Thursday, September 5, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 15.

“ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA CẦU MỚI HAY”

Chấn động đầu tiên của tôi là cầm trên tay tờ giấy kết quả xét nghiệm sinh thiết có chữ K to tướng. Ban đầu tôi nghĩ, có sự nhầm lẫn nào không. Biết đâu trong phòng thí nghiệm, người ta nhầm mẫu xét nghiệm của người khác vào mình. Cầm giấy hẹn trở lại bệnh viện làm thủ tục nhập viện chữa trị, tôi thầm cầu nguyện, biết đâu khi khám lại, tôi không phải mắc bệnh ung thư.

Ở bệnh viện, các bước xét nghiệm rất khoa học và rất chính xác theo tôi được biết, vì một bệnh nhân khi mắc bệnh, chắc chắn không thể xảy ra sai sót, ví dụ như đau lưng chẩn đoán thành đau thận, như suy nghĩ thông thường của tôi. Tâm lý hoang mang khiến đầu óc tôi mụ mị, suy nghĩ mông lung. Và khi lấy tủy sống để xác định chính xác loại ung thư, tôi mới tin chắc mình đã…ung thư.

Tìm hiểu rất nhiều và rất kỹ các tác dụng phụ của thuốc chữa trị loại ung thư đang mắc, tôi vẫn không hình dung nổi, mức độ chịu đựng mà tôi trải qua. Bây giờ nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình. Không rõ các loại ung thư khác, các bệnh nhân gặp cảm tưởng có giống tôi không - về tác động của thuốc khi truyền vào người. Tôi cũng không rõ mấy. Một cảm giác cực kỳ khó tả nhưng khó mà quên đi mau chóng.

Khi y tá sạc thuốc vào bình chứa nước, nước trong veo bỗng chuyển qua màu đỏ, nhạt như máu trong thau nước sau khi đựng tiết heo. Và khi họ chích cây kim to vào mạch máu nơi bàn tay, một luồng hơi nóng, như xông nồi nước lá, ngấm dần dần vào cơ thể. Đầu tôi có cảm giác nằng nặng, bần thần, tôi hơi khó thở. Tôi chực muốn ói nhưng cố nén lại. Bệnh nhân ngồi cạnh tôi là một người Miên trẻ, to con từ Nam Vang qua Việt Nam chữa trị. Khi vô thuốc cùng thời gian, anh nhộn nhạo, mặt xanh mét như hết máu, rồi ói ngay ra áo, xối xả thức ăn, không kìm được. Cô bạn gái vội lấy khăn hốt lại chỗ cơm lẫn nước bọt, phần trên ghế, phần dưới nền nhà. Tôi nhìn anh một lúc nhưng không thấy anh nữa, mắt tôi như tối lại. Thật may mắn, hiện tượng ấy trôi qua có lẽ khá nhanh, nhưng tôi vẫn nghĩ là khá chậm. Mắt tôi sáng lại. Tôi nghe tiếng vợ tôi đứng ngoài trao đổi gì với nhân viên y tế. Té ra bà báo với y tá mặt tôi tái mét không một giọt máu lúc tôi thấy mắt mình tối sầm bất chợt.

Người y tá tiến lại chỗ tôi ngồi, hỏi tôi thấy thế nào. Tôi thẫn thờ trả lời không sao. Cô đứng một lúc bên tôi, quan sát bình nước treo trên cao, đưa tay vặn nhỏ lại, hình như cho các giọt nước thuốc chảy chậm hơn vào mạch máu trên mu bàn tay tê dại của tôi. Cơ thể người có đặc tính dễ thích nghi. Độ 15 phút sau, tôi bắt đầu hít thở thật sâu, theo dõi hơi nóng truyền đi khắp cơ thể, hơi khó chịu ban đầu, nhưng chịu đựng được về sau, sức nóng của thuốc.

Phải mất gần 4 tiếng cho lần truyền dịch đầu tiên. Các lần sau tôi thấy nhanh hơn nhiều; có lẽ cơ thể tôi cũng thích nghi khá tốt. Một điều khá hay, người ung thư, không phải mổ xẻ gì trước khi vô thuốc như tôi, có thể đứng dậy đi lại, tuy hơi váng đầu một chút. Tôi cũng không dám vào những chỗ bệnh nhân ung thư điều trị nội trú. Không rõ vì sao họ không đi lại được như chúng tôi mà phải nằm. Có lẽ sức khỏe họ quá yếu hay có những loại thuốc khi truyền xong, họ phải nằm lại, để bác sĩ theo dõi. Trong hành lang trước phòng tôi vô thuốc, việc đi lại khá khó khăn. Có quá nhiều người ngồi hoặc đứng san sát nhau.

Nhìn một vài người xanh xao, vàng võ, từ trong các phòng bệnh nhân nội trú bước ra, tôi không dám đến đó để quan sát theo thói quen, tìm tòi, mỗi khi đến một nơi nào mới. Khi đi về, tôi bước theo bà vợ, đi trước “mở đường”. Tôi có trông thoáng qua cửa sổ các phòng bệnh nhân đang nằm: dày đặc người, cả dưới gầm giường, những người nuôi bệnh.

