Friday, September 6, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 16

                 ĂN, ĐÂU CÓ DỄ

Tôi có thói quen ăn rất đúng giờ. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, giờ ăn có thể thay đổi. Khi còn trẻ, người ta không cần giờ giấc cho ăn uống. Lúc nào đói ăn lúc đó, khi còn thanh niên tôi cũng như thế. Cái ăn rất cần cho cuộc sống. Khi bệnh như ung thư, liệu trình chữa trị nhiêu khê, kéo dài, việc ăn uống do đó hết sức cần thiết. Bảy ngày liên tục uống thuốc, dù chỉ một viên, tôi không ăn nổi cơm, chỉ uống sữa từng ít một, để khỏi đói, khỏi ói. Ngày thứ tám, không phải uống nữa vì hết liều, tôi cảm thấy thoải mái. Không rõ do tinh thần hay do không còn thuốc, tôi thấy muốn ăn cơm.

Bước đầu, tôi cũng ăn nhỏ nhẻ, từng ít một. Tôi không dám ăn trọn chén cơm dù có thể ăn hết. Vợ tôi rang mè cho tôi ăn với cơm, theo đề nghị của chồng. Ăn cách này, ta phải nhai kỹ mới có thể nuốt. Lúc trẻ, tôi có quen một chú tiểu tu ở chùa. Chú ăn gạo lứt muối mè thường xuyên vì chùa chú tu, các thầy, các sư đều ăn như thế, nhưng có thêm các loại bí đỏ, bí đao, các loại củ, tương và các loại rau. Tôi thân với chú và vài chú nữa, thỉnh thoảng được ăn cơm Chùa, và tôi để ý, ăn cơm với muối mè dễ nuốt nhất: nhai càng kỹ, ăn càng ngon vì có mùi thơm của mè.

Khi “say sưa” với thuốc trị ung thư, tôi cũng bắt đầu ăn với cơm với muối mè. Rất dễ ăn hay là khi ăn tôi nhớ thời gian gần gũi các chú tiểu ở chùa? Thật thần kỳ, tôi ăn ngon miệng; sau đó tôi không ăn như thế nữa và bắt đầu ăn các thứ tôi thích. Lúc đầu, tôi tin ung thư không nên ăn thịt đỏ, tôi chuyển qua ăn cá biển, không ăn cá sông, cá biển không tanh như cá sông, dễ ăn hơn.

Miệng tôi lở loét nhiều chỗ, có thể nói là suốt thời gian điều trị, càng về sau các chỗ loét nhỏ hơn, có lẽ ít hơn nhưng vẫn xuất hiện. Loét miệng đôi ba hôm, bạn sẽ thấy dễ chịu khi hết nhưng cả mấy tháng, chắc chắn bạn sẽ rất khó chịu. Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, sự khó chịu vì miệng lở của tôi ngày càng trở nên “quen thuộc”, khó cũng phải chịu.

Tôi xem tài liệu thấy cá cũng bảo đảm đủ đạm và dễ tiêu hóa hơn thịt. Bụng dễ tiêu cơm là việc rất cần cho người bệnh. Ăn nhiều thịt, bộ máy tiêu hóa vốn bị đình trệ vì thuốc sẽ càng đình trệ hơn; đối với tôi ăn cá biển là một lựa chọn ưu tiên nhất. Tất nhiên các loại rau quả khác đều phải đa dạng. Ăn uống thời gian này rất cần đủ chất. Thức ăn đa dạng, tôi cần phải ăn dù nhiều loại thực phẩm, lúc trước tôi không ưa thích mấy.

Có một bất tiện: gia vị cho chế biến các món cá. Cá không ướp gia vị ban đầu là nỗi khó chịu cho tôi. Nhưng miệng tôi bị lở, có gia vị làm sao chịu được. Ngay cả bỏ củ hành nhỏ, để dễ ăn, tôi cũng không ăn được vì hành củ quá…cay. Tôi rất thích ăn hành củ và nhất là hành tây. Nay, trong món ăn “chủ đạo”, cá biển, hành tây bỏ vào tôi cũng không ăn được; nó cay còn hơn ớt những lúc tôi không lở miệng. Không ăn thì không đủ chất. Tôi buộc phải ăn. Quý vị thử các món ăn có cá không kèm gia vị để thấy nỗ lực của tôi như thế nào.

