SỐNG CHUNG VỚI LŨ KHÔNG CÓ NGHĨA BÓ TAY VỚI LŨ
Có một điều ai cũng biết, lần đầu tiên phát hiện mình mắc bệnh, bất cứ bệnh gì, người bệnh rất lo lắng và sợ hãi. Phát hiện bị ung thư, nỗi lo lắng và sợ hãi sẽ không cùng. Tôi cũng vậy. Một thời gian hoang mang và đau khổ. Cuộc sống ngắn ngủi vậy sao. Tôi sẽ từ giã gia đình, người thân, bạn bè…sớm như vậy sao, dù ai cũng biết con người không phải đều 100 tuổi, chứ chưa nói tới trăm năm hạnh phúc.
Tạo hóa ban cho con người một tính năng tôi thấy rất đặc biệt: thích nghi. Có lẽ nhờ thích nghi, con người mới còn sống sót sau bao nhiêu là dâu bể, hàng triệu năm nay trên mặt đất. Động đất, núi lửa, đại hồng thủy, từng tiêu diệt giống nòi lớn nhất hành tinh: khủng long. Nhưng biết bao tai tai họa thiên nhiên không tiêu diệt nòi giống loài người nhờ cái “cây sậy” này biết “suy nghĩ” (Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ” - Pascal). Biết suy nghĩ nên con người dễ thích nghi để sinh tồn trước bao nhiêu hiểm họa, tôi xin nói ở đây, hiểm họa mắc ung thư.
Lo lắng, sợ hãi cũng chết tại sao không lo lắng, không sợ hãi để “chống chọi” với ung thư; nói một cách khác, tại sao tôi không thể sống chung với căn bệnh quái ác từng giết chết rất nhiều người? Khi vô thuốc lần thứ ba, tôi không còn sợ ung thư nữa. Có lẽ tôi làm quen với lò lửa nung cháy gan, tim, phèo, phổi của tôi? Không. Chỉ một phần thôi. Các cơn hành hạ mấy hôm đầu của các lần vô thuốc vẫn như trước: ói mửa, nuốt không nổi hớp sữa chứ đừng nói ăn cơm, miệng lở loét, không ăn được cá kho ngót bỏ một hai lát hành tươi, chứ chưa nói cá cần phải tiêu phải ớt mới tránh khỏi tanh. Ngay cả bước ra hiên để nhìn ra cảnh vật bên ngoài, tôi cũng không dám: ánh sáng mặt trời như lò lửa phả hơi nóng vào mặt vào đầu vào da thịt tôi. Một cái nóng tôi chưa từng cảm nhận mà cũng không thể tả ra cho người khác cảm nhận.
Suy nghĩ “sợ cũng chết, không sợ cũng chết” trong tôi hình thành càng vững, càng rõ rệt, những tháng về sau trong thời gian chữa bệnh. “Thôi liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Hai câu thơ trong truyện Kiều rất thích hợp tâm trạng của tôi những ngày điều trị gian nan ấy. Tôi có thể cười sảng khoái khi ai đó đùa “hòa thượng thích đủ thứ” khi đầu tôi không một cọng tóc. Tôi không còn tha thiết uống bia dẫu một lon mỗi bữa ăn tối (Tôi có thói quen như thế cả chục năm nay). Tôi không còn cảm thấy thương thân trách phận, nước mắt chực trào ra như một vài lần đầu vô thuốc, khi ai đó nhận xét, liệu tôi có sức để chịu nổi hóa trị đủ thời gian hay không.
Sợ cũng chết, không sợ cũng chết, nói như ngôn ngữ bây giờ, là khẩu hiệu tôi hô vang mỗi ngày trong tâm trí. (Ấy là suy nghĩ của người bệnh ung thư như tôi; đâu phải mắc ung thư ai cũng chết). Tôi tìm đọc các sách về Phật giáo. Trong cái uyên áo của Phật pháp, có cái suy nghĩ, duyên hợp thì có, duyên tan thì mất; sự có mặt của tôi cũng là duyên hợp lại của cha, của mẹ, của ông bà tôi. Bây giờ duyên không còn hợp thì thân này phải tan, nghĩa là phải chết. Có chi đâu mà sợ.
Tuy nhiên, trong vài trường hợp “sợ quá” hóa “gan” (dạ). Tôi xin kể câu chuyện của mình. Một lần tôi bất đắc dĩ phải ở lại trong rừng một mình, cho đến gần tối không thể ở nữa để chờ đồng bạn. Quê tôi núi rừng nhiều hơn đồng bằng. Những năm đói khổ vì hợp tác thì núi rừng cứu đói nông dân trong đó có tôi.
Tôi vắt cơm gói bằng lá chuối, rìu rựa, đi theo các bác trong làng thành thạo núi rừng vào núi đẽo cây về bán. Núi chúng tôi đồi dốc rất đứng. Để giữ sức khỏe, vào rừng người ta sẽ theo lối đi lượn theo đồi dốc, xa hơn nhưng khỏe hơn; lúc ra người ta thả cây theo các dốc đứng ở lối khác, lần đó tôi chưa biết. Người ta níu gốc cây nhỏ tụt xuống, không phải vác cây trên vai nặng nhọc. Lần đầu tiên đi rừng theo họ, tôi không rõ có hai cách đi vào đi ra, khác nhau như thế.
Trên đường đi không ai lưu ý cho tôi biết điều đó. Thế là tôi ở chờ họ cùng ra cho đỡ sợ nếu đi một mình khi đẽo xong một khúc cây rừng. Chờ đến khi trời tối; trong rừng trời rất mau tối. Khi thấy tối hẳn, tôi buộc rìu lên vai, vác cây đi bộ, theo lối vào ban sáng.
