(Nhân xem mấy bức ảnh về cờ nước sơn trên mái nhà chụp bằng flycam)
“Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng. Yêu cha yêu mẹ, yêu thầy yêu cô, yêu bạn yêu bè, yêu quê cha đất tổ, thậm chí “tử vì đạo” cũng không thể sánh được với lòng yêu nước”.
Tôi đọc tình cờ câu này đâu đó không nhớ rõ. Định nghĩa yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý nghe thuận tai nhưng khi nói “không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng” thì tôi thấy có gì đó chưa thuận tai, không dám nói là không đúng.
Tình cảm là lẽ tự nhiên trong con người, có hay không có, và tình cảm thì không cân đong đo đếm, do đó không thể nói tình cảm này to tình cảm kia bé, bằng cách so sánh.
Tình cảm (yêu hay ghét) là một chọn lựa từ sự tự do, tự nguyện. Không ai bảo tôi phải ghét người này yêu người kia nếu tôi không muốn. Không ai bảo tôi phải yêu nước 99 % và yêu mình 1%, phải hy sinh để bảo vệ nước, nước sẽ mất vì không có ai yêu nước. Tình cảm yêu nước, do đó, phải giữ vị trí “thống soái” hơn các tình cảm khác? (Trật đường rầy 1 chút, Do Thái sống lưu vong gần hai nghìn năm, họ mất nước vì không ai yêu nước?)
Tình cảm dành cho cha mẹ không giống tình cảm dành cho thầy cô, càng không giống tình cảm dành cho bạn bè. Mỗi tình cảm có những sắc thái và biểu hiện riêng. Có một tình cảm “bao trùm” lên các tình cảm khác thì cũng khó nghĩ dù đó là tình yêu nước, thường gọi là ái quốc.
Ái quốc, yêu nước, là một tình cảm thật ra không giống những tình cảm khác nhưng cũng là một tình cảm, một tình yêu, nó cũng cần thể hiện cụ thể, biểu hiện cụ thể, không thể mơ hồ, trừu tượng nhưng không vì thế mà cân đo nó được.
Yêu nước có nghĩa là yêu cái gì cụ thể, làm cái gì cụ thể, không thế thì đâu có khẩu hiệu: “đóng thuế là yêu nước"? Tình yêu nước kiểu này cao hơn hẳn hay bao trùm hẳn thì ai đóng thuế nhiều sẽ yêu nước nhiều? Như vậy, ông ngoại quốc Samsung sẽ chiếm đầu bảng yêu nước.
Yêu nước là tình cảm xuất phát từ tình yêu cha mẹ, anh em, xóm giềng, xóm làng, bờ tre, con sông khi bé ta hay tắm mát…cho đến quê hương ta ở nói chung. Một tình yêu cụ thể.
Một người tham gia cách mạng trước đây lúc 18 tuổi cho đến khi trên 70, khi tôi hỏi lý do vì sao ông chọn lấy hiểm nguy, chọn lấy cái chết, không ở lại vùng “Mỹ, Ngụy” để tránh đạn, tránh bom, ông trả lời “tôi đi theo cách mạng vì cha tôi trước theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Mỹ thế chân Pháp, chúng cũng sẽ làm như thế đối với tôi. Tôi phải cầm súng chống Mỹ”.
Thời chiến tranh, tôi có người anh rể hoạt động cơ sở “cách mạng” trong lòng chế độ “quốc gia”, một tình huống cực kỳ nguy hiểm; ông rất giàu có, con ông ở Sài Gòn, học hành giỏi giang, sau này thành đạt, có người bác sĩ, dược sĩ, có người tiến sĩ, lý do yêu nước sâu xa… là vì vợ ông, tức chị ruột tôi, trước 1954 bị Tây giết khi đang mang thai gần ngày sinh nở cùng một lần với mẹ và em gái ông. Ông yêu chị tôi, yêu gia đình ông, do đó ông mới theo “cách mạng”, rồi mới dẫn đến yêu nước, dù đã trả giá bằng bản thân bị tù đày, tra tấn.
Rõ ràng, không phải vị cán bộ này, hay anh rể tôi, lúc đó được loa phường tuyên truyền lòng yêu nước, hay có một lòng yêu nước nồng nàn đang ấp ủ; ông đã yêu người cha của mình trước tiên cũng như anh tôi, ông yêu người vợ của ông trước tiên; người thì thể hiện tình cảm của mình với cha, người thì với vợ, bị bọn thực dân giết chết, trước khi họ thể hiện lòng yêu nước. Chưa có thống kê khoa học nói về lý do đầu tiên và chính yếu thúc đẩy nhiều người chấp nhận hiểm nguy đi theo "cách mạng", nhưng tôi có thể suy đoán họ yêu cha mẹ, gia đình, yêu xóm giềng, yêu làng xã, yêu quê hương họ ở, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ những cái đó, để tất cả con người và nơi chốn họ ở được bình yên, không bị giày xéo bởi quân xâm lược và chúng ta gọi đó là lòng yêu nước.
Yêu nước xuất phát từ yêu một cái gì đó cụ thể, không thể yêu nước trừu tượng.
Chúng ta nghe câu chuyện về hai nhân vật của Quốc Dân đảng: Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Vị thủ lĩnh đẹp trai này bị đưa lên đoạn đầu đài, trước sự chứng kiến (nhờ ngụy trang) của người yêu, cũng là người vợ, nỗi đau đớn pha lẫn căm thù trong lòng cô gái xinh đẹp tuổi đôi mươi này ngút ngàn, chất ngất. Người ta hy vọng sau đó, vị nữ chiến sĩ kiên cường trẻ tuổi này sẽ tiếp tục con đường chống Pháp, để báo thù cho cái chết của chồng và các đồng chí, thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến của mình.
