Lũ lụt xảy ra ở Trung bộ có lẽ thường xuyên hơn ở Bắc bộ. Nhìn cách đối phó thiên tai của đồng bào ngoài đó, tôi có cảm giác, họ không quen thuộc thiên tai là mấy so với người miền Trung. Khi lũ lụt rút đi, bùn non ở rất nhiều nhà đóng dày đôi ba tấc. Họ không quen "dọn bùn non" như người Trung, cụ thể là Quảng Nam. Khi nước lụt mấp mé rút khỏi nhà, người ta dùng chỗi hoặc trang cào bùn non ra khỏi nhà, khỏi sân, nhờ nước "mang" đi. (Trang, trong chữ trang trải, dụng cụ bằng gỗ có cán dài. Đầu cán là mảnh gỗ mỏng trên 2 phân hình chữ nhật, rộng chừng 2 tấc, dài 5 đến 6 tấc, dùng để cào lúa thành đống). Lợi dụng nước chưa rút hẳn (ở Quảng Nam gọi là "dựt"). Nước lụt rút, nền nhà, nền sân sạch bóng.
Đó chỉ là mẹo nhỏ. Khi có dự báo mưa hoặc bão, người Trung khá bình tĩnh. Ngày xưa, không có dự báo thủy văn, ông bà chúng tôi "nhìn trời" mà đoán thời tiết. Chẳng hạn ở vùng chúng tôi ở. Nếu mưa to, trời vần vũ, mây đen kịt, tôi nói mùa mưa bão, cha ông chúng tôi bảo chẳng phải lo: Bạo phát, bạo tàn. Nếu mưa lâm râm nhiều ngày, trời thường xuyên u ám, nước trên sông tràn bờ, ruộng lúa ngập nước mưa, không sâu, không nhanh lắm,nhưng không thấy rút (dựt): Coi chừng. Đó là hiện tượng sắp có lụt lớn, lúc 12 tuổi, tôi đã chứng kiến, 1964- Giáp Thìn.
Quê tôi không nằm theo lưu vực sông Thu Bồn. Lụt năm Thìn không gây ra chết chóc nhiều. Những làng cùng trong huyện chịu thiệt hại rất nhiều. Những làng ấy ở hạ lưu. Làng chúng tôi ở vùng thượng lưu, sông Côn, một con sông nhỏ chảy vào sông Vu Gia, sau đó nhập vào sông Thu Bồn, nơi xảy ra thảm nạn. Chưa có thống thống kê nhưng có hàng chục ngàn người bỏ mạng năm Thìn.
Vì sao, lụt năm đó lại gây thảm trạng? Mưa dai dẳng cả chục ngày kèm gió như bão. Nước sông thường đón nước từ rừng chảy ra, từ tốn, điềm đạm. Rừng trước 1964 ở đầu nguồn Quảng Nam hầu như nguyên vẹn, không có dấu vết khai thác mãnh liệt của bàn tay con người. Rừng điều hòa nước mưa, không gây lũ lụt bất ngờ.
Thu Bồn, con sông dài, nhiều nơi uốn lượn, hai bên bờ là những ruộng dâu xanh ngát, nước trong xanh, chảy qua nhiều đoạn núi rừng hùng vĩ, không kém phần nên thơ và lãng mạn. Bùi Giáng là người đã tắm sông Thu Bồn từ nhỏ. Những vần thơ mượt mà phát xuất từ một làng nhỏ ven sông. Sông Thu như cô gái e ấp của quê hương xứ Quảng.
Bỗng dưng, cô gái hiền lành trở thành bà già ác độc. Sông Thu hóa sông Hồng, dữ dội. Sông Hồng là nỗi kinh hoàng của người dân Bắc bộ sống hai bên bờ sông. Giang Văn Minh ví dòng sông như máu. "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"(Cột đồng đến nay rêu đã xanh),. Ông đối lại "Đằng giang tự cổ huyết do hồng". (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Ngã trụ đồng thì tiệt dân ta).
Vì sao hiền hòa bỗng trở nên ác độc, con sông Thu? Đầu nguồn con sông có hòn núi bên cạnh những dãy đá- như một con đê chắn nước. Nước mưa từ nguồn đổ xuống nếu lưu lượng quá lớn thì hòn núi, dãy đá này sẽ ngăn lại, cho nước chảy từ từ về hạ nguồn.
Hòn núi và dãy đá kế bên như cổng ngõ của dòng sông có tên là Hòn Kẽm- Đá Dừng. Núi không phải có kẽm nhưng cứng như sắt. Hòn Kẽm- Đá Dừng nằm án ngự trên chỗ uốn của con sông sừng sững đến nỗi có câu ca dao, tác giả có lẽ là một người con gái, vì duyên phận phải lấy chồng xa, thương cha nhớ mẹ nhưng lại đem tỏ bày cùng người yêu không duyên số (bậu). "Ngó lên Hòn Kẽm -Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi".
Năm Giáp Thìn (1964) lịch sử ấy, Hòn Kẽm-Đá Dừng bị lở. Đá Dừng trốc gốc. Hòn Kẽm tan hoang. Nước như đại hồng thủy đổ vào Trung Phước (nay là Nông Sơn) cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm hàng ngàn mạng sống. Hiện còn một miếu thờ nghe đâu trên 1800 người mất tích. Thân xác cuốn về biển cả.
Nước lũ nhiều, nước lũ mạnh làm lở mất Hòn Kẽm-Đá Dừng - Một bảo chứng của thiên nhiên điều hòa dòng nước lũ.
Những năm trước 1964, núi rừng nguyên sinh không có sự tàn phá của con người, tại sao Quảng Nam lại có trận đại hồng thủy, nhấn chìm không biết bao nhiêu làng mạc, cướp mất không biết bao nhiêu mạng người?
Thiên nhiên nổi giận ư? Không có lẽ. Ngày nay, nếu có thiên tai như bão lũ, người ta có thể quy tội con người hủy hoại thiên nhiên nên phải nhận hậu quả. Nhưng ngày tháng thanh bình ấy, tại sao thiên nhiên lại nổi giận với trận lụt năm thìn?
Hay là do chu kỳ vũ trụ chuyển vần là 60 năm? 1904 lụt lớn ở Nam kỳ. 1964 lụt lớn ở miền Trung. Nay 2024 lụt lớn ở Bắc kỳ.
Con người có thể tiên đoán được việc mình làm trong 10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn nữa. Nhưng con người không thể tiên đoán thiên nhiên sẽ như thế nào vào ngày mai chứ chưa nói đến năm sau.
Vậy, tốt hơn hết, hãy sống hòa hợp với thiên nhiên. Như chuyện rất nhỏ tôi nói ở trên: dựa vào dòng nước rút để rửa bùn và tạt nó khỏi nhà. Nước lụt rút đi, sân nhà sạch bóng.