Đông bệnh, đông người nuôi, quang cảnh trong bệnh viện không tránh được cái vẻ nhếch nhác, bẩn thỉu, một điều không thể có trong một bệnh viện, nhưng biết làm sao; đến đây để giành lại sự sống, mọi người cũng như tôi, thầm lặng chịu đựng, thầm lặng chấp nhận hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn chung của bệnh viện, nơi tôi điều trị.

Khi ra về tôi gặp một rắc rối. Gởi xe máy rất sớm vào buổi sáng; nhưng khi lấy xe lúc hai giờ chiều. Lượng xe gởi ở bệnh viện không lúc nào ngơi nghỉ. Xe được các nhân viên sắp xếp lại khi có người lấy ra để trống chỗ cho người mới đến gởi vào. Xe tôi đi cũng vậy. Ác nỗi, tôi quên mất số xe và vợ tôi cũng không nhớ, chỉ biết là loại xe Airblade. Ở bãi giữ xe này hàng ngàn chiếc chứ không phải hàng trăm chiếc như thế. Nhân viên ngỏ lời giúp đỡ khi thấy tôi lớ ngớ đi lại cả nửa tiếng đồng hồ ngoài trời nắng chang chang của thành phố Sài Gòn. Họ cũng bó tay. Lúc đó chúng tôi lại bỏ quên điện thoại ở nhà. Vợ tôi phải nhờ máy nhân viên gửi xe gọi về nhà để biết số xe và cỡ 15 phút sau, anh em giữ xe tìm ra chỗ xe tôi dựng.

Ấy là tôi chưa kể quý vị, người nóng như cục than của tôi phải phơi ngoài trời gần gần 1 tiếng đồng hồ. Khi tìm ra xe tôi mới để ý mình đang nóng rực vì thuốc, nó như nung trong thân thể khi tôi phơi ngoài nắng. Cái nóng của thuốc không thể so sánh với bất cứ cái gì cảm nhận từ trước. Tách trà nóng, bạn có thể uống được vì tách trà có quai cầm và nước ngụm từng hớp theo ý muốn. Hàng chục tách trà nóng nằm trong người tôi, làm sao tôi có chọn lựa nào khác. Chịu đựng và chịu đựng, vậy thôi.

Đêm đầu tiên ngày vô thuốc là một đêm kinh hoàng. Con trai tôi lắp máy điều hòa cho bố vì muốn tôi được “mát mẻ” trong giấc ngủ; cháu nghĩ tôi chắc sẽ nóng, trằn trọc không ngủ, nếu nằm phòng máy quạt, vì tôi không quen nằm phòng gắn máy lạnh. Sức bơm của tim tôi đo được 63%, nghĩa là, tim tôi cung cấp không đủ máu cho cơ thể, nhất là máu đi lên não. Khám tổng quát, bác sĩ cho biết tôi hở động mạch chủ 1/4 và van hai lá, ba lá chi đó cũng tương tự. Vì máu bơm không đủ lên não, tôi hay bị ngộp khi đi xe hơi có máy lạnh. Bất đắc dĩ tôi phải ngủ trong phòng điều hòa đóng kín. Không khí cũng dễ chịu hơn khi đi xe hơi có điều hòa nhờ không gian rộng hơn.

Nhiệt độ hạ xuống đâu 18 độ C vẫn không làm tôi bớt nóng. Nằm trằn trọc cả đêm, tôi cố thở thật sâu, ra vào đều đặn, và đếm hơi thở của mình. Đếm nhiều đến nỗi quên, không biết đếm tới bao nhiêu. Tôi bắt đầu đếm lại. Có lẽ con số đếm hơi thở nhiều hơn các lần đếm trước. Vẫn không ngủ được. Người tôi vẫn nóng rang như thiêu như đốt. Có lẽ 2 hay 3 giờ sáng chi đó tôi thiu thiu chút đỉnh, rồi thức giấc để nghe cơn nóng hoành hành. Tôi không hình dung dưới hỏa ngục, tội nhân bị bỏ vào các vạc dầu không biết có nóng như tôi bây giờ hay không. Thảy vô chảo dầu, tội nhân đâu còn biết nóng nữa như tôi!

Tôi có thói quen dậy sớm lúc 5 giờ để đi bộ mỗi ngày. Đến giờ, không cần báo thức, tôi dậy đúng boong. Đêm ngủ có hỏa ngục trong người, tôi khỏi cần dậy vì có ngủ được đâu. Tôi vịn giường gượng bước, lảo đảo đôi nhịp. Tôi muốn tập thể dục. Biết đâu sẽ đỡ hơn. Không được. Tôi không bước nổi ra khỏi phòng. Mọi người còn đang ngủ. Nằm trở lại trên giường, tôi hít thở thật sâu để đỡ choáng váng do mất ngủ.

