Quê tôi làng Trúc Hà (*) vừa có cây đa được công nhận là cây di sản quốc gia. Nỗi mừng của tôi không làm nguôi nhớ cây cổ thụ, mà nếu còn cho tới nay, cái cây vừa được nhà nước công nhận hơn 200 năm tuổi đời chỉ là hàng “con cháu”.
Ở một làng gần đó, tức là Trung Đạo, có cây gạo cổ thụ, vòng thân to khủng. Cha tôi- nếu còn sống sẽ là 120 tuổi- kể lại khi còn nhỏ năm mười tuổi ông đã thấy cây nó to “hàng chục người ôm”.
Khi con người ám ảnh bởi sinh kế, nói trắng là cái ăn, không có gì là họ không làm. Ở đây, tao sống mày phải chết. Cây cổ thụ có tên cây gạo ông Tuân cũng phải chết. Đất của ông, cây gạo của ông, dân làng đặt luôn tên ông. Và nó đã chết.
Thời Việt Minh (1945-1954), cây gạo là chỗ trú ẩn của dân làng mỗi khi máy bay Pháp ném bom. Cây gạo quá lâu đời, chẳng ai biết niên đại, chỉ còn phần ngoài, phần ruột bị hư hỏng. Cây gạo to đến nỗi, ruột rỗng của nó có thể chứa 3,4 chục người núp mưa, đương nhiên là tránh bom lý tưởng. Nếu ít người, cả trâu cũng vào trú ẩn.
Nếu không có tác động của con người, cây gạo ấy có thể sống đến hôm nay. Người có mảnh đất có cây gạo thấy việc canh tác (trồng bắp, đậu) năng suất ít, vì tán lá cây gạo quá to. Thế là mỗi mùa một ít, chủ đất thời kháng chiến chống Pháp bỏ cây bắp thành đống vào bụng thân cây, và đốt. Thân gạo ngày càng mỏng vì cháy sém, có chỗ thành than, thành tro. Và số phận của cây cổ thụ phải đến. Cây có cành to đến nỗi trẻ chăn trâu trèo lên, chạy qua chạy lại , như chạy dưới đất mà không sợ ngã té.
Bão miền Trung, ai cũng biết, rất mãnh liệt. Gạo ngã đổ. Nhưng nó không chết hẳn. Còn một thân nhỏ như con giữ được đôi cành có lá. Tôi năm nay qua 72, lúc còn bé, tôi đã thấy cành nhỏ ấy là cây gạo rất to. Sau những năm hòa bình, cây gạo “vô dụng” ấy nhường chỗ để có đất canh tác, người nông dân cần có miếng ăn. Cũng phải thôi.
Khi ra Bắc tham quan những năm sau 1980, tôi thấy người ta còn chừa lại một số cây gạo ở một số vùng quê. Tháng giêng hay tháng hai (âm lịch) gì đó, hoa gạo đỏ rực những góc trời. Không rõ lúc vào HTX, họ có đói kém không, những cây gạo choáng đất chẳng bị cắt để trồng hoa màu. Người sống vì hoa màu, cây làm cớm rợp cần phải chết. Hay là họ quý trọng cổ thụ hoặc sợ hãi cây cao bóng cả, “ Thần dựa cây đa”?
Khi cái ăn ám ảnh, con người khó mà nghĩ chuyện khác, dù có liên quan truyền thống hay văn hóa như bảo tồn những cây to bóng cả, có tuổi thọ hàng mấy trăm năm như cây gạo, cây đa ở quê- loại cây tán lá rất to, hoa màu bên dưới khó mà phát triển.
Tôi vui mừng không phải cây đa quê nhà làng Trúc Hà được công nhận là di sản quốc gia. Tôi mừng quê tôi không còn thấy tán lá quá to của nó che chắn hàng ngàn mét vuông đất màu mỡ, nếu không có nó, mỗi năm thu lợi biết bao nhiêu là hoa màu thiết yếu cho cuộc sống.
Cây đa không tranh sống với con người vì con người yêu quý nó. Con người no đủ. Dân quê tôi không còn ám ảnh bởi cái ăn. Đó là niềm vui, theo tôi, còn lớn hơn cây đa của họ được công nhận là di sản quốc gia.
(*) Thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh của Phạm Duy Hiền)