Ở miền Nam thuở trước ít nhắc đến lũ. Họ chỉ nhắc đến lụt. Như đại hồng thủy nhưng người ta vẫn gọi nó là “lụt năm Thìn” ở Quảng Nam. Vì không có số thống kê chính thức, số người chết và mất tích có thể ở mức 10.000.
Vốn là con dân xứ Quảng, tôi và rất nhiều đồng hương, coi lụt không có gì là ghê gớm. Năm nào mà không lụt, không bão. Nói lụt “như cơm bữa” là quá đáng nhưng đúng. Trừ bão, lụt rất quen thuộc với dân Quảng, thực ra là cả dân miền Trung (hay Trung bộ, cho “nó mới”). Khái niệm cứu trợ người bị bão lụt dường như không có. Vì năm nào không lũ, lụt. Nhưng chỉ cứu trợ nạn nhân trường hợp bão lụt gây thảm trạng chết người, nhà cửa bị tàn phá, ruộng vườn hư hại quy mô lớn. Không phải người dân không đùm bọc nhau. Họ chỉ thể hiện khi đồng bào mình thực sự khó khăn. Nạn nhân bão lụt luôn tự lực cánh sinh. Ít khi nào trông chờ "từ thiện".
Tất nhiên chỉ một lần, cả nước (thực ra là từ vĩ tuyến 17 trở vào) cứu trợ “đồng bào miền Trung”. Miền Trung ở đây có lẽ ám chỉ về Quảng Nam: Trận lụt năm Giáp Thìn. Nông dân xứ tôi gọi lụt là trận. Trận giống như trong trận chiến. Tàn phá và chết chóc.
Chính quyền Sài Gòn, do ngài Phan Khắc Sửu dẫn đầu, phát động quyên góp cứu trợ người bị nạn năm Thìn ở miền Trung. Đoạn video ngắn chiếu ông, trong bộ đồ “quốc phục” (áo dài khan đóng), khẩn thiết kêu gọi “quốc dân đồng bào” với câu “lá lành đùm lá rách”; “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Rất kịp thời và rất chân thành của những người con miền Nam, nhất là người Sài Gòn.
Nhưng tấm lòng ấy không gây kinh ngạc bằng một tấm lòng khác. Dù ở hai chiến tuyến, dù đang đánh nhau, dù đang hận thù, miền Nam vẫn nghĩ đến miền Bắc trước trận lũ kinh hoàng ngày 19 tháng 8 năm 1971. Theo VTV1, lũ lớn nhất VN trong vòng 250 năm qua tại các tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú và Hà Tây. Hai triệu chín trăm hộ gia đình bị ngập nặng. Số người chết và mất tích là trên 100.000 người.
Và tờ báo Tin Sáng ở miền Nam (VNCH) liền phát động chiến dịch cứu trợ miền Bắc.
Kết quả ”CỨU LỤT MIỀN BẮC KẾT THÚC VỚI 609.490 đ”. Hồi đó, một đô la Mỹ đổi được 414 đồng tiền VN. Quy ra vàng, số tiền báo Tin Sáng quyên góp là 23.313 lượng (hai mươi ba ngàn ba trăm mười ba lượng). Họ nói: hoặc xin phép chính quyền để mang tiền ra đó; hoặc nhờ đại diện báo ở nước ngoài; hoặc nhờ cơ quan Hồng Thập Tự (Chữ Thập Đỏ) quốc tế chuyển giúp. Có lẽ vì lý do tế nhị, sợ chính quyền “quốc gia” nghi ngại việc “tiếp tế” cho “cộng sản”, không thấy Tin Sáng cho biết gởi ra ngoài Bắc số tiền ấy bằng cách nào. Cũng không thấy bất kỳ một tin tức nào về chuyện chính quyền VNCH phản đối hay ngăn cấm cuộc quyên góp này. Báo bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa tháng ba năm 1972 vì lý do khác. Không còn dòng nào nói thêm về việc quyên góp này.
“Máu chảy ruột mềm” là tấm lòng của mọi người Việt Nam, không kể Nam-Bắc, không kể “quốc gia” hay “cộng sản”. Đây là chi tiết lịch sử mà ít ai biết tới. Không được cho biết vì nhiều lý do “tế nhị” nào đó chăng?
Tuy nhiên, trên danh sách người ủng hộ đồng bào miền Bắc gặp nạn có cả những người nổi tiếng như Kim Cương hoặc Trịnh Công Sơn (nhạc sĩ này gởi đến tòa soạn băng nhạc Kinh Việt Nam, bán được 5.000 đồng, gần 2 cây vàng). Những người thuộc tầng lớp lao động tham gia khá đông. Có cả chị em “bán thịt heo” ở chợ. Thương phế binh VNCH Vũ Thành Đức cũng chung tay. Tất cả họ không ngại bị chính quyền khó dễ vì “giúp đỡ cộng sản”. Và cũng chẳng viên chức chính quyền nào lên tiếng ngăn cấm việc quyên góp tiền gởi ra Bắc của báo Tin Sáng.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Cha ông ta ghi ra chân lý đơn giản ấy trong kho tàng văn chương bình dân. Chân lý ấy ngày nay có còn giữ nguyên giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống? Đây đó trên mạng, tôi bắt gặp (một số ít) người miền Bắc còn gọi (một số) người miền Nam là ba que (3///), đu càng, bám gót Mỹ). Họ đâu có hiểu rằng, trong chiến tranh, hận thù, khói lửa, nghi kỵ, người miền Bắc gặp nạn, người miền Nam sẵn lòng cưu mang. Họ thấy “máu chảy ruột mềm”. Họ đâu có thấy “máu chảy…đầu rơi”. Đồng bào là đây.
Lũ lụt là thiên tai không ai muốn. Nhưng lũ lụt lại thử thách lòng người. Lũ lụt còn thể hiện tấm lòng: "Người trong một nước phải thương nhau cùng" (*).
(*) Bài viết lấy tư liệu (gồm cả hình ảnh) từ bài của Thùy Anh “Người miền Nam VNCH từng cứu trợ miền Bắc Cộng Sản ra sao?” đăng ở Saigon Nho.