Sunday, September 22, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 18 (Tiếp): ĐI BỘ

1*

Mỗi người tự chọn cho mình một cách thể dục phù hợp sức  khỏe và sự ưa thích. Đối với tôi, đi bộ là môn thể dục tôi bắt đầu khi gần qua già nửa cuộc đời, ở tuổi 40. Lúc đó, tôi có cảm giác sức khỏe cơ thể mình đang ở chu kỳ đi xuống.

 Thông tin về rèn luyện sức khỏe trên mạng ê hề. Vì ê hề nên không biết chỗ nào mà chọn. Tôi thấy mấy lợi ích này là có thật, bởi tôi đi  bộ 30 năm nay, trước cả lúc bị ung thư. Một tài liệu nói về lợi ích của đi bộ.

 Đi bộ thể dục rèn luyện sức khỏe: Tác dụng đầu tiên của việc tập thể dục đi bộ và cũng chính là mục tiêu khi tập đi bộ của mọi người đó chính là rèn luyện sức khỏe.

 Đi bộ cải thiện sức khỏe tim mạch: Đi bộ thúc đẩy quá trình vận động của cơ thể, tăng cường khả năng hấp thụ oxy và lưu thông máu tốt nhất và cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể. Đi bộ tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện khả năng của hệ tim mạch ổn định hơn.

 Rèn luyện xương khớp nhờ đi bộ mỗi ngày: Đi bộ tuy là hình thức vận độngnhẹ nhàng trong các bộ môn thể thao tuy nhiên có tác dụng rất tốt trong việc rèn luyện xương khớp. Với những người lớn tuổi, trung niên thường có sức khỏe xương khớp yếu hơn, hay gặp đau mỏi các khớp xương nên đi bộ, tập thể dục, là cách tốt nhất để họ cải thiện chức năng xương khớp của mình.

 Đi bộ cải thiện tinh thần tốt hơn: Đi bộ thể dục vừa rèn luyện thể chất khỏe mạnh hơn nhưng đồng thời còn là khoảng thời gian để mọi người cải thiện tinh thần tốt hơn, thoải mái hơn. Sau một ngày làm việc học tập mệt mỏi áp lực với stress của công việc thì đi bộ giúp đầu óc thư giãn và xua tan mệt mỏi

 Đi bộ giảm cân cải thiện vóc dáng: Tập thể dục đi bộ đúng cách được nhiều người lựa chọn cho mục tiêu giảm cân hiệu quả mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chỉ cần đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể đốt cháy 300-350 lượng calo đánh tan mỡ thừa trên cơ thể giảm béo hiệu quả. Không chỉ đi bộ giảm mỡ bụng mà mỡ thừa ở đùi, chân cũng được đốt cháy mang lại cơ thể cân đối khỏe mạnh hơn.

 

Tập thể dục đi bộ giúp tiêu hóa tốt hơn: Đi bộ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể giúp hoạt động các cơ quan diễn ra tốt hơn, tiêu hóa tốt hơn. Với những người gầy thì tập thể dục đi bộ giúp họ cải thiện chức năng tiêu hóa, hấp thụ các dưỡng chất tốt hơn cho cơ thể khỏe mạnh hơn.

 2*

Tôi xin được nhắc lại: Tôi không phải là bác sĩ, tôi chỉ là bệnh nhân chữa khỏi ung thư gần 8 (*) năm nay. Lời tôi nói từ đáy lòng của một bệnh nhân với bệnh nhân khác đang chữa trị hay đang mắc bệnh ung thư.

 Bước những năm đi đến ngưỡng 40 (tứ thập nhi bất hoặc - bốn mươi tuổi thì không thay đổi) tôi cảm thấy sức khỏe cơ thể có chiều hướng đi xuống. Đây là cảm nhận đúng. Tôi mắc bệnh loét hành tá tràng (gọi chung là đau bao tử), thoái hóa cột sống lưng nhiều đốt, và nhất là huyết áp thấp. Khi xét nghiệm tổng quát để vô hóa chất, bác sĩ tim mạch hỏi tôi từng chữa tim bao giờ chưa. Tôi rất lo sợ. Tim tôi có vấn đề sao? Thì ra, van 2 lá, ba lá gì đó của tôi hở 1/4; quan trọng nhất, động mạch chủ cũng hở như thế. Sức bơm máu của tim là 63%, nghĩa là khá thấp, máu có thể không đi khắp chốn trong cơ thể như một người bình thường. Thận tôi lại có nang sữa canxi 1,2 cm (không phải sỏi). Nói chung, sức khỏe tôi xuống cấp “toàn tập”.

