Thursday, March 21, 2024

“TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT”

Cái chết đau đớn. Một câu chuyện xót xa trên báo sáng nay. Vì tình mà một người mẹ nỡ bỏ đói con để vui thú với người yêu trên bãi biển.  Đề bài tôi đặt theo một câu trong chương Châm Ngôn (Kinh Thánh), tất nhiên, ý nghĩa không thể giống nhau.

Một cháu bé ở Ohio chết một mình khị bị mẹ bỏ đi chơi 10 ngày. Quan tòa gọi đây là “hành động cực kỳ tàn nhẫn”.

(An Ohio toddler died after her mom left her home alone while she took a 10-day vacation. A judge called it the ‘ultimate act of betrayal’)

Tiếng khóc của Jailyn (tên cháu bé) vang khắp những con phố lặng ngắt của Cleveland trong đêm tối mịt mờ. Rên la rồi thét gào, cháu bé chẳng có ai đến cứu.

Mẹ của cháu, Candelario, đang đi nghỉ mát 10 ngày ở xa, để con một mình trong củi với vài bình sữa bú. Camera ở cửa nhà hàng xóm còn ghi lại nhiều tiếng thét từng chập của một bé gái 16 tháng tuổi, cả một lần 1 vào giờ sáng khi bà mẹ bỏ đi hai ngày.

Nhưng người mẹ đang ở một thành phố cách đó hàng mấy trăm cây số với bạn trai của mình. Sau vài ngày ở bãi biển, và dừng lại thành phố Detroit, chị ta về nhà và phát hiện con mình đã chết. Cả mười ngày trôi qua.  

Người phụ nữ thừa nhận hai tội danh hôm tháng rồi: một, giết người nghiêm trọng, hai, gây nguy hiểm cho trẻ em.

Ngày kêu án hôm thứ hai, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y cho biết, trẻ con sợ hãi bị bỏ rơi nhất là ở thời gian từ 9 đến 18 tháng tuổi. Bà kể lại những ngày đau đớn cuối cùng của đứa bé trong nước mắt: “Nỗi cùng cực và đau đớn của đứa bé không chỉ kéo dài tính bằng giờ, bằng ngày, mà là cả tuần”.

“Cảm giác bị bỏ rơi nhiều ngày liên tục, cộng với cái đau đớn vì đói khát cùng cực là một thứ đau khổ tôi không nghĩ ai trong chúng ta có thể hình dung được”.

ĐỨA BÉ CHẾT MẤT NƯỚC VÀ GẦY ĐÉT.

Lời tuyên người mẹ tù chung thân của chánh án đánh dấu chương cuối của một vụ án mà những người điều tra mô tả là vô cùng khủng khiếp trong đời hành nghề của họ.

Các viên chức thực thi pháp luật, như thượng sĩ Gomez, không cầm nổi nước mắt khi mô tả tình trạng đứa bé. Anh nói: “Đây là vụ án khắc ghi mãi mái trong trái tim, trong tâm hồn chúng tôi”.

Phụ tá công tố chiếu một đoạn phim an ninh cho thấy người mẹ kéo va li ra xe ngày 6 và trở về nhà ngày 16 tháng 6. Vài phút sau, Candelario gọi 911 (khẩn cấp).

Trong đoạn băng phát lại ở phòng xử, giọng người mẹ rền rĩ: “Giúp đỡ, tôi cần giúp đỡ. Làm ơn, làm ơn, giúp tôi với. Con tôi đang hấp hối”.

Người phụ nữ mặc lại cho con bộ đồ sạch sẽ trước khi đội cấp cứu đến, theo lời viên công tố. Nhưng thay đổi áo quần không che giấu nỗi kinh hoàng mà đứa bé trải qua, và câu chuyện của người đàn bà khóc nức nở kia hé lộ.

Người điều tra cho biết, cháu Jailin nằm trên tấm ra vãi đầy phân và nước tiểu. Chị nói: “Thú vật chăm sóc con của chúng còn tốt hơn”.

Người bé gái khô đét, mắt trũng sâu, môi khô khốc, phân nằm trong miệng, dính trên đầu các ngón tay. Cháu sụt hơn 3 ký lô so với lần cân cuối khi đi khám bác sĩ hai tháng trước.

Các điều tra viên cho biết người mẹ còn bỏ rơi con mình hai ngày trước khi đi nghỉ mát.

CHA MẸ ĐỐ LỖI HÀNH VI CON HỌ LÀ DO BỊ TÂM THẦN

Cha mẹ của người phụ nữ mong tòa giảm án.

Trong một tờ giấy viết sẵn, bà mẹ cho biết con gái bà có vấn đề về sức khỏe tâm thần, như bịnh thần kinh và thường ngất xỉu. Khi ngưng uống thuốc, con bà bị trầm cảm và lo lắng, khả năng suy nghĩ kém sáng suốt. Bà nói gia đình không hay biết chuyện gì đang xảy ra.

Candelario nói trước tòa, chị hằng ngày cầu nguyện sự tha thứ; chị tin Chúa và Jailin tha thứ cho mình.

“Tôi không cố biện minh cho hành động của mình. Nhưng chẳng ai hiểu tôi đau khổ dường nào và những gì tôi sẽ trải qua”.

Trước khi tuyên án, vị chánh tòa trách cứ người mẹ.

Với giọng nghiêm khắc, ông nói Candelario “đã bẫy con mình vào tù” nhiều ngày trong thời gian chị ta đi nghỉ mát.

Ông nói: “Gắn bó giữa mẹ và con là mối gắn bó trong sáng nhất và thiêng liêng nhất. Nó là mối quan hệ dựa vào tình thương, lòng tin, và sự bảo bọc không ngừng…Chị đã phạm một tội cực kỳ tàn ác. Đứa bé cố sống để chờ người đến cứu. Và chị có thể làm điều đó chỉ bằng một cuộ gọi. Trái lại, tôi thấy chị chụp nhiều bức hình trên bãi biển trong khi con chị phải ăn lấy phân của mình để tìm lẽ sống”

Chánh án tuyên người phụ nữ tù chung thân không ân xá.

