Thursday, September 19, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 18:ĂN

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC... BỆNH

-1*

Có hàng trăm ngàn người chữa khỏi bệnh ung thư. Tất nhiên hàng trăm ngàn người đó đều phải nỗ lực tự thân. Cha, mẹ, vợ, con, anh, chị… không ai gánh lấy nỗ lực người bệnh dù họ đều mở lòng yêu thương. Nỗ lực mỗi người mỗi khác. Chữa lành ung thư nhờ bệnh viện nhưng trước hết nhờ nỗ lực bản thân bệnh nhân. Nỗ lực ấy phát xuất từ ý thức: tự cứu lấy mình trước khi cầu người khác cứu. Không giống hầu hết các bệnh khác, ung thư phải hóa trị hay xạ trị, sức chịu đựng của bệnh nhân ung thư phải nói là khủng khiếp. Khủng khiếp cả ở chỗ hóa chất đưa vào cơ thể, tác dụng phụ của nó, có chỗ tôi đã nói tới, nó còn khủng khiếp vì sự sợ hãi mông lung.

Thời gian đầu phát hiện bệnh, tôi suy sụp tinh thần vì hai chữ ung thư, hai chữ hãi hùng. Bệnh tôi thuộc giai đoạn 3, giai đoạn chữa khỏi rất khó khăn. Ý nghĩ u ám ám luôn luôn ám ảnh, về khả năng sức khỏe không vượt qua cơn hành hạ của các đợt hóa chất khi tôi bước vào tuổi 60, giai đoạn cơ thể lão hóa gần như toàn diện.

Cân nặng của tôi từ trung bình 53kg xuống còn 48 ký. Tác động tâm lý, tinh thần lên cơ thể thật trầm trọng. Như tôi đã có lần nói, thích nghi chính là bảo vật tạo hóa phú cho con người. Nhờ thích nghi, tôi dần quen với các đợt vô hóa chất, các tác dụng của nó. Tôi cảm thấy nó không khủng khiếp như trước; các lần sau, cơ thể tôi bắt đầu chịu đựng khá tốt, hay nói đúng hơn, tôi chịu đựng thành công sức nóng như thiêu như đốt của thuốc, loại uống, loại truyền qua máu.

Ý thức phải nâng đỡ cơ thể chống chọi lại bệnh tật dần dần hình thành. Ăn không còn để sống, ăn còn để chữa bệnh. Các thực phẩm “không ưa” trước đây đều “phải ưa” khi tôi tìm hiểu, chúng đem lại các chất dinh dưỡng, hay “nghe nói” tiêu diệt tế bào ung thư, miễn thực phẩm ấy đều có mặt trong các món ăn trong truyền thống.

Thức ăn đa dạng giúp tôi không còn dở miệng như những lúc ban đầu “tập quen” ăn uống nữa. Rau, phải nói các loại rau, ngoài các chất bột, đường, béo khác, có mặt trong mỗi bữa ăn của tôi. Tất nhiên, các thứ không thể thiếu hằng ngày, cho đến nay tôi vẫn duy trì, không hề bỏ: 1 quả chuối Đà Lạt (hoặc chuối già hương), một quả cam (nếu không thì một quả chanh nhỏ, pha mật ong), và chừng 20 hạt đậu phộng rang.

Khi chưa bệnh, có thể sinh hoạt của tôi không đúng giờ giấc khắt khe nhưng khi bệnh, tôi ăn uống rất là đúng giờ. Gia đình tôi có ông bà cố, bà nội, và cha mẹ đều có tuổi thọ khá cao (trừ ông thân ngã té, dập gan mất ở tuổi 73 – năm 1978): một trong thói quen, cha tôi hay nói: không bao giờ ăn no. Thời xưa, cái ăn không đầy đủ như bây giờ, không nhiều như bây giờ, ăn không quá no là một nỗ lực phi thường. Tập quán này “truyền” từ đời ông tổ, ông cố tôi trở xuống.

Tôi có đọc một thí nghiệm nghiên cứu về chuột. Chúng được chia ra hai bầy: một ăn không no bữa, nghĩa là còn đói; một ăn thả dàn, ăn cho đến ớn, không ăn nổi. Theo dõi tuổi thọ thì thấy nhóm đầu sống lâu hơn, lại ít bệnh tật hơn; nhóm thứ hai tuổi thọ ngắn hơn, bệnh tật (nhất là béo phì) nhiều hơn. Cơ thể chuột thường được làm thí nghiệm vì chúng có những điểm giống cơ thể người.

