Tuesday, March 5, 2024

CÂY GẠO HÀ NHA (*)

Hà Nha là tên gọi cũ của một ngôi làng nằm trong huyện Đại Lộc, thuộc tỉnh Quảng Nam.  Quê tôi có nhiều ngôi làng bắt đầu bằng chữ Hà rất dễ nghe. Hà Tân, Hà Thanh, Hà Dục Đông, Hà Dục Tây, Ha Vi…Hà có lẽ là sông. Những làng quê ấy đều có con sông Vu Gia chảy qua. Tổ tiên chúng ta ngày xưa lập làng gần sông để dễ dàng đi lại và vận chuyển chăng? “Nhất cận thị, nhị cận giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông).

Khi đặt một địa danh, ông bà chúng ta cân nhắc rất kỹ: Tên phải hay và vừa ý nghĩa; gọi lên còn nghe êm ái như tên một người thân yêu, ruột thịt.  Có như thế, khi đi xa người ta mới canh cánh bên mình một quê hương.

Hà Nha không phải là nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Hà Nha nằm trên con đường về nơi tôi sinh ra. Nhưng nơi này gây cho tôi ấn tượng.

Có hai  cái ai cũng để ý khi đi qua nơi này: Cầu và cây gạo Ha Nha. Không biết bao nhiêu người qua đây dừng lại để ngắm cảnh và chụp hình. Một cây cầu dài vắt qua một con sông rộng. Đứng trên chỗ cao nhất giữa cây cầu, quý vị sẽ thấy dòng sông như dang tay ra hai bên bờ sông rộng, muốn đón lấy những “nà” (cánh đồng) bắp vừa trổ cờ, thân bắp xanh hết chỗ. Nếu là ngày đẹp trời, trên cao sẽ có những dải mây trắng không muốn bay đi. Làn gió trên sông thổi mát. Cái không khí lành lạnh khác rất xa cái lành lạnh phát ra từ một máy điều hòa. “Gió mùa hè trên cầu phơ phất tóc ai bay”.

Nhưng cây cầu đẹp sẽ giảm đi ý nghĩa nếu chúng ta dừng lại chụp hình mà không nhìn, chếch về phía Tây Nam, một cây gạo xa xa, nhưng cảm giác rất gần vì nó khá to. Nếu đo luôn những dè đóng quanh gốc, bề vòng có thể là  sáu bảy mét.

Giống như đào hay mai, gạo chỉ ra bông mỗi năm một lần. Chẳng cần rứt lá hay bón phân, gạo nở hoa rực rỡ, mạnh mẽ, không cần chớm nụ. Hoa phủ cả thân cây như một chùm pháo hoa bắn lúc cao trào: Đỏ rực. Người ta nói hoa gạo đỏ một góc trời là nói đúng đó. Khi gạo ra hoa, lá dường như biến mất. Cành nhánh tới đâu hoa bung tới đó. Khác với hầu hết các loại hoa, hoa gạo khi rụng vẫn còn tươi nhanh như chưa rụng. Không có vẻ gì là héo hắt khiến hoa phải lìa cành. Hoa rụng khẳng khái, dứt khoát, không hối tiếc. Hoa gạo lìa cành khi màu đỏ vẫn tươi để chứng tỏ cho con người thấy, hoa luôn giữ mình son sắt.

Cây gạo cao như một ông già sống lâu trăm tuổi. Thân mình xù xì đầy gai góc. Những chiếc rễ to như thân người có chỗ trồi lên mặt đất. Cây gạo cổ thụ chẳng vì tuổi tác mà không đem lại hoa thắm đỏ cho cuộc đời.

Hầu hết các loại hoa quý như mai hay đào đều ra hoa vào đầu xuân. Gạo thì không 'bộp chộp' như thế. Hết tháng Giêng “ăn chơi”, gạo mới chịu ra hoa. Người ta ngắm hoa đào chứ ít ai xem hoa gạo. Chỉ những người có làng quê thì mới có dịp nhìn gạo ra hoa. Hoa gạo do đó rất khiêm nhường. Gạo chỉ còn và chỉ ra hoa ở những làng quê xa lắc xa lơ.

