Thursday, August 15, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 2

                                          UNG THƯ, VÌ SAO MẮC BỆNH?

Không phải là bác sĩ hay chuyên gia nghiên cứu ung thư, lấy tư cách là người bệnh, tôi trình bày khái quát hiểu biết về căn bệnh, ngày càng nhiều người mắc này ở Việt Nam.

Ung thư là căn bệnh chết người thứ hai ở Mỹ, sau bệnh tim, nhưng thuật ngữ “ung thư” thực tế đã gộp hơn 100 bệnh vào làm một. Tất cả các ung thư đều có nhiều điểm chung: Đột biến khiến các tế bào thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, và thường gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Hầu hết mọi người phân biệt ung thư theo nơi chúng xuất hiện trong cơ thể, chẳng hạn ở vú thì gọi ung thư vú, ở phổi thì gọi ung thư phổi, ở bao tử thì gọi ung thư bao tử… Tất nhiên, trong y khoa, người ta có khi dùng những từ chuyên môn hơn để gọi loại bệnh ung thư nào đó.

Di truyền và môi trường là hai yếu tố gây ra bệnh ung thư. Điều đó không có nghĩa là ung thư là do cha mẹ mình “để lại” cho con cái, những người trong gia đình có ung thư thì người khác nên lưu ý hơn về sức khỏe của mình. Khi khám bệnh cho tôi, bác sĩ hỏi, có ai trong gia đình có tiền sử bệnh hay không, tôi trả lời không. Nhiều người ung thư từ những gia đình không ai ung thư, điều ấy nói lên, di truyền không phải là yếu tố quyết định cho bệnh ung thư, nếu có, có lẽ một số không lớn; và môi trường sẽ là phần đóng góp đáng kể.

Những người bị ảnh hưởng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki và con cháu họ là những người mắc ung thư nhiều hơn người ở vùng khác. Nhưng nếu do môi trường, thì mọi người nằm trong vùng ảnh hưởng phóng xạ hạt nhân, ai ai cũng phải mắc ung thư, tại sao người có, người không, dù nguy cơ mắc cao những nơi nhiễm phóng xạ? Ở đây, theo tôi suy nghĩ, chính cơ thể với cơ địa mỗi người đóng vai trò chính trong việc mắc hay không mắc ung thư.

Có người cho rằng, ở Việt Nam, số người mắc ung thư ngày càng nhiều (chúng ta nên nghĩ tới số dân ngày càng tăng) là do ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sản xuất, một số rau trái có thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, các chất bảo quản, phụ gia không được phép. Thế thì ở Hoa Kỳ, số người ung thư chiếm hàng thứ hai số người chết mỗi năm, quy định an toàn thực phẩm họ kém hơn Việt Nam hay sao? Tôi không có chuyên môn để đi sâu phân tích nguyên do gây ung thư cho người Việt Nam. Tôi xin nói sơ lược về loại bệnh này, theo kiến thức một người bình thường, từng là nạn nhân ung thư.

Ung thư có trên một trăm loại. Ở Việt Nam, các loại ung thư thường gặp nhất là: Ung thư gan, ung thư họng, ung thư miệng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư ruột già, ung thư máu, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư tiêu hóa, và ung thư cổ tử cung. Những loại ung thư có khả năng chữa lành cao nhất là: Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp, ung thư tinh hoàn, ung thư da, ung thư vú.

                                                     NGUYÊN NHÂN UNG THƯ

Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: vật lý, hoá học và sinh học.

TÁC NHÂN VẬT LÝ

Bức xạ ion hóa

Bức xạ ion hóa chính là nguồn tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ tự nhiên hoặc từ nguồn xạ nhân tạo được dùng trong khoa học và y học có khả năng ion hóa vật chất khi bị chiếu xạ.

Bức xạ cực tím

Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời. Càng gần xích đạo tia cực tím càng mạnh. Tác nhân này chủ yếu gây ra ung thư ở da.

TÁC NHÂN HÓA HỌC

Thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 90% ung thư phế quản. Tính chung thuốc lá gây ra khoảng 30% trong số các trường hợp ung thư chủ yếu là ung thư phế quản và một số ung thư vùng mũi họng, ung thư tụy, ung thư đường tiết niệu.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35 % trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết...

Ung thư nghề nghiệp

Khi làm việc trong môi  trường nghề nghiệp con người tiếp xúc với cả bức xạ ion hóa và virut, nhưng những tác nhân sinh ung thư quan trọng nhất trong nghề nghiệp chính là các hóa chất được sử dụng, ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng từ 2 đến 8% số ung thư tùy theo mỗi khu vực công nghiệp.

