Saturday, September 7, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 17

               NHÂN SINH TIỂU THIÊN ĐỊA: QUY LUẬT

                                        1 *

Thuận thiên giả tồn: Quy luật chi phối mọi vật kể cả con người. Nguyên câu của nó: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thuận lẽ trời thì còn, trái lẽ trời thì mất. Tôi còn hiểu thiên không chỉ là trời. Thiên là quy luật (của vũ trụ). Nếu Thiên là Trời, ông Trời, thì phải có bà Trời. Ông Trời đã sợ, có bà Trời nữa, ai mà chịu thấu.

Tôi có một người bạn dạy đại học ở Đà Nẵng. Mỗi lần về thành phố đáng yêu nhiều bãi biển đẹp, gần nhiều di sản văn hóa thế giới Hội An, Huế, Mỹ Sơn, đi đâu tôi cũng nhờ anh làm “cán bộ đường lối”. Tay lái lụa. Anh từng chạy xe máy đi phượt hàng mấy trăm cây số. Nhưng khi vô Sài Gòn, tôi đưa xe anh không dám chạy. Ghê quá. Anh cho biết cảm tưởng khi nhìn thấy xe cộ qua lại hơn con thoi ở thành phố nhiều xe cộ nhất nước nhờ dân nhiều nhất nước. Anh sợ dù bạn bè gọi anh là tay lái lụa. Tôi không là tay lái lụa nhưng tôi ở Sài Gòn nhiều hơn bạn tôi. Tôi học quy luật chạy xe ở thành phố, ra đường là xe cộ mịt mùng. Khi qua đường, muốn “cắt” dòng xe ngược chiều, bạn phải quan sát kỹ phía trước: xe lớn, hãy nhường; xe hai bánh như mình, bạn hãy dấn đầu xe về họ; nếu thấy “nguy hiểm” họ sẽ chạy chậm lại, thế là, bạn rồ ga lướt qua. Nếu thấy xe đối mặt “băng băng” như trên xa lộ, bạn nên chững lại, chờ tên lửa vút qua, hãy quan sát trước sau và nhanh chóng “cắt đường”.

Bạn sẽ thấy nhiều tay lái xe phân khối lớn, họ chạy như phản lực cơ; quy luật họ nắm là ai cũng “ngán” tiếng nổ của xe phân khối lớn, màng nhĩ bạn lùng bùng, và “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nép qua một bên, thế là ai cũng muốn nhường đường cho ông nội Harley có tiếng nổ oai hùng ấy, lớn giọng đe dọa. Mấy tay lái mô tô này cũng áp dụng quy luật: “mạnh (miệng bô xe) được, yếu thua”, hoặc “rung cây nhát khỉ”. Bạn hãy nắm quy luật chạy xe ở Sài Gòn, không qua mặt thì nhường đường; người chạy đối diện nhường đường, bạn phải chạy qua ngay. Sài Gòn xe chạy như mắc cửi nhưng ít ùn tắc lâu, mọi người đều tuân thủ một quy luật nào đó khi chạy xe. Chạy xe ở Sài Gòn, tôi nói nội đô, có va quẹt nhưng ít có tai nạn thảm khốc; đa số người chạy xe nắm vững quy luật lưu thông, trừ trường hợp, phụ nữ chưa quen chạy xe hơi nhưng lại sắm thứ đắt tiền, mang guốc cao gót khi điều khiển xe hơi, gây tai nạn chết người như báo từng đăng.

                                   2*

Quy luật luôn luôn hiện hữu chỉ có chúng ta không chịu phát hiện chúng hay có phát hiện nhưng không áp dụng. Khi đến ngã tư đường, tôi chứng kiến có xe chạy tốc độ cao gây tai nạn. Nạn nhân hay gây ra tai nạn tôi thấy có bảng số không phải thành phố. Có lẽ người gây tai nạn này mới tham gia làm người Sài Gòn. Khi đèn đường chuyển từ xanh sang vàng, anh này tăng tốc để vượt qua. Cũng có một người khác thấy đèn vàng, chưa kịp chuyển xanh, vội vã rồ ga. Cả hai tông vào nhau ở tốc độ lẽ ra không có ở ngã tư đường, vì cả hai đều không tuân theo quy luật giao thông: đèn vàng là khoảng thời gian cho người chạy xe chuẩn bị dừng hoặc chạy.

