Wednesday, September 4, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 14

TRI KỶ, TRI BỈ: BIẾT MÌNH, BIẾT BỆNH

Tôi lấy ý từ câu nói của cổ nhân: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Mắc bệnh ung thư thì có chi là biết mình, biết người? Tôi thì cho có liên quan; biết ta và người đồng nghĩa “biết mình biết bệnh”. Bệnh còn nguy hiểm vì nó coi như địch. Muốn thắng địch, phải hiểu địch, trước khi chiến đấu chống lại nó.

Ung thư có hàng mấy chục loại. Tôi không phải là nhà nghiên cứu ung bướu nên không thể nói rõ đặc tính các loại bệnh ung thư, nhưng quý vì thì có thể. Khi bác sĩ cho tôi biết mình mắc loại ung thư nào, tôi liền lên mạng internet tìm hiểu.

Tất nhiên, những trang mạng khả tín có địa chỉ hẳn hoi, chúng ta phải để ý tới trước. Hằng hà sa số các mô tả về tất cả các loại bệnh ung thư. Tha hồ mà tìm hiểu. Mỗi loại ung thư đều có những đặc tính khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, tùy tuổi tác, tùy giai đoạn bệnh. Nếu tôi không lầm, ung thư chia làm bốn giai đoạn và mỗi giai đoạn sẽ cho biết khả năng sống kéo dài bao lâu khi mắc và cả khi chữa khỏi, nghĩa là bệnh đã lui.

Các bước hướng dẫn chữa trị ở bệnh viện, chúng ta không cần nói tới, chỉ có việc tuân thủ các phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên môn. Tìm hiểu bệnh để biết người bệnh ở giai đoạn nào, tâm thế chuẩn bị ra làm sao. Có nhiều chỗ khiến tôi thảng thốt khi đọc trên mạng, thời gian sống của bệnh nhân theo loại bệnh ung thư, chưa chữa cũng như chữa lành.

Khi nghĩ ngợi, 6 tháng hay 1 năm, 2 năm, nhiều năm hơn, mình sẽ từ giã cõi đời, theo y văn đọc trên mạng, tôi ban đầu thấy thất vọng và buồn bã vô cùng. Không phải là sống sung sướng hạnh phúc mới nuối tiếc. Sống bôn ba cũng như mọi người, nghe đến phải chết vào một thời điểm nào đó, chỉ có Phật hay Thánh mới không dao động tâm can, chúng ta là con người mà, “một ngày dương gian bằng một vạn ngày âm phủ”.

Có quá nhiều triết lý, đời là bể khổ, đời là cõi vô thường, đến rồi đi “như gió thổi như mây nổi như chiêm bao”. Về với nước Chúa là diễm phúc về nước Thiên Đàng. Chết là sự sắp xếp của Thượng Đế. Con người phó thác vào bàn tay của Chúa…Chết là hết, chết là cát bụi, trở về với cát bụi. Nhưng người bệnh như tôi làm sao cầm được nước mắt khi nghĩ tới cái chết (tôi xin nhắc lại, tâm trạng ban đầu của một người phát hiện mình mắc ung thư, và không phải bị ung thư thì mọi người phải chết):

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi” (Trịnh Công Sơn)

“Gõ nhịp khôn nguôi” khiến tôi tưởng tượng ra tiếng gõ nhịp cốc cốc, cốc cốc, của vị chủ đòn, điều khiển các phu khiêng quan tài trên đường đi về nghĩa địa. Nhưng tôi nhắc lại, y văn, dù đúc kết tiến bộ y khoa hằng thế kỷ, cũng không phải là…”nghị quyết” của Nam Tào trên thượng giới, nắm vận mệnh con người, ngày tháng nào ai chết, đối với các loại bệnh ung thư