Rất nhiều bài thơ ca ngợi hoa gạo mà ít khi để ý tới thân cây. Các thi nhân còn đặt hẳn cho gạo một cái tên sang trọng: Mộc Miên. Có một thi sĩ người Quảng Nam viết về mộc miên:

"Rất điệu đàng

Như làn môi con gái

vô tình bay

Giữa cây cỏ xanh non

Nhớ ơi cố lý-

bây giờ xa ngái

Nhớ Tháng Ba

họa gạo rụng ven đường

(…)

(Nhớ là cái gì-

mà sao lại nhớ

Nhớ ai-

nhớ quay nhớ quắt

suốt một đời

Hoa gạo đỏ-

nụ hôn thầm bữa đó

Người đi rồi

sao nhớ chẳng đi theo!)

Con sông quê

đã buồn bã đổi dòng

Cây gạo cũ chơ vơ

bên phố mới

Ở phương xa

chắc gì em còn nhớ

Tháng Ba về

hoa gạo đỏ rưng rưng… (**)

Tôi không nói sai. Hoa gạo đi vào thơ ca không chỉ “điệu đàng” “như làn môi con gái” hay “Hoa gạo đỏ- nụ hôn thầm bữa đó”.

Hoa gạo đi vào văn học vì nó còn là biểu tượng của một quê hương.

Có thể nhiều người chưa biết cây gạo. Họ biết nó qua thi ca. Nhưng chúng tôi, những người con vùng thôn quê, cây gạo là dấu ấn, in vào tâm thức rất sâu khi chúng tôi còn nhỏ. Ít ai đặt tên cho một loài cây tầm thường. Nhưng gạo lại có tên ghép với tên làng. Quê tôi, có những tên như: cây gạo Hà Tân, cây gạo Trúc Hà, và đây là cây gạo Hà Nha. Còn rất nhiều cây gạo khác chỉ còn trong ký ức cây gạo ông Tuân, cây gạo Nà Sằm, cây gạo Non Tiên, cây gạo Đoài Sơn…

Gạo gần như không phải là loại gỗ gia dụng. Gạo có tán lá rất to nên chiếm rất nhiều diện tích. Nhưng tại sao người ta vẫn trồng gạo?

Những cây gạo của làng. Đời này sang đời khác, có những cây gạo có tuổi đời bằng năm ba thế hệ; có khi hơn. Gạo cho trái có bông, gọi là bông gạo như bông gòn. Bông gạo lấy từ trái có màu trắng nõn như tuyết. Bông gạo thường dùng độn vào gối nằm rất êm; hoặc làm tim đèn dầu, tim hộp quẹt.

Có lẽ vì tuổi thọ cao – không biết là mấy trăm năm- ông bà chúng tôi trồng nó để có một cái biểu tượng của làng quê mình sinh sống. Cây gạo càng to lòng tin vào sự linh thiêng càng mạnh. Khi được cho là linh thiêng, cây gạo lại có thể sống rất lâu đời.

Khi đi đâu xa về, ngày xưa toàn là đi bộ, ông bà chúng tôi sẽ thấy gần đến nhà, nếu xa xa, cây gạo đầu làng hiện ra. Tôi không hiểu tại sao gạo lại thường trồng ở đầu làng. Mỗi làng đều có cây gạo cổ thụ. Có khi nhiều cây là đằng khác. Nhưng chắc chắn có một cây to nhất và “linh thiêng” nhất. Bên gốc sẽ có một hai bát nhang. Chân nhang luôn thấy mới.

Cây gạo là nơi làm tổ của các loài chim, nhất là chim cưỡng – loài chim bay rất xa và làm tổ rất cao. Loài chim thật thà (“Uổng công cà cưỡng tha mồi. Nuôi con tu hú lớn rồi bay đi”). Trên những cây gạo vươn lên trời cao sẽ có tiếng chim cưỡng kêu vang mỗi ngày. Buổi sáng và mùa hè tiếng chim kêu rất nhiều. Và luôn luôn rộn rã.

Từ dưới đất nhìn lên cao, gạo có rất nhiều tổ chim. “Thánh địa” an toàn. Không ai trèo lên gạo vì thân cành chúng đều có gai nhọn phủ đầy. Đất lành chim đậu. Ở đây là cây lành chim đậu.

