Tại một diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (ngày 24/10) ông vụ trưởng, vụ Đào tạo thường xuyên, than thở: Đào tạo nhân lực của VN đi ngược xu hướng thế giới. Cơ cấu lao động của họ có dạng hình chóp. Cứ một người đại học sẽ có 2 đến 3 người học cao đẳng; 3 đến 5 có trình độ trung cấp. VN thì ngược đời, ông đưa ra con số: “Một người học đại học mới có 0,42 người tham gia giáo dục nghề nghiệp. Nhân lực của Việt Nam tập trung từ đại học trở lên với 10,9%, cao đẳng 3,7%, trung cấp 4,3 % và sơ cấp 4,7 %”.
Nói gọn lại, ‘thầy’ nhiều hơn ‘thợ’. Thích ‘chỉ tay năm ngón’ hơn là làm việc bằng 2 bàn tay mười ngón. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?” chỉ là câu thơ than thở.
Giải pháp cho vấn đề trên được nêu trong diễn đàn: Cần đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và nhà trường. Giải pháp này là xu hướng chung. Trong diễn đàn, theo tường thuật của VNExpress, tôi không thấy ai đề cập nguyên nhân vì sao “thừa thầy thiếu thợ”, nghĩa là vì sao người ta đổ xô học đại học nhiều hơn cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, cho dù, rất nhiều người tốt nghiệp đại học phải làm việc của những người mới học nghề. Hãy xem đội ngũ chạy Grab, trình độ học vấn của họ không hề ít người học xong đại học. Hay có cả giáo viên xin nghỉ dạy để đi lao động xuất khẩu – dĩ nhiên, bằng lao động tay chân.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng sâu xa nhất bắt nguồn từ:
- Văn hóa. Đỗ đạt là ước ao cháy bỏng của mọi người, từ nghèo tới giàu, từ nông thôn ra thành thị, từ xưa chí nay. Ca dao văng vẳng trong tâm trí con người VN: “Chồng em cưỡi ngựa vinh quy. Hai bên có lính hầu đi dẹp đường”. Nhiều gia đình nghèo khổ vẫn quyết cho con theo đuổi đại học dẫu trình độ không theo nổi. Bằng chị bằng em là thái độ của không ít gia đình VN. Dẫu không bằng cũng cố cho bằng. Đại học sẽ oai hơn cao đẳng và đương nhiên phải ‘bỏ xa’ trung cấp; sơ cấp là cái đinh rỉ. Đương nhiên, nhu cầu học lên cao là chính đáng. Học nâng cao là nguyện vọng cần trân trọng.
- Nhà trường: Có lẽ nhiều người ngạc nhiên. Nhưng nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sau này của học sinh. Nếu ở cấp 2 và cấp 3 có phân luồng sớm thì học sinh sẽ mạnh mẽ kiếm cho mình một hướng đi thích hợp. Ở cấp này, cần có những phương thức giúp học sinh nhận ra khả năng thực sự của họ. Học một nghề nào đó hay sẽ học lên cao cần có sự hỗ trợ của nhà trường, nghĩa là của bộ giáo dục. Tùy theo năng lực và sự hướng nghiệp, học sinh sẽ được chính phủ hỗ trợ kinh phí trong việc học tập văn hóa và học tập nghề nghiệp. Nếu thi không đậu đại học thì học sinh có sẵn một cái nghề.
- Thành tích: Tôi không rõ phong trào thi đua ở VN phát sinh từ lúc nào. Nhưng tôi thấy, có thi đua là có tạo thành tích, kể cả thành tích ảo. Nhìn vào giáo dục thì thấy ngay. Một lớp học có bao nhiêu học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình, học sinh kém. Chắc chắn học sinh kém sẽ ít hơn trung bình; trung bình ít hơn khá; khá ít hơn giỏi. Tuyệt vời học tập. Thành tích học tập này sẽ ảnh hưởng tương lai ‘chính trị’ của thầy, của cô, của ban giám hiệu, của phòng, sở giáo dục và của cả bộ.
Vì ngỡ mình thuộc hàng “giỏi”, tất cả các em đều mơ đến cổng trường đại học. Có cung tất có cầu. Không đỗ vào trường công hay trường tốt, học sinh sẽ thu hút vào các trường đại học dân lập hay tư thục mở ra tưng bừng như hội chợ. Đây là một trong các lý do người học đại học nhiều hơn các cấp học thấp hơn, chưa nói tới học nghề. Cái thành tích ảo không những xí gạt cấp trên mà nó còn xí gạt học sinh và cha mẹ học sinh. Học mà không hành là lỗi do việc chạy theo thành tích.
Để có thể theo xu hướng thế giới, thợ nhiều hơn thầy, thiết nghĩ, người Việt Nam nên chú ý hai việc: Nhận thức lại giá trị bằng cấp và dẹp bỏ hẳn, không thương tiếc, vấn đề thi đua trong nhà trường. Nếu có thi đua, hay phấn đấu, hãy thi đua và phấn đấu cho bản thân mình tiến bộ mỗi ngày.
Học sinh không bao giờ học để dở hơn. Thầy không bao giờ dạy để kém hơn. Vậy thi đua để làm gì?