Tôi biết một thông gia của tôi khi ông 82 tuổi đã mắc ung thư tuyến tiền liệt ở Đà Nẵng. Bác sĩ nói với gia đình, thôi không chữa trị hóa chất vì ông quá già. Đôi ba tháng, cùng lắm nửa năm ông sẽ mất, bệnh ở giai đoạn cuối. Ông rất minh mẫn và rất ao ước sống dù bà đã đi trước ông một năm. Tinh thần ông sảng khoái như một thanh niên. Ông được điều trị ở một phòng dịch vụ của bệnh viện vì ông muốn chữa lành ung thư. Con cái thay phiên ở với ông tại bệnh viện. Đôi ba tháng khỏe, ông về nhà vui vẻ, “bố hết bệnh rồi, bác sĩ nói thế”. Quý vị biết ông sống bao nhiêu năm sau đó? Gần 10 năm dù mỗi năm phải vào bệnh viện sống đôi ba tháng trong căn phòng dịch vụ riêng ở bệnh viện.

Rõ ràng, y văn không phải là đúng tất cả cho mọi trường hợp. Một người già 82 tuổi mắc ung thư tuyến tiền liệt, sống thêm gần 10 năm, có y văn nào ghi nhận điều đó? Tôi không nói, tinh thần yêu cuộc sống của mình giúp cụ ông kéo dài thời gian sống; tôi muốn nói: cơ thể mỗi người mỗi khác, phản ứng cơ thể họ đối với căn bệnh dù là ung thư cũng phải khác.

Khi tìm hiểu bệnh của mình, thấy những tư liệu nêu ra thời gian sống của các loại bệnh ung thư, chưa chữa hay đã chữa, người bệnh không nên hốt hoảng mất tinh thần: cơ địa mỗi người mỗi khác; y văn kia biết đâu đúc kết từ nghiên cứu ở những người phương Tây chứ không phải nghiên cứu ở những người Việt Nam và y văn phải cập nhật mỗi năm. Biết đâu y văn ta đọc trên mạng là kết quả của nghiên cứu y khoa hơn thập kỷ trước, lúc đó trình độ khoa học không tiên tiến như hiện nay.

Có ai giải thích vì sao người Việt không nhiễm Covid-19 nhiều như các nước châu Âu? Tất nhiên, nỗ lực của nhà chức trách là chủ yếu nhưng tính đề kháng trên thân thể người Việt phải nói là rất tốt trước các dịch bệnh, tôi không thể hiểu vì sao nhưng rõ ràng là có. Người Việt khi ở Mỹ, tôi có người bà con chết vì Covid-19, rất sợ dịch bệnh này trong khi ở Việt Nam, người Việt rất gan và rất “chịu chơi” (xơi tiết canh gia cầm khi đang có cúm gia cầm), và chính cái “chịu chơi” đó giúp người Việt chống chọi lai nhiều thứ từ thiên nhiên như bão lũ, chiến tranh, địch họa, và bệnh tật. Trong 5 nước thường trực Liên Hiệp Quốc thì có ba nước bị Việt Nam đánh “sấp mặt”: Mỹ, Tàu, Pháp. Corona mà ăn nhằm? Tôi nói vui vậy thôi chứ không phải đánh thắng đế quốc “đầu sỏ” được thì cái gì cũng đánh thắng.

Khi hiểu bản chất của loại bệnh ung thư mình mắc, người bệnh sẽ không còn bị dao động bởi những người đến thăm. Ôi thôi, cơ man nào lời khuyên, lời tham vấn, có khi còn thuyết phục hơn lời bác sĩ chưa kể những “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” (Nguyễn Du) kia làm bệnh nhân mất ngủ cả tuần vì tưởng chúng là sự thật, sự thật hiển nhiên: “bệnh này dễ chết lắm”.

Nếu bệnh nhân tự tìm hiểu bệnh tình của mình không được vì họ không tiếp cận internet, người nhà như con cháu nên bỏ công ra tìm hiểu và cố gắng giải thích cho họ nhất là những người lớn tuổi, cha, mẹ, ông, bà… của mình. Hành động nhiệt tình như thế cũng là liều thuốc bổ về tinh thần cho người thân mắc ung thư trong gia đình.

