Một bản nhạc sẽ không hay nếu thiếu khoảng lặng. Cuộc sống chúng ta sẽ không hoàn toàn hạnh phúc nếu thiếu thời gian tĩnh lặng. Cuộc sống bộn bề lo toan ngày nay bị đe dọa hàng ngày với biết bao sự ầm ĩ, âm thanh đinh tai nhức óc tràn ngập phố phường cả thôn quê.
Loa " kẹo kéo" phát ra tiếng chào mời mua rau củ, áo quần, giầy dép ra rả các con phố ầm ầm tiếng xe qua lại. Những cửa hiệu lắp những chiếc loa công suất cao chơi những bản nhạc giật gân của nước ngoài, lôi kéo sự chú ý khách đi đường thương hiệu cửa hàng.
Mỗi sáng sớm, mỗi chiều tối, " đây là tiếng nói nhân dân..." oang oang phát ra từ những chiếc "loa phường" có tuổi thọ dường như niên viễn.
Trên xe buýt, trong nhà hát, ở các quán nhậu, sự ầm ĩ của của tiếng nói thả cửa như nơi đó là nhà của riêng mình, muốn la to, nói lớn, thế nào tùy thích.
Có những nơi giải trí khung cảnh hữu tình, những lều nhỏ nằm dọc trên lối đi lát sỏi, 2 bên cây cỏ, xa bên ngoài là hồ nước tự nhiên, điểm tô những bông súng nhiều màu trên nền xanh rêu mặt hồ, những lồng chim treo trên một số cây che mát, cất lên những tiếng hót như hòa với niềm vui của những người đang ngồi trong những lều lợp lá, rôm rả bên mấy cốc bia, hồ hởi chuyện xưa sau.
Khung cảnh lẽ đáng êm đềm như thế sẽ kéo dài nếu không xuất hiện những đám thanh niên, thanh nữ, mặt mũi sáng láng, quần áo bảnh bao, lịch thiệp còn hơn công chức.
Và, tiếng loa kẹo kéo, âm thanh khủng bố vang lên, hòa quyện thi thoảng tiếng "dô dô trăm phần trăm" nhức óc. Liên tục sau đó là những giọng hát, còn tệ hơn giọng vịt đực của tôi, vang lên có lúc the thé, có lúc oang oang, trộn lẫn trong giọng hát là mùi bia, mùi rượu, mùi thuốc lá, có cả mùi ngả ngớn, tục tĩu, vô duyên của những lời bỡn cợt nhau phát ra trên loa công suất hết cỡ. Hình ảnh này không phải là cá biệt.
Các nơi ở bờ sông Sài Gòn, và một số nơi tôi có dịp tới, đang nở rộ những nhóm thanh niên với " thùng kẹo kéo" mướn, ngặt nỗi, là sản phẩm của chủ cơ sở du lịch...muốn thu hút khách thanh niên, thích khẳng định sự có mặt của mình bằng âm thanh "cực hót".
Ưa thích âm thanh cực lớn nhưng không màng đến những người khác ưa thích sự tĩnh lặng bình yên. Chỉ biết có mình, không biết có người, đó là triết lý sống của một bộ phận thanh niên rường cột chúng ta ngày nay?
Ở VN, vào những chỗ đông người, nhà hàng, sân bay...nghe có tiếng nói cười hô hố xì xồ là đoán ngay có các du khách 4 tốt. Qua Singapore mà nghe âm thanh tương tự là đoan chắc có người VN.
Âm thanh hổ lốn đã từng gây ra tai vạ, báo chí đã đăng.
Một ông 60 tuổi bị đánh chấn thương đầu đi cấp cứu vì đã lên tiếng với đám thanh niên đang nhậu, đang ca hát qua loa kẹo kéo; ông năn nỉ xin được " giảm âm thanh" mà lãnh hậu quả thương tâm.
Lâu rồi, đâu ở tỉnh nào ngoài trung, một người bị đâm chết vì lên tiếng rồi xảy ra xô xát với người hàng xóm đang hát karaoke quá to, quá ầm ĩ kéo dài.
Khi ý thức chưa hình thành thói quen thì luật pháp, ở đây là nhà chức trách, nên can thiệp bằng những chế tài cần đủ mạnh, hễ ai vi phạm sẽ bị xử phạt, về việc gây tiếng ồn quá mức, quá lâu, ở quá nhiều nơi công cộng.
Việc cấm đốt pháo, buộc đội nón bảo hiểm, nhà nước làm rất hiệu quả, rất tốt. Kiểm soát âm thanh, tiếng ồn, là việc khó lắm hay sao?
Một nghiên cứu cho biết người Việt có chiều hướng mắc bệnh rối loạn tâm thần ngày càng cao, biết đâu âm thanh có cường độ quá mức không là một nguyên nhân chính?
Văn hào Dostoevsky người Nga đã cho đào một cái hầm sâu, đầy đủ tiện nghi để ở đó sáng tác những tác phẩm nổi tiếng thế giới, và khi chết, trong di chúc ông ghi rõ trong đám tang mình không được có mặt của người vợ. Lý do thì nhiều nhưng một lý do chính bà vợ liên tù tì chì chiết ông cả đêm lẫn ngày, qua giọng nói the thé không khác chi giọng nói của những bà vợ ưa rủa sả chồng mỗi khi say xỉn.
Âm thanh tác động thế đó. Ở Sài Gòn đào hầm đâu được, nếu đào, có khi bị hỏi thăm đào hầm bí mật sao? Sự tĩnh lặng, sao mà khó hung rứa hỉ?
Ảnh minh họa.