Friday, March 8, 2024

PHỈNH CON NÍT ĂN CỨT GÀ

Không rõ thành ngữ này phát sinh từ lúc nào nhưng người ta thường dùng nó để phê phán người lừa gạt ai một cách trắng trợn và thô thiển. Nhưng trên mạng lưu truyền câu chuyện cho là từ sách giáo khoa. Nội dung như sau (xem ảnh):

“Bạn An dũng cảm”.

“Cô giáo rải một đống phân gà trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn nếm thử. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin nếm thử phân gà, nhờ vậy mà An nếm phân gà một cách dễ dàng. Khi nếm qua rồi, An thấy phân gà không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm nếm hết đống phân gà”.

Tôi thấy bức ảnh này sử dụng không biết bao nhiêu lần và qua không biết bao nhiêu người, có thể là hơn một năm nay.  Xin lỗi, có vài chủ trang gọi là “hiểu biết” cũng đăng với lời chú thích cay đắng, mũi dùi chĩa về bộ giáo dục.

Thế giới ảo nhưng quy luật không bao giờ ảo. Làm sao tin vào câu chuyện in như thế trong sách? Hết việc thử thách hay sao mà cô giáo mang đến lớp cứt gà? Cứt đựng trong cái gì? Cứt gà lấy ở đâu? Ở thành phố, cô giáo sẽ đến trại nuôi gà để xin cứt gà? Ở nông thôn, tìm mấy chỗ phân của gà trong vườn rộng đâu phải dễ. Rải cứt gà trước lớp là ở chỗ nào? Lấy tay hay lấy gì để rải? Học sinh đều biết rửa tay sạch trước khi ăn cơm hay rửa tay thường xuyên để ngăn bớt vi trùng. Học sinh bốc cứt gà lên nếm rồi lấy nước ở đâu để rửa? Cứt gà bỏ vào miệng thì không có vi trùng, không có trứng sán, không có chất cặn bã từ thức ăn thối rữa?

Mười người đọc thì có mấy người tin đó là một bài trong sách giáo khoa? Ăn cứt gà là hành động dũng cảm? Cô giáo nào lại ngu muội như thế ? Vậy mà có người thấy bức hình lại tin. Sau khi đọc, tha hồ các lời bình phẩm hầu hết là chửi sách giáo khoa “ngu”, người làm giáo dục ngày nay không còn gì để nói.

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm những việc ngoạn mục hơn rất nhiều những bức ảnh được photoshop như thế. Ích lợi của mạng xã hội là rõ ràng. Nhưng nhận xét những gì mạng xã hội đem lại tùy thuộc vào người sử dụng nó- những người phải luôn luôn tự do suy nghĩ. Tự do suy nghĩ dễ sáng suốt hơn nô lệ suy nghĩ hay suy nghĩ "bầy đàn".

Vì sao một số người lại dễ dàng tin vào một câu chuyện vô lý cực kỳ như thế? Tôi nghĩ một phần do tính cả tin. Trước đây người ta tin ở báo, tin ở đài, nay tin ở mạng. Nhưng cái lý do để tin câu chuyện bỉ ổi trên phát xuất từ tình cảm yêu ghét. Không bằng lòng một số việc trong ngành giáo dục thì khi nảy ra cơ hội nền giáo dục ấy có khiếm khuyết chỗ nào, người ta chăm chăm vào nó để phê phán và chỉ trích thậm chí chửi bới. Việc làm này rất tốt. Có như thế sự vật mới ngày càng hoàn thiện. Nhưng, trong lúc phê phán, người ta cũng nên bình tĩnh và sáng suốt. “Phỉnh con nít ăn cứt gà” không thể là thành ngữ diễn tả một sự việc có thật được đưa vào sách giáo khoa.

Fair play, chơi đẹp, trong bóng đá nên được tôn trọng trên thế giới ảo đang ngày càng chi phối đời sống con người ở thời đại giả như chân và chân như giả, hoặc lộng giả thành chân.