Friday, March 8, 2024

Sách dịch cho nhà xuất bản Phương Nam: TƯ DUY NHẠY, TIẾP THU NHANH.

Tên tiếng Anh sách Build A Better Brain, tôi dịch là “Kiến tạo bộ não ưu việt”, được biên tập lại “dễ nghe” hơn; dịch như tôi “mô phạm” và “nặng nề” quá. Sách dày khoảng 200 trang, in đẹp, trình bày dễ đọc, chia làm 5 chương, cuối chương có bản tóm tắt cho dễ nhớ.

Mỗi chương chia ra các đề mục nhỏ. Bất kể luận cứ nào cũng đều dựa vào căn cư nghiên cứu khoa học. Chủ đề sách nói về tính thích nghi não bộ, gọi là khả biến thần kinh. Sinh ra con người có 1000 (ngàn) tỷ tế bào não (nơ-ron), khi trưởng thành còn lại 100 tỷ, mỗi ngày mỗi “chết” một số, nhưng trí thông minh càng phát triển nhờ học tập, rèn luyện, và cho đến “già khú” thì bộ não “teo” lại. Đó là lý do một số  cụ “lú lẫn” khi tuổi quá cao, “ăn rồi nhưng bảo là chưa ăn”, thậm chí không nhớ cả tên con cháu.

Cuốn sách nhỏ không phải là “thần dược”,  hướng dẫn chữa hết các bệnh giống như thế. Nó chỉ trình bày bộ não, cấu tạo, “vận hành”, và “cách bảo trì”. Hiểu bộ não, ta sẽ “cư xử” đúng mức với nó, để có một bộ não ưu việt hơn.

Sách có nhiều dẫn chứng khoa học, kỳ lạ, những dẫn chứng ông bà ta từng đúc kết trong quá khứ (tất nhiên “nặng” về văn hóa nhiều hơn)

Ví dụ 1: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Dẫn chứng khoa học: Những chú mèo con chia làm 2 nhóm, nhốt kín trong lồng khác nhau. Lồng có sơn vạch đứng (dọc) và lồng có sơn vạch ngang. Mỗi ngày khi bắt ra ngoài tắm rửa, cho ăn, chúng được thấy bên ngoài cũng sơn các vạch đứng, ngang khác nhau, thậm chí  cả “áo quần”của chúng cũng vẽ dọc, ngang. Qua 5 tháng nhốt cách biệt, chúng được thả ra môi trường tự nhiên; nhóm mèo quen thấy vạch đứng (dọc) không tìm ra chỗ để nằm: chúng không hiểu chiều ngang. Ngược lại, nhóm mèo quen với chiều ngang, khi đi lại, chúng va vào các chân ghế, vì chân ghế chiều đứng.

Thí nghiệm này nói lên: môi trường rất quan trọng. Khi ở trong không gian trói buộc, hạn hẹp quá lâu, con người cứ tưởng trói buộc, hạn hẹp là “lẽ tự nhiên”. Chúng ta liên tưởng đến “thế giới” Bắc Triều Tiên. Con mèo sống trong môi trường “ngang” không muốn sống trong môi trường “dọc”. “Ngang” sẽ là chân lý, “dọc” thì không và có lúc, có nơi ngược lại.

Ví dụ 2: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bộ não người chia ra 2 phe, như Cộng hòa và Dân chủ Mỹ. Phần trước trán (gọi là Einstein, tên nhà bác học) phụ trách “lý trí” (và suy luận, ta hay nhận xét ai “trán cao” thì thông minh là thế), phần limbic phía sau phụ trách “tình cảm” (và cảm xúc). Tình cảm thường “mạnh” hơn “lý trí”. Ngồi hàng giờ nhâm nhi bia, tán gẫu với bè bạn thích hơn là ngồi lưng nửa tiếng đọc sách, một mình. Ngủ quá trưa, (trễ) gọi là “ngủ nướng" (lăn qua lăn lại trên giường như nướng thịt) thích hơn phải thức dậy 5 giờ sáng để đi tập thể dục.

Rõ ràng, ta “gần” ông lý trí sẽ có lợi hơn “gần” ông tình cảm, ông “cảm xúc” thích hưởng thụ. Nhậu và đọc sách, dậy đúng giờ và ngủ nướng, cái nào tốt hơn?

Ví dụ 3: “Nhàn cư vi bất thiện”. Bộ não là một cấu tạo đặc biệt, chi phối tất cả cuộc đời con người. Anh nào “ngu” hay bị mắng “đồ không não”. Sung sướng hay đau đớn, giàu sang hay nghèo hèn, hạnh phúc hay đau khổ…tất cả - quý vị tín không - đều xuất phát từ…bộ não. Bộ não làm việc không những khỏe cho nó, cuộc đời ta cũng…khỏe theo.

Não không hoạt động sẽ trở nên mụ mị. Nhiều người thành công nhờ bộ não họ làm việc liên tục. Có ai ngồi “ngáp ruồi” cả ngày mà thành công không? “Con đường đi đến thành công không có dấu chân của người lười biếng”.Ngạn ngữ Ý: giữa lời nói và việc làm là cả một đại dương. Hãy để cho não làm việc nhiều hơn “nói”. Thí nghiệm trên các tài xế xe buýt và xe taxi ở Luân Đôn, mấy ngàn người tham gia. Tài xế xe buýt có phần “chất xám” (ta hay gọi là trí tuệ)“mỏng” hơn tài xế taxi,  khi đo bằng công nghệ. Vì sao? Tài xế xe buýt chỉ theo lộ trình nhất định, tài xế xe taxi phải dò đường, ngang, hẻm, tắt để chạy cho…nhanh. Ai suy nghĩ nhiều hơn? Ai có chất xám dày hơn? Não cần vận động là như thế. Vận động thế nào, hãy đọc trong sách, bài viết ngắn, tôi không thể nói hết.

Ví dụ 4: " Có thực mới vực được đạo". Não cần” ăn uống” bồi dưỡng không? Rất cần, thường xuyên. Kẻ thù của não là ai? Mất ngủ, căng thẳng (stress), rượu mạnh. Stress làm “teo” đi đồi hải mã xuống 13 % nếu căng thẳng kéo dài. Não teo rồi đó. Và rất ngạc nhiên, tập thể dục đều đặn, não rất yêu mến. Não cần dưỡng khí. Vận động giúp máu đưa oxy lên não. Chết não nghĩa là não “hết thở”. Não cấu tạo hơn 70% nước, não rất cần nước.

Tôi tình cờ dịch cuốn này, và cũng tình cờ biết thêm kiến thức về não. Bản thân tôi, đi bộ mỗi ngày 40 phút, gần 30 năm nay. Biết đâu, nhờ tập thể dục tôi vượt qua căn bệnh ung thư cách nay 11 năm; một người bạn của tôi, bệnh không khác, đã về cõi vĩnh hằng. Anh ta thích ngủ nướng hơn đi bộ; thích uống bia hơn đọc sách, thích xem phim bộ hơn phim tài liệu.

Nhưng nói gì thì nói, “tri hành” phải hợp nhất. Đọc sách mà không thực hiện thì thôi, đi uống bia, ra tiệm gội tóc sẽ “ích lợi” hơn. Và tôi luôn tâm niệm câu cách ngôn học từ nhỏ: MỘT TINH THẦN MINH MẪN TRONG MỘT THÂN THỂ TRÁNG KIỆN. Tác giả Peter Hollins của sách TƯ DUY NHẠY, TIẾP THU NHANH khuyên chúng ta mỗi tuần tập thể dục 3 lần, mỗi lần 40 phút, cơ thể tốt, não càng tốt hơn.