Không, bà đã quyên sinh sau khi viết hai bức thư tuyệt mệnh gởi cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng, bằng chính khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học, trước khi biết bị bắt, đã trao cho. Bà yêu nước hay bà yêu chồng?
Chúng ta không thể kết luận hồ đồ bà chỉ yêu chồng mà không yêu nước. Bà vì nước, và có thể, vì chồng mà yêu nước. Phận nước nổi trôi cùng số phận mỗi con người Việt Nam. Bà là người yêu nước. Tình cảm dành cho chồng của bà ngang hay thấp hơn tình cảm dành cho quê hương nếu người ta có thể “đo đếm” như câu nói ở đầu bài?Tình cảm về chồng, về tổ quốc đều trân quý như nhau, không thể kết luận yêu nước phải bao trùm lên tất cả các tình yêu khác.
Phan Châu Trinh với chủ trương bất bạo động (trong khi có những người thích chủ trương bạo động) có yêu nước không? Tôi hỏi ngây ngô quá?
Phan Châu Trinh yêu nước theo cách của cụ. Cụ yêu nước nhưng không thể hiện lòng yêu nước đó bằng bạo động. “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. (Xin nôm na: không vọng ngoại, vọng ngoại tất ngu; không bạo động, bạo động tất tử).
Chọn lựa bất bạo động của chí sĩ trong đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước không thể bảo đó là lựa chọn…không đúng đắn, thiếu thức thời. Nếu đọc kỹ lịch sử phong trào chống sưu thuế, dưới tác động của cụ và các đồng chí, phát xuất từ huyện Đại Lộc (quê tôi - theo Lịch sử Quảng Nam của Nguyễn Q. Thắng) dấy lên và lan ra nhanh chóng khắp cả miền Trung, chúng ta thấy sức mạnh của bất bạo động mãnh liệt vô cùng, khi đoàn chống sưu thuế đi đến đâu, dân chúng ùn ùn kéo theo đó, như thác lũ (bây giờ gọi là biểu tình), chính quyền thực dân súng ống đầy mình và họ không dám đàn áp bằng vũ lực. Giả sử phong trào này xảy ra ở Thiên An Môn, hàng chục vạn người bị giết chứ không phải mấy ngàn như năm 1989. Tây bó tay, sau đó mới “bắt nguội” những người cầm đầu.
Đấu tranh bất bạo động này người Ấn áp dụng theo thánh Gandhi có thể xảy ra sau Phan Châu Trinh áp dụng ở Việt Nam.
Tôi đọc sử Quảng Nam và phát hiện ra một chi tiết tôi cũng ngạc nhiên mà nhiều người chưa biết: cha cụ Phan Châu Trinh bị giết dưới tay nhà lãnh tụ phong trào Cần Vương, ông Nguyễn Duy Hiệu, do một sự nhầm lẫn có nguồn tin báo ông theo…Tây.
Chí sĩ Phan Châu Trinh vĩ đại trong những người vĩ đại ở chỗ: không lấy cái chết của cha làm thù hận, quay lại chống những người đã giết cha ông; và qua cái chết này của cha, Phan Châu Trinh (theo nhận định của riêng tôi) biết đâu đã chọn bất bạo động là phương pháp đấu tranh chống Pháp và rất tiếc cho lịch sử, đấu tranh bất bạo động của cụ không kéo dài được lâu vì cụ sớm qua đời, không người kế tục phương pháp này, và biết đâu, nếu còn sống thêm 10 năm, cụ cũng sẽ thành công như Gandhi, từng sách động biểu tình, và nhất là nhờ tuyệt thực non một tháng, đã giành lại độc lập cho Ấn Độ.
Và tiếng Anh, tiếng của Đế Quốc sau đó được dùng làm ngôn ngữ chính thức của đất nước hơn 1,4 tỷ dân với hơn mấy trăm ngôn ngữ, một lối vận dụng khôn ngoan, về bản chất, không khác chi chủ trương của Phan Châu Trinh “ỷ Pháp cầu tiến”, đã bị một số người lên án, họ cho rằng cụ muốn thỏa hiệp với Pháp.
Cụ Phan Châu Trinh yêu nước và sách lược bất bạo động, cũng là một cách yêu nước, nếu được vận dụng tốt hơn, được nhiều người ủng hộ hơn thời đó, nước Việt Nam biết đâu đã không hy sinh hàng triệu người cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?
Cái chết của người cha không ảnh hưởng, không tác động đến lòng yêu nước, đến quyết định chọn lựa đấu tranh bất bạo động đối với giặc Pháp của Phan Châu Trinh hay sao?
Mọi tình yêu dành cho: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, cho mọi người thân và tình yêu dành cho quê hương ta gọi là tình yêu nước đều có những giá trị nền tảng riêng và không nên mang ra so sánh tình cảm nào cao, tình cảm nào thấp, như một vật chất cụ thể, có nặng có nhẹ.
Tôi đoan chắc người yêu nước là người yêu mình, yêu gia đình trước tiên. Mình được yêu nghĩa là chăm bồi bổ sức khỏe, gia đình an tâm tiễn con lên đường, hun đúc thêm tinh thần yêu nước. Đau ốm, còi cọc, bước khỏi cửa thì lo nghĩ ai phụng dưỡng mẹ cha, làm sao thanh niên cầm nổi súng mà đánh giặc nếu chúng bất ngờ tấn công trước?
Chắc chắn những bức ảnh chụp cờ nước vẽ trên mái nhà không làm cho lòng yêu nước trở thành sức mạnh nếu không thấy được thường xuyên. Có ai leo lên mái nhà và đứng mãi trên ấy để nhìn ngắm lá cờ thân yêu cho tinh thần yêu nước trở nên rạt rào tuôn chảy?