Monday, September 16, 2024

HỌC SINH VÀ CỨU TRỢ

Qua nhiều lần cứu trợ thiên tai như bão lũ ở những nơi bị nạn, tôi không thấy sự xuất hiện của đội ngũ học sinh và sinh viên. Hay là chỉ mình tôi không thấy?

Hồi chúng tôi đi học, không có tổ chức đoàn thể trong học đường. Chỉ ở Sài Gòn thì Tổng hội Sinh viên là có tiếng thường gắn với sinh viên y khoa, tổng hội trưởng Huỳnh Tấn Mẫm.

Các tỉnh không thấy tổ chức hội học sinh. Có lẽ hồi ấy, chiến tranh luôn đè nặng cuộc sống nên ít ai quan tâm lập hội. Nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cần sự chung tay của mọi người, thì học sinh được "nhắm tới" đầu tiên. Tôi nhớ lại những năm là học sinh trường Bồ Đề, Hội An.

Ngoài tổ chức Thanh (Thiếu) Niên Phật Tử, học sinh thường tham gia các đợt (nay hay gọi là "phong trào") thiện nguyện. Giúp đỡ đồng bào tỵ nạn chiến tranh và nạn nhân bão lụt là chủ yếu. Học sinh thường tham gia việc phân phối hàng cứu trợ, thường là từ các cơ quan dân sự vụ Hoa Kỳ.

Nơi đến của học sinh là các trại tạm cư "tỵ nạn cộng sản". Họ là những người dân từ các quận (hồi đó không có huyện) tập trung vào vùng "an ninh" gần tỉnh lỵ Hội An, hoặc các quận lỵ. Thời điểm này, chiến tranh chưa khốc liệt. Có nhiều toán thiện nguyện do các huynh trưởng Phật giáo dẫn đầu đến tận nhiều quận vùng xa. Về sau, có một vài học sinh trong đoàn từ thiện bị chết vì đạn lạc hay dẫm phải mìn, việc cứu trở chỉ diễn ra ở thành phố, thực ra là ở ngoại ô Hội An như Ngọc Thành, Lai Nghi, Cẩm Hà (trên) và Cẩm Hà (dưới), khu này  về sau có thêm làng Hồi Chánh, nơi ở của những cán binh cộng sản đã "trở về với chính nghĩa quốc gia".

Tham gia những đợt thiện nguyện ấy thường là vào ngày chúa nhật, ngày lễ, nhất là nguyên ba tháng nghỉ hè. Dẫn đầu vẫn là những huynh trưởng Phật tử. Có cả các chú tiểu. Tôi còn nhớ trường Bồ Đề có chú Trần Văn Đệ, pháp danh Thị Kỉnh, chúng tôi hay gọi là chú Kỉnh. Hiện ông là hòa thượng đang tu hành ở một ngôi chùa VN lớn nhất nước Úc. Chính ông kể lại, từng chứng kiến một vài thành viên đoàn cứu trợ tỵ nạn chiến tranh bị mất mạng vì chiến tranh.

Tham gia thiện nguyện của học sinh tập trung chủ yếu vào cứu trợ bão lụt. Quảng Nam năm nào cũng có không bão thì lụt. Hội An nằm cuối sông Thu Bồn hứng nhiều trận lụt nhất. Những vùng ngoại ô hầu hết đều chìm trong nước lụt. Làm quen nhiều đời với lũ lụt, trừ năm Giáp Thìn, người dân ở đây đối phó rất điềm tĩnh trước thiên tai.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình không tránh kịp lên chỗ cao mắc kẹt lại khi nước lụt bao quanh nơi ở. Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào VN, khắc phục hậu quả thiên tai thuận lợi hơn. Họ dùng nhiều ca nô đi những vùng có người mắc kẹt để chở họ về chỗ an toàn của Hội An. Nơi xa, họ dùng trực thăng để bốc những người họ quan sát thấy ngồi trên nóc nhà kêu cứu. Dân nghèo thường ở nhà tranh. Nhà nào có Mỹ đến cứu nhà đó kể như mất trắng mái tranh vì sức gió từ các cánh quạt của trực thăng. Sau đó, người Mỹ rút kinh nghiệm. Họ sử dụng dây dài thả người xuống để kéo người bị nạn lên tàu. Sức gió cánh quạt không làm hỏng các mái tranh.

Học sinh chúng tôi được hướng dẫn đứng những chỗ quy định nơi cao ráo để giúp những người từ vùng lũ được ca nô hay máy bay trực thăng chở đến. Hoặc ẵm dùm em bé. Dắt phụ những trẻ con đi được, có em cóng vì ướt thì chúng tôi cõng họ. Hoặc ôm một cái...lồng tre bên trong có một chú heo con. Có người còn cầm theo chiếc...chiếu.

Các nơi họ ở trú qua cơn lụt là trường học của chính phủ hay của các cơ sở tôn giáo như Công giáo hay Phật giáo. Nơi đây, họ được đồng bào mang thức ăn đến như bánh mỳ, bánh ú. Đôi ba hôm lũ rút thì họ lại lục tục trở về. Có vài em học sinh phụ họ một quãng xa trước khi trở lại thành phố.

Về sau, chiến sự dần ác liệt. Công việc cứu trợ đồng bào tỵ nạn không còn. Việc cứu trợ lũ lụt không xảy ra nữa. Hầu hết dân chúng đều tập trung những khu định cư quanh thành phố. Hoặc ở nhờ nhà thân nhân. Khá giả hơn, họ thuê nhà thành phố để ổn định cuộc sống. Giá nhà thuê rất nhẹ. Có người cho ở không tiền những gia đình nghèo khổ. Hội An là thành phố nhỏ nhưng nó cưu mang rất lớn những mảnh đời bất hạnh của đồng bào các quận lỵ kéo về.

Thời gian học sinh tham gia công tác thiện nguyện không nhiều. Nhưng thời gian ấy giáo dục học sinh không ít. Cùng chia sẻ những khó khăn bước đầu của đồng bào tỵ nạn chiến tranh, cùng dầm mưa lội nước với những người tỵ nạn bão lụt, học sinh hình thành tức thì trong tâm hồn của mình tinh thần "máu chảy ruột mềm". Những việc làm của các em trước nỗi mất mát hay bất hạnh của đồng bào vùng quê chiến tranh, lũ lụt hun đúc trong trái tim họ lòng yêu quê hương đất nước.

Yêu tổ quốc bằng những việc làm cụ thể, nhỏ nhoi, gần gũi. Họ không yêu đất nước bằng khẩu hiệu to tát, bằng tượng đài nguy nga, bằng những cái bánh chưng khổng lồ, bằng những bát phở vĩ đại.

Chính những lúc đồng bào gặp hoạn nạn mới lộ rõ tấm lòng con người giả-chân. Mưa gió bão bùng chưa dứt hẳn mà một số chị em ăn mặc đẹp đẽ, khiêu vũ trên một đường phố Hà Nội. "Thông điệp" của họ là động viên người thủ đô vững vàng tinh thần chống chọi thiên tai.

Phải chi những người này, mỗi người cầm một cái chổi, quét dọn lá từ những cây ngã đổ chỗ họ nhảy múa. Hành vi dù của một nhóm nhỏ người, không đại diện cho ai, cũng cho thấy có cái gì đó không ổn trong giáo dục con người từ bé.

Không thấy học sinh hay sinh viên trực tiếp tham gia cứu trợ, tôi cảm thấy bùi ngùi, nhớ lại năm tháng chiến tranh ở Hội An, có những lần hăng hái đi theo các huynh trưởng tham gia cộng tác thiện nguyện.