Khi hiểu được bệnh, hiểu được quy trình điều trị, người bệnh có lẽ sẽ an tâm hơn. Họ không còn bối rối khi có ai đó “uy tín” cho biết bệnh họ thế này, bệnh họ thế kia, sẽ thế này, sẽ thế kia, trong khi những người “uy tín” đó không phải tất cả đều uy tín, nghĩa là họ biết tất mọi loại bệnh, rắc rối như ung thư.

Khi biết rõ, người bệnh sẽ không còn sợ hãi, mù mờ không biết cặn kẽ bệnh tình của mình. Ngày xưa, các bác sĩ có khuynh hướng “giảm nhẹ” sự trầm trọng của bệnh; ngày nay, nói thật với bệnh nhân tỉnh táo là xu hướng tiến bộ, sự thật chỉ nói một lần; nói dối phải nói nhiều lần. Tất nhiên, chỉ nói thật với những bệnh nhân minh mẫn, có khi đối với bệnh nhân tinh thần không có, nói thật bệnh tình có khi lại tai hại còn hơn nói dối như “bác khỏe rồi, mai xuất viện nha”, gia đình họ biết đó là cách để đưa bệnh nhân về nhà yên bệnh đón chờ ngày rời cõi thế.

Biết sự thật sẽ làm tan biến sự sợ hãi. Tôi kể câu chuyện nhỏ. Nhà cũ tôi ở Đồng Nai, gần nhiều rừng cao su, mênh mông bát ngát. Già như tôi, một mình cũng không dám vào rừng ban ngày chứ đừng nói ban đêm. Phía sau nhà tôi là ông hàng xóm vui tính. Thỉnh thoảng khi còn sống, ông đứng sát hàng rào nói chuyện với tôi, có khi những đêm tối trời hay có trăng chiếu sáng. Một buổi tối trời chập choạng, ánh trăng mờ ảo, tôi ra sau nhà, và thấy người hàng xóm đã chết hiện ra, đứng sát hàng rào như đưa tay hướng về phía tôi, vẫy vẫy.

Người chết đôi khi rất linh thiêng nhưng dù thân với ông tôi cũng không dám lại gần; ông hiện giờ là bóng ma. Tôi lạnh người trở vào nhà, sắp đóng chặt cửa, định chui vô chỗ phòng riêng của vợ “cho đỡ sợ”. Nhưng tôi suy nghĩ, vô lý, không lẽ có ma? Tôi lấy can đảm trở ra, cầm theo đèn pin, với con rựa bén, và đúng là ma thật: tàu lá chuối rách hai bên phất phơ như cánh tay vẫy vẫy. Tôi thở phào nhẹ nhõm, đi vô nhà, không thèm vô phòng của vợ. Nếu tôi không quyết tâm tìm hiểu sự thật, chắc chắn tàu lá chuối kia sẽ là con ma, và câu chuyện gặp ma của tôi sẽ được kể ra với nhiều người, người hàng xóm kia sẽ “linh thiêng” lắm.

“Sự thật”, người ta nói, “sẽ cứu rỗi loài người”, nghe to tát quá; nhưng đối với người bệnh ung thư, họ cần biết rõ sự thật về căn bệnh của mình, có thể biết là chữa được hay khó chữa, thậm chí không chữa được, và đó là điều thân nhân cần nên lưu ý. Tôi cho đó là lý do tôi vượt qua hiểm nghèo bệnh tật, bởi tôi tìm hiểu rất kỹ, tôi muốn biết sự thật của nó. Khi biết sự thật về bệnh của mình, tinh thần tôi luôn ở tư thế “sẵn sàng”, dẫu là sẵn sàng đón nhận một số phận hẩm hiu. Là người ai cũng phải chết. Đức Phật, đức Chúa, thánh Mohamed… tất cả đều phải chết. Với tinh thần như thế, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, và biết đâu, chính cái tinh thần ấy giúp tôi vượt qua căn bệnh ung thư giai đoạn ba.