Gọi lễ hơi quá. Buổi bế giảng thì đúng hơn. Buổi, thật ra chỉ là 1 tiếng rưỡi đồng hồ, “lễ và hội”.
Bế giảng tổ chức theo từng lớp, không toàn trường, có mời phụ huynh, cả gia đình. Dân Phần Lan rất trọng giờ giấc, không sớm quá và không được trễ. Đi khám bịnh mà trễ 5 phút sẽ bị từ chối khám và phải hẹn lịch, có khi là cả tuần, trừ cấp cứu.
Phụ huynh lũ lượt vừa ngồi vào ghế thì buổi lễ bắt đầu với bài phát biểu chừng 3 phút của cô chủ nhiệm. Nội dung chào mừng khách, chúc mừng học sinh sẽ vào lớp 1 sau một năm học ở trường.
Lớp mẫu giáo (lớn) đâu 16 em mà có tới 4 cô giáo. Các cô tiến hành lễ trước mặt của hiệu trưởng. Cô đọc tên, cô phát bằng, cô phát hoa, cô cuối cùng phát một tấm bìa, một bên vẽ sao băng, bên kia in bài thơ khích lệ có chữ ký 4 cô giáo và hiệu trưởng. Phông sân khấu có nhiều hoạ tiết do các em tự vẽ, mỗi người một cái. Cháu tôi khoe được vẽ ở “trung tâm”, tất nhiên, bố cục do cô gợi ý.
Buổi lễ kết thúc bằng duy nhất bản đồng ca với giọng hát vụng về của những đứa bé mới qua 6 tuổi. Nội dung bài hát: chúc các bạn ra trường khi cổng đóng mùa hè. Đón chào các bạn khi mùa thu cổng trường mở ra. Hãy có những ngày hè vui. Chào các bạn.
Sau lễ, mỗi em nhận một cây kem, ly nước ngọt; bánh quy đặt trên bàn dành riêng cho phụ huynh kèm nước ép trái cây. Vừa ăn vừa uống vừa chào nhau ra về.
Buổi lễ diễn ra “thành công tốt đẹp”.
Phần Lan có nền giáo dục nằm trong tốp hàng đầu thế giới. Tôi ngạc nhiên cái lễ bế giảng quá đơn sơ. Cô giáo chẳng ăn bận cho đẹp; phụ huynh có người mặc quần ngắn, áo pull; học sinh càng y phục lộn xộn, mỗi người một vẻ.
Người ta không chú trọng bên ngoài. Nội dung giảng dạy là quan trọng. Cháu ngoại tôi mới qua có tật đánh bạn dù cháu rất nhỏ con so với bạn Tây. Lại bất đồng ngôn ngữ. Nhà trường gọi mẹ cháu lên và nói: Con bà đánh bạn là do lúc nhỏ hay bị bắt nạt, bị người khác đánh. Chúng tôi cần bà hợp tác, về nhà cần nói chuyện với bé nhiều hơn. Nhà trường sẽ cử một chuyên gia tâm lý kín đáo theo dõi đứa bé để “chữa trị”. Ba tháng sau, cháu không còn đánh bạn nữa và hòa đồng rất tốt.
Ở lớp mẫu giáo, hay bất cứ cấp nào, đánh bạn là chuyện hiếm đối với trẻ em Phần Lan. Trẻ đánh bạn vì nó từng bị đánh, bởi bạn hay bởi người lớn. Thương cho roi cho vọt là cách hiểu hoàn toàn phi giáo dục của ta. Vì cháu nói đớt, trường cắt hẳn một cô giúp cháu phát âm tiếng Phần. Nay chuẩn bị lên lớp 1 cháu nói tượng đối thành thạo.
Chưa “làm gì cho đất nước” mới nhập cư, con cái tôi có một môi trường thật tốt trong việc giáo dục con cái. Là người nước ngoài nhưng không bị phân biệt đối xử. Con cái chẳng biết tiếng bản địa nhưng vẫn được nhận vào trường. Người ta không bảo phải trình giấy nợ, giấy kia.
Phần Lan tốt bụng thế sao? Không. Họ rất sòng phẳng. Trẻ có cha mẹ phải làm việc, ít ra là một trong hai và phải đóng thuế, khá nặng. Nhưng lương không ở mức trung bình thì không phải đóng thuế. Trẻ học (không cứ mẫu giáo) sẽ được cấp mỗi tháng 100 Euro (khoảng 2 triệu rưỡi) cho đến khi thu nhập của cha mẹ cao lên ở mức có đóng thuế.