Một trở ngại nữa: cơm nóng, canh nóng, cá chế biến nóng – tôi không ăn được, các chỗ loét lúc nào cũng hiện diện, không chỗ này, cũng chỗ khác trong miệng, dù bệnh viện có bán pomade đặc trị để xức; lành chỗ này lở chỗ khác, chúng muốn lở đâu thì lở, chỉ có răng là không; nướu, lưỡi, vòm họng, chúng thích chỗ nào thì lở chỗ đó. Mọi người ăn xong, tôi còn phải chờ cho chiếc quạt chạy rò rò với tốc độ vừa phải không bay cơm, bay nước canh, nước cá. Các thức ăn nguội hẳn, tôi mới bắt đầu ăn. Cơm nóng, canh nóng, “ăn nóng mới ngon” như mẹ tôi thường nói khi xưa, không còn ngon nữa; tôi có ăn được đâu mà ngon!

Thói quen tưởng khó bỏ nhưng khi bạn đã bệnh như tôi, ung thư, thì thói quen phải bỏ, không “nghĩa địa” gì đối với tôi: ăn cá không gia vị, ăn cơm, canh không cần hâm nóng. “Ăn để sống chớ không phải sống để ăn” trong thời gian tôi chữa trị ung thư thật là đúng đắn. Có các loại thực phẩm lúc trước tôi không thích nhưng nay, đọc tài liệu thấy tốt cho việc “tiêu diệt” tế bào ung thư như cải bẹ xanh hay súp lơ Đà Lạt, tôi bắt đầu ăn, không thích, cũng phải thích.

Tôi có thói quen uống cà phê “ba trong một” (cà phê, đường, sữa), tức cà phê gói, mỗi buổi sáng. Và uống nóng cho ngon không còn là cách uống đúng cho món cà phê đối với tôi. Thói quen hình thành khó bỏ, cho tới bây giờ, tôi vẫn chưng cà phê trong nước thật nguội, trước khi uống, như thế, tôi lại thấy nó ngon, trái với thông thường, cà phê cũng như trà, uống nóng mới ngon. Thỉnh thoảng tôi uống trà và trà cũng phải nguội…mới ngon. Tôi tìm hiểu, uống trà thật nóng, nguy cơ ung thư vòm họng ở đàn ông cao hơn uống trà nóng vừa phải. Không biết tài liệu ấy thế nào nhưng nếu đúng thì “nguy cơ” ung thư vòm họng khó đến với tôi, vì tôi uống trà…nguội, cà phê… nguội.

Thói quen ăn uống có thể đóng góp phần nào cho việc hình thành các loại bệnh cho con người hay không? Tôi nghĩ là có. Nếu có thói quen ăn nhiều gỏi cá, tiết canh, biết đâu người ăn sẽ dễ bị nhiễm giun sán hơn người ít ăn, hay không ăn chúng? Nhiễm sán chó nghe nói rất khó phát hiện và rất khó chữa đối với người thích ăn tiết canh chó hay ăn thịt chó luộc chưa thật chín (có người còn ăn tiết canh chó sao trời?).

Khi tôi bệnh, tôi chú trọng đến ăn uống rất nhiều và tôi bỏ công tìm hiểu nhiều tài liệu - ăn thứ gì tốt cho người đang chữa trị ung thư; và tôi phải chắc, những thứ có trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam; chẳng hạn, củ cải trắng (trước đây tôi rất ghét) hay cải bẹ xanh sống (vì rất hăng). Nay tôi lại rất thích ăn cải sống rửa sạch và thịt kho củ cải trắng. Tôi đọc đâu đó, cải bẹ xanh, củ cải trắng có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Chưa biết cơ sở khoa học nhưng tôi vẫn ăn vì hai thứ này người ta vẫn ăn thường xuyên.

Tuy nhiên, không phải chỉ ăn cá, tôi thỉnh thoảng còn ăn thịt “trắng” như thịt gà, thịt vịt, và cố tránh món thịt bò. Lúc chưa bệnh, tôi rất thích và thường xuyên ăn thịt bò. Có tài liệu bảo thịt đỏ, nhất là thịt bò, không tốt cho người bị ung thư, tôi không dám đụng đến, cho tới khi tôi hỏi bác sĩ trị bệnh cho tôi, và được trả lời, nên ăn để có sức khỏe mà chống chọi lại bệnh, tôi mới dám ăn, và ăn rất đều đặn.