“Không khác chi cách nhốt Jailyn để con mình phải chết, chị cũng phải sống nốt quãng đời của mình trong tù, mất quyền tự do. Ít ra,chỉ hơi khác một chút, nhà tù còn cho chị cơm ăn”.

Trong giờ luận án, viên trưởng điều tra Powell phát biểu, Jailyn sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng. Giọng run run, ông đọc một bài thơ để tưởng nhớ bé gái bất hạnh: (Mỗi câu bắt đầu bằng một mẫu tự, ghép lại thành tên Jailyn- người dịch)

Tuesday, March 19, 2024

BAO ĐỒNG

Tôi không rõ mấy hai từ này. Nhưng khi lo công việc chi đó không phải của mình, vợ tôi hay nhận xét “ông lo chuyện bao đồng “. Tôi hiểu lờ mờ, hay là “bả” nói tôi “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ”?

Thấy có mấy cái quảng cáo vu vơ trên trang Facebook của mình, ná bắn chim, thuốc diệt cây, tôi giật mình.

Xem cái ná bắn chim hiện đại mà sảng sốt. Đạn bằng sắt. Dây ná mạnh gấp ba lần dây ná cao su thông thường. Sức “sát thương”, nghĩa là sự giết chết chính xác vật nhắm- tức là chim muông- một trăm phần trăm. Clip minh họa cho thấy con chim đổ lông rớt khỏi cành chỉ sau một tiếng tách nhỏ của chiếc na tối tân. Theo tôi, chiếc ná này còn nguy hiểm hơn  nở thần Trọng Thuỷ phỉnh Mỵ Châu đđể Triệu Đà đánh bại An Dương Vương.

Còn nữa, thuốc diệt cây, không chỉ diệt cỏ. Chỉ cần 50 ngàn đồng, một cây to như cây đa Tân Trào, hay bụi tre rậm như tre làng thời trước, cây hay tre cũng tiêu, nghĩa là tàn héo, theo quảng cáo từ năm đến bảy ngày. Xem nguồn gốc, nghe đâu từ Thụy Sĩ. Có in hình nhà bác học hay kỹ sư chi đó là người sáng chế thuốc diệt sinh học này.

Tôi tuy già nhưng mắt không đến nỗi bèo. Trên thân chiếc ná, như nòng súng, và trên gói thuốc diệt thực vật, không thấy tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ thấy chữ Tàu.

Hai loại “vũ khí “ có vẻ vô hại. Diệt cây vì khỏi phải chặt công khổ. Tre, cây lớn, có lẽ cổ thụ, chỉ cần 1 gói thuốc bột màu trắng, bụi tre mất hẳn màu xanh. Tre khô như gặp phải thuốc khai quang của Mỹ. Còn chim chết thức thì sau cái bóp cò như gió thoảng.

Tôi phải thở ra khi viết tới đây. Cây ở VN đâu còn nhiều mà phải cần tới thuốc diệt sinh học? Không lẽ, ghét hàng xóm có cây xoài, cây mít, bóng che qua vườn nhà mình, chỉ cần 50k/ gói thuốc, “ân oán “ phân minh? Trồng một cái cây là trồng một hy vọng. Trồng một bóng mát cuộc đời. Thuốc diệt cây để làm gì? Khó nghĩ quá.

Chim muông nhiều là môi trường giàu sức sống. Tôi về quê, và đi nhiều quê khác, chim là thứ ít thấy. Chúng vào lồng cho phóng sinh. Chúng nằm trên bàn cho quán nhậu. Chúng chết dần vì ăn phải cào cào, châu chấu vừa dính thuốc trừ sâu trên đồng lúa. Chim còn đâu?

Vậy mà có ná tối tân như súng xuất hiện ở VN, xứ của chim muông vắng bóng. Trước đây thì súng bắn chim. Nay bị cấm hay không có vì vắng chim, ná bắn chim đời mới tối tân thay thế.

Tứ bề thọ tiễn.

Có nên cấm ná giết chim, hoá chất diệt cây? Không. Không thể cấm nổi. Nhưng chúng cần được kiểm soát.

Chính quyền cách mạng CS trong quá khứ chứng tỏ họ rất mạnh. Nhưng ngày nay, tôi có cảm giác họ dễ dãi quá? Cái gì cũng thoải mái.

Trước đây, nếu họ khắt khe với chiếc cưa máy, gọi là cưa lốc gì đó, thì biết đâu, rừng VN có khai thác, bây giờ vẫn còn cây. Lâm trường có cưa máy, người dân có cưa máy. Chỉ cần 1 cái cưa máy, 10 phút, cây cổ thụ 100 năm trên rừng nằm lăn ra đất, chết ngay. Những cây to mấy người ôm, nếu không có cưa máy, đố ai hạ ngã nó? Năm 1976, cây rừng ở quê tôi- cũng như mọi quê có rừng khác- nếu không có cưa máy, chắc gì bây giờ chỉ toàn rừng tràm bông vàng làm giấy.

Ngày xưa, người Việt khai thác rừng nhẹ nhàng không mãnh liệt như sau ngày “giải phóng “. Với chiếc rìu, con rựa, một cây hai người ôm trên rừng, đốn hạ bao lâu thì hoàn tất? Rất khó. Với cái cưa líu, cưa đợi (truyền thống) cây to, chưa nói cổ thụ, đại thụ, không dễ gì bị tuyệt diệt khi cưa máy xuất hiện. Người VN làm ra cưa máy? Không. Phải nhập. Ai là người cho nhập? Rất dễ trả lời. Có cưa máy, có lòng tham, có sự tù mù, có tiếp tay của lâm tặc, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chỉ còn là rừng nghèo rừng kiệt.