 Ngoại trừ tim, sau này xét nghiệm mới biết, đau bao tử, thoái hóa cột sống, áp huyết thấp, sạn thận…tôi có sẵn lúc bắt đầu bước qua khỏi tuổi 30. Thời gian cho mấy bệnh đó khá nhiều, năm nào cũng ghé thăm bệnh viện. Một bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh bảo tôi khi ông điều trị bao tử: “Ông nên tập đi bộ mỗi ngày. Chữa thuốc tây mà không tập thể dục, bệnh ông sẽ tái đi tái lại. Tôi là bác sĩ, ông tưởng tôi không cần tập thể dục sao”. Vị bác sĩ này tốt nghiệp y khoa trước 1975, khá nổi tiếng. Nhìn ông rất khỏe mạnh dù hơn tôi chừng 20 tuổi, tôi tin ngay lời ông nói.

 Từ đó tôi đi bộ mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng; mưa tôi đội áo đi, vẫn không bỏ. Lúc đầu 15 phút, sau mấy tháng tăng dần 20 phút và duy trì 30 phút hay hơn một chút cho đến nay. Giấc ngủ sáng thường rất say, rất “ngon”. Thức giấc vào giờ này là một cực hình cho tôi mấy tháng đầu đi bộ. Lặp đi lặp lại nhiều lần thói quen nào nó, chúng ta sẽ thấy thói quen ấy trở thành như phản xạ. Cứ 5 giờ, không cần báo thức, tôi vẫn thức dậy, ngày nào cũng thế.

 Trong cuốn Build A Better Brain (tôi dịch cho nhà phát hành sách Phương Nam, Sài Gòn) có nói đến “đường rãnh thần kinh”. Gọi đường rãnh theo ý nghĩa, đi nhiều thành đường mòn. Lối nhiều người đi lại nhiều lần sẽ thành đường đi.

 Não người mới sinh ra có 1000 (1 ngàn) tỷ tế bào và còn lại 100 tỷ lúc trưởng thành. Não càng mất đi tế bào tại sao càng lớn, người ta càng “khôn” hơn? Lẽ đáng phải “ngu” hơn mới đúng.  Không, nhờ học tập và rèn luyện, qua những thói quen tốt, não thiết lập thêm những “rãnh thần kinh”, nhờ chúng con người “thông minh” hơn. Những thói quen duy trì lâu hơn. Khi bạn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và đi bộ, có thể đôi ba tháng, não mới tạo ra các rãnh thần kinh, và đến mức độ nào đó, không cần đặt giờ báo thức, bạn vẫn tự động thức dậy đúng giờ, miễn là đêm đó bạn không thức quá khuya hay làm việc quá nhiều. Người ta gọi là đồng hồ sinh học.Nghiên cứu của cuốn sách cho thấy cần 26 ngày cho tới 126 ngày một người có thể tạo ra một thói quen có tính “phản xạ”. Tôi duy trì “phản xạ” ấy trong 30 năm nay.

 3*

Tập thể dục đều như vậy, tại sao tôi mắc ung thư? Nếu ai đặt câu hỏi như thế, tôi phải bó tay. Nhưng tôi có thể trả lời: Nhờ tập thể dục, tôi vượt qua căn bệnh dễ dàng hơn người không tập kiên trì như tôi. Tất nhiên, thể dục không chữa lành bệnh; nó chỉ nâng cao thể trạng, cơ thể dễ dàng chống lại bệnh tật.

Một bệnh nhân tôi thân người Bến Tre, không thể tập thể dục buổi sáng vì anh làm nghề bán bánh mỳ; và tám, chín giờ sáng, hết bánh mỳ, anh phải sửa xe đạp kiếm cách sinh nhai. Cùng loại bệnh ung thư như tôi, giai đoạn bệnh sớm hơn, cùng bác sĩ, cùng chữa một lần, cùng một bệnh viện, thật đau đớn, anh không còn trên cõi đời này dù anh nhỏ hơn tôi 20 tuổi. Tôi chắc chắn, tập thể dục giúp tôi may mắn hơn anh.


Nhờ tôi đi bộ mỗi sáng 30 phút, mưa hay không mưa, giá lạnh hay không giá lạnh, bất kỳ đi đến chỗ nào. Có lẽ nhờ đó, bệnh đau bao tử của tôi chấm hết lúc nào tôi không rõ; thoái hóa đốt sống lưng không còn hành hạ tôi. Trước đó, đôi ba tháng, tôi phải nằm, đôi ba ngày như bất động, trên giường để cơn đau dịu đi; và nhất là áp huyết tôi trở lại “như thanh niên”; bây giờ thỉnh thoảng đo, các bác sĩ đều khen, áp huyết “bình thường” dù tôi gần 70. Chỉ có sạn thận là không hết. kích cỡ không tăng thêm, và bác sĩ khuyên tôi không nên mổ, trừ khi có biến chứng.


