(Bài dài lê thê. Ai không uống rượu xin đừng đọc).
Không biết rượu xuất hiện lúc nào trên thế gian này. Nhưng theo tôi, người châu Á – nhất là Trung Hoa và Việt Nam có lẽ là Nhật Bản nữa- gắn bó với một loại nước có men này rất sớm. Rượu đi vào văn hóa rồi văn học. Ở VN thì khỏi nói.
Cao Bá Quát là thi sĩ nổi tiếng bất đắc chí và kiêu ngạo. Giai thoại trước khi bị chém đầu, ông làm hai câu thơ: Xích sắt cùm lim chân có đế/ Ba hồi trống giục bước thì vương”. Để ý hai chữ cuối của hai câu thơ. Đế vương.
Trước đó, ông coi rượu như thế nào? “Gõ nhịp lấy, đọc câu “Tương tiến tửu”: “Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.” Làm chi cho mệt một đời”.
Lý tưởng sống hưởng thụ (trong có có rượu) gợi ý từ Lý Bạch, say đến nỗi, đi trên thuyền, thấy trăng lồng dưới nước, ông ngã người xuống để vớt, thuyền lật, ông chết cùng bóng trăng. Thật nên thơ. Quá nên thơ đi chứ, nhờ quá say.
Bài thơ nổi tiếng mà Cao Bá Quát yêu thích có đoạn nói về rượu: …”Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!/Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh/ Trần vương tích thời yến Bình Lạc/Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước/ Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền/Kính tu cô thủ đối quân chước/ Ngũ hoa mã,/Thiên kim cừu,/Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.
Tôi chọn bản dịch của một người đồng hương có thơ in trong sách giáo khoa, Nguyễn Lãm Thắng: “Ta muốn say tuý luý, tỉnh mà chi? / Các bậc thánh hiền xưa đều vắng ngắt/ Duy chỉ còn kẻ uống rượu mới lưu danh/ Thời trước Trần Vương yến cung Bình Lạc/ Một đấu rượu vạn đồng, mặc sức uống thâu canh/ Này chủ nhân ơi! Tiền làm sao thiếu được? / Mua rượu mau! Để nâng chén cùng nhau/Ngựa ngũ sắc, áo lông cừu quý giá/Đổi rượu đi con! ta phá vạn cổ sầu!”
Phá “Vạn cổ sầu” chẳng qua là lấp liếm cho chuyện mê uống rượu.
Rượu không còn là thú vui tao nhã. Thi hào Nguyễn Khắc Hiếu cũng “vinh danh” nó: “Say chẳng biết phen nầy là mấy!/Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say./Quái say sao say mãi thế nầy?/Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh./Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,/Ngã dục tiêu sầu thả tự do./Việc trần ai ai tỉnh ai lo,/Say tuý lý bất lo mà bất kể./Giời đất nhỉ, cái say là sướng thế!/ Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay./Muốn say, lại cứ mà say!”
Tỉnh táo như Nguyễn Khuyến cũng “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không viền cũng đỏ hoe”. Uống rượu dữ quá mắt phải đỏ. Về sau cụ mờ cả hai mắt. Chu Mạnh Trinh chơi khăm, tặng cụ loại hoa có sắc mà không hương. Cụ bực: “Đếch có hơi thơm, một tiếng khà”.
Những “sĩ phu” xưa của Ta và Tàu có lẽ không khác nhau. Ban đầu, uống rượu là một sinh hoạt văn hóa. Nhưng thi sĩ nào cũng thích…say. Nên quá chén. Say có khi làm thơ mới hay? Ấy là tôi chưa kể Thơ say của thi bá Vũ Hoàng Chương. Nguyên một cuốn chớ không phải một bài.
Nhiều người cho rằng Trung Hoa và Việt Nam thời trước bị xâm lược vì vua quan hèn yếu. Tôi nói, chỉ là một yếu tố. Tại vua quan uống rượu nhiều quá. Rượu đưa lên lễ: Vô tửu bất thành lễ. Uống rượu mới trượng phu: Nam vô tửu như kỳ vô phong.
Nếu họ chừng mực trong việc uống rượu thì chắc chi phương Tây nô dịch nổi họ. Họ say sưa với Nho giáo. Họ say sưa với thơ phú. Họ say sưa ca tụng thánh hiền. Họ say sưa thơ Đường. Sẵn trớn, họ ca ngợi luôn vua Nghiêu, vua Thuấn tận bên Tàu, thời xa lắc xa lơ. Bởi họ Trung Hoa như say rượu.
Chừng mực là cái không có đối với hàng ngũ thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam? Rượu chẳng qua là chất gây men tạo hưng phấn. Nó tạo men cho cuộc sống. Nó không phải là lẽ sống. Vậy mà, cả triều đình, cả quan lại, cả giới sĩ phu (elite) đều lấy rượu làm vui và hãnh diện. Ai được ban ngự tửu là vinh dự cả một đời làm quan.
