Saturday, September 14, 2024

SẠT LỞ

Có hai nguyên nhân gây sạt lở đất chôn vùi mạng sống trong các cơn mưa lũ: từ thiên nhiên và từ con người. Nhưng, con người là “thủ phạm” chính trong các tai ương này.

Đọc tin, có thầy giáo đưa học sinh tránh sạt lở. Hai giờ sau, nhà nội trú, một số phòng học đổ sập. Không có thương vong. Một trưởng làng 32 tuổi dắt bà con của mình tránh sạt lở (không phải tránh lũ). Sau 3 ngày tưởng là mất tích, 112 người vẫn còn sống, trở về trong sự lo lắng của hàng triệu đồng bào cả nước dõi theo cơn lụt sau bão Yagi.

Tất cả bà con may mắn ấy đều sinh sống cạnh núi rừng. Rừng lẽ ra sẽ bảo bọc họ. Nhưng không. Rừng trở nên tàn nhẫn: sạt lở giết người.

Nhìn bức ảnh chụp ngôi làng ở Lào Cai nơi cả trăm người thoát chết, chúng ta thấy gì? Loang lổ. Những nơi sạt lở như những vết thương trên thân thể người mẹ Thiên Nhiên.

Một cảnh rừng loang lổ ở Lào Cai (2024).

Vì đâu nên nỗi? Nếu quan sát kỹ bức ảnh đầy vết thương ấy, quý vị sẽ thấy: Rừng không còn nguyên sinh. Rừng tái tạo. Rừng nguyên sinh có màu xanh thẫm. Không có chỗ đậm nhạt khác nhau. Màu sắc lá cây cho biết rừng trồng thời gian không giống nhau.

Nếu là rừng trồng với cây rừng “nguyên gốc”, nghĩa là trồng loại cây đã mọc trước đây và khai thác xen kẽ, không đồng loạt như khai thác cây làm giấy (tràm bông vàng…), tôi nghĩ rừng sẽ không bị sạt lở “đại trà” như chúng ta thấy.

Rừng trọc do chiến tranh tàn phá ít hơn do con người khai thác. Rừng “thiên nhiên” có nhiều tầng thực vật, bụi, dây leo, cây nhỏ, cây to, cây cao. Rừng là nguồn điều tiết nước trời ban cho con người. Phá rừng trồng lại không theo quy luật sẽ vô tình hại rừng, cùng lúc, hại cuộc sống con người.

Khi nào hết sạt lở gây chết người trong những trận mưa bão, phải nói là thường xuyên trên đất nước chúng ta? Càng về sau, sự mãnh liệt của thiên tai càng dữ dội.

Đi rất nhiều nơi có núi rừng ở miền Trung, tôi có nhận xét: Rừng nguyên sinh còn không đáng kể so với rừng “nhân tạo”. Hầu hết rừng trồng cây làm nguyên liệu cho giấy: Keo lá to, tràm bông vàng.

Ở những dãy rừng trồng loại cây “mì ăn liền” này, chặt, đốt, trồng không hề theo một chu trình, thời gian ấn định nào cả. Nhớ những cánh rừng thân yêu trong ký ức, xanh thẫm một màu, và thay đổi chút đỉnh theo mùa về màu sắc, rồi nhìn cũng những cánh rừng ấy loang lổ, do đốt cháy, trơ trụi để trồng đợt cây mới, lòng tôi không khỏi nao buồn. Người dân vẫn còn phải mưu sinh bằng cách chặt đi, trồng lại, chu kỳ thường là 3 năm. Thử hỏi, khi đốt sạch, vi sinh vật ở đất không sống nổi. Huống hồ chim muông. Rừng trồng keo, tràm phải thường xuyên dọn sạch cỏ, đất phải trơ ra; rồi những con đường ngang dọc xẻ vào rừng cho xe lấy gỗ tạo nên những vết cắt dài trong lòng đất. Có một cơn mưa, dù không lớn, nước ào ào đổ xuống sông, đỏ ngầu còn hơn nước sông Hồng mùa lũ.

Mưa to, mưa kéo dài, làm sao rừng chịu nổi mà không gây sạt lở chết người?

Rừng lẽ ra đem lại yên bình cho con người. Rừng bỗng trở thành mối đe doạ, hiểm nguy.

Tôi ao ước, rừng keo, rừng tràm bán làm giấy sẽ được dần dần thay thế bằng rừng tre, rừng trúc, rừng lim, rừng sao, rừng dầu (rái)… những loài cây ngút ngàn trước đây khi hai miền còn chưa thống nhất.

Sạt lở, bão bùng, lũ lụt sẽ qua đi. Và sẽ trở lại. Người bị nạn(trên 230) vừa qua, và trong tương lai, ai biết được sẽ không còn, khi rừng không thực sự là rừng; người mẹ thiên nhiên nuôi sống và che chở con mình.

Rừng ơi!