Đã không sáng suốt với cưa máy, xin quý vị hãy sáng suốt với thuốc diệt cây, ná diệt chim. Lịch sử sẽ trông chờ . Xin quý vị dè dặt và lưu tâm.

Wednesday, March 13, 2024

Phiếm luận: RƯỢU, UỐNG MẤY CHO VỪA?

(Bài dài lê thê. Ai không uống rượu xin đừng đọc).

Không biết rượu xuất hiện lúc nào trên thế gian này. Nhưng theo tôi, người châu Á – nhất là Trung Hoa và Việt Nam có lẽ là Nhật Bản nữa- gắn bó với một loại nước có men này rất sớm. Rượu đi vào văn hóa rồi văn học. Ở VN thì khỏi nói.

Cao Bá Quát là thi sĩ nổi tiếng bất đắc chí và kiêu ngạo.  Giai thoại trước khi bị chém đầu, ông làm hai câu thơ: Xích sắt cùm lim chân có đế/ Ba hồi trống giục bước thì vương”. Để ý hai chữ cuối của hai câu thơ. Đế vương.

Trước đó, ông coi rượu như thế nào? “Gõ nhịp lấy, đọc câu “Tương tiến tửu”: “Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.” Làm chi cho mệt một đời”.

Lý tưởng sống hưởng thụ (trong có có rượu) gợi ý từ Lý Bạch, say đến nỗi, đi trên thuyền, thấy trăng lồng dưới nước, ông ngã người xuống để vớt, thuyền lật, ông chết cùng bóng trăng. Thật nên thơ. Quá nên thơ đi chứ, nhờ quá say.

Bài thơ nổi tiếng mà Cao Bá Quát yêu thích có đoạn nói về rượu: …”Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!/Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh/ Trần vương tích thời yến Bình Lạc/Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước/ Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền/Kính tu cô thủ đối quân chước/ Ngũ hoa mã,/Thiên kim cừu,/Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Tôi chọn bản dịch của một người đồng hương có thơ in trong sách giáo khoa, Nguyễn Lãm Thắng: “Ta muốn say tuý luý, tỉnh mà chi? / Các bậc thánh hiền xưa đều vắng ngắt/ Duy chỉ còn kẻ uống rượu mới lưu danh/ Thời trước Trần Vương yến cung Bình Lạc/ Một đấu rượu vạn đồng, mặc sức uống thâu canh/ Này chủ nhân ơi! Tiền làm sao thiếu được? / Mua rượu mau! Để nâng chén cùng nhau/Ngựa ngũ sắc, áo lông cừu quý giá/Đổi rượu đi con! ta phá vạn cổ sầu!”

Phá “Vạn cổ sầu” chẳng qua là lấp liếm cho chuyện mê uống rượu.

Rượu không còn là thú vui tao nhã. Thi hào Nguyễn Khắc Hiếu cũng “vinh danh” nó: “Say chẳng biết phen nầy là mấy!/Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say./Quái say sao say mãi thế nầy?/Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh./Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,/Ngã dục tiêu sầu thả tự do./Việc trần ai ai tỉnh ai lo,/Say tuý lý bất lo mà bất kể./Giời đất nhỉ, cái say là sướng thế!/ Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay./Muốn say, lại cứ mà say!”

Tỉnh táo như Nguyễn Khuyến cũng “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không viền cũng đỏ hoe”. Uống rượu dữ quá mắt phải đỏ. Về sau cụ mờ cả hai mắt. Chu Mạnh Trinh chơi khăm, tặng cụ loại hoa có sắc mà không hương. Cụ bực: “Đếch có hơi thơm, một tiếng khà”.

Những “sĩ phu” xưa của Ta và Tàu có lẽ không khác nhau. Ban đầu, uống rượu là một sinh hoạt văn hóa. Nhưng thi sĩ nào cũng thích…say. Nên quá chén. Say có khi làm thơ mới hay? Ấy là tôi chưa kể Thơ say của thi bá Vũ Hoàng Chương. Nguyên một cuốn chớ không phải một bài.

Nhiều người cho rằng Trung Hoa và Việt Nam thời trước bị xâm lược vì vua quan hèn yếu. Tôi nói, chỉ là một yếu tố. Tại vua quan  uống rượu nhiều quá. Rượu đưa lên lễ: Vô tửu bất thành lễ. Uống rượu mới trượng phu: Nam vô tửu như kỳ vô phong.

Nếu họ chừng mực trong việc uống rượu thì chắc chi phương Tây nô dịch nổi họ. Họ say sưa với Nho giáo. Họ say sưa với thơ phú. Họ say sưa ca tụng thánh hiền. Họ say sưa thơ Đường. Sẵn trớn, họ ca ngợi luôn vua Nghiêu, vua Thuấn tận bên Tàu, thời xa lắc xa lơ. Bởi họ Trung Hoa như say rượu.

Chừng mực là cái không có đối với hàng ngũ thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam? Rượu chẳng qua là chất gây men tạo hưng phấn. Nó tạo men cho cuộc sống. Nó không phải là lẽ sống. Vậy mà, cả triều đình, cả quan lại, cả giới sĩ phu (elite) đều lấy rượu làm vui và hãnh diện. Ai được ban ngự tửu là vinh dự cả một đời làm quan.

Rượu không những đi vào văn học. Rượu còn đi vào sự sống còn của họ: Đi đánh giặc cũng mang theo rượu. Sức đâu chiến đấu. Giặc mới nổ súng là kéo gươm chạy rào rào.  “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi./ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

(“Rượu bồ đào, chén dạ quang/Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi/Sa trường say ngủ, ai cười?/Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!” (Trần Trong San)

Khi tiếng súng nổ vang vào xứ sở, người Nhật thức tỉnh nhưng người Trung Hoa và người Việt Nam vẫn còn say sưa. Họ đang say cái thế giới của họ. Biết đâu trong đó là do say rượu?

Tôi muốn nói sự chừng mực. Say với chính mình không khác chi say rượu. Tự hào, vinh quang, luôn ngó lên trời, không phải là chất men như men rượu là gì?