Ở quê tôi, người ta bảo trong rừng không có ma mà có cọp. Xứ tôi sau các năm 1975, người đi núi vẫn còn thấy cọp; chúng rất dạn dĩ, khi đói có thể tấn công cả người hoặc bắt chó đi theo. Tôi lấy rựa bén cầm tay, vai vác cây đã đẽo; cây khá nặng nhưng lúc đó quá sợ nên quên cả nặng. Đi từng bước, chân đạp lên lá, tiếng động xào xạc; lúc đầu, tôi tưởng có cọp bước theo. Đi trong bóng tối, lần theo đường mòn, chốc chốc tôi quay lưng lại quan sát. Độ một tiếng sau, quá mệt, tôi không còn sợ cọp như lúc đầu. Trong đầu óc lóe lên suy nghĩ: cọp tấn công, tôi sẽ đáp trả, với chiếc rựa của mình trên tay. Nghĩ thế tôi không còn sợ nữa. Sợ quá hóa gan.
Không biết là mấy tiếng, thay cây vác từ vai này sang vai kia, và khi quá mỏi, đổi vai vác ngược lại. Rồi cũng tới đích, trước mắt là dòng sông, tôi ra đến bờ sông, bên kia bờ là lối đi về nhà. Trời tối đen như mực trừ trên mặt sông mênh mông, sóng nước chấp chóa, có đôi chút ánh sáng. Buổi sáng, sông cạn nước; buổi tối vì có mưa lũ từ nguồn đổ về, nước sông mênh mông. Một mình bơi qua sông trong đêm, không có gì sợ hãi bằng.
Câu chuyện về con ma-da tôi nghe lúc bé, một loại hà bá sống dưới sông, thường kéo người dìm xuống nước chết đuối, hiện ra trong đầu óc tôi. Nhưng gần khuya, không bơi qua sông tôi phải nhịn đói, chịu rét một mình cho đến sáng. Biết đâu có một con cọp nào đó theo dấu chân người đi kiếm ăn, tôi là mồi cho nó thì sao. Thế là tôi quyết định bơi qua sông.
Nỗi sợ hãi không còn. Sợ cọp, sợ ma-da biến mất. Bản năng sinh tồn làm tôi gan dạ. Tôi vừa bơi, vừa dìu cây cột chặt rựa rìu, đến bờ sông bên kia. Khi về đến nhà tôi thấy nhiều người hàng xóm còn đang lao xao trước cổng, kẻ đuốc người đèn, sáng cả khu vực; ba tôi nhờ họ vào núi tìm tôi nhưng không ai dám lội qua sông vì nước quá sâu. Sợ hãi cũng phải tìm lối sống. Lúc trẻ như thế, lúc già gần 60, không lẽ tôi chịu bó tay trước nỗi sợ ung thư?
Thích nghi với bệnh, các tác dụng phụ khắc nghiệt của thuốc, ngày càng nhiều nhưng ngày càng chịu đựng. Ý tưởng “sợ cũng chết, không sợ cũng chết” có lẽ giúp cơ thể tôi hình thành một sức mạnh nào đó; giống như khi vui vẻ cơ thể chúng ta tiết ra hormone “hạnh phúc” Dopamine.
Tôi nghĩ cái ý tưởng “thách thức” ung thư của tôi cũng na ná câu chuyện “đề kháng” của những người Việt qua Mỹ sống một thời gian dài. Ở xứ văn minh, có lẽ họ ít tiếp xúc với vi trùng. Trở về nước thăm quê, đi đâu họ cũng cầm theo chai nước lọc: họ sợ tiêu chảy. Lúc còn ở Việt Nam, tiêu chảy không bao giờ đến với họ. Người Việt có sức đề kháng cực tốt: gỏi cá, tiết canh vịt, tiết canh heo, có người còn ăn, trong lúc H5N1 làm chết biết bao nhiêu người. Và có bao giờ họ bị đau bụng?
Môi trường sống ở Việt Nam giúp họ làm quen với đủ các loại vi trùng, từ vi trùng con, vi trùng cháu đến vi trùng cha, vi trùng ông nội, ông cố, ông tổ… Họ không bao giờ sợ chúng. Nhưng khi qua Mỹ sống một thời gian, các thứ đều “vô trùng” tuyệt đối, họ rất ghê sợ tiết canh vịt và cũng không bao giờ thấy tiết canh vịt; họ sợ hãi vi trùng vì người Mỹ cũng rất sợ vi trùng. Chế vắc xin covid còn thử tới thử lui tùm lum, an toàn 95% cũng còn người sợ huống hồ vi trùng. Đó là lý do, mấy bác Việt kiều đi đâu cũng kè kè chai nước khoáng khi trở về “xứ sở của vi trùng”.
Con Corona giết chết cả triệu người trên thế giới cũng chẳng là cái đinh gì đối với đồng bào họ ở Việt Nam. “Sợ cũng chết không sợ cũng chết” biết đâu đã tiết ra cái chất giúp mấy bác Việt kiều khi còn ở Việt Nam chống lại vi trùng tiêu chảy, khi qua Mỹ cái chất ấy “ở lại” quê nhà; và biết đâu “khẩu hiệu” này cũng giúp tôi có sức đề kháng cái ông nội ung thư kia? Đến giờ này, gần 8 năm, tôi vẫn còn “chạy tốt” mà không còn sợ ổng đeo theo đe dọa. Hãy sống chung với ung thư như bà con sống chung với lũ; tất nhiên phải ở trên ghe, phải ở chỗ cao, đối với bệnh nhân ung thư là chữa trị và bồi dưỡng cơ thể, đặng tránh nước lũ nhấn chìm ghe. Sống chung với ung thư không có nghĩa phó mặc số mệnh mình cho nó.