Về giấc ngủ, tôi có thể ngủ bất cứ chỗ nào, dù là chỗ lạ hay chỗ mới đến. Trước khi tập đi bộ một thời gian, chỗ lạ đố mà tôi ngủ được, nếu không mất ba bốn đêm tập quen. Ăn không ngon miệng như hồi thanh niên nhưng tới giờ ăn cơm tôi cảm thấy đói bụng.

Dù ăn một đến hai chén cơm đầy, tùy bữa sáng tối, tôi ăn rất ngon miệng, và không bao giờ còn cái cảm giác rát bụng khi đói, đầy bụng hay ấm ách khi ăn xong, bệnh đau bao tử biến mất. Tôi đi du lịch chung với các bạn, ai cũng bảo tôi “dễ ngủ” và “dễ ăn”, cái mà trước đây, khi chưa tập thể dục đi bộ, hiếm được ai khen như thế.

Tôi cũng xin khoe với quý vị, nhờ đi bộ nhiều, hay tại sau bạo bệnh, tinh thần tôi rất phấn chấn, luôn suy nghĩ lạc quan. Tôi cười nhiều hơn trước, tính tình cởi mở hơn trước, và tôi cảm thấy “yêu đời” hơn trước. Tôi cao 1,6 cân nặng tôi dao động 60 kg nhưng nhìn tôi không béo mập, chỉ có hơi thiếu thước so với chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay. Nói dễ hơn làm, nhưng tôi làm như mình nói: Tôi tập thể dục mỗi ngày.


Đi bất kỳ nơi đâu, ở đôi ba tuần,tôi cũng dễ được nhận ra, “có cái ông già tóc bạc” sáng nào cũng đi bộ. Ở Hội An một tháng, Đà Nẵng hai tháng, và quê tôi một tháng, bị kẹt trong cơn đại dịch, tôi có thêm biệt danh “ông già đi bộ tóc bạc”.


4*

Có rất nhiều cách tập thể dục phù hợp cho mọi lứa tuổi. Buổi sáng sớm, tôi may mắn có dịp ở một số thành phố rải rác khắp nước, mỗi chỗ một hoặc hai đêm: Tôi nhận thấy người tham gia tập thể dục đa phần lớn tuổi, nhất là các vị hưu trí. Số thanh niên ít hơn. Có lẽ cũng như tôi hồi còn trẻ, ít chú trọng rèn luyện sức khỏe; tôi nghĩ mình vốn khỏe vì vốn trẻ. Thời gian chiến tranh, vấn đề tập thể dục ít được chú trọng, trừ ở các thành phố lớn. Tôi xin nhắc lại câu có nói ở một chương trước: Có hai cái mất đi người ta mới để ý, đó là: Sức khỏe và hạnh phúc.

Khi gần vào tuổi 40 tôi mới kiên trì tập thể dục, dù có tham gia đá banh, bơi lội, nhưng thời gian không đều đặn. Nếu tập từ lúc 18 tuổi, như đi bộ mỗi ngày, tôi nghĩ sức khỏe của mình sẽ khá hơn.

Có rất nhiều tài liệu đều nói đến lợi ích của tập thể dục, tốt cho sức khỏe, nhưng thực hiện hay không đều tùy theo chọn lựa cá nhân. Có người nói vui: Tập thể dục làm gì, mất thời gian, phải tập 20 năm để sống thêm chỉ có 5 năm. Nhà cũ của tôi vốn ở Đồng Nai cách Sài Gòn 100 cây số (*). Vài tháng, tôi chạy xe máy gần 3 tiếng chở vợ về thăm nhà mà không phải nghỉ dọc đường như 10 năm trước, dù tôi vừa thoát khỏi ung thư và tuổi tác nhiều hơn. Ích lợi của đi bộ mỗi ngày đối với tôi thật “thần diệu”.

Có nhiều cách đi bộ, có thể trên máy, có thể ngoài trời. Tôi chọn cách thứ hai. Có tài liệu bảo rằng, tập thể dục buổi sáng không tốt bằng buổi chiều, buổi sáng cây cối ven đường còn thải khí các-bô-nic. Tôi không rõ thế nào. Buổi sáng lại thuận lợi cho tôi: Vắng người, yên tĩnh, và sau một đêm “bất động” trên giường với giấc ngủ say. Khi ngủ máu huyết lưu thông có lẽ không “thông suốt” như khi thức; không khí hít vào phổi có khi ít hơn lúc không ngủ. Buổi sáng đi bộ sớm giúp cơ thể trở lại bình thường. Đối với tôi, và nhiều người như tôi cùng đi bộ, đều nhận xét: Bữa nào không đi bộ, cơ thể thấy “mệt mỏi” làm sao ấy. Những người quen đi bộ đã “nghiện” tập thể dục rồi hay sao? Nghiện mỗi ngày như thế thì quả là nên nghiện.