Trước 1975, tôi có mấy bạn học sinh viên cần tiền mua thêm sách vở; họ đến bệnh viện để… bán máu. Một lần nghe đâu 500 đồng (3000 đồng/ cơm tháng đối với sinh viên). Tôi nghe họ kể lại, bán máu xong, ngoài số tiền, bệnh viện mua máu còn mời một bữa cơm có 1 lát bít tết bò to như bàn tay, ăn với khoai tây chiên, để phục hồi cơ thể do máu bị lấy bớt. Như vậy, thịt bò rất tốt cho cơ thể người đang chữa ung thư, phải vô hóa chất, da xanh mét, có lẽ do mất nhiều hồng cầu.

Giáo sư Lập Thạch Hòa, người Nhật Bản, sáng chế công thức nấu nước gạo lứt (tôi có lần đề cập) và canh dưỡng sinh (*) có lập luận: Khi người Mỹ mang sữa bò (sữa đậu nành phổ thông ở Nhật) và thói quen ăn nhiều thịt bò qua Nhật, người Nhật bị ung thư nhiều hơn trước. Ông cho rằng sữa bò và thịt bò không gây ung thư cho người phương Tây vì ruột của họ dài hơn ruột của người Nhật (?). Vì vậy, có tin tưởng, những người ung thư không nên uống sữa bò hay ăn thịt bò? Tôi không kiêng thịt bò khi bị ung thư theo lời khuyên của bác sĩ chữa trị cho tôi. Bác sĩ nói: “Bây giờ ông cần ăn thịt bò để có sức. Nếu ông không ăn, bệnh sẽ “ăn” ông. Khi hết bệnh, ông muốn ăn hay kiêng là quyền của ông”. Và tôi nghe theo lời bác sĩ.

Nhưng khi khỏi bệnh, do tin vào một số tài liệu, tôi cữ ăn nó, đâu 2 hay 3 năm không dám đụng tới. Nay tôi ăn lại, ăn mạnh, nhưng có thấy ung thư ung thiết gì nữa đâu. Tôi cũng uống Ensure dành cho người bình thường cả 8 năm nay. Nhiều người ngạc nhiên, bảo tôi tại sao lại uống sữa, không sợ ung thư trở lại sao. Tôi cười lắc đầu. Sữa giúp tôi có gương mặt hồng hào từ khi khỏi bệnh cho đến nay. Người khác có uống sữa như tôi sau khi chữa khỏi ung thư hay không, tôi chưa rõ.

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Bệnh mỗi người cũng không giống nhau. Tốt với tôi nhưng lại không tốt với người khác, trong vấn đề ăn uống, ấy là vấn đề dinh dưỡng trong chữa trị ung thư. Nhiệm vụ của tôi là nói ra hoàn cảnh, trường hợp của mình, chia sẻ hay không chia sẻ, đó là sự chọn lựa của mỗi người, nhất là những người đang chữa trị hay đang mang trong mình căn bệnh ung thư cần quan tâm dinh dưỡng.

CHÚ THÍCH (*): Thành phần của canh dưỡng sinh gồm có: + Củ cải trắng cỡ trung bình: một phần tư củ. + Lá củ cải trắng (phần trên của củ cải): một phần tư chùm lá, bổ dọc xuống để có lá có cọng. + Củ cà rốt cỡ trung bình: nửa củ. + Nấm đông cô Nhật Bản (thứ có lằn nứt nẻ màu trắng, đừng lẫn lộn với thứ trơn của Trung Quốc): một cái. + Củ Ngưu Bàng (tiếng Anh: Burdock): củ lớn một phần tư, củ nhỏ phân nửa. Phương pháp nấu: Tất cả nguyên liệu đều còn trong trạng thái bình thường, chưa hề luộc qua lần nào. Đồ nấu phải sử dụng bằng thủy tinh có nắp đậy, loại chịu đựng được lửa nóng. Dừng gọt sạch vỏ và không nên cắt quá nhỏ. Phải đổ thêm nước gấp 3 lần phần vật liệu hợp lại. Khi sôi, phải vặn lửa thật nhỏ để nấu tiếp trong một tiếng đồng hồ mà không cạn nước. Dùng nước canh dưỡng sinh này thay thế nước trà để uống. Phần xác (cái) còn lại dùng để nấu canh ăn tùy thích, đừng bỏ uổng. Lưu ý: Đừng nghĩ rằng để thêm nhiều vật liệu chừng nào thì hiệu quả của canh dưỡng sinh càng hay chừng nấy.