Người Tây uống rượu không ít hơn người châu Á. Tôi có học một ít văn chương các nước tiêu biểu văn minh thế giới như Pháp, Mỹ, Anh. Các thầy của tôi - những cuốn sách tôi đọc - không thấy có chỗ nào người phương Tây ca ngợi rượu; dù đó là thức uống có thể nói là hằng ngày của họ. Không những không ca ngợi rượu trong thơ văn; họ cũng chẳng xiển dương rượu như các thành phần trí thức VN và Trung Hoa.

Tôi nghĩ, họ uống rượu chừng mực. Không thể “say túy lúy đêm ngày như bất tỉnh”. Không chừng mực thì không nghiên cứu: whiskey liều lượng bao nhiêu cho đàn ông, đàn bà. Kể cả liều lượng rượu vang và bia. Phải biết liều lượng bao nhiêu là phù hợp (tôi không nói tốt) cho cơ thể.

Ông cố uống, ông nội uống, ông cha uống, ông con uống, cả làng uống, mạnh ai nấy uống và không bao giờ khuyên và buộc bản thân, con cháu uống bao nhiêu là đủ.

“Thê ngôn túy tửu chân vô ích/ Ngã dục tiêu sầu thả tự do” (Tản Đà). Vợ có khuyên uống rượu chẳng lợi gì, chồng cũng chẳng thèm nghe. Ổng muốn tự do. Ngày nay, nếu uống vô độ sẽ tự do vô nhà thương chữa xơ gan; tự do vô nhị tỳ vì gan “đẻ” ung thư.

Tây uống rượu gì? Nói thật, người Trung Hoa chưa chắc nhiều loại rượu ngon như người Pháp, người Mỹ, người Anh. Rượu của họ chưng cất truyền thống, tinh vi, khoa học. Rượu cất xong có thứ để trong hầm vài năm, chục năm, vài chục năm. Rượu càng để lâu dưới đất càng ngon và do đó càng đắt tiền.

Nhưng so việc uống rượu, Tây có khác Ta không? Rất khác. Họ muốn uống loại rượu mình chọn. Họ uống rượu nhưng không nhậu rượu. Không như ta, gặp một chai rượu Tây, kiếm ra một chai “cuốc lủi” ngon (thấy trong cuốn hồi ký NĐM), nhạc sĩ V.C, nhà văn Ng. T, hay T.H. xúm ngay lại mà uống, mừng rỡ, hít hà. Họ không có nhiều lựa chọn các loại danh tửu. Được uống rượu ngon là mừng dù chỉ là một thứ cuốc lủi “vô danh tiểu tốt”. Rất cám cảnh. Say túy lúy là đủ rồi. Rượu thấm trong dòng máu người Việt, không chỉ giới bình dân.

Ngày nay, người Việt uống rượu ít hơn bia, nhưng không đồng nghĩa ít uống.  Bia có độ cồn nhẹ hơn. Và có lẽ ngon hơn vì được ủ men nhiều cách và nhiều loại bia. Nhưng mấy ai định cho mình uống mấy lon là vừa, là ngon, nghĩa là còn cảm nhận hương vị bia?

Tôi chắc chắn ít người uống vừa phải. Uống cho đã. Đó là khuynh hướng của người quen bia rượu.

Một số người bị lôi cuốn bởi cái “thói” tự hào. “Nó uống được ta uống được”. Người không uống nhiều trong bàn nhậu bị chê là “không manly- nam tính”. Đó là suy nghĩ trong đầu những người uống rượu bia vô độ. Lấy tửu lượng cao làm thành tích là “tàn dư” của thói quen “tự hào”. Ai uống không say hay lâu say thường được người trong bàn nhậu nể phục. Ép nhau uống rượu (bia) chính là cách “phát huy” thói tự hào hảo ấy.

Monday, March 11, 2024

TIẾNG VIỆT, CỦA MIỀN NÀO?

Trước khi bàn đề tài này, tôi xin thưa, và muốn mở đề “lung khởi”, “rào trước đón sau” cũng rứa. Cho nó chắc.  Nhưng thôi, nói cho mau: Mục đích bài viết không đào sâu chia rẽ Bắc-Nam.

Trước một thực tế có nhiều tên gọi khiến một số người Nam- thật ra là người Sài Gòn – không ưa. Ví dụ các tên gọi về các bảng (biển) báo hiệu giao thông. Cầu vượt hướng về bến xe Bình Triệu có chữ “Cầu vượt bằng thép”. Người Nam hay gọi sắt, không gọi thép, dù thép và sắt khác nhau. Bùng binh Bến Thành thành vòng xuyến (hay vòng xoay) Bến Thành. Giao lộ thay cho nút giao. Bịnh viện thành bệnh viện. Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất. Phi trường hay sân bay thành cảng hàng không. Ai là người “có quyền” gọi như thế? Có phải đây là tiếng miền Bắc?

Người miền Nam “mạnh miệng” bảo vệ “tiếng Miền Nam” nhiều nhất là ông Nguyễn Gia Việt. Ông viết: “Người Bắc lúc nào cũng nói văn học quốc ngữ của họ là chuẩn, lấy làm khuôn vàng thước ngọc, lấy Nam Phong tạp chí làm hình mẫu mặc dù Nam Phong tạp chí của xứ Bắc ra đời sau những tờ báo ở Nam Kỳ như Gia Định báo, Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn…và Nam Kỳ là nơi xiển dương chữ quốc ngữ đầu tiên ở VN”.

Ông viết tiếp: “Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" 1942, hai ông sĩ phu Bắc Hà Hoài Thanh, Hoài Chân liệt kê 45 thi sĩ VN hiện đại, duy nhứt ở Nam Kỳ có 2 vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết. Và kết luận: “Thi sĩ Đông Hồ là người Nam nhưng viết văn làm thơ theo cách thức kiểu Bắc”. Do đó: “Vì cùng chung "giọng văn" nên vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết được các nhà viết văn học sử gốc Bắc công nhận”.