Buổi sáng khi mặt trời lên tôi lò dò ra lan can. Tôi ở chung cư cùng con trai. Buổi sáng, tập thể dục xong, tôi hay ngồi ở đó đọc báo hoặc đọc sách. Nhưng vô thuốc (hóa trị) lần đầu, tôi không ra được nơi đó nữa. Ánh sáng ban mai làm tôi rất khó chịu. Tóc chưa rụng nhưng tôi có cảm giác chúng không còn nằm trên da đầu tôi nữa. Tóc như nung nóng ở đâu rồi dán lên đầu tôi: ánh nắng ban mai làm tóc tôi như thế. Tôi phải trở lại căn phòng của mình, bật đèn ngủ lên. Tôi có cảm tưởng ánh đèn neon cũng làm người tôi nóng thêm. Tôi tắt đèn, người vẫn nóng như thiêu đốt.

Những bệnh nhân khác như tôi họ có cùng cảm giác như tôi hay không, tôi không rõ. Người cùng bệnh như tôi trả lời là có. Các bệnh nhân mắc loại ung thư khác không vô cùng loại thuốc như tôi, không rõ họ có cảm thấy trong người như lửa đốt sau lần đầu vô thuốc đầu tiên; lúc đến nhà thương, tôi cũng không buồn hỏi họ. Đến bệnh viện, yên lặng chờ đợi tới phiên khám, phiên vô thuốc, buồn não nuột, lòng dạ đâu mà hỏi với han.

Mỗi lần vô thuốc, người ta cấp thêm 7 viên uống mỗi sáng khi về nhà. Cứ sau 21 ngày, bệnh nhân đến khám lại, kiểm tra cơ thể, xem có còn sức thích hợp vô thuốc tiếp hay không. Có trường hợp bệnh nhân yếu quá, bác sĩ ngưng hóa trị, chích loại thuốc gì đó, cấp thêm thuốc bổ, cho về một thời gian, sau đó họ trở lại vô thuốc tiếp. Tôi không rõ như thế có ảnh hưởng hiệu quả trị liệu hay không.

Các viên thuốc to bằng viên thuốc bổ con nhộng, uống 7 lần, bảy buổi sáng sau ngày hóa trị, cũng “công phá” không kém thuốc truyền qua mạch máu vào cơ thể bệnh nhân. Uống xong chừng 10 phút, bụng tôi có cảm giác nóng rang, càng về trưa càng nóng hơn, nhưng chịu đựng dễ hơn so với thuốc truyền trực tiếp vào máu. Hay do cơ thể bắt đầu thích nghi, tôi không rõ.

Đến mỗi bữa ăn, đó là một cực hình. Bụng tôi nóng như vừa uống phải một ly trà nóng; như ngồi trước mặt khách, lỡ nóng cũng phải nuốt vào, không dám phun ra cho đỡ nóng. Cái nóng từ viên thuốc này tỏa ra làm tôi không còn thiết gì ăn uống, dù vẫn biết, cần phải ăn để cơ thể không suy sụp thêm.

Tôi quậy một ly sữa Ensure để uống, loại dành cho người ung thư, thấy quảng cáo ở bệnh viện. Tôi cố gắng ngửa cổ nuốt vào chứ không phải uống vào. Một hai phút sau, tôi cảm thấy cồn cào trong bụng. Chỗ sữa kia ói ra sạch sẽ, có lẽ không còn chút nào trong dạ. Cái đắng do thuốc hay do mật chiếm trọn vị giác, khứu giác của tôi. Tôi uống thêm một tý nước sôi để nguội, và cũng ói ra nốt. Vợ tôi thấy thế, dìu tôi vào lại phòng ngủ; nằm nhìn trần nhà mà thấy căn phòng như quay cuồng. Sau đó tôi không biết gì nữa cả. Có lẽ tôi thiếp đi vào giấc ngủ do quá mỏi mệt hay ngất đi mà không biết. Trời đất đôi khi cứu giúp con người. Những khi con người quá đau đớn hay quá chịu đựng, giấc ngủ, không rõ giấc ngủ gì, xâm chiếm lấy họ. Giấc ngủ vùi sâu nỗi chịu đựng hay đau đớn ấy.

Không biết bao lâu, tôi tỉnh dậy, vợ tôi ngồi bên giường. Nhìn gương mặt vợ, tôi thấy tất cả nỗi lo âu đọng trên đôi mắt của bà, buồn rười rượi. Nhà tôi thoáng mừng khi thấy tôi tỉnh giấc. Mệt quá, nóng quá, đói quá, hay say thuốc quá, tôi chìm vào giấc ngủ một giấc ngủ vùi ngắn ngủi. Và thật tuyệt vời, tôi cảm thấy đói bụng, lúc đó gần 10 giờ trưa, con trai tôi đã đi làm từ sớm. Chỉ còn vợ tôi ở lại chứng kiến sự chịu đựng của chồng trong cái nóng của thuốc, cái mệt mỏi của mất ngủ; có lẽ bà muốn chia sẻ với tôi, vẻ mặt tuyệt vọng, nhưng cái nóng trong người tôi, có lẽ bà không thể chia sẻ được.