Khi chạy xe ra khỏi nhà, người chạy phải đội nón bảo hiểm. Tôi chứng kiến nhiều người không theo quy luật, tưởng rất nhàm chán này, kết cuộc, tai nạn thương tâm. Người ta đội nón bảo hiểm chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông, một suy nghĩ hết sức không đúng: họ tước bỏ an toàn của chính mình mà không biết. Có thời gian tôi ở vùng Đồng Nai, gần quốc lộ 20, con đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xe hơi, xe con, nhiều nhất là xe khách, xe tải, chạy liên tục ngày đêm. Vùng đất đỏ trù phú này còn trồng cây điều (đào lộn hột) rất nhiều. Người dân làm giàu nhờ hạt của cây có dầu xuất khẩu lấy ngoại tệ rất nhiều. Một bác nông dân chở một bao hạt điều ra lộ bán, tiệm thu mua nằm sát quốc 20. Anh chạy xe không đội nón bảo hiểm, nhà anh cách nơi thu mua chưa tới 100 mét và “không có cảnh sát giao thông”. Vừa dựng xe mép đường thì một chiếc xe khách chạy tốc độ khá cao, quẹt phần đuôi chiếc bao đựng hạt điều. Xe bị quật ngã, anh ngã ngửa, rất mạnh, đầu va vào nền đường; anh chết ngay tại chỗ: sọ nứt vì chấn thương. Nếu theo quy luật, lên xe máy là đội nón, anh không phải chết tức tưởi như thế.

Cháu ruột tôi bị chết cũng vì không tuân thủ quy luật chạy xe máy. Nhà cháu ở Phương Lâm cách Sài Gòn gần 150 km. Mỗi cuối tháng, cháu chạy xe máy về thăm ba mẹ. Cháu là kỹ sư vừa mới ra trường. Cháu đi xe về nhà cùng người em ruột. Chẳng may, tai nạn xảy ra; chừng 7 giờ tối, các cháu gần đến cổng nhà mình, một thanh niên trên chiếc xe phân khối lớn, chạy ngược chiều do muốn qua mặt một chiếc xe tải, vì chóa đèn, anh tông trực diện vào hai cháu tôi đang chạy sát lề phải. Người thanh niên kia và một trong hai người cháu chết tại chỗ. Cháu còn lại được cấp cứu sống sót sau 1 tuần nằm mê man; khi vào bệnh viện, người ta phải cắt dây để kịp lấy nón bảo hiểm thít chặt vào đầu. Anh của nó không phải không đội nón; người em kể lại, người anh mở nón ra treo trên xe…cho nó nhẹ, cháu nghĩ đã gần đến nhà. Quy luật luôn luôn tồn tại. Nếu cháu tôi tuân theo quy luật an toàn, gia đình anh chị tôi không phải đau đớn, những tháng năm còn lại của tuổi già. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, có thể là lời nhắc nhở hữu ích trong cuộc sống của chúng ta. “Giả vong” vì không theo trời, không theo quy luật. Người xưa: nhân sinh như tiểu thiên địa (con người là trời đất thu nhỏ)

Vì sao tôi đem quy luật thế sự, quy luật an toàn… để nói quy luật sinh hoạt con người? Tôi nghĩ mọi cái, từ vũ trụ bao la đến cá nhân bé nhỏ đều bị chi phối bởi một quy luật, mà làm trái quy luật, con người ắt gặp những điều không muốn. Tư hữu là động lực sản xuất tác động đến nhân loại. Làm trái quy luật – tức công hữu tư liệu sản xuất - mang lại bất cập và hệ lụy nhân loại chúng ta từng chứng kiến. Lưu thông cho xe cộ chia đường ra lề phải, lề trái. Người chạy đúng lề - theo quy luật – làm sao đụng nhau, gây tai nạn? Chạy trái lề quy định - trái quy luật - người lái xe sẽ nhận lấy thương tật, thậm chí cái chết, cho người khác, và cho cả chính mình.

