Sunday, March 10, 2024

CỤ RÙA VIỆT NAM NHÌN RA THẾ GIỚI.

(Vietnam Embalms a Sacred Turtle, Lenin-Style. Việt Nam ướp xác một con rùa thiêng, như  kiểu Lê Nin)

- Vladimir, Mao Trạch  Đông, và bây giờ: một con rùa khổng lồ.

VN đã ướp xác một con rùa mà nhiều người xem là biểu tượng của sự trường tồn và độc lập nước nhà cho đến khi nó chết năm 2016, theo tường thuật của truyền thông nhà nước.

Đó là động thái nâng một con vật, gọi là Cụ Rùa, hoặc Rùa  Tổ, vào chung với những nhân vật trọng vọng nổi tiếng được ướp xác và được các chế độ cộng sản trưng bày.

Danh sách gồm Lê Nin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật của Bắc Triều Tiên, và Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc của VN.

Một con rùa khổng lồ cực hiếm được tẩm nhựa và đặt trong một ngôi đền ở hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội, nơi một thời nó sinh sống, báo VNExpress tường trình hôm thứ ba. Tẩm nhựa (Plastination) một phương pháp bảo quản cơ thể bằng cách bơm vào những hạt nhựa được một nhà giải phẫu người Đức áp dụng vào thập niên 1970.

Tẩm nhựa nhìn như còn sống, Cụ Rùa mang một ý nghĩa văn hóa và tâm linh vô hạn ở Việt nam.

Một truyền thuyết VN nói rằng vào thế kỷ 15, một anh hùng dân tộc (Lê Lợi - người dịch chú thích) mượn kiếm thần, sử dụng nó đánh đuổi quân Tàu đang chiếm đóng, và trả lại cho một con rùa nổi lên ở hồ Gươm, sau đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm  (anh chàng tây này kể sơ sài quá, không hấp dẫn bằng truyền thuyết của chúng ta - NLC).

Đền thờ rùa xây giữa hồ thập niên 1880, và Rùa Tổ qua đời ở đó năm 2016, được tin tưởng rộng khắp là hiện thân nhập thế từ truyền thuyết cổ xưa.

Truyền thuyết trả gươm (hoàn kiếm) có lợi cho nhà cầm quyền VN như là biểu tượng chủ nghĩa dân tộc chống Tàu, một nước láng giềng phương bắc và từng đô hộ VN.

Cái chết của Cụ Rùa, xảy ra trong một cuộc tranh luận nóng bỏng toàn nước về sự phụ thuộc kinh tế và có vẻ cả chính trị vào Trung Quốc, đã dấy lên nỗi buồn khôn xiết.

Một số người Việt thấy cái chết Cụ Rùa như là một điềm gở cho đất nước và cho đảng Cộng sản cầm quyền trong mấy thập niên.

Người ta tin Cụ Rùa chết vì các nguyên do tự nhiên. Nhưng hồ Hoàn Kiếm quá ô nhiễm, và người ta thỉnh thoảng có thấy cụ rùa trồi lên mặt nước tìm kiếm oxy để thở nhiều năm trước khi cụ chết.

Cái chết cũng là một mất mát cho lịch sử sinh học bởi vì Cụ Rùa, cân nặng tầm 164 kg là con cuối cùng thuộc những loại rùa mai mềm khổng lồ từ sông Dương Tử.

Chủng loài rùa, được biết như Rùa mai mềm (Rafetus swinhoei, miền Nam gọi ba ba, cu đinh, Quảng Nam tôi gọi con trạnh-ND), một thời rất nhiều ở Đồng bằng sông Hồng nhưng bị săn bắt sạch trong thập niên 1970 và 1980.

Cái chết Cụ Rùa chỉ để lại 3 cá thể được biết đến – một cặp ở sở thú Tô Châu, Trung Quốc, và một con ở hồ Đồng Mô, ngoại thành Hà Nội, giống đực hay cái hiện chưa rõ mấy.

Cặp rùa Tô Châu chưa sinh sản con nào, Tim McCormack, giám đốc chương trình nghiên cứu rùa châu Á, một tổ chức bảo tồn đặt trụ sở tại Hà Nội, báo cáo vào tháng tư năm ngoái.

Nhưng ông cũng nói thêm một cá thể rùa thứ tư cùng chủng loại đã được phát hiện ở hồ Xuân Khánh, ngoại thành Hà Nội, dấy lên hy vọng giống rùa mai mềm có thể đem về nuôi dưỡng tập trung.

Một vài tháng sau đó, McCormack viết báo cáo chương trình của mình đã cơ bản tìm thấy một con rùa thứ hai cùng chủng loại với rùa Đồng Mô, nhưng cần điều tra thêm để xác quyết phát hiện này.

Ông cho biết hôm thứ tư rằng một tổ hợp tác “phục hồi chủng rùa”, gồm các quan chức VN và các nhóm hỗ trợ đời sống hoang dã quốc tế, đang làm việc với kế hoạch bắt giữ những cá thể rùa đã biết, tìm hiểu xác định giới tính và có thể là nuôi dưỡng chúng.

“Tìm ra con thứ hai khiến mọi người phấn khởi vào giống rùa một lần nữa, và chúng tôi tin nó có thể được cứu sống nếu chúng ta có thể gom chúng về một chỗ”, McCormack viết trong một e-mail.

Sau khi Cụ Rùa chết, xác cụ được bảo quản lạnh nhiều tuần tại Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia, ở 15 độ dưới không, trong khi đợi giới thẩm quyền tranh luận cách tốt nhất để bảo tồn cụ.

“Ướp xác một cụ rùa không phải đơn giản, xem xét cẩn trọng là điều khó tránh”, Nguyễn Trung Minh, giám đốc bảo tàng  phát biểu năm 2016.

Chính phủ cuối cùng bác bỏ kỹ thuật ướp xác truyền thống và quyết định chọn “ướp nhựa” với sự giúp đỡ của các chuyên gia người Đức.

Cụ Rùa “tẩm nhựa” này chiếm chỗ trong đền Ngọc Sơn với xác tẩm người “bà con” đã chết năm 1967.

Nay cụ được trưng bày trong phòng nhiệt độ thông thường, nhưng để tránh bụi, nấm mốc, ánh sáng, giới thẩm quyền đã đặt cụ trong 1 hộp kính.

Đền Ngọc Sơn tọa lạc ở hồ Hoàn Kiếm được nối liền vào bờ bằng một cây cầu đi bộ. Hồ ở cách lăng đá cẩm thạch Hồ Chí Minh một đoạn đi xe khá ngắn, nơi Kim Jong-un, lãnh tụ Bắc Triều Tiên, đã viếng thăm tháng vừa qua sau cuộc họp thượng đỉnh bất thành với tổng thống Trump.

Bài của Mike Ives đăng trên The New York Times  ngày 20 tháng 3 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.