Friday, March 8, 2024

ĐỊNH HƯỚNG?

Cơ quan ngôn luận nào -nhà nước hay tư nhân- cũng đều có định hướng dư luận. Càng tự do ngôn luận càng có nhiều định hướng chứ không phải một định hướng.  Đọc chú thích bên dưới (bức ảnh), tưởng ‘vô thưởng vô phạt’, nhưng không phải, có “định hướng” đó: “ Chiếc xe của người Palestine chở công dân Israel (giữa) vào dải Gaza ngày 7/10”.

7 tháng 10 là ngày tổ chức Hamas tấn công Israel bằng mấy ngàn quả tên lửa vào thành phố, cùng lúc đưa quân vượt qua biên giới, dưới đất, trên không, và trên biển tấn công vào dân thường và binh lính đối phương. Kèm với đó là cuộc thảm sát dân Israel tại một điểm tập trung vui chơi nhân ngày lễ của họ, 250 người bị giết chết, nâng tổng số lên 1200 người. Người phụ nữ bị áp tải trên chiếc xe máy là một trong hơn 150 người bị bắt làm con tin. Lời chú thích bức ảnh trên VNExpress rất “điềm đạm”: “Chở công dân (Israel) vào dải Gaza”, lãnh thổ Palestine, như chở người du lịch hay tham quan. Công dân bị bắt cóc mà như đi chơi.

Nhiều người lên án Israel đánh bom vào Gaza trả đũa hành động sát nhân của tổ chức quân sự Hamas: 1537 người bị chết (trong đó có 447 trẻ em và 248 phụ nữ- theo bộ thông tin chính quyền sở tại, CNN đưa tin).

Vì đâu máu đổ, giữa hai nước Trung Đông? Nói ra thì dông dài và rắc rối. Chỉ nói qua thôi. Gaza có 2 triệu dân Palestine, lọt thỏm (gọi là enclave - dải đất bị bao bọc) trong vòng vây của người Israel. Dải đất chen chúc dân này bị hạn chế hầu như mọi mặt việc đi lại, làm ăn, sinh sống. Họ có chính quyền gọi là Chính quyền Palestine (PA: Palestine Authority) hay có chỗ dịch là Chính quyền dân tộc Palestine.

Năm 2007, sau khi thắng phiếu tranh cử với tổ chức  PA, Hamas nắm quyền quản lý dải Gaza. Tổ chức quân sự Hồi giáo chính thống theo hệ phái Sunny này lại bị Mỹ, EU, Canada, Nhật, Jordan, Ai Cập và Israel gọi là tổ chức khủng bố. Quan hệ giữa hai tổ chức từng quản trị Palestine - Hamas và PA- là khá phức tạp. Theo thỏa ước Oslo năm 1993, cộng đồng quốc tế công nhận PA là đại diện hợp pháp người dân Palestine. Nhưng Hamas lại nắm quyền cai trị tại dải Gaza sau cuộc bầu cử năm 2006. Như vậy, Hamas không phải là Palestine.

Nhiều người VN thấy cảnh chết chóc và tan nát ở Gaza đều cám cảnh cho dân Palestine và có người lên án chính quyền Israel. Cảnh chết chóc của dân thường Israel có ai để ý không? Có cả trẻ em bị chết cháy như than.

Nếu không tỉnh táo, chúng ta cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy vốn nóng này ở vùng Trung Đông. Vì bị o ép, nên người Palestine phải “đánh” người Israel. Vì tổ chức quân sự - dẫn đầu là Hamas- tàn sát dân Israel nên chính quyền Israel mới dội bom chỗ ở người Palestine gây bao cảnh tan thương. Tổ chức Hồi giáo cực đoan này trở thành tổ chức khủng bố. Họ nói sẽ giết con tin nếu đối phương dội bom lên Gaza mà không thông báo trước cho dân thường biết (rất khôn ngoan; không khác báo động để họ ẩn núp). Israel lại cảnh báo cắt nước, cắt điện, cắt lương thực đối với hơn 2 triệu người cho đến khi Hamas thả con tin ra.

Bất kỳ cuộc chiến tranh nào, người dân đều chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Thái độ của thế giới thế nào? Đa phần đều kêu gọi hai bên kèm chế. Hamas bị lên án nhiều hơn Israel. Chỉ có lãnh đạo Iran, Syria  là hoan nghênh việc làm của Hamas nhiều nhất.

Nếu là người nhân ái, chúng ta mong hai bên Palestine (dẫn dắt bởi Hamas) và Israel mau tìm ra giải pháp kiềm chế để sớm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu. Máu của người dân đổ trong quá khứ chiến tranh VN  không làm cho chúng ta cảm thông và lay động trái tim trước những cái chết của con người “hai bên” đang xung đột hay sao? Hãy thôi định hướng.

+3