Thursday, September 19, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯỚNG 18 (tiếp): THỞ

Có ai không thở mà sống? Nhưng có mấy ai để ý thở thế nào tốt cho cơ thể? Tôi cũng thế. Tôi chỉ để ý thở khi mắc bệnh ung thư. Quá trễ. Nhưng trễ còn hơn không (“Retard que jamais”). Và tôi luôn chú ý hơi thở mọi lúc mọi nơi trừ lúc ngủ.

Nhiều người Việt Nam biết qua bài tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Đó là sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh của phương Đông từ ngàn xưa qua cái nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một bác sĩ. Chính nhờ phương pháp thở này, ông đã sống thêm được 50 năm nữa sau khi đã cắt bỏ hoàn toàn lá phổi bên trái và một phần ba lá phổi bên phải.

 Cơ bản qua mấy câu thơ sau đây:

“Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được!”

Ít người muốn nghe lời khuyên dạy của người khác vì ai cũng có lòng tự ái. Nhưng lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là lời khuyên đúc kết trí tuệ, đúc kết cả cuộc đời “luyện thở” của ông, người vì lao phổi, phải cắt đi một lá. Chúng ta không điều khiển nhịp tim nhưng chúng ta điều khiển được nhịp thở. Dưỡng khí cần cho sự sống. Bộ não con người không tiếp nước có thể nhiều ngày chưa chết nhưng nó sẽ chết tức thì nếu thiếu dưỡng khí trong đôi ba phút. Tại sao chúng ta không cung cấp dưỡng khí đầy đủ cho nó bằng hơi thở sâu? Hơi thở quá quen thuộc, hơi thở dễ bị khinh khi? “Huống nỗi người ta đều tự ái. Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu).

Người bình thường cần thở sâu, thở đều thì người bệnh ung thư càng thở sâu, thở đều nhiều hơn. Người khỏe mạnh mấy ai để ý, người trong tâm trạng lo lắng cái chết ung thư mang đến, có ai chú trọng đến hơi thở mình không?

Tôi khỏi bệnh ung thư trong thời gian tập thiền, không rõ thiền có vai trò gì không, nhưng thở do tập thiền đóng góp cho tôi, có sức khỏe khá tốt, cho đến ngày hôm nay, sau tám năm (*) khỏi ung thư: Tôi vẫn còn chú trọng hơi thở của mình mỗi ngày trừ lúc ngủ. Người ta nói nếu tập thở ở ngưỡng nào đó thì khi ngủ, nhịp độ thở có thể trở thành phản xạ, lúc ngủ, có thể người ta hít vào, thở ra cũng sâu hơn khi lúc thức chúng ta không tập thở.

(*) Nay là 12 năm.

Có một cách thở nữa, được nghiên cứu theo khoa học, gọi là Phương pháp 7-7-7. Hít thật sâu, sau đó ta đếm từ 1 đến 7, giữ hơi thở trong phổi và đếm cũng đến 7, sau đó thở ra nhẹ nhàng khi đếm đến 7. Cách thở này kích thích sản sinh ra chất Endorphins trong não bộ - thuốc hạnh phúc tự nhiên (nature’s happy drug). Một lượng cực nhỏ hormone này đem lại cho chúng ta một cảm giác yên bình và sáng suốt. Người ta thực hiện 7 lần như thế mỗi khi gặp căng thẳng (stress), giận dữ, hay chuẩn bị đi dự một sự kiện quan trọng, như hội họp hay diễn thuyết. Mỗi ngày chúng ta thực hiện tối thiểu 1 lần, đâu có hại gì, mà dễ làm, không phải mất tiền.

Năm nay tôi bước vào ngưỡng 70, sau một lần ung thư; nhiều người vẫn khen tôi, da mặt hồng hào, tay chân rắn chắc, “như thanh niên” (họ khen tôi hơi quá, để động viên tôi chăng). Họ đâu biết tôi, mưa cũng như không mưa, mỗi ngày thức giấc 5 giờ sáng, đi bộ trên 30 phút và hít vào, thở ra, theo nhịp mỗi mấy bước chân, như đếm. Hít  thở tập không khó, không khí không mua, tại sao chúng ta không tận hưởng ân huệ của đất trời. Có ai tức giận, lo sợ mà không thở gấp, “tức thở không ra hơi”? Hít thở nhẹ nhàng, thong thả, đứng, ngồi, nằm, ở đâu cũng được, lúc nào cũng được, tại sao chúng ta lại bỏ đi không thực hiện? Ta thở là thở cho mình, tốt cho mình, tức yêu lấy mình, không yêu lấy mình, làm sao có thể yêu người khác?

Nếu không có bảo hiểm y tế, thuốc chữa ung thư rất là đắt. Không khí cũng là một loại “thuốc” không tốn tiền, tại sao người bệnh không sử dụng thật hiệu quả như lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện?