngày thường, chùa là nơi yên tĩnh hiếm có: Ngồi viết những dòng chữ này bên hồ sen chỉ còn lá, tôi nghe tiếng quẫy đuôi của một vài con cá, có lẽ khá to. Tiếng mo tung kinh cung ngọ. Tiếng chiêm chiếp của chim sẻ, thi thoảng chen vài tiếng chim sâu thánh thót, khiến không khí gần trưa của mùa hè nơi thôn dã càng thêm yên bình, tĩnh mịch, thinh không hoà quyện.
Nông thôn ngày càng đô thị hoá. Bãi cỏ dại biến thành sân đổ bê tông hay sân lát gạch. Cây xanh ít dần. Ngôi chùa tĩnh mịch nằm trên ngọn đồi xa chốn dân cư ồn ả tiếng xe, tiếng còi, tiếng loa chợ, loa phường, loa quảng cáo, là một đặc ân còn lại của thiên nhiên dưới bàn tay các vị thầy chùa còn tận tâm với Thích Ca Mâu Ni.
Chùa là chốn bình an cho con người khi cuộc sống bên ngoài luôn luôn xáo động, tâm hồn dinh chặt miếng cơm manh áo, hay ngụp lặn danh lợi tiền tài.
Tuy chỉ là thân xác, các vị sư khai sơn xứng đáng có chỗ nằm trong khuôn viên rộng rãi của ngôi chùa; mà không có họ, những con người tiên phong, Phật giáo liệu có còn cho đến ngày nay?