Tôi viết facebook như một cách giải trí. Nó nói lên suy nghĩ của tôi; có thể là suy nghĩ “lộn tùng phèo”: gặp đâu nói đó. Lần này, tôi muốn nói về một học sinh 17 tuổi ở Yên Bái. Em chia sẻ suy nghĩ với 16 người bạn thân trong nhóm. Trong 2 giờ, em vội rút xuống. Có 1 bạn “tốt“ chup lại và đăng lên. Vì nói thật suy nghĩ của mình, Em bị (một số hay đa số?) người trên cộng đồng mạng xúm vào đả kích và lên án. Từ ngữ họ xử dụng như đấu tố trong cải cách ruộng đất. Có lẽ, nặng hơn. Ác hơn.
Đơn cử. “Cấm xuất cảnh cả đời. Dừng việc học tại VN. Ốm đau khỏi vào bệnh viện trên lãnh thổ Việt Nam. Không xác nhận lý lịch để đi làm công nhân…” Hoặc: “Loại người đã vô ơn và quay lưng với điều thiêng liêng nhất là Tổ Quốc thì cần cho sống không bằng chết…”. Đây là comment của một người có hiểu biết hạn chế. Cấm xuất cảnh, dừng việc học, không cho vào bịnh viện…luật pháp nào cho phép? Em phạm tội gì mà phải bị trừng phạt như vậy?
Những bài viết nào (trên mạng) bênh vực học sinh 17 tuổi đều bị một số người lên án em nhảy vào phản bác. Tự do ngôn luận là ở đây. Yêu – ghét, thuận-chống, đồng ý- bất đồng…là quy luật. Thay vì đưa ra luận điểm thì họ lai đưa ra những ngôn từ mạt hạng. Ví dụ, dưới bài viết của nhà văn Bùi Mai Hạnh về Quang Vinh “Bảy điều được tự do làm”, tôi còm, lặp lại câu cuối của chị “Vinh ơi, đừng sợ”. Một vị cao tuổi châm chích, cháu Vinh không sợ vì còn trẻ “nhưng nhìn hình avatar của chú em thì anh thấy chú em chuẩn bị chán cơm, thèm đất, thích nghe kèn rồi”. Qua cách nói, tôi đoán vị này có trình độ. Nhưng trù ẻo người khác chết chỉ vì một nhận xét cổ vũ em Vinh là ngôn từ của người không có học.
Chuyển qua trẻ. Dưới bài của một bạn face, cho biết đề nghị của một người hảo tâm sẽ lo ăn ở của gia đình và chi phí học hành của em Vinh tại Sài Gòn, còm của tôi: “Sài Gòn nghĩa hiệp”. Một cháu bé tuổi còn thua con út tôi đốp ngay: “Cháu nhìn mặt Chú là biết chú thuộc phe nhóm ‘đạo đức giả danh trí thức’, giả nhân giả nghĩa rồi.”
Từ già cho tới trẻ, chỉ cần qua lời nói, tôi có thể đánh giá nhận thức của họ. Và tôi không trách họ. Tôi chỉ trách họ được giáo dục thế nào mà ăn nói lỗ mãng như thế.
Nhưng khi đọc đoạn viết sau đây, tôi mới thấy giáo dục quan trọng ngần nào trong nhận thức. Xin trích:
“ĐẾN LÚC DỪNG ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH OLYMPIA ĐƯỢC RỒI!
Thứ nhất, hầu hết các nhà vô địch đã không trở về quê hương để cống hiến và cũng rất nhạt nhòa trong việc thể hiện sự ứng dụng tri thức của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, bản chất của tư bản là họ không cho không, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất nước nên do Chính phủ hoặc cơ quan hữu quan chứ không phải một doanh nghiệp hay một tổ chức có yếu tố nước ngoài.
Thứ ba, việc tổ chức các phần thi mang tính tổng hợp kiến thức như một cuốn bách khoa toàn thư, điều này dần trở nên vô nghĩa khi internet và AI phát triển, bất cứ thứ gì cũng có thể tìm kiếm với tốc độ gấp nghìn lần những người vô địch kì thi này.
Vậy giá trị của con người hiện đại là gì, là sống nhân văn, sống tử tế, có bản lĩnh, có khát vọng chứ không phải nỗ lực làm cuốn bách khoa toàn thư rồi kiếm suất học bổng rẻ mạt rồi sau đi làm thuê cho mẫu quốc. Các quán quân của nhiều cuộc thi này đã thể hiện sự nô lệ ngay từ tầm nhìn.
Thầy cô giáo dậy bạn này chắc chắn không phải những người xấu, nhưng đây là sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục sai định hướng, và tôi mong những nhà làm giáo dục, các bậc cha mẹ nên thực sự xem lại mục đích thực sự của giáo dục là gì?
Copy tu: Minh Lukas. (Đây là quan điểm cá nhân của doanh nhân Minh Lukas, mà (Đỗ Doãn?) Hùng thấy cùng quan điểm.).