Người không giống chuột thì tại sao quý vị hay nghe nói “đừng lấy học sinh làm chuột bạch thí nghiệm” là gì? Khi ăn uống trong thời gian chữa trị, tôi cũng học tập và làm theo thí nghiệm về mấy con chuột, nhất là nhóm thứ nhất, trong ăn uống mặc dù còn sống, cha tôi cũng từng khuyên tôi “chớ bao giờ ăn no”. Ông còn dẫn câu: No mất ngon, giận mất khôn. Ngon miệng, chính là dinh dưỡng cho cơ thể: ngon miệng sẽ làm tiêu hóa tốt.

2*

Xe chạy được nhờ xăng, người sống được nhờ ăn. Ăn thế nào cho lành luôn là đề tài phong phú, nhiều màu sắc, đương nhiên qua nhiều quan điểm khác nhau. Khoa học tiến bộ giúp con người chọn lựa thức ăn nào lành, thức ăn nào không. Chỉ có điều, chọn khi có điều kiện, không ai thiếu điều kiện mà có nhiều chọn lựa; nhưng tôi thấy có một điểm, các thực phẩm cần hài hòa, cân đối, từ xa xưa có mặt trong các bữa ăn Việt Nam.

Có ai chắc chắn trà cung đình Doctor Thanh có thể thay thế vĩnh viễn chè xanh dân dã? Nước tăng lực ngon miệng thay thế mãi mãi chè vối tầm thường? Chè xanh và chè vối từng là thức uống đối với người Việt Nam hằng mấy trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, có ai thấy nó ảnh hưởng gì cho sức khỏe hay không? Các thức ăn, thức uống chế biến sẵn đều có chất bảo quản. Có ai chắc chắn vài năm, hay mươi năm nữa, khoa học không chứng minh có một vài chất có hại trong các chất bảo quản, chất phụ gia, chất tạo màu, chất tạo mùi… nào đó trong thức ăn, thức uống chế biến sẵn? Có ai chắc bây giờ chúng vô hại nhưng sau đó thì không?

Tôi có đọc cuốn sách của giáo sư Lập Thạch Hòa, Nhật Bản, tác giả hai công thức Nước gạo lứt và Canh dưỡng sinh. Ông cho rằng bộ não con người rất hoàn chỉnh. Nó nhận biết những hiểm nguy từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể nhờ hệ thống miễn dịch thần diệu. Bộ não và cơ thể con người hoạt động hài hòa nhờ những phản ứng hóa học tự nhiên có sẵn trong cơ thể. Khi con người tiếp thu thức ăn và thức uống, ví dụ các thứ có biến đổi gen chẳng hạn, cơ thể con người sẽ “bối rối” khi xử lý các chất từ bên ngoài nạp vào, hệ thống nhận biết tự nhiên do bộ não điều khiển không còn tinh nhuệ, bệnh tật do đó dễ nảy sinh.

Lập luận của ông có thể còn tranh cãi nhưng rõ ràng, theo tôi, thức ăn, thức uống càng ít chế biến và chất phụ gia, chất bảo quản, chất tạo màu, càng ít càng tốt. Thức ăn từ thiên nhiên có lẽ sẽ lành hơn thức ăn bảo quản hay chế biến nhiều công đoạn. Chúng ta ăn thịt tươi mua ngoài chợ có tốt hơn thịt đóng hộp, nếu có thể mua được thịt tươi? Chúng ta ăn chuối tươi từ buồng chuối cắt xuống có tốt hơn chuối đóng hộp? Thơm cắt lát tươi có hơn thơm đóng hộp?

Cá tươi dưới biển vớt lên có tốt hơn cá biển đóng hộp? Thức ăn, thức uống chế biến sẵn có thuận lợi của nó: dễ di chuyển, để được lâu, nơi thiếu thốn hoặc không có thức ăn tươi sống. Nhưng nếu có sẵn chúng quanh ta, tại sao ta lại chọn thức ăn đóng hộp, thức uống đóng chai? Nước lã đun sôi có kém bổ hơn nước ngọt có ga?

