Friday, March 8, 2024

CHIẾC ÁO ẤM LEN.

Mưa trên phố Huế có bài hát nhưng mưa trên phố Hội thì không. Hội An có nhiều thi sĩ hơn nhạc sĩ. Thơ về thành phố cổ này nhiều nhưng nhạc thì không thấy bài nào hay nói về mưa Hội An, tôi muốn nói mưa phùn.

Mưa đẹp nhất phải là mưa phùn, kèm gió bấc (hay bắc?) ắt đẹp hơn nữa. Mưa như mưa dầm, mưa bão, mưa lụt…ngày này qua ngày khác, tuần này (có khi) qua tuần khác, mưa như thế buồn chết đi được.

Mưa phùn lất phất không làm ướt áo len, hay áo măng tô, hay pạc-đờ-xuy…những loại áo ấm thường thấy ở Hội An thời tôi còn đi học thập niên 1960.

Y phục đôi khi làm lộ sự xuất thân: giàu nghèo, sang hèn, quý phái, dân dã. Ở các cô cậu học sinh, sự phân biệt ấy không có, hay có mà không nhiều. Ở Hội An thời xưa không thấy xã hội phân chia ‘giai cấp’ qua y phục.

Mưa như sương rớt, những hạt nhỏ li ti, kèm theo giá lạnh mùa đông, hạt mưa trở nên dễ thương, hiền lành. Hạt mưa rơi trên tóc ai. Hạt mưa rơi trên má ai. Hạt mưa như trêu cợt những thiếu nữ xuân thì, chân nhè nhẹ bước, áo dài bay bay, bên trên là chiếc áo len cổ tròn, màu đỏ, màu hường, màu vàng…có chiếc đan len kim tuyến lung linh.

Bước đi thư thả của các nữ sinh đến trường làm mấy chàng đi sau bỗng thấy tương tư bời bời trong dạ. Bài hát “em tan trường về” không chỉ mỗi tên là Ngọ. Nào Lan, nào Hồng, nào Thúy, nào Đào, nào Mai…Mỗi cô mỗi sắc trong những chiếc áo ấm không che hết cơ thể rào rạt xuân thì. Mưa làm ướt áo không phải là mưa phùn.

Trong không gian trầm lặng của một thành phố cổ trầm tư, mưa phùn lất phất, từng chập từ trên không rơi xuống, bóng người “trong mộng” đi như “mờ mờ hơi sương”, không phải để “vấn đầu soi gương” mà là để đến ngôi trường yêu thương.

Đố một chàng trai nào ở Hội An không để ý một cô gái nào mặc áo ấm mùa đông, mùa mưa phùn gió bấc, mùa của những hạt nước bay bay li ti trong giá lạnh gần xuân. Áo len đan giản dị ôm trọn cơ thể người mặc, thường là một màu, không xen kẽ trang trí nhiều hoa văn như các loại áo len đời nay. Mặc áo len giữ ấm. Mặc áo len không phải để khoe sắc. Do đó, áo len luôn giản dị, nhu hòa, và gọn ghẽ: áo len học trò.

Mùa hè, mùa thu, các cô chỉ mặc toàn là áo dài màu trắng. Thanh thoát và dịu dàng. Nhưng chỉ mùa đông, các nàng mới có chút ‘điệu đàn’ nhờ màu sắc của những chiếc áo len. “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”. Đố cô nào đẹp mà không mặc … áo quần.

Càng đẹp hơn khi tan trường, chàng nào có duyên tiền định, được cô bạn thân  nhờ “cầm giúp chiếc áo len màu tím” khi trời không còn lạnh. Có câu thơ nào, có đoạn văn nào, diễn đạt hết nỗi lòng rộn rã của một chàng trai, vừa ôm giúp áo, vừa nghĩ ngợi lung tung “thương nhau cởi áo cho nhau” không? Thưa các bạn, tôi là người may mắn đó.

Nhưng thói đời “có mới nới cũ “. Hay: “ Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu). Một ngày khác, một bạn khác, chứ không phải tôi, được “người đẹp” nhờ cầm giúp áo ấm len màu tím, nàng cởi ra vì nóng lúc tan trường vào trưa.

Không vì mất lòng tin mà tôi không còn yêu những chiếc áo len màu khi nhớ về mỗi mùa đông “mưa phùn lất phất” thuở còn đi học. Hội An đẹp biết bao với những chiếc áo ấm len nhiều màu, lấm tấm những hạt mưa phùn cuối đông.

Ngày nay, thi thoảng tôi có về thăm thành phố “di sản” này vào mùa giáp Tết. Nhưng thật thất vọng, những chiếc áo len màu ngày xưa không còn nữa trên các con phố lất phất mưa khi vắng khách thăm thú, vãng lai. Con hẻm cuối đường Nhị Trưng (nay là Hai Bà Trưng), con hẻm đẹp nhất; nó chứa trong tôi biết bao là kỷ niệm thời niên thiếu. Kỷ niệm của những lần, “anh theo Ngọ về, tóc dài lặng lẽ” đường đi.

Nhưng biết đâu, không tìm thấy những chiếc áo len màu mùa đông, tôi lại càng yêu mến Hội An hơn. Ai mà không yêu tuổi hoa niên kia chứ. Càng yêu tuổi hoa niên, tôi càng yêu chiếc áo ấm len màu tím năm nào.