Tuesday, September 17, 2024

Ung thư và con đường tôi chữa khỏi. CHƯƠNG 18: NIỀM TIN.


Có rất nhiều niềm tin. Khi xuất hiện trên trái đất, con người đã có niềm tin. Nào thần gió, thần sấm sét, thần lửa…Cậy dựa vào một thế lực siêu nhiên nào đó, con người cảm thấy an toàn hơn. Người Việt Nam bắt đầu có niềm tin vào thế giới họ chưa hiểu từ rất sớm. Trời gọi là Ông Trời. Đất gọi là Thổ Công. Sông có thần Hà Bá. Núi có Thần Núi. Ngoài Ông Trời còn có Ông Bà. Trước 1975, ở miền Nam, trong phần kê khai trên giấy tờ nói về lịch sử cá nhân (lý lịch), có người ghi ở mục Tôn giáo: Lương (đạo ông bà). Chưa có thống kê chính thức và cập nhật về số lượng người theo các tôn giáo ở Việt Nam. “Đạo Ông Bà” có lẽ chiếm số đông, kế đến là đạo Phật, đạo Thiên Chúa… Tôi không có tham vọng nói đến cái uyên áo của mỗi tôn giáo nhưng tôi có thể nói, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn, có thể nói rất tốt, đến những ai mắc bệnh nan y, trong tâm trí luôn ám ảnh cái chết không tránh khỏi nếu chữa trễ, chữa không khỏi: Ung Thư.

Đây là trải nghiệm cá nhân nhưng là trải nghiệm tôi thấy có hiệu quả cho một người mắc ung thư như tôi. Trong tất cả các nghi thức cúng kiến trong đời sống tâm linh của hầu hết người Việt Nam, cầu bình an khỏe mạnh là câu khấn nguyện có lẽ trong mọi nghi thức ấy. Nếu cầu chi được nấy, con người hạnh phúc xiết bao. Nhà thờ, nhà chùa, các đền đài, miếu mạo…hẳn không đủ chỗ cho người đến khấn nguyện. Nhưng có một điều, tôi nhận thấy, bất kể ai bước ra từ nhà thờ, nhà chùa, các đền đài “linh thiêng”, tất cả gương mặt họ đều hiện lên một niềm hy vọng, thể hiện trên nét mặt an bình; họ như trút hết âu lo, gửi chúng vào lòng bao dung của các bậc linh hiển. Chắc chắn trong ngày hôm đó, hay nhiều ngày sau, nhiều tháng sau – ai biết - người hành lễ còn giữ trong lòng một niềm tin, một hy vọng, về sức khỏe, gia đạo, ngay cả danh vọng, tình duyên.

Niềm tin vào một đấng thiêng liêng hay đấng toàn năng, đối với một người ung thư như tôi, theo Kitô giáo, là niềm tin có thật, càng về sau càng vững chãi. Đứng trong nhà thờ dự thánh lễ mỗi chúa nhật, tôi chăm chú nhìn lên thập tự giá, nơi một người đàn ông gầy trơ xương bị đóng đinh, máu chảy bên hông, máu rướm các chỗ đinh đóng vào tay, vào chân của ông trên gỗ thập tự giá. Người thanh niên 33 tuổi này là hóa thân của đức chúa Trời, xuống thế làm người. Ông bị đóng đinh vì một niềm tin của mình: Muốn cứu rỗi loài người. Ông bị giết vì người khác không tin vào niềm tin của ông.

Cái hình ảnh đau đớn ấy làm cho tôi thấy, cái đau đớn chịu đựng, sau lần đầu vô hóa chất, vơi nhẹ mỗi lần tôi đi lễ mi-sa ở nhà thờ. Tôi luôn cầu nguyện, tôi sẽ vượt qua khổ nạn của bệnh tật, không phải bị đóng đinh, đau đớn, trên thập tự giá hơn hai ngàn năm của người Đàn ông cứu chuộc kia. Tôi gửi gắm niềm tin chữa lành của tôi vào ông. Trong kinh thánh, cả bốn vị thánh tông đồ, đều ghi chép rất nhiều các phép chữa lành bệnh của đức chúa Jesus. Tôi chắc chắn tôi sẽ được ngài chữa khỏi. Lẽ dĩ nhiên, ngài là Chúa trong tín ngưỡng tôn giáo của riêng tôi.