Rượu không những đi vào văn học. Rượu còn đi vào sự sống còn của họ: Đi đánh giặc cũng mang theo rượu. Sức đâu chiến đấu. Giặc mới nổ súng là kéo gươm chạy rào rào. “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi./ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
(“Rượu bồ đào, chén dạ quang/Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi/Sa trường say ngủ, ai cười?/Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!” (Trần Trong San)
Khi tiếng súng nổ vang vào xứ sở, người Nhật thức tỉnh nhưng người Trung Hoa và người Việt Nam vẫn còn say sưa. Họ đang say cái thế giới của họ. Biết đâu trong đó là do say rượu?
Tôi muốn nói sự chừng mực. Say với chính mình không khác chi say rượu. Tự hào, vinh quang, luôn ngó lên trời, không phải là chất men như men rượu là gì?
Người Tây uống rượu không ít hơn người châu Á. Tôi có học một ít văn chương các nước tiêu biểu văn minh thế giới như Pháp, Mỹ, Anh. Các thầy của tôi - những cuốn sách tôi đọc - không thấy có chỗ nào người phương Tây ca ngợi rượu; dù đó là thức uống có thể nói là hằng ngày của họ. Không những không ca ngợi rượu trong thơ văn; họ cũng chẳng xiển dương rượu như các thành phần trí thức VN và Trung Hoa.
Tôi nghĩ, họ uống rượu chừng mực. Không thể “say túy lúy đêm ngày như bất tỉnh”. Không chừng mực thì không nghiên cứu: whiskey liều lượng bao nhiêu cho đàn ông, đàn bà. Kể cả liều lượng rượu vang và bia. Phải biết liều lượng bao nhiêu là phù hợp (tôi không nói tốt) cho cơ thể.
Ông cố uống, ông nội uống, ông cha uống, ông con uống, cả làng uống, mạnh ai nấy uống và không bao giờ khuyên và buộc bản thân, con cháu uống bao nhiêu là đủ.
“Thê ngôn túy tửu chân vô ích/ Ngã dục tiêu sầu thả tự do” (Tản Đà). Vợ có khuyên uống rượu chẳng lợi gì, chồng cũng chẳng thèm nghe. Ổng muốn tự do. Ngày nay, nếu uống vô độ sẽ tự do vô nhà thương chữa xơ gan; tự do vô nhị tỳ vì gan “đẻ” ung thư.
Tây uống rượu gì? Nói thật, người Trung Hoa chưa chắc nhiều loại rượu ngon như người Pháp, người Mỹ, người Anh. Rượu của họ chưng cất truyền thống, tinh vi, khoa học. Rượu cất xong có thứ để trong hầm vài năm, chục năm, vài chục năm. Rượu càng để lâu dưới đất càng ngon và do đó càng đắt tiền.
Nhưng so việc uống rượu, Tây có khác Ta không? Rất khác. Họ muốn uống loại rượu mình chọn. Họ uống rượu nhưng không nhậu rượu. Không như ta, gặp một chai rượu Tây, kiếm ra một chai “cuốc lủi” ngon (thấy trong cuốn hồi ký NĐM), nhạc sĩ V.C, nhà văn Ng. T, hay T.H. xúm ngay lại mà uống, mừng rỡ, hít hà. Họ không có nhiều lựa chọn các loại danh tửu. Được uống rượu ngon là mừng dù chỉ là một thứ cuốc lủi “vô danh tiểu tốt”. Rất cám cảnh. Say túy lúy là đủ rồi. Rượu thấm trong dòng máu người Việt, không chỉ giới bình dân.
Ngày nay, người Việt uống rượu ít hơn bia, nhưng không đồng nghĩa ít uống. Bia có độ cồn nhẹ hơn. Và có lẽ ngon hơn vì được ủ men nhiều cách và nhiều loại bia. Nhưng mấy ai định cho mình uống mấy lon là vừa, là ngon, nghĩa là còn cảm nhận hương vị bia?
Tôi chắc chắn ít người uống vừa phải. Uống cho đã. Đó là khuynh hướng của người quen bia rượu.
Một số người bị lôi cuốn bởi cái “thói” tự hào. “Nó uống được ta uống được”. Người không uống nhiều trong bàn nhậu bị chê là “không manly- nam tính”. Đó là suy nghĩ trong đầu những người uống rượu bia vô độ. Lấy tửu lượng cao làm thành tích là “tàn dư” của thói quen “tự hào”. Ai uống không say hay lâu say thường được người trong bàn nhậu nể phục. Ép nhau uống rượu (bia) chính là cách “phát huy” thói tự hào hảo ấy.
Khi quá say, nghĩa là khi không kiểm soát được mình, người uống rượu dễ dàng đi khỏi khuôn phép. Khuôn phép đầu tiên là số lượng bia rượu uống vào. Mấy ai kiềm chế khi cơn say lên cao và lòng tự hào “tửu lượng cao” phừng phừng như men rượu.