Nội dung giảng dạy ở các lớp mẫu giáo: tự chọn thức ăn, biết rửa tay trước khi ăn, sau khi ị, biết đi ị một mình, biết vất rác đúng chỗ, biết đi qua đường, biết xếp áo quần mùng mền; chúng còn học vẽ, hát, đá banh, làm đồ thủ công, may vá, đóng đồ mộc. Cha mẹ không được dạy trước chương trình học của con. Không dạy toán nhưng họ cho trẻ thực tập mua bán. Do đó chúng sẽ làm được phép cộng, phép trừ. Họ dạy dỗ theo phương pháp sư phạm thực tiễn và bài bản.
Mỗi tuần, dẫu có tuyết rơi, cô giáo phải dẫn các cháu ra khỏi trường, đi bộ một quãng đường hay vào rừng xem cảnh vật. Trẻ được mặc áo phản quang như công nhân làm đường ở ta, đi theo hàng lối, mỗi cháu cầm vào một sợi dây để duy trì trật tự. Các cô đi kèm, mang cả xe đẩy, phòng em nào quá mệt không đi nổi. Trẻ được dạy phải chịu đựng sự khắt nghiệt của thời tiết. Làm quen với thiên nhiên. Phần Lan là xứ của cây rừng: thông, bạch dương, phong và giá rét quanh năm.
Buổi sáng đi bộ thể dục, tôi bắt gặp một ông Tây, cao như núi, đi cùng con mình, nhỏ như ốc tiêu; cả hai đang đến trường. Ông sải bước, đứa bé chưa biết đạp xe, phải đũn xe không líp sên không bàn đạp. Đứa bé khá nỗ lực. Tôi thầm nghĩ, cha mẹ VN thật cưng con. Ba bốn tuổi thế kia ở mình sẽ đến trường bằng xe máy hoặc xe hơi. Dân Phần có rất nhiều xe hơi, tôi thấy họ để la liệt ngoài đường, sân đỗ công cộng theo từng cụm dân cư.
Giáo dục là một quá trình. Xây dựng một nền giáo dục tiên tiến phải là quá trình hy sinh trí tuệ và công sức của nhiều thế hệ. Và triết lý giáo dục, một triết lý phải tường minh, không thể mù mờ, vô định hay xếp khuôn vì định kiến chính trị. Và quan trọng trước mắt, hãy cất hình thức, phô trương, bề nổi, chạy theo phong trào ra khỏi môi trường giáo dục.
Phần Lan chỉ mới độc lập hơn 100 năm(1917). Họ là nước chú trọng vào nông lâm nghiệp. Chỉ hơn một thế hệ, họ quay qua chú trọng đầu tư cho giáo dục. Cho đến 2015, toàn đất nước, giáo viên từ mẫu giáo lên hết trung học, tất cả đều có bằng MA (thạc sĩ). Họ thực hiện điều mà một người Việt đã nghĩ ra hơn 100 năm trước. Người đó là ngôi sao bị che khuất: Phan Châu Trinh. Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Cũng người Việt, tại sao giống nòi chúng ta thành công về học vấn rất nhiều ở xã hội phương Tây, nhất là Mỹ?
Có rất nhiều lý do nhưng tôi thấy một lý do duy nhất: giáo dục. Một xã hội cởi mở, tự do được coi trọng, lòng nhân ái được nâng cao, xã hội đó sẽ có một nền giáo dục tiên tiến. Tại sao người Việt ở Mỹ thành công? Vì ở đó một “thằng” da đen cũng có thể làm tổng thống. Một “con” da vàng vẫn làm đến phó tổng thống.
Hãy trả tự do cho giáo dục. Hãy để giáo dục không còn phải thi đua, chạy theo hình thức. Hãy dẹp ngay những bữa tiệc hoành tráng như đang thấy. Không thể hiểu nổi, lễ bế giảng tổ chức tới mấy trăm bàn ăn mà phụ huynh lại lấy làm sung sướng.
Hãy nhìn cách tổ chức buổi tốt nghiệp của một đất nước quanh năm mùa đông, dân số chưa tới 1/2 Sài Gòn. Nền giáo dục ấy phát xuất từ ba chữ của một “ông già” Quảng Nam: “Khai Dân Trí” hơn 100 năm trước.