Pháo không còn nữa và đã trở thành kỷ niệm mỗi lúc đón xuân về. Trẻ thơ nông thôn chúng tôi gắn liền với tiếng pháo sâu đậm và lâu dài nhất. Pháo thuở xưa chỉ là một " dép" dài hơn gang tay người lớn, kết san sát những quả nhỏ bằng ngón tay trẻ em, những tim pháo đều đặn được giữ chặt như ôm nhau bằng một dây dẫn lửa to hơn ở giữa. Pháo luôn được quấn bằng giấy đỏ hồng tươi thắm.
Buổi sáng mùng một, xóm nào có pháo nổ, xóm ấy vui hơn tết. Lũ con nít chúng tôi túm tụm, xúng xính trong những bộ đồ mới, chen nhau vào chỗ phong pháo treo trên cao đang rơi những viên pháo xuống, đì đùng nổ, rồi tranh nhau chụp vài quả pháo nào rơi nhưng chưa kịp nổ, nhanh tay bóp cho "tịt ngòi". Cũng có khi nhầm những trái pháo sắp nổ, không may cầm lên, nhưng nhanh tay kịp thả xuống khi thấy " nháng lửa".
Những viên pháo "điếc" (chưa nổ) trở thành " tài sản" trân quý, được cho ngay vào túi và " biến" đi tức thì, đầu óc non nớt sợ chủ nhà " đòi" lại. Phải chạy thật xa đám trẻ con để bảo vệ" thành quả" vừa lượm được. Nhưng làm sao "thoát" khỏi chúng. Sau đó chạy về nhà vào bếp, lựa một que trong đống củi đang "ngún" lửa, được mẹ chu đáo lấp một đống tro nóng lèn kỹ, "để ngày mùng một tết lửa không tắt, đặng cho đỏ cả năm", mẹ nói. (Cơm ăn ba bữa, ngày đỏ lửa ba lần; quan trọng như rứa đó).
Để "phát huy" tiếng nổ, viên pháo được quấn thêm một ít giấy xé ra từ vở cũ hoặc đặt lon đong gạo lên trên, lòi phần tim, và đưa que củi đang cháy vào, hồi hộp chờ đợi; tiếng nổ đoàng vang lên, mấy đứa trẻ không giựt được quả pháo nào chạy theo, đứng nhìn hơi xa xa, gương mặt rạng rỡ, những đôi mắt sáng chăm chăm theo dõi "công đoạn" đốt "pháo lượm", và chúng không giấu nỗi niềm hân hoan như tôi: được coi, được nghe, và được ngửi mùi thơm của pháo.
Xác pháo, mùi thuốc pháo, chứ không phải tiếng nổ lại làm ta quyến luyến, và ngất ngây hơn hết.
Mùi thơm của pháo lững lờ trong không gian miền quê thanh bình những năm tháng chưa bóng dáng chiến tranh. Xác giấy màu hồng thắm của pháo tung tóe, bùng vỡ niềm vui đang báo "xuân đến bên ta, xuân khắp mọi nhà". Trong không khí se lạnh lất phất mưa phùn, tiếng nổ, mùi pháo và màu xác pháo làm mùa xuân thắm thiết thêm lên.
Vườn cải trổ bông ngập vàng, óng ánh sương mai, rập rờn những cánh bướm sắc màu rực rỡ.
Mấy con chim sẻ ríu rít gọi bầy trên tổ ở những tàng cây cau cao vót, trồng trong vườn đầu ngõ.
Trước hiên, giữa sân là cây mai già gấp đôi tuổi tôi, đầy ắp bông vàng, chan hòa hơi xuân, sắc xuân, và cho đến bây giờ vẫn chan hòa mãi mãi, mùa xuân ấm áp trong tâm hồn đứa trẻ như tôi, mỗi khi nhớ lại cảnh thanh bình thời niên thiếu.
Tiếng pháo đã đi vào tâm thức của mọi người Việt Nam và thôn quê Việt Nam. Lẽ đáng phải giữ gìn truyền thống đáng yêu này, nhưng chúng ta đã hủy hoại nó. Không còn những "dép" pháo ngắn hơn gang tay người lớn, những viên pháo tròn như ngón tay mũm mĩm của trẻ con. Thay vào đó là những dây pháo dài mấy thước, có khi được kết dài hàng chục thước; có quả pháo to đùng như nắm tay người lớn. Tiếng pháo đì đùng trở thành đùng đùng không thua lựu đạn hay bom khủng bố.
Đêm giao thừa, buổi sáng mồng một, điểm xuyết những tiếng pháo đì đùng, trở thành đêm đinh tai nhức óc với những tiếng nổ vang trời, khói bay mù mịt nghẹt thở còn hơn trong một trận đánh nhau.
Một hay hai dép pháo nhỏ, nổ để tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, trở thành "kho" pháo, nổ liên miên bất tận cho đến sáng, có khi cả mấy ngày ngoài tết.
Giàu khoe những tràng pháo dài cả chục thước treo trên lầu cao chót vót, nghèo nhìn khói, nghe tiếng nổ, hít mùi thuốc " đạn" thành phát "rầu"...với xuân. Đốt pháo đón xuân thành đốt pháo khoe tiếng "nổ", nổ banh xác. Đêm giao thừa thành phố trở thành đêm tiếng pháo khủng bố, không phải tiếng pháo xuân.
Nhà nước buộc phải cấm đốt pháo có lý của họ. Nếu quy định đốt mỗi nhà một phong pháo tẻ (không phải pháo tống, nổ to) vào giao thừa, hay sáng sớm mùng một, mọi người đều vui vẻ ý thức chấp hành, thì việc cho đốt pháo trở lại đáng được hoan nghinh.
Tiếng pháo ngày tết, mùi pháo đầu xuân, đã ở sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người VN.
Hãy đánh động tiềm thức đáng yêu ấy. Đề nghị cho đốt pháo không tiếng nổ của ông phó thủ tướng mới đây cũng là ý muốn tốt lành.
Nhưng pháo "câm" thì sao bằng pháo nổ, pháo thiệt. Và biết khi nào người VN tự giác chỉ đốt "một" phong pháo ngày xuân? Mùa xuân đang đến, ý xuân đang tràn, lòng xuân đang phơi phới:
" Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Vâng, các thứ đã sẵn, chỉ có pháo nữa là đủ cho mùa xuân.