Tôi chưa nghiên cứu về tác giả này. Nhưng đọc một số bài viết của ông trên facebook, tôi có nhận xét: Tri kiến của ông rất quảng bác về văn học, con người, đất đai, phong tục, tập quán Nam bộ (nhất là vùng lục tỉnh).

Nhưng cách nói về tiếng Việt như ông như thế sẽ gây sự chia rẽ nguy hiểm cho nền văn học nước nhà.  Không thể vì: “Nam đọc "linh đinh", Bắc đọc "lênh đênh". Nam đọc "bịnh", Bắc đọc thành "bệnh", Nam đọc "gành", Bắc chuyển qua "ghềnh". Nam có "Cầu Kinh", Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh" mà chúng ta coi Nam Bắc như hai nước khác nhau có ngôn ngữ ắt phải không giống nhau.

Có một sự thật là các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, trong lĩnh vực văn học, văn nghệ, nói chung là văn hóa, “người Bắc” chiếm đa số.

Trước đây, sau 1954, những trí thức miền Bắc di cư gầy dựng ở miền Nam một gia tài văn học, văn nghệ vô cùng phong phú và đa dạng.

Trong cuốn Hồi Ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nói về văn học, ngoại trừ Bùi Giáng loáng thoáng một vài câu nhận xét, kỳ dư tất cả những nhân vật nổi tiếng, có khen có chê, thuộc những người (ngày xưa chúng tôi gọi là) “bên kia vĩ tuyến”.

Tôi có hỏi (qua một comment) một nhà nghiên cứu, ông Lại Nguyên Ân, người có công rất lớn trong việc tìm tòi và khôi phục “tài sản” văn học đồ sộ của học giả người Quảng Nam ông Phan Khôi, đại ý, vì sao ông không có những tác phẩm nghiên cứu về nền văn học Miền Nam (sau 1954). Ông đáp, “tôi không có điều kiện tiếp cận đầy đủ tư liệu”. Nói ngay, ông đâu có thời giờ mà nghiên cứu văn học miền Nam. Trong chiến tranh, văn học chắc chắn bị chia làm hai. “Bên nào lo bên nấy”.

Và như thế, những nhà nghiên cứu hải ngoại đang làm công tác nhận định nền văn học đó. Tôi biết một vài người làm công việc vĩ đại ấy có Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc…

Là người sống qua hai chế độ, ưa đọc sách, mến văn chương, tôi yêu các nhà văn nhà thơ sống (và chết) ở cả hai miền với hai chế độ khác nhau. Tiếc là không có điều kiện đọc các tác phẩm xuất bản sau 1975 của người Việt nước ngoài. Nhưng tôi vẫn yêu họ.

Tôi cũng tiếc là không có một công trình nghiên cứu đồ sộ nào bao quát tất cả tinh hoa văn học của nước Việt từ hai miền Nam, Bắc, và hải ngoại. Hay là đã có, đang có, và sắp có mà tôi không biết? Văn học nói chung, có được, và lưu giữ được là qua chữ viết, ngôn ngữ. Các nền văn học- vì hoàn cảnh lịch sử - không là của chung.

Là một người trình độ i-tờ về văn học, tôi muốn hai nền văn học Nam- Bắc trong chiến tranh trở nên một và cái một đó có cả nền văn học hải ngoại. Và tôi cũng rất buồn khi có người hô hào phải dùng “tiếng nói” của miền mình, không dùng tiếng nói của “miền kia”. Nếu có sự phân biệt vùng miền như thế trong ngôn ngữ thì sự phân biệt “vùng miền” sẽ còn mãi trong văn học. Ông Nguyễn Gia Việt, và tôi đoan chắc còn một số người miền Nam nữa, sẽ tán đồng câu nói này của ông; “Tại sao nhiều chữ của Miền Nam bị thủ tiêu và đưa chữ của Miền Bắc lên làm "chuẩn"?

Nhưng tôi không có trong số người Việt đó. Vì sao?

Tôi là người Quảng Nam “hay cãi”. Cãi (tranh biện) là lẽ sống của những người không chấp nhận suy nghĩ một chiều. Sau “ngày giải phóng”, tôi “vấp” ngay sự khác biệt ngôn ngữ mà ông Nguyễn Gia Việt nói tới.

Xem ti vi bị tắt, một chặp lâu, tôi thấy hiện ra chữ “sự cố kỹ thuật”. Hồi đó “sự cố” rất lạ mắt. Chúng tôi gọi là “trở ngại kỹ thuật”. Sinh viên chúng tôi tràn vào dinh Độc Lập, khi lễ kỷ niệm ngay sinh ông HCM,19.5.1975 kết thúc, để “coi” mấy ông lãnh đạo Việt Cộng như Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…ra sao.  Họ ăn mặt tuềnh toàng, áo bỏ ra ngoài quần, mang dép râu, nhìn rất lè phè. Một giọng loa cực lớn phát ra: “Các em không được vào nhà lớn. Các em không được vào nhà lớn”. Nhà lớn là đại sảnh?

Rồi “đảm bảo” với “bảo đảm”; “chủ nghĩa xã hội” với “xã hội chủ nghĩa”. “Xây dựng gia đình” thay cho “lập gia đình”. “Quan hệ” thay cho “lấy nhau” (ăn ở, ngủ với nhau). “Đi lại” thay cho “di chuyển”. Chữ Thập Đỏ thay cho Hồng Thập Tự. “Lính thủy đánh bộ” thay cho “thủy quân lục chiến”. “Bộ đội” thay cho “quân đội”. “Mũ nồi xanh” để gọi binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Đương nhiên, đế quốc Mỹ để gọi Hoa Kỳ (đúng ra là Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ). “Ngụy quân ngụy quyền” để chỉ quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Sunday, March 10, 2024

CỤ RÙA VIỆT NAM NHÌN RA THẾ GIỚI.