Quy luật ở giao thông cũng có mặt ở sức khỏe con người. Có ai uống rượu mỗi ngày mỗi lít mà tuổi thọ nâng cao? Gan của người nghiện rượu sẽ nguy hiểm hơn người uống chừng mực và điều độ. Gan thương tổn vì người uống không theo quy luật: thái quá bất cập, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Một chuyện nhỏ khi uống rượu và ăn lẩu. Món lẩu hấp dẫn khi ăn nóng. Ăn nóng nếu uống tý rượu thì phù hợp, tạo sự ngon miệng. Nhưng ăn nóng uống lạnh – với bia có đá chẳng hạn - răng người ăn sẽ dễ nứt. Lạnh của nước đá tác động vì nóng của nước lẩu – sai quy luật ăn uống– răng nứt, dễ hư hỏng… rất đúng quy luật!

                                          3*

Bây giờ tôi xin phép chuyển qua sức khỏe con người: cần quy luật để sinh tồn. Cơ thể con người theo quy luật không? Có, tôi luôn tin như thế. Đông y cho rằng, thời gian trong ngày, từ giờ tý cho tới giờ hợi, mỗi “múi” giờ tương ứng hoạt động cơ thể.

Theo kinh điển y học cổ truyền, nói đến kinh lạc qua thiên Kinh biệt sách Linh Khu viết: “Con người có 12 kinh mạch; khỏe mạnh bình an hay đau ốm bệnh tật đều bắt nguồn từ đó cả”.

Từ 3 - 5 giờ sáng (giờ Dần):  phế kinh hoạt động khiến các triệu chứng ho, sốt, đổ mồ hôi bộc phát dữ dội hơn, nếu có bệnh tại phế. Đây là thời điểm Phế kinh đẩy mạnh sức đề kháng để tự chữa lành

Từ 5 - 7 giờ sáng (giờ Mão): đại tràng co bóp mạnh nhất, lúc này nên đi tại tiện để thải chất độc.

Từ 7 - 9 giờ sáng (giờ Thìn): giờ thịnh Vị kinh, lúc dạ dày hoạt động tích cực nhất, đây là thời điểm lý tưởng để ăn sáng.

Từ 9 - 11 giờ sáng (giờ Tỵ): khi Tỳ kinh thịnh, có thể nói lá lách hoạt động và hấp thu tốt nhất.

Từ 11 giờ sáng - 1 giờ chiều (giờ Ngọ): Tâm kinh hoạt động, là thời gian âm dương thiếu cân bằng trong ngày nên con người dễ bị mệt mỏi, vì vậy cần nghỉ ngơi để tránh mắc bệnh (nghỉ trưa thật quý).

Từ 1 - 3 giờ chiều (giờ Mùi): có thể nói ruột non bài tiết và hấp thu tốt nhất, vì vậy nên ăn trưa trước 1 giờ chiều.

Từ 3 - 5 giờ chiều (giờ Thân): Bàng quang kinh hoạt động mạnh, cần uống nhiều nước hơn.

Từ 5 giờ chiều - 7 giờ tối (giờ Dậu): Thận kinh hoạt động tích cực, do vậy thích hợp để những người bệnh ở kinh Thận - Bàng quang xoa bóp bấm huyệt vị, tập dưỡng sinh, thả lỏng cơ thể.

Từ 7 - 9 giờ tối (giờ Tuất): Tâm bào kinh hoạt động. Lúc này thần kinh và tim hoạt động mạnh nhất.

Từ 9 - 11 giờ tối (giờ Hợi): Tam tiêu kinh hoạt động. Có thể ví như đây là thời gian hệ nội tiết hoạt động mạnh, nên cần đi ngủ để điều hòa cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.

Từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng (giờ Tý) là Đảm kinh hoạt động.

Và từ 1 - 3 giờ sáng (giờ Sửu) là Can kinh hoạt động. Có thể xem như Can kinh - Đảm kinh như gan mật, là cơ quan khử độc bài tiết, miễn dịch quan trọng của cơ thể nên chúng ta cần nghỉ ngơi trong khoảng thời gian quý báu này, nhằm nâng cao chức năng điều tiết và phục hồi của kinh lạc sau 1 ngày làm việc

                                            4*

Đông y có những mặt tiến bộ siêu việt, nhiều cái không thể lý giải. Tại sao, thời xa xưa, không có khoa giải phẫu, người Trung Hoa cổ biết rõ kinh lạc trong cơ thể? Ngành châm cứu ra đời rất sớm. Đọc Tam quốc chí, thấy Quan Vân Trường để thầy thuốc mổ cắt bỏ thịt ở cánh tay bị tên độc làm hoại tử; chúng ta ngạc nhiên, ông này can đảm, chịu đau giỏi đến thế. Thực ra, Hoa Đà dùng kim phóng bế huyệt đạo cánh tay Quan Công, giống như đánh thuốc mê vào chỗ mổ, cảm giác đau không còn, xương nạo sồn sột, người bị mổ vẫn thản nhiên uống rượu, đánh cờ.

