Friday, March 8, 2024

ĐỌC SÁCH, thời VNCH thế nào?

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một hai trẻ tầm lớp 2, lớp 3, cầm trên tay truyện tranh chăm chú đọc trong quán khi chúng ăn xong trước ba mẹ. Hình ảnh những cháu bé đi với người lớn, thường thường là một cái điện thoại trượt trên tay với các ngón nhỏ nhanh nhẹn bấm bấm, có lẽ các cháu đang chơi games.

Tôi thán phục những phụ huynh nào tập cho con mình đọc sách từ nhỏ thay vì lên mạng.

Các gia đình trẻ bây giờ thường có một hay hai con, không có nhiều con như thế hệ chúng tôi, trước chúng tôi.

Việc giáo dục con không đơn giản như xưa nữa: đến giờ học, cha mẹ chỉ nhắc nhở qua nếu thấy con có thể trễ giờ.

Lúc nhỏ, tôi là một học sinh rất ngu ở tuổi tiểu học. Không ở lại lớp (lưu ban) từ lớp năm cho đến lớp nhất (lớp 1-lớp 5) là thành tích đáng phát bảng “danh dự” (giấy khen) rồi. Ở quê những năm cuối 1950, một cậu bé như tôi chỉ có đi bơi sông, bắn chim bằng ná thun, hoặc chơi “u mọi” (trò chơi trẻ con chia 2 phe, ranh giới vẽ bằng chân xuống một sân đất, thường là sân trường hay nền ruộng mùa hè;  mỗi bên cử người “u” bằng miệng, chạy qua “lãnh thổ” bên kia, nếu bị giữ lại mà hết “u” (hết âm thanh phát ra u u như tiếng sáo) thì ở luôn bên đó. Trò chơi kết thúc khi “đối phương” không còn người, nghĩa là thua. Một lối chơi Rugby nhà quê).

Khi xuống Hội An học, tôi bắt đầu chú tâm hơn, vì bị bạn hữu ở thành phố này chê tôi là “thằng dốt”, “thằng nhà quê”.

Hóa ra tôi đâu phải dốt sẵn, dốt truyền thống, dốt ba đời (theo lý lịch).

Không phải là xuất sắc nhưng tôi luôn luôn nằm trong tốp 5 từ đệ thất lên đến đệ nhất (lớp 6 đến 12) nhờ chăm chỉ “cần cù bù thông minh”.

Một trong lợi thế khi được đi học ở phố là có chỗ mượn sách, thuê sách. Trường có thư viện, loại sách bổ trợ cho học tập, ít có sách “ngoài luồng”.

Đọc sách bắt đầu từ bắt chước các bạn đọc sách. Nó đọc mình đọc, sợ chi. Tôi may mắn có người bạn ( mới mất tết năm trước) thằng Phạm Gia Tuấn. Một tay “mọt sách”. Nhà hắn ở gần tiệm chụp ảnh Huỳnh Sau. Bố trước là trưởng ty công an thời ông Ngô Đình Diệm, “thất sủng” sau 1963, có một tủ sách khá phong phú đối với tôi thời đó. Tất cả các sách thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn có gần như đủ ở tủ sách này. Ông rất nghiêm nhưng sau đó biết tôi đến con ông để mượn sách đọc, ông cởi mở hơn, thi thoảng mỉm cười khi tôi lên tiếng chào ông mỗi khi lên lầu để vào chỗ bạn tôi đang đọc sách hay học bài gì đó.

Học sinh nghèo từ quê ra làm gì có tiền mua sách. Mượn sách đọc là may mắn lắm rồi. Bảo vệ những cuốn sách đa phần giấy vàng ố là nguyên tắc “sống còn” nếu bạn muốn được cho mượn sách lâu dài.

Có một “nguồn” sách nữa đó là tiệm cho thuê sách. Tôi có một người bạn hiện đang ở chỗ cho thuê sách trước kia, trên đường Trần Phú. Nhà anh ta giờ làm nơi du lịch nhà cổ, mỗi lần vào xem mỗi người 50 ngàn đồng (10 năm trước), khách tây khách ta nườm nượp.

Sách thuê ở tiệm này đa phần là tiểu thuyết, chiếm đầu bảng là các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi là “truyện chưởng”. Sách in trên giấy vàng, chữ không rõ mấy nhưng đọc được. Mỗi ngày 1 hay 2 đồng gì đó mỗi cuốn. Chính chỗ cho thuê này, vì sợ tốn tiền, lũ học sinh chúng tôi buộc phải “ngốn” cho nhanh một hai hay ba ngày một cuốn, đặng trả ít tiền mướn; tiền trả cao hơn nếu kéo dài ngày đọc sách. Nhờ “đồng tiền liền khúc ruột”, chúng tôi lại may mắn có thói quen đọc sách tốc độ như các đường cao tốc hiện nay.

Những nhân vật trong truyện kiếm hiệp thường đẹp như Tây Thi nếu là nữ, và hơn diễn viên Hàn Quốc nếu là nam. Thế giới trong truyện chưởng là thế giới của sự tưởng tượng, mênh mông, đi từ tây sang đông, từ nam lên bắc, một đất nước không biết bao nhiêu là thắng cảnh nối thắng cảnh; nay đang ở Tây Tạng mai đã có mặt ở Động Đình Hồ,  hay trên các đỉnh núi của Thiếu Lâm Tự, khi độc giả nam biến mình thành Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, độc giả nữ tưởng mình là Triệu Minh (Triệu Mẫn) hay Nhậm Doanh Doanh đẹp hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng Nghi Lâm tu hành cũng si tình. Bất giới Hòa Thượng cũng yêu đương tá lả.

