Sunday, September 15, 2024

Đau thương LÀNG NỦ

Đây là ngôi làng (thuộc tỉnh Lào Cai) xảy ra thảm họa đất chùi, sau bão Yagi, vùi lấp nhiều nạn nhân, hiện người dân, quân đội, vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm. Cảnh tượng đau thương. Nhiều gia đình chưa tìm ra xác thân nhân. Nỗi đau của thiên tai.

Những cái chết đau thương khiến tôi nhớ đến trận lụt năm Giáp Thìn ở Quảng Nam.

Ngày ấy, ở vùng rừng núi Quảng Nam, việc đi lại rất khó khăn. Đại hồng thuỷ xảy ra. Lũ quét cực mạnh quét sạch làng mạc. Dòng nước tàn ác kéo người theo dòng sông chảy như thác lũ, trôi ra biển. Biệt tăm. Nhà cửa cung số phận. Có người còn thấy những chiếc nhà gỗ rường nguyên vẹn, bên trên có người ngồi. Nhìn thấy và bất lực. Đất bùn gần nơi vỡ “bờ đê” Hòn Kẽm- Đá Dừng vùi lấp cả ngôi làng Đông An, Trung Phước. Vẫn còn ngôi miếu đơn sơ tưởng nhớ 1481 người chết, ở một làng. Chỉ còn 19 người sống sót trở về sau cơn lũ kinh hoàng.

Đồng bào trong thời gian bi thảm không có phương tiện nào cứu giúp họ. Ở những ngôi làng dọc theo lưu vực sông Thu Bồn, người dân càng khốn đốn không kém: đối phó vởi bão, lũ chưa từng có.

Hình ảnh đau thương về trận lụt năm Giáp Thìn rất hiếm, có thể nói không có, tại nơi xảy ra thảm hoạ. Vì là năm 1964, sau sụp đổ của nền đệ nhị cộng hòa, nhiều vùng xảy ra lụt lội bị “mất an ninh”, nghĩa là du kích bắt đầu xuất hiện. Những nhà báo ở thủ đô không thể đến “hiện trường” sau thảm họa.

Ảnh chụp tại Hội An. Cuối nguồn sông Thu Bồn.

Hình ảnh đau thương của trận lụt ấy chỉ còn trong ký ức của người dân Quảng. Những người sống sót sau thảm họa kể lại cho người khác nghe. Sau 1964, cuộc chiến bắt đầu nóng lên. Chiến tranh sục sôi sau đó. Quân đội Mỹ buộc phải nhảy vào “cứu “ đồng minh năm 1965.

Câu chuyện đau thương trận lụt năm Thìn không đau thương bằng thảm họa chiến tranh. Và người ta chỉ ghi nhận trong ký ức. Người lớn tuổi mất dần theo tuổi tác. Sự kinh hoàng của trận lụt Giáp Thìn dần dần đi theo họ xuống dưới mồ sâu.

Tôi là người Quảng Nam nhưng lúc ấy lại không chứng kiến thảm trạng kinh hoàng. Chỉ nghe lại vài câu chuyện.

Sông Thu Bồn phát sinh từ cực Tây của núi rừng QN. Nó chảy qua nhiều huyện. Ở Ái Nghĩa (Giao Thủy, hạ lưu) có thêm sông Vu Gia đổ nước vào. Khi lụt xảy ra, nước đổ về gần nhưng trắng cả vùng.

Sau trận lụt, người ta không chỉ  lo dọn lụt. Những thân nhân vùng rốn lũ (Nông Sơn, Trung Phước) đi tìm xác thân nhân. Họ nghĩ, biết đâu người ruột thịt của họ gởi xác ở vùng hạ du sông Thu Bồn.

Dân chúng hồi ấy còn nghèo nàn. Họ phải đi bộ hàng chục cây số qua các làng mạc ven sông để tìm thân nhân. Tìm nơi người chết dân làng “gom” lại, họ lật từng xác để nhìn mặt. Người may mắn nhận ra ngay nếu thi thể không bị cá rỉa mất thịt nơi gương mặt. Những xác người biến dạng sau 6,7 ngày vì ngâm nước người ta chỉ trông cậy vào áo quần hay các đặc điểm khác.