Năm 1972, Mao Trạch Đông khoe với tổng thống Mỹ Richard M. Nixon tiến bộ đông y cổ truyền Trung Quốc qua châm cứu. Dùng 2 cây kim mảnh dài 6 tấc, một bác sĩ châm cứu chích vào huyệt đạo nào đó của con voi trắng to lớn trong sở thú; con voi đứng bất động, không thể đưa vòi qua lại như thường thấy, trước sự thán phục của phái đoàn người Mỹ do Nixon và Kissinger dẫn đầu khi đến thăm Bắc Kinh. Như vậy, cái ta tưởng không quy luật nhưng lại có quy luật. Và bằng cách nào người Trung Hoa cổ tìm ra quy luật trong châm cứu, đó sẽ là đề tài hấp dẫn, nhưng đó nằm ngoài hiểu biết của người viết. Chỉ dẫn giờ giấc nào thì bộ phận nào trong cơ thể con người hoạt động, như ta đọc ở trên. Quy luật nằm ở đó. Thức khuya quá 1 giờ sáng thời gian dài, con người đối diện với sự xuống cấp của chức năng gan là điều có thật.

                                                5*

Tôi xin nói đến một thói quen phản quy luật sức khỏe: hút thuốc lá. Phổi cần không khí trong lành, chúng ta lại cho nó ám đầy khói thuốc lá. Hít càng sâu vào tận cùng ngóc ngách của lá phổi, người hút mới thấy…đã. Tôi từng chứng kiến sau năm 1975, lần đầu gặp các chú bộ đội từ miền Bắc vào hút “điếu cày” (hay điếu cầy?). Có người hút rất điệu nghệ, có người mới tập tò, nhất là các chú bộ đội đâu 16, 17 tuổi non tơ. Có anh bật ngửa ra giường nằm như bất tỉnh sau khi rít một hơi dài khói thuốc lào (hay Lào?). Tôi sảng sốt tưởng anh “đi” luôn, nhưng không, đôi ba phút sau, anh ta ngồi bật dậy, sảng khoái la to: quá thích, quá thích. “Thuốc lào bổ phổi, diệt trùng lao”? Tại sao phổi cần không khí trong lành, thì con người lại tẩm nó bằng khói thuốc? Tại khói thuốc quá hấp dẫn? Thuốc lá còn gọi tương tư thảo. Tương tư nghĩa là xa nó sẽ nhớ nhung, như nhớ người yêu, như nhớ vợ mới cưới. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Nếu là tôi, nhớ ai thì nhớ nhưng điếu chôn dưới đất nên chôn luôn. Không chôn nó, nó sẽ chôn người hút. Ngày càng nhiều ca ung thư từ khói thuốc lá, theo dõi thống kê y tế, khắc thấy, tôi không nói ngoa.

Sống cần chất lượng, tại sao (một số người trong) chúng ta phải buông thả, bỏ qua những quy luật sống? Đê mê từ khói thuốc quan trọng hơn an bình với sức khỏe tốt hay sao? Tại sao phải đánh đổi sức khỏe để được “sảng khoái”?

Thời gian tôi điều trị, rất nhiều đàn ông trông khỏe mạnh, cũng vì yêu cảm giác “sảng khoái” cả đời, họ phải sắp hàng chờ đợi ở bệnh viện, để làm các thủ tục điều trị ung thư phổi. Họ cũng sẽ như tôi, phải chịu đựng nỗi đau đớn của hóa chất điều trị vì niềm sảng khoái đắt đỏ thế sao? Tuy nhiên, lỡ hút thì tùy, nhưng là bệnh nhân ung thư, dù là loại nào – không cứ ung thư phổi – tôi nghĩ bệnh nhân nên bỏ hẳn thuốc lá.