Tự hào là một tự tình có thật, một tình cảm đáng trân trọng. Chúng ta tự hào là một dân tộc không bị mất bản sắc khi cả ngàn năm bị đô hộ ngoại bang. Chúng ta tự hào có Nguyễn Du là thi hào dân tộc, tác giả Đoạn trường tân thanh (Kiều) hay đến nỗi học giả Phạm Quỳnh dõng dạc “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Nhưng ngày nay, con dân VN làm gì để xứng đáng lòng tự hào đó? Và làm gì để thêm tự hào cho con cháu mai sau? Xin đừng nhắc lại lòng tự hào quá khứ dày đặc trong sách giáo khoa lịch sử, trong truyền thông, mấy chục năm qua đại loại: Chúng ta tự hào là một nước nhỏ đã đánh thắng hai cường quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta tự hào (qua câu thơ Tố Hữu) Phạm Tuân là người VN đầu tiên bay cùng Gorbatko, phi hành gia người Liên Xô. (“chân dép lốp/ mà lên tàu vũ trụ’).
Chúng ta tự hào đánh thắng 2 đế quốc to nhưng người Thái cũng tự hào chẳng đánh nhau với thằng…đế quốc to nào cả, đất nước vẫn độc lập, chủ quyền. Ấn Độ tự hào nhờ lãnh tụ họ tuyệt thực đòi độc lập thành công. Phạm Tuân là anh hùng lực lượng vũ trang, một phi công lão luyện đã có nhiều chiến tích trong chiến tranh, có hàng ngàn giờ bay chiến đấu. Bay cùng với phi hành gia Liên Xô thì đâu có chi là quá sức hay phi thường. Cô giáo dạy tiểu học người Mỹ Barbara Morgan, được huấn luyện để cùng sáu phi hành gia khác bay trên chiếc Endeavour sau 21 năm Chiếc Challenger (trong đó có 2 phụ nữ) bị thảm nạn sau khi rời giàn phóng 73 giây. Nếu thế là tự hào thì người Thái, người Mỹ cũng sẽ tự hào còn hơn chúng ta.
Chúng ta tự hào về quá khứ và trong tương lai chúng ta sẽ tự hào như thế nào đây? Không lẽ ta tự hào sắp xây dựng Sài Gòn thành Singapore? Hà Hội sẽ không thua kém Paris một tương lai không xa? Chúng ta tự hào là một quốc gia sẽ chiếm lĩnh công nghệ 4.0 một ngày rất gần? Chúng ta tự hào năm 2020 VN thành nước công nghiệp cơ bản phát triển? Hay chúng ta sẽ quay lại tự hào là quốc gia có rừng vàng, biển bạc, tài nguyên vô cùng phong phú?
Chúng ta nhiều tự hào quá nên chúng ta trở nên tự mãn, lúc nào cũng nghĩ mình hơn người, không hết mình nỗ lực làm việc, học tập, đau đáu tìm kiếm, phát minh, làm ra những cái người Nhật, người Hàn, người Đài Loan, người Trung Quốc, đã làm ví như trong công nghệ thông tin, một lãnh vực người Việt có ưu thế. Ở thung lũng Silicon Mỹ có rất nhiều chuyên gia giỏi người Việt.
Hay là chúng ta sẽ tự hào có điện thoại thông minh Vsmart, xe hơi sang trọng Vinfast (một dạng lắp ráp lấy của người làm của mình)? Hay là ngày mai, lúc hơn 20 giờ tối, chúng ta tự hào sẽ đá thắng đội bóng Nhật Bản, tiến vào chung kết cúp Á châu?
Và chúng ta sẽ "tự hào" có mấy chục người bỏ mạng đi bão ngoài đường vì "niềm tự hào dân tộc", đã “đánh bại” con cháu xứ mặt trời mọc, “rửa hờn” cho năm 1945 họ hất cẳng người Pháp, thiết lập cai trị An Nam, gián tiếp gây ra nạn đói năm Ất Dậu hãi hùng?
Người lớn bây giờ (là trẻ con mấy chục năm trước) được giáo dục muôn vàn lòng tự hào dân tộc mà không có dòng nào trong sách giáo khoa dạy dỗ con dân tương lai hãy xây dựng đức tính khiêm cung. Không có khiêm cung thì không bao giờ muốn phấn đấu. Có cảm thấy thua kém thì mới nỗ lực vượt người, vượt chính mình.
Thiên hạ lúc nào cũng “mục hạ vô nhân” thì làm sao chúng ta có động lực đua tranh. Thái Lan qua mặt VN, rồi sắp tới Campuchia, Lào có khi nào sẽ qua mặt chúng ta không?
Tôi thấy lo lắng. "Trễ còn hơn không". Hãy đưa ngay vào giáo dục giảng dạy đức tính khiêm cung bên cạnh “đức tính” tự hào. Tự hào quá mức sẽ làm con người tự cao tự đại, không soi rọi chính mình, không biết mình mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, để “tri bỉ tri kỷ”, biết người biết ta.
Không thể nhìn cả nước phải cuống cuồng trước thắng lợi của một đội bóng dẫn dắt bởi một người nước ngoài để ca ngợi “thế nước đang lên”, “chinh phục bầu trời”, hay “đè bẹp” đối thủ…
Tự hào về đội bóng quốc gia đã thắng hay vô địch là một tình cảm chính đáng cần trân trọng.
Không phải chỉ bóng đá, chúng ta hãy đặt lòng tự hào về những cái khác, nói chung, thật đúng chỗ, thật chừng mực, bên cạnh đức tính hàng đầu phải là khiêm cung.
Đó mới thực sự cho chúng ta đứng lên “tự hào” nói với tiền nhân rằng nhờ chúng con “khiêm cung” nên bây giờ chúng con mới có “tự hào”.