Hình ảnh biểu tượng của các vị lãnh đạo quốc gia trong việc thả cá chép ngày 23 tháng chạp như là cách thể hiện lòng nhân ái " phóng sanh". Có thực sự phóng sanh hay lại là gián tiếp sát sanh? Có bắt mới có thả. Không bắt lấy đâu mà thả? Bắt chim, bắt cá, và thả chúng, để được tiếng phóng sanh. Có nên như vậy không?
Thả cá, thả chim, để chúng trở về với thiên nhiên là điều nên làm, vừa bảo vệ môi trường, vừa tỏ lòng hiếu sinh cho những sinh linh bé mọn. Nhưng làm gì để có chim, có cá để thả? Tôi thấy nhiều người nhử chim sẻ bằng keo dính chuột. Hàng chục chú chim đáng yêu đã sa vào bẫy, không phải vì cái ăn mà vì tiếng kêu đồng loại qua một thiết bị điện tử phát ra không khác tiếng chim, có lẽ là tiếng chim gọi bầy. Chết vì đến với nhau, chết vì đồng cảm với tiếng gọi nhau, thảm thiết vậy sao?
Những chú chim sẻ vô tội, đáng thương, vùng vẫy bởi dính keo, cất lên những tiếng kêu van nài, bi thiết và ai oán.
"Về bán cho quán nhậu à?".
" Không, bác ạ. Nhậu giá chim đâu bằng bán để người ta phóng sinh".
Một cái nghề "phóng sanh"... sinh lợi. Còn những chú cá? Chắc chắn không thể tình cờ mà cá được bắt giữ để phóng sinh. Hoặc mua từ chỗ nuôi, hoặc bắt từ thiên nhiên. Thiên nhiên, tức sông hồ, ngày nay còn là nơi trong lành để những chú cá chép, xinh đẹp như trong hình, sinh sống nổi hay không? Chắc là không rồi.
Mua để thả, liệu những chú cá nuôi, quen khuôn khổ tù túng, có thích nghi với môi trường bên ngoài vốn đã ô nhiễm, hẳn còn cao hơn nơi nuôi sống chúng? Liệu những chú cá chép xinh xắn đáng yêu có vui mừng được trở lại thiên nhiên hay là buồn bã thở những hơi cuối cùng và đau khổ lìa trần, trước sự hân hoan của những người nhân ái đã ra tay cứu độ cho mình?
Việc làm của những vị có trọng trách trong xã hội luôn có những tác động rộng lớn trong dân chúng.
Phóng sinh đúng nghĩa thể hiện tấm lòng nhân đạo và đức tính bao dung.
Thiện ý của các vị là trả về thiên nhiên những gì vốn của thiên nhiên, hành động nhân ái vì cộng đồng.
Đó có thể là việc làm mang một thông điệp khác: sinh vật như chim, như cá , ta còn yêu quý, huống chi con người, cùng máu đỏ, da vàng, cùng đồng bào ruột thịt, sao không thương yêu nhau.
Nhưng sẽ phúc hạnh cho nhân dân nhiều hơn nếu các vị có thể làm thêm vài việc cụ thể :
1- Cấm ngặt đánh bắt cá trong mùa sinh sản những loại cá có số lượng nhiều, cần thiết cho đời sống con người. Và không được đánh bắt cá còn quá nhỏ mới trưởng thành. Việt Minh thời trước, ở quê tôi Quảng Nam, nghiêm cấm nông dân sử dụng dụng cụ đánh cá có mắt lưới quá nhỏ (gọi là "tủ", tựa như mùng ngăn muỗi) khiến cá con có thể bị tận diệt.
2- Xử lý nghiêm những người sản xuất và người sử dụng ắc quy điện thế cao mục đích đánh bắt cá (gọi là chích điện) hiện nay rất "đại trà" ở một số vùng thôn quê.
3- Nghiêm trị người sử dụng chất nổ đánh cá, kể cả ngoài biển khơi.
4- Thu mua, hoặc tịch thu tất cả các loại súng săn bắn chim. 50 năm trước, cò, quạ, chim các loại, so với bây giờ nhiều hơn, hay ít hơn? Những con cò, những cánh cò bay lả, bay la, chỉ còn trong văn học, hay có còn cũng chỉ còn trên bàn nhậu, người ta đã dùng bẫy để bắt cò làm mồi và bán cho các quán.
5- Nghiêm cấm tất cả các quán nhậu bán các loại chim bắt từ thiên nhiên, không cứ những loại chim quý hiếm, nằm trong sách đỏ.
Ta có gà, có vịt, có chim nuôi như cuốc, bồ câu... ( thực ra, ăn thịt loài chim biểu tượng hòa bình và hiền lành này là quá bất nhẫn)... Cứ gì phải ăn thịt chim, những con chim đáng yêu, thân thuộc với con người.
Những việc như thế được quý vị quan tâm chỉ đạo thực hiện sẽ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống con người, giúp con người càng gần gũi, càng yêu mến thiên nhiên, do đó sẽ càng yêu mến nhau hơn.
Quý vị sẽ thấy "phóng sinh" những chú cá chép vừa qua là cử chỉ hết sức nhân văn. Chứ thả cá, thả chim, sau này chúng chết sống ra sao không rõ, thì tội nghiệp cho chúng nó, và cũng tội nghiệp cho chúng ta, những người tưởng là tốt bụng. Phóng sinh khi đó sẽ đích thực là đức hiếu sinh.