Khi tôi mắc bệnh ung thư, tôi không dám sử dụng thức ăn chế biến sẵn như đồ hộp hay thức uống đóng chai, Pepsi hay Coca Cola. Tôi có cảm giác khát hơn sau khi uống nước ngọt thay vì uống một ly trà đá. Tất nhiên, ăn uống là quyền chọn lựa của mỗi người nhưng khi bệnh, nhất là ung thư, cách chọn lựa thức ăn tươi sống, thức ăn lành…nên là chọn lựa ưu tiên.

Khi mắc bệnh ung thư, ngoài chú ý tìm hiểu tài liệu về loại bệnh đang mắc, tôi bỏ công tìm hiểu rất nhiều các loại thực phẩm “lành” hay “bổ dưỡng” cho cơ thể bị “bầm dập” vì hóa trị của mình. Có rất nhiều tài lại hướng dẫn ăn để “chữa” ung thư, nhiều đến độ, đọc không bao giờ hết, và không bao giờ không gây bối rối cho ai tìm tòi: biết chọn thức ăn, thức uống nào “tối ưu” đây? Tôi đề ra cho mình một quy tắc: đó là sự hài hòa.

3*

Ông tổ phép Dưỡng sinh, bác sĩ Oshawa người Nhật Bản, phân thực phẩm ra hai loại: âm và dương. Ví dụ: gạo lứt thuộc dương, mè thuộc âm. Củ quả có màu đỏ, màu tím thuộc dương, chúng có màu xanh hay màu trắng thuộc âm. Không phải phương pháp thực dưỡng của ông được các nhà khoa học Mỹ chấp nhận nhưng cách phân loại thực phẩm ra âm dương để hài hòa ăn uống là cái chúng ta cần chú ý.

Tại sao ông bà chúng ta chọn rau răm ăn với trứng vịt lộn mà không chọn rau quế? Dưa hành ăn với thịt heo mà không ưu tiên dưa cải? Thịt chó ăn kèm với riềng mà không kẹp với gừng? Tổ tiên chúng ta có sự chọn lựa thức ăn một cách hài hòa. Chỉ tiếc một cái sự chọn lựa ấy chỉ lưu truyền mà không có nghiên cứu chứng minh.

Nhưng ngặt nỗi, làm thế nào để phân thức ăn ra hai loại âm dương và sự phân loại này phải có chứng minh khoa học. Tất nhiên, phân loại thực phẩm dựa vào màu sắc để chia ra âm và dương quả là rắc rối không dễ ai ai cũng phân biệt được. Tôi suy nghĩ, đa dạng hóa các loại thực phẩm là cách chọn thực phẩm tốt nhất: rau củ quả ngũ cốc càng nhiều màu càng tốt: “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, quê Quảng Nam tôi hay nói. Các loại thực phẩm ấy hàng ngàn năm chúng ta sử dụng, miễn là số lượng vừa phải, không quá nhiều, quá mức.

Ông bà ta cũng không phải vô cớ mà đúc kết ăn uống qua các câu câu đối, ca dao: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Hay: “Con gà cục tác lá chanh Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi Con chó khóc đứng khóc ngồi Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.” Tại sao thịt chó lại chấm mắm tôm ăn kèm với lá rau mơ? Cá trê nướng lại dầm nước mắm gừng đâm nhỏ? Thịt vịt ăn cùng với rau tần dày lá chấm mắm gừng? Không những ăn kèm làm ngon miệng nhưng biết đâu ăn kèm ấy lại làm cho thức ăn hòa hợp âm dương, ông bà ta “dặn dò” con cháu nhưng không kèm theo lời giải thích; âm dương trong ăn uống không phải dễ diễn giải rạch ròi khi người Việt Nam xưa có ít điều kiện và đam mê nghiên cứu khoa học.

Thức ăn cho người ung thư, ngoài việc đủ chất, cần tươi sống và đa dạng, lấy từ nhiên nhiên càng nhiều càng tốt. Tất nhiên sữa bột hay thuốc bổ các loại, chúng ta không thể lấy từ nơi khác ngoài bò sữa hay chiết xuất từ các loại cây thuốc, vị thuốc quanh ta. Thức ăn, thức uống từ thiên nhiên, có nguồn gốc thiên nhiên, tôi nghĩ, sẽ lành mạnh hơn thức ăn thức uống từ nhân tạo (chế biến đóng hộp, đóng chai – chẳng hạn) đối với người đang dưỡng bệnh như ung thư.