Những người không theo đạo, hay theo đạo khác, những người mắc ung thư như tôi, họ có đấng thần linh nào của riêng mình để họ tin tưởng, gửi gắm niềm hy vọng được chữa lành bệnh nan y của mình hay không? Tôi không rõ nhưng tôi chắc chắn, niềm tin có thể giúp tinh thần tôi vững mạnh. Tinh thần tác động thể xác có lẽ ai cũng biết.

Người bệnh nan y muốn tinh thần mình vững mạnh nhờ niềm tin, hay chẳng có một niềm tin nào thì cũng sẽ khỏi bệnh? Tôi khó có câu trả lời cho họ, nhưng tôi có câu trả lời cho cá nhân mình: Mỗi lần nhận bánh thánh (nghi thức thánh lễ Công giáo), ngậm trong miệng cho đến khi bánh tan vào cơ thể, tôi cầu nguyện phần u nằm nơi cổ mình, nơi đáy lưỡi, một ngày nào đó sẽ phải tan theo, hay sẽ biến mất, nhờ miếng bánh mỏng như lá lúa, có kích cỡ của một đồng tiền xu, vị linh mục trong nhà thờ trao cho tôi mỗi khi tôi đến nhà thờ đi lễ. Có thể là duy tâm đối với người khác nhưng đối với tôi, đó là mong ước được đáp đền.

Nhà tôi theo đạo Công giáo khá lâu, từ lúc cha tôi (1902) lập gia đình sinh con đầu lòng năm 1928. Qua nhiều thay đổi lịch sử, gia đình tôi và con cái tôi vẫn giữ đạo. Nhưng thú thật, do ảnh hưởng các “triết thuyết” tôi tìm đọc khi vào đại học, niềm tin tôn giáo của tôi không mạnh mẽ, như bà xã và các con tôi (tôi có 5 người con).

“Có bệnh thì vái tứ phương”, tâm trạng của tôi khi mắc ung thư lại càng đúng như thế. Có lẽ, đối diện với cái chết ung thư (tôi nhắc lại, suy nghĩ chung của ai lần đầu phát hiện mình ung thư như thế; sự thật không phải ai ung thư cũng chết, khi tỷ lệ chữa khỏi ngày càng tăng nhờ tiến bộ y học), tôi càng tin…Chúa hơn, đi nhà thờ siêng hơn, cầu nguyện thành khẩn hơn. Thật sự là chân thành mộ đạo.

Khi chữa xong bệnh, mỗi lần nuốt thức ăn hay nuốt nước miếng, tôi có cảm giác nằng nặng ở đáy lưỡi (tôi thấy bác sĩ ghi theo dõi u đáy lưỡi lần đầu xét nghiệm). Độ năm sáu tháng sau, cái cảm giác nằng nặng ở đáy lưỡi nhẹ dần đi, và biến mất lúc nào tôi không rõ. Có lẽ do tác dụng của thuốc thời gian hơn nửa năm hay “tác dụng” của lời cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ, hay mỗi tuần lúc rước mình thánh Chúa trong nhà thờ? Nhưng tôi nghĩ, đó là niềm tin tôi sẽ được chữa lành. Tôi cho có tác dụng tâm lý từ niềm tin tôn giáo của tôi vào việc chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi không rõ nó có tác dụng tương tự đối với người bệnh ung thư khác, theo tôn giáo khác hay không. Nhưng với tôi, tôi tin là có. “Phước cho những ai không thấy mà tin” (Kinh Thánh).