CÁC TÁC NHÂN SINH HỌC

Virus sinh ung thư

Có 4 loại virus liên quan đến cơ chế sinh bệnh ung thư:

- Virus Epstein – Barr:

Loại ung thư này đầu tiên thấy có mặt ở bệnh ung thư hàm dưới của trẻ em vùng Uganda (loại bệnh này do Epstein và Barr phân lập nên virut này được mang tên virus Epstein - Barr)

- Virut viêm gan B:

Gây ung thư gan nguyên phát hay gặp ở Châu Phi và châu Á trong đó có Việt Nam. Virus này khi thâm nhập cơ thể gây viêm gan cấp, kể cả nhiều trường hợp thoáng qua. Tiếp theo là một thời kỳ dài viêm gan mãn tính tiến triển không có triệu chứng. Tổn thương này qua một thời gian dài sẽ dẫn đến hai biến chứng quan trọng đó là xơ gan toàn bộ và ung thư tế bào gan.

- Virus gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục:

Loại này được coi là có liên quan đến các ung thư vùng âm hộ, âm đạo và cổ tử cung, các nghiên cứu đang tiếp tục.

- Virus HTLV1:

Là loại virut (rêtrô virut) liên quan đến gây bệnh bạch cầu tế bào T gặp ở Nhật Bản và vùng Caribê

Ký sinh trùng và vi trùng có liên quan đến ung thư

Chỉ một loại ký sinh trùng được coi là nguyên nhân ung thư, đó là sán Schistosoma. Loại sán này thường có mặt với ung thư bàng quang và một số ít ung thư niệu quản ở những người ả Rập vùng Trung Đông, kể cả người ả Rập di cư.”

       (NGUYÊN NHÂN UNG THƯ, Theo ThS. BS. Nguyễn Trọng Hiếu, trên trang web của bệnh viện K Hà Nội).

Trong lúc chưa tìm ra tất cả những nguyên do gây ra bệnh ung thư ở Việt Nam hiện nay, hay nguyên do lớn nhất, nguyên do chủ yếu nhất, tôi có thể nói theo hiểu biết sơ sài của bản thân, mắc ung thư hay không mắc ung thư, ngoài môi trường chung quanh, phần lớn đều do thói quen ăn uống (tức dinh dưỡng, chiếm 35% nguyên nhân theo thống kê), sinh hoạt hằng ngày, và nhất là cơ địa con người, mỗi người mỗi khác. Tôi tin vào câu nói của cổ nhân: Bệnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra. Hoặc câu nói của các bậc lương y Việt Nam: Bách bệnh do tỳ.

Người có thói quen uống nhiều rượu mạnh, rượu nặng, chắc chắn họ có nguy cơ ung thư gan hay ung thư vòm họng cao hơn những người uống ít, uống chừng mực, hoặc không uống. Người thường xuyên hút thuốc lá cả ngày lẫn đêm có nguy cơ ung thư phổi cao hơn người không hút (trừ trường hợp hít phải khói thuốc, có người bị ung thư, gọi là hút thuốc tự động). Người luôn thức khuya quá 12 giờ đêm, hoặc mất ngủ thường xuyên dễ mắc ung thư gan, tuyến tụy, hơn người đi ngủ đúng giờ, thức dậy đúng giờ. Người thường tập thể dục đi bộ đều đặn ít bị ung thư xương khớp hơn người ngồi ỳ trước tivi cả ngày lẫn đêm.

Tôi nói đến cơ địa mỗi người giúp họ mắc hay không mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hay mắc bệnh nặng. Tại sao có người hút thuốc từ lúc 13 tuổi cho đến 90 tuổi (má vợ tôi) nay phổi bà vẫn còn tốt? Hút thuốc lá ảnh hưởng đến quả tim nhưng ở tuổi già như thế, tim bà vẫn đập tốt? Tôi chắc nhiều cụ ở nông thôn quê tôi Quảng Nam, kể cả phụ nữ, vẫn hút thuốc lá khi họ còn nhỏ cho đến lúc có cháu kêu cố, nội, các lá phổi cũng không sao, còn thở đều đều, không khí ra vô không thiếu hơi nào?