5*

Nhiều người rủ nhau đi bộ một lần để có dịp nói chuyện cho “khí thế”. Họ vừa đi vừa kể chuyện, trên trời dưới đất, trong nước thế giới. Ngày nào cũng đi lưng nửa tiếng, không trên trời dưới đất, chuyện đâu mà nhiều thế. Có người than với tôi đi bộ nói chuyện với bạn bè thành thói quen; ngày nào vắng bạn, họ thấy không “khí thế” và ảm đạm thế nào ấy. “Ảm đạm” thì làm sao tốt cho sức khỏe? Tôi lại không chọn đi bộ đông người, kể cả với người quen.

Khi tập trung vào các câu chuyện kể, làm sao tôi có thể tập trung vào hơi thở của mình. Tôi tập để ý hơi thở khi đi bộ như thế, nhất là sau đợt “tập thiền” khi chữa ung thư. Đi bộ kèm câu chuyện, không của người này cũng của người kia, làm sao chúng ta đi bộ nhanh, tập trung vào hơi thở? Cần đi có bạn tập, có thể chuyện vãn sau thời gian đi bộ; lúc ấy nói chuyện lại tốt không thua kém tập thể dục.

Người già không nên chạy bộ như người trẻ nhưng đi bộ phải nhanh, để sau 30 phút, sau lưng mồ hôi thấm ra là tốt nhất. Đi bộ một mình còn có thú vui: Chìm sâu vào yên tĩnh, không phải bận rộn vào câu chuyện liên tục của các người đồng hành. Đi bộ một mình còn chỗ tế nhị khác. Khi đi bộ nhanh, đều đặn, mấy bước thở ra, mấy bước hít vào, nhu động ruột hoạt động rất tốt. Cái gì “bí bách” trong người dễ dàng thoát ra; có người cùng đi, việc ấy sẽ rất khó xử, “kìm nén” hơi trong bụng lại còn khó xử hơn.

Đối với tôi, không phải là người hướng ngoại, một mình tôi thích hơn “nhiều mình”, vào những giây phút cần sự tĩnh lặng, bình yên. Buổi sáng đi bộ một mình là những giây phút tôi yêu quý nhất trong ngày.

Có tài liệu lại nói, người có tuổi chỉ cần tập thể dục 40 phút một lần, 3 lần trong một tuần. Tôi lại không làm theo như thế. Ngày nào tôi cũng đi bộ 30 phút và hằng ngày không nghỉ. Ngày nào vì lý do bất khả kháng không tập thể dục, ngày đó tôi cảm thấy mệt mỏi, có lẽ không đi bộ, các chất cặn bã không “thoát” ra khỏi cơ thể mình hay sao, tôi không rõ.

Có người cho rằng, con người có ba chứ không phải một…quả tim. Hai “quả tim” nữa: Bàn chân và hoành cách mô - màng ngăn giữa tim phổi gan với phần ruột non, ruột già. Khi đi bộ, người tập kích hoạt tim, đồng thời kích hoạt hoành cách mô do hơi thở mạnh, và kích hoạt hai lòng bàn chân do ma sát mặt đường. Có loại dép bề mặt có nhiều gai mềm giúp người mang cảm thấy hai bàn chân như được mát-xa mỗi khi đi lại. Các vị tu sĩ thở sâu thở dài nhờ điều khiển hoành cách mô một cách cơ động.

Đi bộ nhiều, người có tuổi như tôi sẽ tránh căn bệnh nhiều người mắc: Xương khớp, nhất là các khớp gối, khớp bàn chân. Đi lại khó khăn, phải chống gậy, đó là cảnh ngày xưa chúng ta thường thấy. Ngày nay, nhiều người già tập thể dục, đi lại của họ nhanh nhẹn hơn các cụ ngày xưa rất nhiều. Chính nhờ dinh dưỡng, nhất là rèn luyện cơ thể, ngày nay tuổi thọ con người Việt Nam không như ngày xưa: “Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể” (Nguyễn Công Trứ).

(*) Tôi vừa hoàn thành chuyến đi bằng xe máy gần 800 km lên Đà Lạt. Không thấy mỏi mệt sau mỗi ngày chạy xe chừng 100km.