(Vietnam Embalms a Sacred Turtle, Lenin-Style. Việt Nam ướp xác một con rùa thiêng, như  kiểu Lê Nin)

- Vladimir, Mao Trạch  Đông, và bây giờ: một con rùa khổng lồ.

VN đã ướp xác một con rùa mà nhiều người xem là biểu tượng của sự trường tồn và độc lập nước nhà cho đến khi nó chết năm 2016, theo tường thuật của truyền thông nhà nước.

Đó là động thái nâng một con vật, gọi là Cụ Rùa, hoặc Rùa  Tổ, vào chung với những nhân vật trọng vọng nổi tiếng được ướp xác và được các chế độ cộng sản trưng bày.

Danh sách gồm Lê Nin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật của Bắc Triều Tiên, và Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc của VN.

Một con rùa khổng lồ cực hiếm được tẩm nhựa và đặt trong một ngôi đền ở hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội, nơi một thời nó sinh sống, báo VNExpress tường trình hôm thứ ba. Tẩm nhựa (Plastination) một phương pháp bảo quản cơ thể bằng cách bơm vào những hạt nhựa được một nhà giải phẫu người Đức áp dụng vào thập niên 1970.

Tẩm nhựa nhìn như còn sống, Cụ Rùa mang một ý nghĩa văn hóa và tâm linh vô hạn ở Việt nam.

Một truyền thuyết VN nói rằng vào thế kỷ 15, một anh hùng dân tộc (Lê Lợi - người dịch chú thích) mượn kiếm thần, sử dụng nó đánh đuổi quân Tàu đang chiếm đóng, và trả lại cho một con rùa nổi lên ở hồ Gươm, sau đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm  (anh chàng tây này kể sơ sài quá, không hấp dẫn bằng truyền thuyết của chúng ta - NLC).

Đền thờ rùa xây giữa hồ thập niên 1880, và Rùa Tổ qua đời ở đó năm 2016, được tin tưởng rộng khắp là hiện thân nhập thế từ truyền thuyết cổ xưa.

Truyền thuyết trả gươm (hoàn kiếm) có lợi cho nhà cầm quyền VN như là biểu tượng chủ nghĩa dân tộc chống Tàu, một nước láng giềng phương bắc và từng đô hộ VN.

Cái chết của Cụ Rùa, xảy ra trong một cuộc tranh luận nóng bỏng toàn nước về sự phụ thuộc kinh tế và có vẻ cả chính trị vào Trung Quốc, đã dấy lên nỗi buồn khôn xiết.

Một số người Việt thấy cái chết Cụ Rùa như là một điềm gở cho đất nước và cho đảng Cộng sản cầm quyền trong mấy thập niên.

Người ta tin Cụ Rùa chết vì các nguyên do tự nhiên. Nhưng hồ Hoàn Kiếm quá ô nhiễm, và người ta thỉnh thoảng có thấy cụ rùa trồi lên mặt nước tìm kiếm oxy để thở nhiều năm trước khi cụ chết.

Cái chết cũng là một mất mát cho lịch sử sinh học bởi vì Cụ Rùa, cân nặng tầm 164 kg là con cuối cùng thuộc những loại rùa mai mềm khổng lồ từ sông Dương Tử.

Chủng loài rùa, được biết như Rùa mai mềm (Rafetus swinhoei, miền Nam gọi ba ba, cu đinh, Quảng Nam tôi gọi con trạnh-ND), một thời rất nhiều ở Đồng bằng sông Hồng nhưng bị săn bắt sạch trong thập niên 1970 và 1980.

Cái chết Cụ Rùa chỉ để lại 3 cá thể được biết đến – một cặp ở sở thú Tô Châu, Trung Quốc, và một con ở hồ Đồng Mô, ngoại thành Hà Nội, giống đực hay cái hiện chưa rõ mấy.

Cặp rùa Tô Châu chưa sinh sản con nào, Tim McCormack, giám đốc chương trình nghiên cứu rùa châu Á, một tổ chức bảo tồn đặt trụ sở tại Hà Nội, báo cáo vào tháng tư năm ngoái.

Nhưng ông cũng nói thêm một cá thể rùa thứ tư cùng chủng loại đã được phát hiện ở hồ Xuân Khánh, ngoại thành Hà Nội, dấy lên hy vọng giống rùa mai mềm có thể đem về nuôi dưỡng tập trung.

Một vài tháng sau đó, McCormack viết báo cáo chương trình của mình đã cơ bản tìm thấy một con rùa thứ hai cùng chủng loại với rùa Đồng Mô, nhưng cần điều tra thêm để xác quyết phát hiện này.

Ông cho biết hôm thứ tư rằng một tổ hợp tác “phục hồi chủng rùa”, gồm các quan chức VN và các nhóm hỗ trợ đời sống hoang dã quốc tế, đang làm việc với kế hoạch bắt giữ những cá thể rùa đã biết, tìm hiểu xác định giới tính và có thể là nuôi dưỡng chúng.

“Tìm ra con thứ hai khiến mọi người phấn khởi vào giống rùa một lần nữa, và chúng tôi tin nó có thể được cứu sống nếu chúng ta có thể gom chúng về một chỗ”, McCormack viết trong một e-mail.

Sau khi Cụ Rùa chết, xác cụ được bảo quản lạnh nhiều tuần tại Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia, ở 15 độ dưới không, trong khi đợi giới thẩm quyền tranh luận cách tốt nhất để bảo tồn cụ.

“Ướp xác một cụ rùa không phải đơn giản, xem xét cẩn trọng là điều khó tránh”, Nguyễn Trung Minh, giám đốc bảo tàng  phát biểu năm 2016.

Chính phủ cuối cùng bác bỏ kỹ thuật ướp xác truyền thống và quyết định chọn “ướp nhựa” với sự giúp đỡ của các chuyên gia người Đức.