Có những xác treo lơ lửng trên các bụi tre dọc bờ sông nhờ đầu tóc dài quấn nhánh tre trên ngọn. Không có phương tiện đem xuống, người ta bèn …chặt cây có người mắc. Tre ngã và xác người đánh uỳnh xuống đất. Lại một lần đau đớn nữa, đau đớn của những người chứng kiến.

Có những cây nhiều cành, người ta phát hiện thấy bốn năm người dính nhau qua áo quần cột chặt. Có lẽ đây là một gia đình. Cả nhà trôi đi trên vật nổi nào đó và mắc vào đây. Họ cột dính lẫn nhau bằng áo, bằng quần (ngày xưa, nam nữ đều mặc quần dài). Và cơn đại hồng thuỷ cướp đi mạng sống của họ. Dù chết, họ vẫn mong ở bên nhau. Họ nghĩ tới sau này sẽ dễ dàng cho người sống tìm thấy họ bên nhau. Hoặc có khi, lúc nước chưa ngập ngọn cây, những người này đã cột mình bằng áo quần để nước xiết khỏi cuốn phăng họ đi.

Đau lòng nhất là những cảnh “chết chùm” này. Cũng có những xác phụ nữ không còn tóc. Ngâm trong nước lụt quá lâu, da đầu bong tróc? Cảnh thương tâm nhất là có người ôm chặt con mình khi trút hơi thở cuối cùng. Người ta phải dùng rất nhiều rượu để làm dịu cánh tay và lấy ra đứa con chừng đôi ba tháng tuổi. Trong miệng em còn dấu vết của một chất màu trắng đục!

Bà con vùng thiệt hại ít hơn cảm thấy đau lòng. Trong ngày, họ phải trả lời hàng chục câu hỏi, có thấy người chết vùi ở đâu không. Chỗ nào xác người chết tập kết để người thân nhận dạng. Sau lũ lụt, trời thường nắng, ánh sáng không gay gắt nhưng cũng làm cho nhiều xác người bốc mùi. Không ai nỡ chôn dù phải chịu cái mùi tử thi bong rữa. Họ để xác ấy cho những bà con tìm thân nhân đến nhận dạng.

Sau đó, chính quyền can thiệp, đem họ đi chôn. Phương tiện mang người chết về nhà là võng gai. Không có, người ta kết hai bao tời đựng gạo (bao tời sọc xanh đựng 1 tạ gạo) làm võng. Cảnh tan nát nhà cửa sau bão lũ càng não nùng hơn vì những tiếng kêu gào, than khóc, của những người tìm được xác thân nhân. Tiếng khóc sụt sùi, nhỏ hơn, ở những người thất vọng khi nhận diện xác và xác không phải là thân nhân mình.

Công tác cứu trợ sau bão lũ thực hiện rất khó khăn. Có nhiều đoàn thể tự nguyện đi cứu trợ. Nhất là các tổ chức của đoàn thể tôn giáo như Thanh niên Phật tử; Hùng tâm dũng chí (Công giáo); Hướng đạo sinh…Họ làm từ thiện mà không phải xin phép chính quyền. Lúc này chưa có người Mỹ, việc cứu trợ bão lụt còn khó khăn về vật chất và phương tiện duy chuyển. Năm 1970, cũng xảy ra trận lụt không kém kinh hoàng. Nhờ người Mỹ, dân ít chết. Họ sử dụng ca nô cứu người ở vùng gần và trực thăng ở vùng xa.

Theo thi sĩ Tường Linh thì số người chết ở thượng nguồn sông Thu chừng 4000 người. Nhưng theo ước tính, cả trận bão lũ, số người chết của toàn tỉnh có thể đến 10.000 người.

Đau thương nào cũng là đau thương. Đồng bào các tỉnh miền Bắc gặp nạn đều có sự chung tay góp sức của người cả nước. Phương tiện cứu nạn tân tiến, hiệu quả hơn. Nỗi đau của người Bắc hay người Nam hay người Trung cũng là nỗi đau chung. Máu chảy ruột mềm. Không nên có những câu nói lẻ loi, lạc lõng, khoét sâu sự chia rẽ, tôi gặp đâu đó trên mạng.

Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau. Không vì nỗi đau mà buông những câu phá hoại. Tôi chắc chắn người nói những câu a xít ấy không phải là người VN.