Phụ nữ làm lụng ngoài đồng ruộng mỗi sáng tinh mơ, hút thuốc lá để xua muỗi, riết rồi thành thói quen, thành phong trào; họ hút thuốc lá nhiều đến nổi hồi xa xưa có câu ca dao vui: “Tiếng đồn con gái Quảng Nam. Mất mùa thuốc lá chết năm trăm người”. Nay, về quê, ra chợ quê, tôi thấy các sạp có bán thuốc lá, khách hàng đa phần là những cụ ông, cụ bà. Nếu hút thuốc ung thư thì các cụ đã về nước Chúa lúc bốn, năm chục tuổi, bây giờ đâu có còn “chống gậy” ra chợ mua thuốc lá?

Nói như thế để thấy, yếu tố gây bệnh, nhất là bệnh ung thư đến từ nhiều thứ và cơ địa từng người quyết định rất lớn trong việc mắc hay không mắc một loại bệnh nào đó. Bệnh luôn bám sát loài người.

Bệnh luôn có mặt trong cả những năm tháng thanh xuân cho đến những ngày héo hắt ở con người. Nếu nó không xuất hiện, con người sống phải hơn 125 tuổi, để đạt theo ước nguyện chúc nhau khi cưới vợ, lấy chồng: trăm năm hạnh phúc (đó là nói họ lập gia đình lúc 25 tuổi).

Tôi là người không hút thuốc, uống rượu (ít) bia (thường xuyên) rất chừng mực, luôn điều độ trong ăn uống, và nhất là tập thể dục hằng ngày (có thể nói trên 30 năm nay), tại sao tôi lại…mắc ung thư? Gia đình tôi ngoài anh chị em ruột 7 người, từ ông cố, ông nội, ông thân sinh, ai ai cũng sống khỏe, sống thọ, chẳng người nào chết vì ung thư. Chẳng biết đâu mà lần.

Như vậy, nếu mắc ung thư, người bệnh cũng không quy trách nhiệm cho ai (di truyền từ cha mẹ), hay vì nguyên do nào từ bên ngoài, mà hãy chấp nhận, nó đến với ta, và nếu có trách, thì ta là người đáng trách trước tiên; ví dụ, uống rượu thường xuyên khi bụng đói, lại rượu mạnh, độ cồn cao, rượu không rõ nguồn gốc, bệnh chai gan rồi ung thư gan là con đường phải tới.

Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, dẫu đó là ung thư, hãy chấp nhận mình bệnh, không ân hận chuyện sinh hoạt quá khứ, hãy bỏ đi “khúc trước”, mà chú ý “khúc này”: điều chỉnh lối sống trở nên lành mạnh hơn. Tôi có lối sinh hoạt hằng ngày khá lành mạnh nhưng tôi mắc cái tính nóng nảy.

Tôi hay nổi nóng trước những cái “chướng tai, gai mắt”; tôi có thể bỏ hàng mấy tiếng đồng hồ để “cãi cho hơn” một ai đó vì quá…tức, cứ cho họ “ngu” hơn mình, “cãi cho nó biết tay”. Tôi hồ nghi cái nóng nảy dẫn đến căn bệnh ung thư của mình. Khi chữa khỏi ung thư, một phần tuổi đang cập 60, “lục thập nhi nhĩ thuận”, (nghe sao cũng thuận, tức có nhận biết, chứ không “ba phải”) tôi bỏ hẳn, phải nói rất thần kỳ, sự nóng giận của mình, có khi vô cớ hay cớ rất nhỏ trước đó. Có phải khi con người thoát lưỡi hái tử thần, họ sinh ra bao dung hơn?

Sinh lão bệnh tử là quy luật nhưng tại sao có người “hưởng” quy luật “bệnh” nhiều hơn “lão”? Như nói ở trên, bệnh ung thư phát sinh do di truyền và môi trường. Bệnh nào lại không do di truyền và môi trường, cứ chi ung thư?

Thiền sư Nhất Hạnh, nói theo hiểu biết của ông về Phật pháp, con người chết không phải là mất. Tổ tiên mất đi? Không, họ hiện diện nơi ta. Ta mất đi? Không, ta hiện diện nơi con cháu. Đó là nhờ di truyền? Nếu ta không có con cháu, hiện diện ở đâu? Có thể là trong các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, thành tựu khoa học; nhỏ nhoi hơn là tình cảm, kỷ niệm đọng lại ở người còn sống…thậm chí là xác thân chôn sâu trong lòng đất. Đất sẽ sinh sôi cây cỏ. Cây cỏ sẽ mang hình hài của mình.

Nói qua triết lý cho vui thôi. Người trần như tôi thì không nghĩ sâu xa như các vị thiền sư trí tuệ. Sinh ra, đã mang lấy số phận con người, tôi phải sống, và sống chiến đấu (không phải giết “quân thù”) để khi không còn trên cõi đời, nhắm mắt, tôi mỉm cười mình đã sống xứng đáng sự “chiến đấu” với thiên nhiên, với con người, và nhất là với bản thân.