Đắm mình trong thế giới ấy, lũ học sinh chúng tôi được đắm mình trên những trang giấy, những quyển sách, những bộ sách. Vốn từ ngữ có chút “giang hồ” ngày càng nhiều trong vốn ngữ vựng của chúng tôi. Nhà trường biết chúng tôi, em nào cũng có “luyện chưởng” (đọc sách kiếm hiệp) nhưng không cấm. Ngay các thầy các cô, lúc vui vẻ, cũng kể chuyện Cô gái Đồ Long cho học sinh chúng tôi nghe, nữa là.

Nhưng một trong những định hướng học sinh đọc sách “chính thống” (những cuốn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng những tác phẩm “kinh điển” thời tiền chiến) là cách thức “thuyết trình”.

Lớp từ đệ thất (lớp 6, hay đệ lục tôi không rõ) bắt đầu làm các buổi thuyết trình trước lớp. Các tổ (thường học sinh ngồi 2 hay 3 bàn học gần nhau) phụ trách một tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) hay Đôi bạn (Nhất Linh)... Tổ sẽ phân công các công việc: tìm sách, đọc (ai cũng phải đọc), ghi ra nhận xét về tác phẩm, tác giả, lập một dàn bài thuyết trình, cử một trò chữ đẹp chép bài viết, một “thằng miệng mồm” có giọng tốt để trình bày trước lớp. Khi trình bày xong, các học sinh trong tổ sẽ thay nhau trả lời những câu hỏi của các bạn khác đặt ra, câu nào “bí” thầy chủ nhiệm môn văn sẽ gỡ bí giùm.

Nghe đơn giản như thế nhưng chúng tôi tập quen với việc đọc, ghi chép, nhận xét, và “tranh luận” với các bạn khác trong lớp. Đến lượt các tổ khác sẽ thực hiện tuần tự tùy đề tài sách thầy chủ nhiệm chọn hoặc chính chúng tôi chọn với sự bằng lòng của thầy.

Việc “thuyết trình” trong lớp duy trì cho đến hết bậc trung học (trừ  thi tú tài 2, lớp 12,  môn Triết thay môn Văn).

Tự tìm tòi sách, tự đọc sách đã hình thành một thói quen cho học sinh chúng tôi. Cả một đời học sinh chúng tôi chưa bao giờ biết lấy một “bài văn mẫu” nào cả, và cũng chưa bao giờ nghe nhà trường buộc học sinh phải đọc sách loại này, loại sách kia; khái niệm sách “đồi trụy”, “phản động” không mảy may biết đến. Tự do đọc sách. Tự do tìm tòi đề tài đọc. Tự do đọc cả những truyện có nội dung na ná như “phim chiếu cho người từ 18 tuổi trở lên, cấm trẻ em” thường ghi trước rạp chiếu bóng khi phim có những cảnh nhạy cảm như ôm hôn hay hơi hở hang nơi mông, nơi ngực.

Chúng tôi là những học sinh không bao giờ nghe giảng chính trị trong lớp và cũng không có bất cứ một chương, một khóa nào ở trường học nói về chính trị trong khi đất nước lúc ấy đang có chiến tranh, đang có “cộng sản”, đang có “quốc gia”.

Đọc sách lúc đó là niềm vui của học sinh, sinh viên chúng tôi.

Bây giờ học sinh, sinh viên, có quá nhiều niềm vui: Smartphone, games, phim Hàn, ca nhạc, bóng đá, facebook, có cả bia Tiger và thịt chó nữa.

Học sinh và sinh viên, tầng lớp nắm vận mệnh, tương lai dân tộc, bây giờ có quá nhiều niềm vui như thế, không hiểu họ có bỏ một số thời gian cho việc đọc sách hay không, tôi không được rõ lắm, nhưng rất rõ, họ rất ít có thời gian, vì chương trình học ở trường, học thêm ở các trung tâm, ở nhà, rồi nào đội, nào đoàn, nào đảng…đè nặng lên đôi vai của họ rất nhiều.

Chỉ nhìn một học sinh cấp một thôi: một va li sách vở kéo lè kè như va ly hành lý xách lên máy bay, đủ thấy học sinh bây giờ học hành khổ sở, tất bật thế nào.

Bill Gates là ông trùm Internet, cả thế giới xài vi tính có Windows của ông nhưng ông lại là người xài vi tính ít hơn đọc sách. Điều đó nói lên vi tính chưa hẳn thay được sách (cho đến lúc này) đối với “bộ-óc-vĩ-đại-vi-tính” ấy.

Chúng ta ao ước được thấy nhiều hơn những người cha, người mẹ trẻ, luôn cho con cái năm ba tuổi trở lên của họ làm quen với sách (ảnh, chữ) trước khi làm quen với smartphone và dân tộc này sẽ hồng phúc biết bao nếu những đứa trẻ ấy thích lướt sách như (không mong hơn) lướt web.

Những người trẻ thành đạt, mong ước khi vào thăm căn nhà sang trọng của họ, tôi được may mắn nhìn thấy cái tủ trang trọng, hoành tráng, chứa đầy sách chứ không chứa đầy những chai rượu tây đắt tiền.