Tây họ cũng uống rượu như ta. Lúc nhỏ, đâu năm 1966, tôi chứng kiến một lính Mỹ to cao, cởi trần, cầm trên tay chai Whiskey, vào quán chiếm một cái ghế và uống tì tì; quá khuya không chịu về. Chủ quán báo MP (quân cảnh) đến. Họ chờ cho người lính uống hết và ra lịnh anh ta đứng quay mặt vô tường. Anh ta lảo đảo làm theo. Tay lính này say nhưng còn ý thức.
Tôi có hỏi số bạn sống ở Mỹ về rượu. Người Mỹ rạch ròi trong việc bán rượu và uống rượu. Có nhiều quy định khác nhau ở mỗi bang. Nhưng đều là quy định nghiêm ngặt. Người bao nhiêu tuổi thì có quyền mua rượu. Chỗ nào thì được phép bán rượu. Và có chỗ quy định giờ nào trong ngày ở một chỗ nào đó rượu mới được phép uống.
Ở ta thế nào? Trẻ muốn uống rượu chẳng ai ngăn. Số người uống bia rượu ngày càng trẻ hóa. Chỗ nào có quán thì chỗ đó có rượu. Rượu nấu không nguồn gốc cũng lưu hành thoải mái còn tự do hơn thời đô hộ, bọn Pháp bắt rất dữ rượu lậu.
Ngộ độc rượu sau khi uống, kẻ bán rượu chẳng thấy ai đi tù. Rượu uống lúc nào cũng được. Ở đâu cũng được. Thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, chạp mả, liên hoan, đại hội, đám hỏi, đám cưới, thậm chí đám ma, lúc nào cũng có rượu bia.
Ở một đất nước mà rượu bia tự do như thế, đất nước ấy nên vui hay nên buồn?
Đo nồng độ cồn chẳng qua là cách để phạt người uống rượu lái xe chứ không phải là cách hạn chế rượu bia trong dân chúng. Uống rồi chạy xe, người ta có thể uống chừng mực. Nhưng uống xong có grabber chở về hay có người nhà hay tài xế riêng chở về thì tội chi không uống “tới bến”.
Tôi đi một vài nước và có nhận xét, nơi nào rượu bia đắt nơi đó ít có người uống. Singapore là một ví dụ. Ở Phần Lan- nơi tôi ở lâu nhất- một thùng bia đắt gấp đôi ở nước sát cạnh chừng 2 giờ tàu thủy, Estonia. Và tôi thấy nước thuộc Liên Xô cũ này dân uống bia rất dữ. Các con đường trên phố cổ Talinn đâu đâu cũng thấy chỗ người ngồi uống bia.
Nhưng rượu bia đắt không hẳn ngăn cản thành công việc uống rượu vô độ và say xỉn tràn lan. Sự tiết chế, điều độ, uống bao nhiêu thì vừa, chính là chìa khóa nhờ giáo dục từ sớm trong gia đình và xã hội.
Nhưng uống bao nhiêu thì ngưng không phải ai cũng làm được. Tôi thấy người Bắc (một số tôi quen) uống rượu nặng nhưng họ dừng đúng lúc. Mỗi người một ly. Ai uống lưng, chủ nhà châm đầy ly. Ly đầy không uống, không ai ép khách phải bưng lên uống “cho trọn tình”. Còn người Nam chúng tôi (tôi Trung nhưng ‘ké’ Nam) thì “không say không về”, uống tới bến. Hết long với bạn và do đó sẽ hết lòng với rượu bia.
Tôi có quen một cán bộ “thường thường bậc trung”. Bạn có một người anh con bác ruột ở Hà Nội (hai mươi năm mới gặp nhau) làm vụ phó một vụ nào đó. Quen cốt cách uống rượu miền Nam, bạn tôi liên tục mời anh mình nâng ly “zô 100/100”. Người anh uống hết ly thứ ba và nói: “Đàn ông uống quá ba ly là thứ bỏ đi. Không kiềm chế được rượu thì không kiềm chế được mọi thứ khác”. Bạn tôi thất vọng, ủ rũ bỏ ly xuống. Anh kể lại với tôi, “hèn chi nhỏ tuổi hơn mình mà làm rất lớn”.
Tôi không nói ít uống rượu thì mới có cơ thăng tiến trong xã hội. Tôi muốn nói uống rượu và đừng bao giờ để rượu uống mình.
Đi một vài nước châu Âu như cỡi ngựa xem hoa nhưng tôi nhận thấy nước họ, thực ra là thủ đô của họ, rất ít thấy quán bia rượu và cũng rất ít quầy rượu. Thậm chí, ở thành phố chỗ các con tôi ở, muốn mua rượu thì phải lên Helsinki chừng 30 km mới mua được một chai vang. Các siêu thị bán đủ mọi thứ nhưng không bán rượu. Chỉ có bán bia, đủ các loại bia không quá 6 độ cồn.
Tây phát triển hơn Ta không hẳn vì họ thông minh hơn. Biết đâu họ uống rượu chừng mực hơn? Tức biết kiềm chế lấy mình. Làm chủ bản thân là việc khó nhất. Nhưng còn dễ hơn làm chủ trên ly rượu?