Cụ Rùa “tẩm nhựa” này chiếm chỗ trong đền Ngọc Sơn với xác tẩm người “bà con” đã chết năm 1967.

Nay cụ được trưng bày trong phòng nhiệt độ thông thường, nhưng để tránh bụi, nấm mốc, ánh sáng, giới thẩm quyền đã đặt cụ trong 1 hộp kính.

CẤM XE MÁY?

Tình cờ đọc tin về hội thảo giao thông thành phố Sài Gòn, một phó giáo sư, tiến sĩ nêu tham luận đại ý: cấm hẳn xe máy, không thể để cái nghèo "đe dọa" chúng ta trong quy hoạch giao thông thành phố. Ông còn nói chính xe máy là thủ phạm gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Cấm tiệt xe máy là tốt nhất. Trước cũng nghe một tiến sĩ khác hiến kế: cứ để xe máy thiệt nhiều , khi không lưu thông được người dân sẽ chọn lựa phương tiện công cộng.

Thật sự ngưỡng mộ những nhà thông thái.

Tôi không ý kiến nữa vì ý kiến cư dân mạng quá nhiều và quá đủ. Tôi không phải là phó giáo sư, chỉ là phó thường dân, đề xuất suy nghĩ mọn về vấn nạn giao thông thành phố.

Trước mắt phải xác định nếu không giải quyết nạn kẹt xe, Sài Gòn sẽ là một thành phố đáng sợ chứ không phải đáng sống. Hậu quả mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều rõ: ô nhiễm, tốn kém thì giờ, công sức, và nhất là sức khỏe, có ý kiến cho rằng với lượng khí thải do xe cộ mỗi người dân già trẻ đều hít phải khí độc tương đương khói của 1 bao thuốc lá.

Giải quyết giao thông không thể chỉ giao cho sở giao thông, mà phải giao cho người đứng đầu thành phố, miễn ông ta được cấp cao hơn giao toàn quyền quyết định.

1- Phải tiến hành khảo sát: xã hội học (xem vì sao người ta chạy xe ra đường quá nhiều, chạy để làm gì, ai là người đi ngoài đường nhiều nhất...), dân số học (xác định mật độ dân số từng vùng của các quận, đẻ dễ nắm số lượng người giao thông), kinh tế học (xem việc chạy xe có liên quan đến hoạt động sản xuất không, nhiều hay ít...)...Để đề ra phương hướng điều tiết giao thông hợp lý. Và phải lập một ủy ban quản lý giao thông công đầy năng lực.

2- Xác định xe máy là cần thiết cho việc đi lại (đa số dân xử dụng) nhưng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện, ...) phải là chủ đạo. Hạn chế xe cá nhân để mở rộng xe công cộng. Thành phố phải chuẩn bị vốn để đầu tư thật cấp bách thật to lớn, cho phương tiện công cộng để dần dần phương tiện này nhận lãnh vai trò chính trong giao thông đô thị. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nước ngoài vào đầu tư metro như ở Singapore.

3- Tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" về giao thông, nghĩa là sẽ áp dụng một số biện pháp có thể phạm luật: chẳng hạn ngưng ngay việc cấp phép lưu thông mới cho xe hơi, xe máy. Tất cả xe không mang bảng số TP đều sẽ dần dần chấm dứt lưu thông khi thành phố cảm thấy phương tiện giao thông công cộng đảm nhận được vai trò của mình. Những cư dân ngoại tỉnh đều phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi làm việc, sinh sống ở thành phố.(Dĩ nhiên, lúc này xe buýt phải nhiều).

Xe con từ 4 đến 7 chỗ lưu hành theo bảng số xe chẵn, lẻ theo ngày chẵn, lẻ. Trừ xe công vụ như chữa cháy, cảnh sát, cứu thương, hay những dịch vụ cấp thiết quốc gia. Ngưng ngay việc cấp mới giấy phép cho xe taxi, Uber, Grab. Nhưng khi thấy bí bách thì có thể nới lỏng chút đỉnh. Chỉ cho phép đổi xe cũ sang xe mới. Những xe cũ (xe hơi, xe máy) sẽ được chính phủ thu mua và bán lại cho những địa phương ít xe cộ hơn. Những phương tiện vận chuyển vật tư "rắn" như vật tư xây dựng, kể cả xe thô sơ, đều phải hoạt động ban đêm, từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, trừ những khu vực, phương tiện sản xuất quan trọng, có cân nhắc cho phép lưu thông ngoài giờ đó.

4- Việc hạn chế giao thông trên chỉ thực hiện khi thành phố có đủ xe buýt, xe điện, và hệ thống xe công cộng này đã trải đều thành phố. Bắt buộc đi xe buýt đối với tất cả sinh viên, viên chức, công chức nhà nước, các học sinh từ tiểu học trở lên, hạn chế việc đưa đón bằng xe cá nhân, trừ những người có công việc đặc thù như cảnh sát, công an, hay các vị trí chóp bu của quận huyện, thành phố.

 Muốn có hệ thống xe buýt đều khắp thì vỉa hè cần giải quyết rốt ráo: thành lập một công ty quản lý vỉa hè trực thuộc thành phố. không thể có "cát cứ sứ quân cho vỉa hè. Nếu chưa sử dụng hết thì phân cho hộ dân có mặt tiền sử dụng một khoảng không gian nhất định, và phải đóng phí, tùy vị trí buôn bán. Những người bán hàng rong cần phải đăng ký, sử dụng một loại xe thô sơ có những mẫu quy định, và phân bổ ra các trục đường thuận tiện. Dần dần quy hoạch họ vào những khu nhất định.

Vỉa hè không thể là nơi muốn bán cái gì cũng được, muốn chiếm bao nhiêu cũng được, và muốn làm gì cũng được. Phải dành vỉa hè cho người đi bộ đến trạm xe buýt, xe điện... Nới rộng hàng năm số đường đi bộ ở khu vực trọng yếu. Các trạm xe buýt phải thoáng, rộng, mát, không thể để như hiện nay, người đi xe buýt như những kẻ nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội.