Tôi đi từng điểm một:
1- Những nhà vô địch ấy không trở về, tất cả là do ở họ? Tại sao họ chọn ở lại nước họ được giáo dục? Có ai nghĩ kỹ chuyện này không. Bác Hồ (trong tuyên ngôn ngày 2/9): Mọi người sinh ra đều có quyền tự do, trong đó có quyền tự do “mưu cầu hạnh phúc”. Nếu ở VN hạnh phúc hơn thì họ chọn ở nước ngoài làm gì? Hơn nữa, ở nước ngoài, Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn… không đóng góp gì cho Việt Nam sao? Hàng trăm ngàn nam thanh nữ tú “lao động xuất khẩu” đang sống ở đâu? Họ không đóng góp gì vào số 20 tỷ USD kiều hối mỗi năm hay sao?
Họ “rất nhạt nhòa trong thể hiện sự ứng dụng trí thức” là vì họ hay vì môi trường họ làm việc không cho họ phát huy tất cả tài năng? Có người bảo VN còn nghèo. Không đúng. Nhiều trí thức người Hoa ở Mỹ (và nhiều nước tiên tiến) về nước đóng góp cho sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc ngày nay. TQ vẫn còn “nghèo” hơn so với Mỹ.
2- “Bản chất của tư bản là họ không cho không”. Quý vị đang dang tay đón chào tư bản đến để phát triển đất nước mình. Có qua có lại, đó là lẽ thường. Trên đời này, trông đợi “cho không” là một nỗi nhục. Tại sao chúng ta không tổ chức như họ để tuyển chọn nhân tài? Không có nhân tài VN thì họ cũng có hàng chục ngàn nhân tài trên thế giới. Nếu quý vị để ý, hàng ngũ tinh túy trí thức (elite) của VN đào tạo nhiều nhất trong nước hay nước ngoài?
“Có yếu tố nước ngoài”? VN tuyên bố “làm bạn với tất cả” các nước trên thế giới. Không chấp nhận yếu tố nước ngoài thì tự anh làm đi. Không có tư bản nước ngoài (ví dụ Samsung) thì nền kinh tế VN đứng ở đâu? Châu Âu, Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến, nếu không có yếu tố “nước ngoài” là Mỹ thì nay họ cũng phải xách bị đi vay.
Đúng. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo tiến như vũ bão. Cuộc thi Olympia “mang tính tổng hợp kiến thức như một cuốn bách khoa toàn thư, điều này trở nên vô nghĩa khi Internet và AI phát triển, bất cứ thứ gì cũng có thể tìm kiếm với tốc độ gấp nghìn lần những người vô địch kì thi này”. Như vậy, những em đạt giải cuộc thi này là vô ích? Vô ích tại sao các nước chọn các em để trao học bổng du học?
Kiến thức bộ não thu nhận được xử lý tinh vi. Những em đạt giải chắc chắn có bộ não hơn người. Nếu có máy tính, chúng ta không cần học toán hay sao? Học toán để có tư duy logic và khoa học. Học toán không phải để giải toán. Kiến thức đồ sộ trên AI thay thế tất cả hoạt động con người? Có ai chắc chắn những em đạt giải là kém sút hơn những người khác? Dẹp bỏ cuộc thi chỉ vì các em có giải bỏ ra nước ngoài học tập, ở lại đó, là quyết định hẹp hòi, thiển cận. Cuộc thi chỉ là một trong hàng trăm cách tuyển chọn nhân tài nếu muốn tổ chức.
3- “Con người hiện đại là gì, là sống nhân văn, sống tử tế, có bản lĩnh, có khát vọng”. Tác giả có thể giới thiệu lớp “người hiện đại” đó đang ở đâu. Hay đó chỉ là khát vọng?
Theo tác giả, những người đạt giải Olympia “nỗ lực muốn làm cuốn bách khoa toàn thư rồi kiếm suất học bổng rẻ mạt rồi sau đi làm thuê cho mẫu quốc”. Có học bổng du học rẻ tiền ư? Ở đâu vậy. Hay chỉ những người “có máu mặt” mới không cần học bổng “rẻ mạt” cho con em họ. Học sinh VN nào cũng mong ước săn một học bổng du học. Học bổng nào rẻ mạt?
“Làm thuê cho mẫu quốc”? Tôi không hiểu câu này. Ai là nước mẹ-mẫu quốc? Và ai là tiểu quốc (nước con)? VN vẫn còn bị nô dịch sao? Ngày xưa, đọc sử tôi mới biết bọn Pháp gọi họ là mẫu quốc. Tác giả vẫn còn mang trong mình mặc cảm làm ở nước ngoài là làm thuê cho mẫu quốc. Hàng trăm ngàn người Việt đang ở nước ngoài và đang lao động. Họ làm thuê cho mẫu quốc?
“Các quán quân của nhiều cuộc thi này đã thể hiện sự nô lệ ngay từ tầm nhìn”. Tôi nhường lời bình phẩm câu này cho bạn đọc. Bởi tôi ít có dịp theo dõi chương trình này. Tôi không rõ những ai. Sao là tầm nhìn nô dịch? Những học sinh ưu tú kia lại có tầm nhìn nô dịch à?
Tôi không tán đồng ba điểm của bài viết. Nhưng tôi tán đồng câu kết này: “...Nhưng đây là sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục sai định hướng, và mong những nhà làm giáo dục, các bậc cha mẹ nên thực sự xem lại mục đích thực sự của giáo dục là gì?".