Có một thế giới của những sinh vật xem bầu trời là nhà, không gian là chỗ bay, cành cây gạo là nơi trú nắng trú mưa, nơi sinh con đẻ cái. Vì vậy, tổ tiên chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào lập nghiệp đã nghĩ đến việc trồng cây gạo? Cây gạo đi vào đời sống tinh thần của người nông thôn. Nghe tiếng chim kêu trên cành; nhìn cánh chim bay vào ra; xem hoa gạo nở đỏ giữa mùa xuân; từ xa trông thấy cây gạo là thấy “về nhà”; cây gạo không là đời sống tinh thần của người thôn quê nghèo thời xưa? Vì lý do đó mà làng nào cũng trồng cây gạo?

Khi con người bị cái ăn đè nặng, họ trở nên cộc cằn và thô bạo. Cái ăn ám ảnh. Những năm chấm dứt chiến tranh, cái ăn còn ám ảnh hơn. Người ta chẳng ai quan tâm tới những cây gạo già "vô tích sự". Những cây gạo có tàn lá to lại choáng đất. Đất cần cho sản xuất. Người ta cắt bỏ những cây gạo, có những cây tuổi thọ hằng mấy trăm năm để lấy gỗ làm ván đóng hòm cho người chết. Thời ấy, cây gỗ đâu ai vào rừng khai thác. Trên các cánh đồng, người nông dân mãi vật lộn với cái ăn.

Trong chiến tranh, số phận cây gạo cũng không khác con người. Bom đạn làm chết người. Cây gạo cũng thành nạn nhân. Có tán lá to tạo bóng mát, đồng thời gạo cũng là chỗ trú ẩn của du kích. Hoặc dùng dây leo lên cao quan sát sự dịch chuyển của đối phương, gạo trở thành mục tiêu của bom, cả mìn đặt dưới gốc, nếu bom không đánh gãy được cây gạo mấy người ôm. Sau chiến tranh, người ta phát hiện có xác người chôn bên gốc gạo; gạo bị giết chết thì người còn sống sao?

Cây gạo sống cùng người dân quê, như tôi biết, đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người, nay còn lại được bao nhiêu, ở một vùng quê có thể nói chiến tranh ác liệt nhất của tỉnh Quảng Nam.

Do đó, mỗi lần về quê, thấy một hay hai cây gạo còn sót, lòng tôi bồi hồi khôn tả. Cây gạo đầu làng tôi không còn. Nhưng cây gạo ở làng khác làm tôi cảm thấy bớt trơ vơ. Đầu tháng ba (như tả trong bài thơ) là thời gian hoa gạo nở hoa, sáng cả một góc trời. Khung trời kỷ niệm.

Cây gạo Hà Nha ở xa làng tôi cả chục cây số đường chim bay. Nhưng nhìn thấy nó, nhất là mùa nó ra hoa, tôi như nhìn thấy làng tôi từ thuở chưa có chiến tranh. Cây gạo nhắc tôi nhớ đến thời gian yên bình. Con chim trên cành không sợ ná. Chim không trở thành món nhậu. Cây gạo là giá trị tinh thần của dân làng tôi không biết là mấy trăm năm về trước. Cây gạo xưa hiện về nhờ tôi thấy cây gạo Hà Nha.

Khi gạo ra hoa đỏ rực, người ta nhớ đến thi ca. Người ta đến đó để chụp ảnh với áo quần thật đẹp. Còn tôi, tôi nhớ về quá khứ. Thấy nó tôi như thấy quê hương.

Ước chi cây gạo cổ thụ đẹp nhất ở vùng quê chúng tôi vẫn trường tồn cùng năm tháng. Người ta có cuộc sống khá hơn xưa. Tại sao cây gạo cổ thụ này không được mọi người quý mến. Ở châu Âu, tôi thấy cây sồi. Cây sồi có nhiều huyền thoại. Đối với tôi, cây gạo còn huyền thoại hơn cây sồi. Nước tôi có cây gạo. Nước tôi không có cây sồi. Cây gạo Hà Nha - ước chi là mãi mãi.

(*) Thật ra cây gạo này nằm trên địa phận Ngọc Kinh nhưng tôi gọi nó bằng cái tên Hà Nha. Đứng trên cầu Ha Nha, cây gạo nhìn mới đẹp rực rỡ.

(**) Nhớ Tháng Ba Hoa Gạo thơ của Nguyễn Văn Gia đăng trên một tờ báo ở Hoa Kỳ.

Vài hình ảnh về cây gạo cổ thụ của Nguyễn Ngọc Vinh.