5- Dời ngay xe lửa ra ngoại thành, sử dụng chỗ của đường ray làm đường lộ, ga xe lửa thành bến xe buýt. Xe lửa chả lợi gì mà gây cản trở giao thông thành phố rất nhiều. Hàng trăm giao lộ xe lửa chạy qua là hàng trăm ách tắc giao thông. Dời tất cả cơ sở sản xuất có quy mô lớn, vừa ra khỏi trung tâm thành phố. Nhà nước xây nhà xã hội bán rẻ, cho thuê để công nhân khỏi phải dùng xe máy đi làm.

6- Mời nước ngoài đầu tư tàu điện ngầm, hoặc hợp tác, hoặc giao hẳn họ xây dựng, điều hành, chuyển giao. Sự có mặt của loại hình giao thông này phải là mục đích cuối cùng cho giao thông đô thị.

7- Về lâu về dài, tất cả các cơ quan hành chính thành phố đều phải tập trung về một chỗ, có nhà công vụ, nơi sinh hoạt cho viên chức, công chức. Hai cơ quan đảng, chính phủ nên nhập làm một, nhằm giảm biên chế, tăng lương gấp đôi, gấp ba, và đất, nhà, hiện đang sử dụng hoặc chuyển sang mục đích phục vụ công cộng như xây nhà mẫu giáo, công viên, hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp ngân sách.

Khi tiến hành xây dựng những gì liên quan đến đường sá như đào cống, nới rộng đường, lắp đặt cáp quang, dựng trụ điện ... đều phải làm 3 ca, không nghỉ ngày nào kể cả ngày lễ.

8- Để người dân bớt căng thẳng khi lưu thông ngoài đường, đề nghị nghiêm cấm phát loa ầm ĩ, treo cờ phướn rợp đường, các bảng quảng cáo, bảng hiệu đều phải nằm dọc theo mặt tiền nhà, tức dọc lề đường, không được nằm ngang trên khoảng trống của vỉa hè. Việc dựng bảng tuyên truyền nên dẹp ngay vì không ai vừa chạy xe vừa ngó chúng bao giờ, ngoại trừ muốn gây tai nạn vì phải đọc những câu khẩu hiệu dài ngoằn. Chỉ có bảng chỉ dẫn đường được phép có mặt trên các lề đường để hướng dẫn giao thông mà thôi.

9- Nghiên cứu lưu lượng người lưu thông bằng tin học, quan sát xe cộ đi lại bằng vệ tinh để có biện pháp phân luồng, phân làn, thiết lập thêm đường một chiều, những điểm hay kẹt xe phải luôn luôn có cảnh sát túc trực điều hành.

10- Đẩy mạnh và phát triển giao thông đường thủy vì Sài Gòn có rất nhiều kênh rạch, thuận tiện cho loại hình vận chuyển bằng tàu thủy. Cần lập lại trật tự việc lấn chiếm bờ kênh, bờ rạch, nạo vét thông suốt, khuyến khích đầu tư vận chuyển đường thủy.

11- Ngày tết đường phố SG vắng tanh. Dân nhập cư về nhà ăn tết. Bảng số xe gần 1 phần 4 là của các tỉnh. Kinh tế SG phát triển nhờ công sức của lao động nhập cư. Nhưng chính sự có mặt của họ cùng với chiếc xe máy làm mật độ xe lưu thông tăng cao. SG cùng các tỉnh lân cận phối hợp tổ chức phát triển các ngành kinh tế phù hợp, thu hút và giữ chân họ "ly nông, bất ly hương", và đây là hướng tốt nhất để giúp SG tránh "bội thực" lao động.

12- Một điều cuối cùng là giáo dục văn hóa giao thông ngay lúc trẻ còn học mẫu giáo. Các em sẽ tập đi xe công cộng, các em sẽ ý thức được tính tập thể, lịch sự trật tự từ nhỏ. Và người lớn chúng ta nên gương mẫu trong việc lưu thông, nên tập quen với xe buýt, ý thức nhân đạo sẽ hình thành từng chút, người giàu sẽ đi xe buýt chứ không chỉ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Khi số lượng xe cá nhân giảm đi, phương tiện công cộng sẽ chiếm chỗ cho việc đi lại cho xã hội, người dân thành phố sẽ đi bộ nhiều, tốt cho sức khỏe, sẽ kỷ luật hơn, lên xuống xe trật tự, lòng nhân ái được nhân lên, qua những việc nhỏ như nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai.

Đến một lúc nào đó, đi xe buýt nhanh hơn, đúng giờ hơn, rẻ tiền hơn, tiện nghi hơn là đi xe hơi, xe máy, người dân sẽ tự nguyện bỏ dần xe cá nhân thì thành phố sẽ bớt ô nhiễm, ra đường sẽ không còn cảnh đánh nhau vì va quẹt, thành phố không còn những con đường ngập tràn xe máy nhích từng chút, nhả khói xe đầy trời. Việc đi lại dễ dàng sẽ giảm đi rất lớn sự lãng phí cả tinh thần lẫn vật chất do kẹt xe gây ra.

Tất nhiên, những biện pháp trên chỉ áp dụng cho một số quận nội thành dân cư nhiều. Những quận khác có thể áp dụng biện pháp khác mềm dẻo hơn, miễn là việc chuyển đổi mô hình vận chuyển cá nhân sang công cộng không ảnh hưởng đến đời sống, sức sản xuất của thành phố to nhất nước, năng động nhất nước, và quan trọng là đóng góp ngân sách nhất nước.

Chỉ cần nhìn giao thông, người ta đánh giá trình độ phát triển của một thành phố, một đất nước. Lúc đó, cấm xe máy hay không cấm xe máy sẽ không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn của người dân nhưng ngay bây giờ, quyết tâm của những nhà quy hoạch là quyết định cuối cùng.