Do đó, khi mắc ung thư, ban đầu tôi “choáng váng”, thương cảm, nhưng một thời gian ngắn, tôi nghĩ, sợ hãi hay tủi thân, cũng không giúp mình thoát qua bạo bệnh. Tôi nghĩ, đã ở trong địa ngục, ngồi đó chịu chết, ngồi đó than vãn, sao số tôi hẩm hiu, không ai chung quanh ta bệnh mà ta lại bệnh. Tại sao tôi không đứng dậy để bước đi? Biết đâu nhờ bước đi, tôi có thể bước ra khỏi địa ngục? Ngồi đó đầu hàng hay bước đi với hy vọng, cái nào là chọn lựa tốt hơn?

Tôi thấy có nhiều người rất can đảm, họ không hốt hoảng khi biết mình ung thư. Họ thản nhiên chấp nhận, vui vẻ mang căn bệnh quái ác trong người. Họ không muốn đến bệnh viện chữa trị. Họ nghĩ chữa trị với tác dụng không mong muốn của hóa chất còn đau đớn cho cơ thể họ hơn căn bệnh đang có. Có ít người như thế. Họ chấp nhận. Nếu có chữa, họ chọn cách chữa trị “dân gian”, thuốc Nam, thuốc Đông y, họ không muốn hóa trị, xạ trị cơ thể đau đớn. Nhờ chữa trị “đau đớn”, tôi bước khỏi “địa ngục” (chẳng qua tôi mường tượng như thế; đâu phải ai ung thư cũng ở địa ngục?). Tôi “trở về” với người thân với gia đình, bè bạn. Đó là chọn lựa cá nhân, hạnh phúc “sau cơn mưa trời lại sáng”.

“Số khá, bĩ rồi thời lại thái

Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân” (*)

Lỡ có mắc ung thư, có chi mà phải lo ngại, phải sợ hãi? Tôi đã lo ngại và tôi đã sợ hãi. Nay tôi không còn lo ngại nữa, tôi không còn sợ hãi. Tôi đón nhận bịnh cũ nếu nó có trở lại, ở tư thế sẵn sàng. Bệnh, ai mà tránh khỏi, dẫu đó là ung thư.

Ngày nay, khoa học ngày càng tiến bộ; có nhiều cái thần kỳ về mọi lĩnh vực trong đó có y học. Người ta áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence) trong việc phát hiện, chữa trị ung thư. Rất nhiều nghiên cứu đột phá về phương pháp chữa trị ung thư, một ngày không xa, căn bệnh có tỷ lệ người chết trên số mắc khá cao sẽ được khống chế và đẩy lùi. Năm 2018, một loại vắc-xin ung thư mới vừa được tiêm vào người bệnh nhân đầu tiên tại Mỹ của Moderna Therapeutics, một công ty công nghệ sinh học Hoa Kỳ. Khi có vắc xin thì việc chữa trị ung thư sẽ không còn là vấn đề ảnh hưởng sức khỏe và tốn kém tiền bạc của người mắc bệnh ung thư.

Một thử nghiệm khác hứa hẹn rất lớn trong tương lai; người ta có thể sử dụng tế bào máu của những bệnh nhân ung thư sống sót thần kỳ để truyền cho các bệnh nhân khác với hi vọng giúp những người này “khỏi bệnh”.

Một tin mừng cho nhân loại đi theo hai nhà khoa học nữ vừa nhận giải Nobel hóa học năm 2020. Phát hiện của họ về điều chỉnh gen được sử dụng trong việc chữa trị ung thư, gọi là “chiếc kéo phân tử”

- CRISPR/cas 9. Người ta tiêu diệt tế bào ung thư ở chuột mà không làm hại tế bào lành kế cận nhờ chiếc kéo này. Thí nghiệm chữa hai loại bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với chuột: ung thư buồng trứng và u nguyên bào thần kinh đệm. Kết quả là tuổi thọ của chúng cao gấp đôi, cơ may sống sót cao hơn 30% so với đồng loại. Thông thường, các thí nghiệm thành công ở chuột bạch đều dễ thành công ở cơ thể con người. Điều chỉnh gen để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh sẽ là hướng chữa trị bệnh, nhất là ung thư, tiên tiến nhất của khoa học một ngày không xa.

Hy vọng ngày đó mau đến.

(*) Nguyễn Công Trứ